Phạm Duy: Dấu Ấn Trăm Năm
- Chi tiết
- Trần Thu Miên
- Lượt xem: 4042
Những bước chân ông đi từ quê nhà sang chốn tha hương đều đã để lại dấu ấn văn hóa Việt Nam. Bởi vì trái tim ông là trái tim Việt Nam nguyên thủy: trái tim Việt Nam không đảng phái; trái tim thiên tài nghệ sĩ Việt Nam.
Nếu Nguyễn Du được coi là thiên tài thi ca Việt Nam thì Phạm Duy cũng phải được coi là thiên tài về ca khúc Việt Nam. Trên phương diện sáng tác thuần túy, Nguyễn Du dựa vào cốt truyện cổ của Tàu, nhưng Phạm Duy, ngoài những ca khúc phổ nhạc từ thơ người khác, đã sáng tác các ca khúc bằng trái tim và cảm nghiệm từ đời sống sống riêng tư hay xã hội đương thời. Tác phẩm của Nguyễn Du không trải dài, không phủ rộng trên mọi khía cạnh tình cảm, đời sống, lịch sử, và thân phận Việt Nam như các tác phẩm của Phạm Duy. Ca khúc Phạm Duy thấp thoáng mái chùa, mêng mang tiếng chuông giáo đường, đau đáu nỗi thống khổ của chiến tranh thù hận, rờn rợn sự dã man của ngục tù, và tha thiết nỗi say đắm lãng mạn của tình yêu. Hơn thế nữa, ca khúc của ông còn chuyên chở dòng lịch sử và vận nước đến lòng người nghe.
Một người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước như Việt Nam trong thời đại ông sống mà đã có khả năng sáng tác ca khúc theo dòng nhạc Tây Phương như ông thì ít lắm. Ông không được học âm nhạc như những vị nhạc sĩ được đào tạo trong các nhạc viện Tây Phương. Tuy vậy, dù thời nay nhiều người Việt Nam có bằng cấp cao về âm nhạc Tây Phương, nhưng vẫn chưa ai vượt qua tài năng và nét độc đáo của Phạm Duy. Cách cấu trúc của nhiều ca khúc của ông có thể dùng để dạy sinh viên âm nhạc sáng tác ca khúc trong các trường dạy âm nhạc Việt Nam. Chỉ tiếc vì tính ghen tị hay quan niệm đảng phái thiển cận nên việc này vẫn chưa được thực hiện đúng mức.
Bóng Phạm Duy đã lìa xa cuộc đời, nhưng hồn Phạm Duy vẫn còn ở lại cho tới ngày nào không còn Việt Nam. Tại sao? Thưa vì thế hệ tôi, và nhiều thế hệ trước, sau, học yêu quê hương dân tộc bằng những lời ca của ông chất chứa đầy dẫy những hình ảnh và tâm tình Việt Nam. Làm sao không yêu quê mình, và yêu mẹ mình khi nghe những lời ca chân chất ngọt ngào trong "Trường Ca Mẹ Việt Nam?"
Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng...
Nghe bài "Bà Mẹ Gio Linh" của ông để rờn rợn ớn lạnh nghĩ về sự tàn bạo của chiến tranh:
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu...
Ai lớn lên trong cảnh nghèo của đồng quê Việt Nam hay ở thị thành mà không thương mẹ mình thêm khi nghe bài "Bà Mẹ Quê":
Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui...
Nghe "Trường Ca Mẹ Việt Nam" không những để biết yêu quê hương mình nhưng còn nhìn ra được hình ảnh Mẹ Việt Nam chính là hình ảnh Mẹ của mình. Nghe "Trường Ca Mẹ Việt Nam" để học về địa lý và hãnh diện về lịch sử đất nước mình.
Sông Hồng cuộn sóng lôi cuốn Sông Lô
Sông Ðà, Sông Ðuống trôi xuống Sông Cầu
Nghe Bạch Ðằng Giang chôn bao nhiêu xác quân Tầu
Sông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu...
Còn lời ca nào xứng đáng hơn để ca ngợi và diễn tả linh hồn Việt Nam bằng lời ca trong bài kết thúc "Trường Ca Mẹ Việt Nam".
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình Yêu đây là khí giới
Tình Thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người...
Khi ta cất lên tiếng hát "Việt Nam Việt Nam" từ "Trường Ca Mẹ Việt Nam", ta nghe và cảm ngay được sự Cao Quí của Linh Hồn và Chân Lý Việt Nam, sự hiền hòa của Giấc Mơ và Hy Vọng Việt Nam. Chưa có bài ca nào về Việt Nam hay hơn bài "Việt Nam-Việt Nam" của Phạm Duy vì ca từ "không đằng đằng sát khí!" "không hận thù," "không đổ máu," "không phơi xác," "không uống máu quân thù," nhưng chỉ có "công bình bác ái," "yêu thương nhau," để cùng nhau "đi xây dựng tình người." Bài Việt Nam-Việt Nam của Phạm Duy chan chứa Tính Từ Bi của Phật Giáo đã được hòa nhập vào dòng máu Việt Nam cả ngàn năm. Và Giáo Lý Công Bình Bác Ái của Thiên Chúa Giáo cũng được nhắc nhở lại trong ca khúc này.
Rồi khi nghe "Con Đường Cái Quan" ta thấy được dòng lịch sử Việt Nam từ huyền thoại Mẹ Trăm Con đến những câu chuyện chống ngoại xâm giữ nước của tổ tiên Việt Nam cả ngàn năm qua.
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Đã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi Ơi người ơi
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi Ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn ...
Nghe ông kể chuyện hậu chiến mà tan tác cõi lòng. Người trở về sau cuộc chiến mang thương tích trên thân thể nên phải "lê" từng bước. Tuy thế vẫn thấy lòng phấn khởi để về vì còn mẹ còn người yêu còn làng xóm.....Niềm vui của người trở về là niềm vui rất nghịch lý trong những mất mát không ngờ.
Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về
Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ
Thế hệ tôi học ca ngợi Việt Nam mỗi lần vươn cao tiếng hát "Việt Nam, Việt Nam." Thế hệ tôi học yêu thương hẹn hò nhung nhớ khi nghe "Con Đường Tình Ta Đi." Học làm người nhân đạo khi nghe "Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?" Học chán chường khi nghe những dòng thơ mới lớn của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy, như phù thủy, tài tình biến thành ca khúc nghe đau đáu trong tim. Thích đi lễ chùa khi nghe thơ Phạm Thiên Thư "Đầu mùa xuân cùng em đi lễ / Lễ chùa này vườn nắng tung bay" được Phạm Duy phổ nhạc. Hay đến nhà thờ sau khi nghe "Con quì lạy Chúa trên trời" thơ của Nhất Tuấn được ông phổ nhạc. Nghe bài "Xin Tình Yêu Giáng Sinh" (thơ Trụ Vũ), ai có thể nói rằng ông không tin vào Thiên Chúa nhân từ. Không phải là người viết Thánh Ca, nhưng dòng nhạc trong ca khúc này nghe tha thiết như âm thanh bài Thánh Vịnh...Nếu không biết gốc tích nhạc sĩ, người ta có thể nghĩ rằng người viết ca khúc là một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành. Cái đẹp của niềm tin Thiên Chúa Giáo hẳn đã lay động và thấm nhập vào tim nhạc sĩ để viết lên được dòng nhạc tha thiết như vậy.
Xin tình yêu giáng sinh
Trên quê hương cằn cỗi
Xin tình yêu giáng sinh
Trên địa cầu tăm tối
Xin tình yêu giáng sinh
Trong lòng người hấp hối
Xin tình yêu giáng sinh
Trên cuộc đời lầy lội.
Ông còn đi xa hơn nữa trong phạm trù Thiên Chúa Giáo với ca khúc "Chúa Hòa Bình." Ca từ lấy ra từ câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh Thánh. Câu huyện ngụ ngôn này là một bài học rất nhân bản. Thường thì ta cứ dựa vào tục lệ, lề luật truyền thống, hay chủ nghĩa chính trị để kết tội người khác. Người đàn bà "ngọai tình" trong ngụ ngôn Kinh Thánh, nếu xét theo cổ luật người Do Thái hay cổ luật của nhiều vùng theo Hồi Giáo ngay trong thời đại này, phải chịu tử hình bằng cách ném đá. Đức Giê-Su đã không ngại lên án việc con người xét xử nhau như thế. Ngài đã thách thức đám người muốn ném đá phụ nữ ngoại tình. Ngài bảo họ cứ ném đá người phụ nữ ngoại tình đi nếu chính bản thân họ chưa bao giờ phạm tội. Đám người ấy đã im miệng cúi đầu bỏ đi. Có ai trong chúng ta chưa bao giờ phạm tội? Chưa bao giờ làm điều sai trái? Thế nhưng con người vẫn "ném đá nhau!"
Ðã chót mang tội gốc
Gái hư thân não nùng
Khóc giữa nơi quần chúng
Nằm cho viên đá quăng
Hỡi những ai ở đó !
Sẽ đóng vai phán toà
Nếu tự thấy không tội lỗi
Thì quăng viên đá coi.
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Thương sót cho giống người
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Không xét người! Xét tôi!
Tôi và những người bỏ nước đi tìm tự do cũng được học bài học lịch sử di dân sau bi cố lịch sử 1975 khi nghe "Bầy Chim Bỏ Xứ":
Bầy chim buồn bã
Rủ nhau trốn quê hương.
Vì đâu bỏ xứ
Ðể lê kiếp tha phương ?
Chim hỡi chim ơi !
Chim hỡi chim ơi!
Lịch sử chạy trốn bỏ chế độ Cộng sản đã được ông ôn lại, kể lại thật bi tráng oái oăm.
Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa
Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời
Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!!!
Trên mọi lãnh vực tư tưởng từ liên hệ trái gái, truy hoan tình dục, tình yêu quê hương, hậu quả chiến tranh, đến lãnh vực thần linh tôn giáo đều được Phạm Duy để lại dấu ấn của mình. Ông nói về sự sống và bàn về sự chết như những gì cần phải bàn đến trong cuộc đời.
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Trên đây chỉ là vài thí dụ về những đóng của Phạm Duy cho Văn Hóa Việt Nam. Văn hóa là những gì còn sót lại trong ký ức trong trí nhớ của một dân tộc. Những "cái còn sót" lại này phải được tiếp tục lưu truyền và thể hiện trong lòng xã hội, qua những sinh họat của các tổ chức, hội đoàn, gia đình và cá nhân. Và dĩ nhiên là văn hóa không tự nhiên mà có. Nền văn hóa nào cũng cần hai nhân tố: người đóng góp và người thực hành. Các nhà tư tưởng, các nhà phát minh, các nhà chính trị, và dĩ nhiên các nghệ sĩ là những thành phần đóng góp vào sự phát triển và trưởng thành của văn hóa. Như vậy, Phạm Duy là người đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam qua phương diện âm nhạc. Sự đóng góp của ông cho tới nay vẫn là sự đóng góp lớn chưa từng có. Ngoài các đóng góp có tính "bác học-scholarly" cho việc khai phá nền âm nhạc Việt nam, ông còn đóng góp trên phương diện nung nấu lòng yêu nước-yêu dân tộc. Rất nhiều lời ca của ông có thể dùng làm những bài học về lòng yêu nước, về tình gia đình, về tình nhân đạo, và cả về cách cư xử đời thường.
Người ta đã bàn và viết nhiều về ông. Riêng tôi, chưa có cơ duyên để truyện trò với ông. Nhưng một người bạn của tôi, Nhất Chi Vũ, kể cho tôi nghe là khi bạn tôi còn trẻ, vừa tập tành viết ca khúc, anh đã gửi thư cho Phạm Duy và được ông hồi âm rất chân tình. Thái độ này là thái độ của đàn anh có trái tim nhân hậu và rộng lượng. Khi bạn tôi gửi thư cho ông thì lúc đó ông đã là một cổ thụ trong âm nhạc Việt Nam. Một người nổi tiếng như ông mà vẫn không coi thường những người vừa tập tễnh vào nghề không phải là điều thường xảy ra.
Bây giờ cuộc đời hát "nghìn trùng xa cách" để tiễn đưa ông, để vĩnh biệt ông. Nhưng ca khúc của ông vẫn còn ở lại trong tim những người yêu quí ông. Và trong Trái Tim Việt Nam sẽ mãi mãi còn dấu ấn ông để lại.
Thật ra thì chúng ta vẫn còn nhiều điều để nói để bàn về Phạm Duy dù ông đã ra đi. Thôi thì xin ông mang theo yêu thương cuộc đời dành cho ông về nơi vĩnh cửu. Tôi là người Công Giáo không ngoan đạo, nhưng tôi tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa tôi tin. Với tôi, Thiên Chúa của tôi không kết tội ai
bởi vì Ngài đã chết để cứu vớt mọi người. Và Thiên Chúa tôi tin không xét đoán con người như con người xét đoán nhau. Trong Kinh Thánh có câu chuyện ngụ ngôn về những nén bạc ông chủ trao cho nhân công của mình. Có người đã đầu tư để làm lời thêm cho ông chủ, có kẻ đem chôn vùi những nén bạc ông chủ trao cho. Cuối cùng thì ông chủ đã khen thưởng những nhân công đem lợi tức về và khiển trách những người chẳng làm gì với vốn liếng đã nhận. Nhắc lại ngụ ngôn này vì tôi tin là Thương Đế (tôi tin) hẳn phải vui lòng vì Phạm Duy đã dùng tài năng thiên phú để làm đẹp cuộc đời, làm giầu
Văn Hóa Việt Nam. Riêng tôi, tôi cảm ơn ông vì đã được nghe những ca khúc ông cống hiến cho đời.....cho Việt Nam.
Trần Thu Miên
Boston Đầu tháng Hai, 2013
Nguồn: http://www.dutule.com/D_1-2_2-139_4-5054_5-10_6-2_17-118_14-2_15-2/tran-thu-mien-pham-duy-dau-an-tram-nam.html