Chương 16 - Tình Đau Khổ Nước Mắt Rơi Cho Tình Ra Đời...
- Chi tiết
- Xuân Vũ
- Lượt xem: 3981
Từ chặng này trở đi thì niềm đau thấm thiết đã thực sự lên ngôi trong lâu đài tình ái:
Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời
Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi
Nước mắt suôi cho người gặp người
Nước mắt len sau từng nụ cười
Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi.
Nước mắt rơi trên tình trinh nữ
Nước mắt đem hương vào hồn thơ
Cuốn gió theo con thuyền vượt qua những thác mơ
Nước mắt tuôn suốt một đời hoa
Cánh lá rơi, mặn mà tình ngơ
Suối níu sông ra biển bao la, nước mắt ta.
Nước mắt rơi trên đường đã dài
Nước mắt đưa chân về cội đời Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi
Nước mắt êm đi vào tuổi trời
Nước mắt khô âm thầm không lời
Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi !
(Nước Mắt Rơi)
Tình nào là tình không nước mắt? Cho nên nước mắt rơi đánh dấu cuộc tình bắt đầu. Buồn đau cũng khóc. Sung sướng vẫn khóc như thường. Người ta thường cho nước mắt màu hồng, Hồng Lệ, Phạm Duy ngược lại thấy nó màu xanh, hoặc màu vàng, Hoàng Lệ, Thanh Lệ. Dù Hồng, Thanh hay Hoàng, nước mắt cũng đều đẹp, Tú Lệ. Tú Lệ cũng là Lệ Sầu hay Lệ Vui. Hành trình của một giọt lệ, như tác giả nói, rất ngắn, chỉ từ khóe mắt đến làn môi, nhưng sức chứa đựng của nó thì vô biên, tác động của nó thì phi thường.
Bạn hãy đọc lại lời ca trên đây, đọc từng câu một thì sẽ thấy hai nét kể trên. Tôi xin nhặt ra một vài nét: Nước mắt theo duyên, (cuốn) trôi mùa Xuân, xuôi cho gặp nhau, len sau từng nụ cười (vui thì vui vậy kẻo mà, ai tri âm đó mặn mà với ai), tìm lối ra khơi, rơi trên tình trinh nữ, đem hương vào hồn thơ v.v... để rồi ở cuối cuộc hành trình ngắn ngủi ấy, trở thành lặng câm, âm thầm không lời... vài giọt sầu dựa nhau về chết trên môi...
Giọt nước mắt này biết đâu chẳng là tiền kiếp của Giọt Mưa Trên Lá. Biết đâu chẳng phải là giọt nước mắt rơi cho giọt mưa ra đời? Vì chính giọt mưa cũng là nước mắt, nước mắt mẹ già, nước mắt vợ hiền sum họp và chia ly, nước mắt trẻ thơ oa oa khóc chào đời. Nước mắt và nước mưa len giữa u tình sầu, trôi ra biển bao la, tuôn suốt một đời hoa và cuốn gió theo con thuyền vượt qua những thác mơ cũng như đã từ lanh lùng trôi theo dòng nước mắt, đưa thuyền về đến bến Mê. Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp mênh mông. Chia tay nhau nhé...
... Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người.
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời nói, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Đường em đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người :
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người...
Em cứ yên tâm, hãy lên xe hoa, đừng bận bịu. Đêm tân hôn hãy khóc với tân lang. Em chửa yêu ai, mới có mình (Nguyễn Bính). Dĩ vãng của chúng ta, dù ở trước mặt hay sau lưng đều cũng thế thôi. Nó sẽ nhạt màu. Em sẽ quên mau. Còn gì nữa đâu? Khóc dở mà cười cũng dở. Con đường hôm trước, mỗi bước em đi nở hoa dị kỳ nay hoa chẳng còn nở vì em đã rẽ ngang. Đường em đi tuy trời đất có vẻ yên vui trước mặt nhưng sau lưng có ''lũ quỉ kỷ niệm'' nối theo tiễn chân em không dứt. Trong cuộc tình tan vỡ này, bạn thấy không có nước mắt rơi, nhưng không phải là không có nước mắt. Nước mắt của người lên xe hoa và người đứng tiễn chân chảy ngược vào tim, nước mắt cay đắng, nước mắt hận tình. Nói gượng là không có nhiều đớn đau lắm đâu, thì chính là đau thấm tâm can. Nói là sẽ tan đi mịt mù nhưng không bao giờ tan. Nói là còn gì nữa đâu, nhưng chính là còn, còn tất cả! Nói là trả hết cho người nhưng chính là giữ lại hết những gì của người đi. Nói là buồn ít hơn vui nhưng chính thật vui ít hơn buồn, vì có buồn nào hơn cái buồn tình yêu tan vỡ. Trả nốt đôi môi gượng cười nhưng nụ cười tươi thuở nào thì còn đọng lại. Nói là cầu chúc cho người đường dài hạnh phúc, nhưng thực ra lời cầu chúc ấy chỉ gượng gạo lấy có, phủ lên niềm đau tâm can. Riêng người đi thì người chỉ đi phần xác, còn hồn thì ở lại. Chiếc xe hoa chở nàng đi tưởng trời đất yên vui, nhưng không, mưa đang rơi lặng lẽ, những giọt mưa hôn mềm trên má hay nước mắt ai rưng rưng. Chiếc xe cưới, tuy nó sang trọng thơm tho nhưng nàng lại không thấy lòng phơi phới như ngồi xe lam nghèo hèn lắc rung rinh đường quê thuở nào. Tuy xe chuyển đi tới mà nàng ngỡ bánh xe lăn ngược về quá khứ với lũ kỷ niệm đang mọc lên ba đầu sáu tay, hò hét và dằng co kéo níu nàng lui về, với vạt tóc nâu khô bay phất về dĩ vãng, làm cho những cánh xương hoa nằ m ép trong thơ, những lá thơ viết hoài không xong, đọc hoài không hết, nay cũng trở mình. Chính là hồn nàng đó.
Để tạm kết thúc chương này, tôi xin nêu ra một điểm đặc biệt trong lời ca của Phạm Duy, điểm ''nhân cách hóa'' sự vật. Thường thường người ta chỉ nhân cách hóa những vật cụ thể. Phạm Duy lại làm ngược tức là nhân cách hóa những vật trừu tượng như lũ kỷ niệm, tình chít khăn tang, dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai... Thường thường, một nét nhân cách hóa gây ấn tượng mạnh gấp ngàn lần đặc tả.
Xuân Vũ