Nhạc sĩ Phạm Duy nói về cách đặt lời Việt cho nhạc ngoại
- Chi tiết
- Tuấn Thảo
- Lượt xem: 4425
Tuấn Thảo
15.2.2013
Lúc sinh tiền, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng viết hơn một ngàn ca khúc trong nhiều thể loại. Trong quá trình sáng tác dồi dào ấy, có đến gần một phần ba là những ca khúc nước ngoài do tác giả Phạm Duy soạn lời Việt. Phiên bản tiếng Việt gần với nguyên tác, ca từ vừa khít với giai điệu, ý tứ gần gũi hình tượng quen thuộc với người Á Đông. Ba yếu tố đó giải thích vì lời của ông Phạm Duy rất lọt tai người Việt.
Trong lời mở đầu viết cho quyển sách "Ngàn lời ca khác", dành riêng cho các bản nhạc ngoại quốc do ông đặt lời Việt, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết là ông đã có nhiều may mắn hơn những người đi trước, vì tuổi đời của ông khá dài để soạn lời Việt cho các ca khúc nước ngoài, bên cạnh công việc sáng tác nhạc Việt.
Điều đó đã giúp cho nền tân nhạc Việt Nam càng trở nên đa dạng, phong phú. Trong hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời Việt cho khoảng ba trăm ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, từ nhạc bán cổ điển đến nhạc phim, từ nhạc khiêu vũ đến nhạc nhẹ, từ dân ca (folk) đến nhạc pop. Rất nhiều bài hát nước ngoài do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt đã đi vào lòng người mến mộ.
Trong chương trình tuần này, mời quý thính giả và các bạn nghe nhạc sĩ Phạm Duy nói về cách soạn lời tiếng Việt cho các ca khúc ngoại quốc. Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng trả lời phỏng vấn RFI về chủ đề này. Cuộc phỏng vấn do nhà báo Ánh Nguyệt thực hiện.
Theo nhạc sĩ Phạm Duy, ngoài việc sáng tác ca khúc Việt, ông còn ''Việt hóa'' các ca khúc nước ngoài, với lý do đơn giản là ông rất thích các bản nhạc ngoại quốc đó, không những ở trong tiết tấu giai điệu mà còn ở ý tứ lời ca.
Trong cách soạn lời Việt cho các bản tình ca ngoại quốc, nhạc sĩ Phạm Duy thường chú trọng đến việc diễn tả gần sát với nguyên tác, hay gần với các phiên bản tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Trong trường hợp nhạc phim, nhạc không lời, ông quan tâm đến những hình tượng, cảm xúc đầu tiên nảy sinh trong tâm trí.
Trong chương trình hôm nay, mời quý thính giả và các bạn lần lượt thưởng thức các nhạc phẩm : "Dạ Khúc" qua phần thể hiện của Mai Hương. Bài này được soạn theo khúc nhạc cổ điển Serenade của Franz Schubert. Hai tình khúc Love Story & Limelight, nhạc phẩm chủ đề của hai bộ phim cùng tên qua phần trình bày của Duy Quang và của Ý Lan.
Dạ Khúc - Mai Hương trình bày
"Giàn thiên lý đã xa" qua tiếng hát của Ái Vân. Nguyên tác ca khúc là bài "Scarborough Fair", tác giả Phạm Duy đặt lời Việt dựa theo phiên bản tiếng Pháp là "Chèvrefeuille, Que tu es loin". Bài cuối cùng là "Torna a Surriento", nguyên tác bằng tiếng Ý mà tác giả Phạm Duy đã chuyển thành "Trở về mái nhà xưa" qua phần song diễn của Ngọc Hạ và Trần Thái Hoà. Phiên bản của ông Phạm Duy thường bị nhầm lẫn với phiên bản của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, do cả hai bài đều có cùng tựa đề tiếng Việt.
Hai trường hợp khá tiêu biểu cho cách đặt lời Việt của tác giả Phạm Duy cho các tình khúc lừng danh của nước ngoài là nhạc phẩm chủ đề bộ phim Limelight "Ánh đèn màu" của đạo diễn người Anh Charlie Chaplin và bản nhạc "La Cumparsita". Ra đời vào năm 1915 dưới ngoài bút của Gerardo Matos Rodriguez nhạc sĩ người Uruguay, bài La Cumparsita ban đầu là một khúc đàn ghi ta không lời soạn theo điệu tango.
Mãi đến gần một thập niên sau, khi hai tác giả Enrique Maroni và Pascual Contursi viết thêm lời tiếng Tây Ban Nha cho khúc đàn này, thì bài hát La Cumparsita mới đi vòng quanh thế giới, ăn khách ban đầu qua phần thể hiện của Carlos Gardel, còn được mệnh danh là ông hoàng tango. Nhạc sĩ Phạm Duy từng dịch bài La Cumparsita thành "Vũ nữ thân gầy".
Vũ Nữ Thân Gầy - Khánh Ly trình bày (trong tape Phạm Mạnh Cương 9 - Hương Xa)
Trong số hơn 300 ca khúc nước ngoài từng được đặt lời Việt, nhạc sĩ Phạm Duy ông cho biết ông rất ưng ý với số bài. Ưng ý bởi vì ca từ thể hiện đúng những tình cảm mà ông muốn diễn đạt, và xa hơn nữa là ca từ chất chứa một nét gì đó rất Á Đông, rất Việt Nam, dù nguyên tác là một khúc nhạc cổ điển hay là một bản tình ca nước Ý. Nói cách khác, tác giả Phạm Duy "Việt hóa" nhạc ngoại không chỉ ở từ, mà còn ở hồn.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130215-pham-duy-viet-hoa-nhac-ngoai-khong-chi-o-tu-ma-con-o-hon