Ðem Tâm Tình Của Người Thầy Thuốc Nghe Trường Ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy
- Chi tiết
- Nguyễn Xuân Quang
- Lượt xem: 3915
Tôi đến với anh chị Phạm Duy và trường ca Hàn Mặc Tử. Tôi nói hai chữ ấm cúng không màu mè một chút nào cả. Anh Phạm Duy đã cho chúng tôi thưởng thức nhạc trong ”tổ ấm” của anh. Nếu tôi không lầm, cái giường ngủ của anh đã được khiêng đi chỗ khác để lấy chỗ làm ”sân khấu”. Với con mắt của người thầy thuốc, nhìn dấu chân giường in hằn sâu trên thảm, tính ưa khôi hài của tôi lại nổi dậy: anh Phạm Duy còn ”khỏe” lắm! Chả thế mà anh còn sáng tác rất hăng, bằng chứng là giờ đây chúng ta lại có thêm một trường ca nữa: trường ca Hàn Mặc Tử.
Căn phòng đầy những máy móc điện tử và điện não. Có lẽ Phạm Duy là một ”ông già” chơi máy móc hiện đại cừ khôi vào bậc nhất không kém gì mấy tay trẻ hiện nay. Tôi không phải là một người phê bình âm nhạc hay ca khúc và không bao giờ dám làm. Vả lại làm việc đó đối với anh Phạm Duy là một việc thừa. Tôi chỉ xin ghi lại đây một vài tâm tình của người thầy thuốc khi nghe thơ của một người bệnh bất hạnh nhưng đa tài Hàn Mặc Tử và nghe thơ ông được cây đũa thần Phạm Duy phổ thành trường ca.
Ai cũng biết rõ Phạm Duy, ngoài những bản nhạc nổi tiếng với lời ca do chính anh soạn, còn là một tay phù thủy phổ thơ thành nhạc. Anh đã đưa những nhà thơ tiếng tăm thêm nổi danh vời vợi cũng như anh đã đưa những người làm thơ chưa ai biết tên trở thành biết tiếng. Anh đã phổ thơ cũ, thơ tiền chiến cho đến thơ mới, thơ trong nước thơ hải ngoại, trước và sau 1975, kể ra không xuể. Xin kể một vài bài: Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ, Ngậm Ngùi của Huy Cận… Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Ðừng Bỏ Em Một Mình của Hoài Trinh, Mùa Thu Paris, Tiễn Em của Cung Trầm Tưởng, Ðồi Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương, Khi Tôi Về của Kim Tuấn, Còn Chút Gì Ðể Nhớ của Vũ Hữu Ðịnh… Thơ đạo Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, Em Lễ Chùa Này của Phạm Thiên Thư. Thơ ”phi đạo” Thà Như Giọt Mưa, Em Hiền Như Ma Soeur… của Nguyễn Tất Nhiên… Thơ hải ngoại như Mười Năm Một Chuyện Tình Buồn của Hà Huyền Chi; Thư Em Ðến, Mai Mốt Ông Về của Cao Tần, Mây Trôi, Trôi Hết Một Ðời của Nguyễn Xuân Quang… Rồi Ngục Ca thơ Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Cầm Ca thơ Hoàng Cầm… Dĩ nhiên còn nhiều nữa.
Khi được hỏi lý do tại sao anh phổ thơ Hàn Mặc Tử thành một trường ca, anh cho biết, anh vốn là người yêu thơ ngay từ khi còn nhỏ, lớn lên anh có nhiều bạn làm thơ hay, riêng về Hàn Mặc Tử (Hàn Mặc Tử), anh đã bị ”ám ảnh từ khi biết yêu những bài thơ đầu đời của ông (Hàn Mặc Tử)” và anh ”còn yêu cho tới bây giờ”. Trước đây anh cũng đã phổ bài thơ Tình Quê của Hàn Mặc Tử vào năm 1958. Bài Giết Người Trong Mộng anh soạn vào cuối thập niên 60 cũng có xuất xứ từ hai câu thơ của Hàn Mặc Tử. Anh cũng cho biết thêm ”sau khi đi vào Ðạo Khúc, Thiền Ca năm ngoái” anh muốn tiếp tục ”nói tới chuyện hóa giải nỗi oan khiên to lớn của cuộc đời Việt Nam sau nửa thế kỷ chiến tranh và hận thù bằng con đường đi vào Ðạo để siêu hóa mọi sự”. Anh đã thấy trong thơ Hàn Mặc Tử có Tình Yêu, Ðau Khổ, Cái Chết và Ðức Tin (Ðạo), những chủ đề mà anh cũng đã theo đuổi từ lâu. Và anh đã làm trường ca Hàn Mặc Tử này.
Về kỹ thuật, anh lè lưỡi ”phải thú thực là phổ thơ Hàn Mặc Tử khó vô kể. Trong một năm trời, vật lộn với thơ Hàn MặcTử, nhiều khi tôi chỉ muốn chết theo thi sĩ.” Anh muốn giữ nhịp điệu trong thơ Hàn Mặc Tử nên phải tìm cách ”phong phú hóa ở giai điệu hay ở thể điệu”.
Trường ca Hàn Mặc Tử gồm có ba phần :
* Phần một với tựa đề Tình Quê gồm những bài Tình Quê, Ðây Thôn Vĩ Dạ, Ðà Lạt Trăng Mờ. Phần này Phạm Duy diễn đạt sự ”bình thản trong lòng cũng như trong tâm hồn của một con người hay là của một nước Việt Nam thanh bình”. Dưới con mắt y học, chúng tôi lại cho rằng đây là tuổi dậy tình và thời kỳ ủ bệnh của Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử sinh năm 1912. Năm 1936, lúc hai mươi bốn tuổi biết mình bị bệnh nhưng chưa biết mình bị bệnh Hansen. Một hai năm sau biết mình bị bệnh hiểm nghèo. Năm hai mươi tám tuổi chết tại nhà thương Qui Hòa (Qui Nhơn và Tuy Hòa). So với các bệnh nhiễm trùng khác, thời gian ủ bệnh của Hansen rất lâu, tối thiểu là hai đến ba năm, trung bình là năm đến bẩy năm, tối đa là 40 đến 50 năm.
Như thế Hàn Mặc Tử, tính theo trung bình, đã mang bệnh từ lúc mười bẩy, mười tám tuổi, ở tuổi đang dậy tình và biết mình bị Hansen vào tuổi 25, 27, ở tuổi tình dục đang hoạt động mãnh liệt. Trùng Hansen cộng với vốn tính đa tình, phóng túng của người nghệ sĩ đã là yếu tố chính yếu khiến tình dục trong thơ Hàn Mặc Tử đã ”khác lạ”, ngay của lúc bệnh chưa hiện ra ngoài, ngay cả lúc ông làm thơ khi mười bẩy mười tám tuổi. Hiểu như thế, ta sẽ thông cảm với Hàn Mặc Tử và thông cảm luôn với các nhà phê bình văn học. Phạm Thế Ngữ trong Việt Nam Văn Học Sử cho rằng: ”Hàn Mặc Tử ca tụng ái tình với một giọng suồng sã đắm đuối”.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
. . . . .
Một nường con gái trông xinh xinh,
Ống quần vo xắn lên đầu gối,
Da thịt, trời ơi, trắng rợn mình
. . . . .
Ồ kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…
Ở đây chúng tôi xin nhấn mạnh một điều là trong thơ Hàn Mặc Tử lúc nào cũng đã có sự hiện diện của trùng Hansen trong người ông rồi. Ngay cả thơ tình ông làm hồi mười bẩy mười tám tuổi cũng đã là thơ có mặt trùng Hansen trong thời kỳ ủ bệnh. Trùng Hansen ”tha thẩn” hai tuần mới phân sinh (divide), mới nẩy nở một lần. Chính trùng Hansen đã làm cho thơ ông ”nhiều khúc mắc… lời thơ nhiều khi rất thô” (Vũ Ngọc Phan). Những vi trùng này cắn, đục, khoét, cấu, xé, rứt… vào dây thần kinh Hàn Mặc Tử, lúc ”tha thẩn”, lúc cuồng điên, khiến cho vần điệu thơ ông nhẩy dội lên, nhẩy đổng lên, rồi buông rơi xuống hay bay nhẩy tứ tung như bị tra tấn. Ðây chính là điểm khó phổ thơ Hàn Mặc Tử thành nhạc và ngoài Phạm Duy khó có ai làm nổi.
Bài Tình Quê đã được Duy Cường soạn theo điệu nhạc chiều (serenade) theo Phạm Duy ”rất tha thẩn, quanh co, lang bạt, man mác” được giọng ca đầm ấm Duy Quang hát lên.
Trước sân anh thơ thẩn
Ðăm đắm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê…
Bài Ðây Thôn Vĩ Dạ, theo Phạm Duy, ”từ giai điệu qua hòa điệu cùng với tiếng hát Thái Hiền, tất cả đều rất mượt mà, rất đậm đà, rất ngọc ngà…” Giọng ca Thái Hiền điêu luyện và có sắc thái riêng, đòi hỏi tai nghe, nhiều lúc chúng tôi đã trách giới nghe nhạc bất công với người nữ ca sĩ này. Thái Hiền phải có một địa vị sáng chói hơn một vài ca sĩ khác.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt qua xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…
. . . . .
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Trong bài Ðalat Trăng Mờ, Phạm Duy nói ”tính chất thiêng liêng nổi bật qua sự nhắc đi nhắc lại một nhạc đề có nét nhạc minơ (giống như âm giai Nhật Bản dùng cho tiếng sáo shakuhachi), chuyển dần qua đoạn majơ trong sáng ở cuối bài”. Hòa âm của Duy Cường làm nổi thêm giọng hát ”đắm đuối” của Tuấn Ngọc.
Ðây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mờ trong cảnh huyền mơ thực huyền mơ
Trời sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một giấc mơ
Xin hãy nín thinh chớ nói nhiều
Xin hãy nín thinh chớ nói nhiều
Ðể nghe đáy nước hồ reo nước hồ reo
Ðể nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa YÊU…
Ở đây ta đã thấyTình Yêu của Hàn Mặc Tử đã có trăng sao, vũ trụ, siêu thực và siêu nhiên. Ở đây đã thấy dấu chứng bệnh lấp ló. Chúng tôi sẽ nói rõ về y học ở dưới.
* Phần thứ hai của trường ca với nhan đề Trăng Sao. Mở đầu bằng bài Trăng Sao Rớt Rụng.
Giọng nữ Thái Hiền êm đềm trong sáng kèm theo với giọng nam Tuấn Ngọc hoảng hốt, kinh hoàng. Hòa âm của Duy Cường ở đây lên đến tuyệt đỉnh với những tiếng ma hú gọi hồn, tiếng sáo mèo ma quái rợn người, nhiều chỗ nghe nổi gai ốc. Ở đây có gió nổi, có dông tố, có bão táp như trời sáng nay.
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi
Ôi vầng trăng cao sáng,
Lạy chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi
Xin ban cho sáng thêm lên
Sáng thêm lên cho không gian rất đẫm
Cho hồn thơ mát rợn đến hương nguyền
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi.
. . . . . .
Tôi đi trong ánh trăng mờ
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia
. . . . . .
Ha ha tôi đuổi theo trăng
Ha ha tôi đuổi theo trăng
Trăng bay tơi tả trăng tan
Trăng ngã trên cành ngã trên cành vàng…
Nghệ sĩ yêu trăng từ ngàn xưa đến giờ, nhưng Hàn Mặc Tử không những yêu trăng mà điên với trăng, rồ với trăng, dại với trăng, quằn quại với trăng. Trước đây có người giải thích rằng trùng Hansen đục khoét thân xác nhiều về đêm, làm đau đớn nhiều về đêm nên bệnh nhân mất ngủ và lấy trăng làm nguồn an ủi, nơi giãi bày thống khổ. Tác giả biết chắc thêm một điều nữa là những vi trùng Hansen đã làm tổn hại dây thần kinh mắt của người bệnh khiến bệnh nhân sống với ánh trăng êm dịu hơn. Nắng làm hại mắt thêm ở người bệnh đã bị tổn hại thần kinh thị giác. Nắng chói mắt. Nắng đổ đom đóm mắt. Nắng chói lòa. Nắng lòa chòa. Nắng mờ mắt. Nắng hoa cả mắt. Nắng nhức mắt. Nắng nhói con mắt. Nắng lòa mắt. Nắng mù mắt. Nên người bệnh Hansen yêu trăng, sống với ánh trăng êm dịu, vỗ về. Với hồn thơ, với bệnh tật, có lẽ đã có biến chứng về mắt, với dấu ấn sỉ nhục của người đời nên Hàn Mặc Tử đã sống điên, rồ, dại cùng trăng. Tiếc một điều là tác giả chưa được xem hồ sơ bệnh lý của Hàn Mặc Tử. Không rõ trong đó có nói gì đến mắt của Hàn Mặc Tử không. Nhưng dựa vào sự viêc ông mất quá nhanh (chỉ bốn năm sau khi bệnh thấy rõ) như thế biến chứng vào thần kinh mắt không thể nào tránh khỏi. Theo một thống kê gần đây, ở Ba Tây có đến 33% người bệnh Hansen có thị độ dưới 20/200. Tương tự như thế, tranh Monet gần như chỉ có một màu xanh lam da trời. Monet cũng bị bệnh mắt. Tác giả sẽ có bài viết về nhà danh họa này.
Tới bài Hồn Là Ai? Bệnh đã không kiểm soát được nữa rồi. Hàn Mặc Tử đã điên loạn cùng trăng ”cười như điên sặc sụa cả mùi trăng”. Hàn Mặc Tử sắp chết, đã mê sảng, đã thấy hồn thấp thoáng lăm le muốn lìa khỏi xác. Giọng ca Tuấn Ngọc ở đây, theo Phạm Duy ”rất sân khấu” (đã thoát ra nhạc phòng trà). Tiếng sáo mèo Duy Cường đưa vào đây như những luồng âm khí chết chóc, lạnh người, len lỏi quanh chỗ người nghe. Ôi tiếng sáo mèo ma quái.
Hồn là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết (3 lần)
Hồn theo tôi, theo tôi, hồn như muốn cợt tôi chơi
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng
Tôi đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên…
Bài chót của phần hai trường ca là Trút Linh Hồn. Ở vào lúc sắp lìa đời này, Hàn Mặc Tử đã thúc thủ xuôi tay cho bệnh hoạn hành hình, ông cũng đã tìm thấy một nơi trăng sao nào đó ngoài trái đất này làm cõi sống vĩnh cửu và ông cũng đã tìm thấy đức tin trong Thiên Chúa, nên tâm hồn ông đã thấy được an bình. Thi sĩ đã chết trong trại cùi Qui Hòa. Tiếng sáo mèo ở đây được Duy Cường dùng làm kèn đám ma. Ôi tiếng kèn đám ma Việt Nam mấy ngàn năm não nuột.
Sáng như gươm lạnh như ma (2 lần)
Ngọn bút thần khai phước lộc nhà
Mực lòa khí vị vô hồn chữ
Văn bút hào quang ở miệng ta…
. . . . . . . .
Ta trút linh hồn giữa nơi đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Xin để tang anh đến vạn ngày.
Nghe khúc nhạc này tôi thấy lại trước mắt những ngày còn học ở thành phố Qui Nhơn thuở nhỏ, những chiều cuối tuần cùng bạn bè vào Ghềnh Ráng lên đồi mộ Hàn Mặc Tử, nơi có tượng Ðức Mẹ Maria, nhìn xuống hải cảng Qui Nhơn. Chúng tôi thường ngồi nhổ cỏ dại trên mồ, rồi sau đó đi hái sim, hái dù dẻ. Những lần đi một mình tôi cũng đã ngồi bên mộ Hàn Mặc Tử làm thơ. Trước đây mấy chục năm, Hàn Mặc Tử đã làm thơ vượt quĩ đão địa cầu. Lúc đó, tôi cũng đã làm thơ đi ra ngoài vũ trụ không gian:
Em bay,
Anh bay,
Chúng mình bay về một hành tinh không có đêm ngày.
(Nguyễn Xuân Quang, Thần Tượng)
Tôi nằm đây, trong tiêu điểm không gian,
Nghe cái chết bầy nhầy man mát.
Lật bàn tay xem giờ tận số
Thằng bé con Thần Chết leo qua cửa sổ.
Tôi giơ tay: bonjour!
Nó nhìn ngây ngô như thằng mán rừng.
. . . . . .
Nó bắn
Khẩu súng chết,
Vì không còn viên đạn.
Mồ hôi ướt đầm trên trán.
Nó lạy như tế sao.
Tôi xách tai.
”Mày hãy về mài dao cho sắc,
Nói với tên Bắc Ðẩu, Nam Tào,
Sổ loài người không có tên tao trong Ðịnh Mệnh”
(Nguyễn Xuân Quang, Ngoại Sổ, Thần Tượng)
Tôi đi học, cặp đầy gối, chăn, màn,
Khi bà cô non ngồi giảng láo,
Tôi chui xuống gầm bàn,
Bốn chân mắc bốn đầu màn,
Ngủ về vô cực không gian
(Nguyễn Xuân Quang – Ngủ Về Vô Cực Không Gian, Thần Tượng)
Chúng tôi cũng đã đi đến trại cùi Qui Hòa, nơi Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng. Dọc đường gặp những người bệnh, họ né tránh đi qua lối khác, cúi gầm mặt xuống đất, không dám nhìn chúng tôi. Những người bệnh ”hủi cùn hủi cụt” này làm củi, đốt than, nhưng thiên hạ bảo nhau rằng đừng có dại dột mà dính với cùi với hủi, nên bán chẳng ai mua… họ lầm lũi đi ”lầm lũi như thằng hủi đi chợ trưa” (ca dao)…
* Phần ba của trường ca với nhan đề Ave Maria với ba bài Lạy Bà Là Ðấng Tinh Tuyền Thánh Vẹn, Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en,. Phượng Trì, Ôi Phượng Trì. Vào những giây phút đớn đau cùng tận do sự tra tấn hành hạ của bệnh tật và dấu ấn sỉ nhục của người đời, Hàn Mặc Tử đã tìm thấy niềm tin nơi Thiên Chúa. Phần ba này do ba giọng ca Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo trình diễn:
Ma ri a Ma ri a
Ma ri a linh hồn tôi ớn lạnh
Ma ri a Ma ri a
Run như run thần tử thấy long nhan
Ma ri a Ma ri a
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Phạm Duy cho biết anh làm đoạn đầu ca khúc này từ lâu, có lẽ trước cả bài của Hải Linh.
Bài thứ hai Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Ga brien:
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga brien (2 lần)
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Người có nghe náo động cả muôn trời…
Riêng bài chót Phượng Trì Ôi Phượng Trì có cái tên rất lạ. Anh Phạm Duy cho biết anh đã đọc quyển Hàn Mặc Tử, Anh Tôi của Nguyễn Bá Tín và biết được rằng Hàn Mặc Tử khi coi phim kiếm hiệp Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự, thấy nhân vật Cam Phượng Trì, đứng trên cao nhìn bạn bè bị tàn sát, buồn rầu phi thân bay mất dạng lên trời cao. Người tình Diệp Tiểu Thanh chạy đi tìm, réo gọi ”Phượng Trì! Phượng Trì! Phuợng Trì!” Tiếng gọi này cho Hàn Mặc Tử ý niệm ”bay về trời”.
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
. . . . .
Thơ tôi bay suốt một thời chưa thấu,
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
Amen
Bài chót trong trường ca này, Phượng Trì Ôi Phượng Trì, cho thấy cái tài siêu đẳng soạn nhạc của Phạm Duy mà các tác giả khác không có được. Ðó là láy, lặp lại và nhái đi nhái lại. Nhét vào đầu, nhét vào tai người nghe. Nhồi, nhồi, nhồi sọ. Chỉ mấy chữ Phượng Trì, ôi Phượng Trì thôi nhưng nghe lặp đi lặp lại in hằn vào tim óc, thấy rõ Hàn Mặc Tử bay về một khoảng không gian nào đó, muốn, muốn và muốn bay mãi, ”hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu”.
Nhắm mắt lại ngồi nghe trường ca Hàn Mặc Tử, tôi đã thấy rất rõ lại những nốt cùi hủi, những đốm da sượng sần, tôi đã thấy lở loét, tanh hôi máu mủ, tôi đã thấy quằn quại đớn đau, tôi đã thấy cuồng điên, tôi đã thấy rồ dại vì bệnh tật, tôi đã thấy những dấu sắt nung đỏ rực đóng dấu lên mặt người bệnh Hansen, tôi đã thấy phát vãng, tôi đã thấy lưu đày, tôi đã thấy tù đày trong những trại cùi hủi, tôi đã thấy những người áo trắng chữa bệnh trong nghèo khổ, tôi đã thấy hận thù, tôi đã thấy giá áo túi cơm, tôi đã thấy ngu si, dốt nát, tôi đã thấy nghèo đói, bệnh tật, tôi đã thấy những con người nhân danh này nhân danh nọ, lành lặn nhưng còn hủi cùn, hủi cụt hơn những người bệnh bị đóng dấu ấn sỉ nhục này…
Những câu thơ đó ngày trước chúng tôi đã đọc, chúng tôi đã chép trong những trang vở học trò, bây giờ Phạm Duy, Duy Cường đã biến hóa thần sầu, đã nói lên gấp trăm, gấp vạn lần bằng âm nhạc, bằng giai điệu. Trong triệu triệu người bị bệnh Hansen từ khi loài người có mặt trên trái đất này đến giờ, có lẽ hiếm hoi mới có một người làm thơ như Hàn Mặc Tử nói lên cái thống khổ, cái đau thương, cái khổ nhục của chứng bệnh bất hạnh này. Và bây giờ chỉ có Phạm Duy, một Phạm Duy duy nhất, mới chở nổi những khổ đau đó tung ra ngoài quần chúng. Chúng ta biết rõ nhạc chở thơ đi thẳng vào lòng người một cách dễ dàng.
Chúng tôi không những chỉ muốn trường ca Hàn Mặc Tử này cất cánh bay khắp trong bầu trời dân Việt mà muốn nó bay ra khắp cõi trần gian này. Vì bệnh Hansen không phải chỉ giới hạn trong dân Việt. Nó là đại họa của loài người. Chúng tôi muốn trường ca này dịch ra trăm thứ tiếng và hát lên cho những người bệnh Hansen hiện đang bị giam giữ ở những nơi sơn cùng thủy tận, xó núi góc rừng nghe. Hát cho họ nghe, nói cho họ biết rằng chúng ta thấu hiểu nỗi thống khổ nhục nhã của họ. Hát lên chia sẻ với họ, hát lên cho cả những người trong và ngoài y giới đang hy sinh chăm sóc, chữa trị mà không sợ ”bị hủi dính vào người”. Trường ca này không phải chỉ là một thông điệp của bệnh Hansen, một trái tim, một tấm lòng, một bàn tay xoa dịu mà còn là một trị liệu, một phương thuốc chữa trị cho người bệnh, cho những người chữa bệnh và cho cả đại chúng đang hà khắc đọa đày những người bệnh Hansen bất hạnh này.
Mỗi con người sống trên trái đất này nhất là y giới có bổn phận góp một tay vào việc quảng bá trường ca Hàn Mặc Tử này để tận diệt chứng bệnh Hansen được mau chóng. Xin hãy góp một bàn tay. Ước ao một đêm nào đó, dưới ánh trăng ngoài trời, ở một trại Hansen nào đó, ở một xó núi, góc rừng nào đó, ở Ấn Ðộ, ở Ba Tây, ở Phi Châu, ở Việt Nam quê hương tôi, tôi được nghe trường ca này hát lên.
Nhiều lúc tôi thấy mình là một người may mắn. May mắn đã được đeo ống nghe lắng nghe thấy những nốt nhạc tiếng tim và những dòng nhạc khởi nguồn ngay từ trong trái tim Phạm Duy. Cũng như tôi đã may mắn thấy bộ dây phát âm bằng vàng ở cổ họng ca sĩ Khánh Ly.
Nguyễn Xuân Quang
Nguyệt San Y TẾ PHỔ THÔNG
Bộ 1 – số 12, tháng 12-93
Nguồn: http://bacsinguyenxuanquang.wordpress.com/2009/04/20/em-tm-tnh-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%E1%BA%A7y-thu%E1%BB%91c-nghe-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ca-hn-m%E1%BA%B7c-t%E1%BB%AD/