Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ...
- Chi tiết
- Nguyễn Đăng Khoa
- Lượt xem: 3951
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở, tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.."
(Tìm nhau - Nhạc và lời : Phạm Duy)
Tìm nhau - Nhạc và lời : Phạm Duy - Trình bày: Thái Thanh
Năm hai mươi tuổi, tôi đã rùng mình khi nghe ca khúc này, rùng mình, chỉ có thể sử dụng chữ đó để khả dĩ diễn bày lại một thái trạng nằm giữa sự say thích và nể sợ khi có điều gì động chạm thật mạnh mẽ vào những dây thần kinh cảm xúc.
Tìm nhau - Một ca khúc có cái tên rất ngắn, mà dài đằng đẵng.
Tìm nhau - Một hành động giản đơn mà thâu tóm cả hy vọng, lẫn tuyệt vọng.
Tôi biết đến nhạc Phạm Duy rất muộn màng, và biết đến Tìm nhau cũng rất muộn màng, sau khi hát theo hàng trăm Tình ca quê hương, Tình ca đôi lứa, những Bé ca, Rong ca, những ca khúc phổ thơ của ông... Tôi đang nhớ về những ca khúc nép dựa vào hiện thực, thực như mưa rớt trên môi, như gió cựa mình trên da. Chính trong khuôn viên đó, Phạm Duy là ma thuật gia có khả năng sống động hóa sự vô cảm của nốt nhạc, ca từ, những thứ hằng tưởng chỉ để chép ra, nằm yên, diễn tấu.
Thí dụ, chúng ta nghe :
"Mẹ già không nói một câu.
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa, tiếng chuông chùa réo..."
(Bà mẹ Gio Linh - Nhạc và lời : Phạm Duy )
Thì bất luận đang ở đâu, trung du hay cao nguyên, đồng bằng hay biển rộng, thì tôi đoan chắc rằng tất thảy người nghe đều đã bị bắt cóc, mang đi đến tận phương Bắc, về tận thời kháng chiến chống Pháp. Mẹ đi lấy đầu con mẹ, mẹ im lặng, nước mắt không giọt, không kêu.
Hay, một thí dụ khác :
"Đưa em về dưới mưa
Chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa
Áo em bùn lưa thưa..."
(Em hiền như Masouer - Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Thì, ai tiếc gì mà không nhắm mắt lại một vài phút, để nếm mưa, nếm môi má cũ, nếm dư vị của dĩ vãng, của người yêu trong ca khúc, và của cả bản thân mình cơ chứ!
Đại loại như vậy, việc hóa thân, tự chìm vào rất sâu tâm thức của đối tượng được đề cập, và hồn phách hóa nó bằng âm thanh, và lời hát, là cái thiên tài ngàn thuở mới gặp, ở Phạm Duy.
Tìm nhau - Không đi vào lòng người nghe theo cung cách của những bài hát vừa nêu. Tìm nhau là độc thoại, là tự vấn, tự cứu sống những hy vọng của bản thân. Ở đó, Phạm Duy không hóa thân, không thụ cảm và trình bày lại thụ cảm. Nói cách khác, ở đó, người nhạc sĩ đóng vai chính mình.
Cần nhắc lại một chút về thời điểm nhạc sĩ soạn bài hát này. Đó là những năm cuối của thập niên 50, nơi có một scandal tình ái vừa diễn ra, ông thừa nhận rằng đang ở dưới một bờ vực do chính ông đẩy ông xuống, gây ra nhiều hệ lụy đến những người trong cuộc.
Trong Hồi ký Phạm Duy, ông ghi nhận một dòng rất vắn, nhưng trọng lượng về vai trò của ca khúc: Nằm trong đáy cô đơn, tôi ngóc đầu vươn lên để soạn bài Tìm Nhau. Rốt cục, người trần sa vũng lầy ái tình, ngụp lặn giữa thị phi, thì âm nhạc lại chìa cánh tay nhân hậu cứu rỗi, độ thương.
Bằng cảm quan hết sức cá nhân, tôi thoảng thấy màu của Đạo Giáo (Lão Giáo) với triết lý sống vô vi trong động thái tìm-để-gặp này, của nhạc sĩ. Muốn tìm nhau, thì thuận theo lẽ trời đất, cứ tìm trong tất cả những gì bình dã nhất, tìm trong hoa nở, tìm trong cơn gió, đêm khô, mưa lũ, nắng đổ, trăng tỏ...
"Tìm nhau trong hoa nở, tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ, tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ..."
Tìm nhau - Ai tìm ai đây? Có phải một người yêu lạc loài đi tìm một người yêu lạc loài. Chắc là có phần đúng, nhưng tình ái hiện lên trong cuộc chinh du này rất ít ỏi, nhẹ như một câu chợt nhắc, thoảng hoặc như một màn sương :
"Tìm đâu môi em đỏ
Tìm đâu mây trong mắt
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó..."
Còn thì, tôi thấy ngập tràn những bước chân đơn độc của ta đi tìm chính ta, hay rộng hơn, là loài người lạc lõng đi tìm nhau, gọi về trong vòng tròn thương ái. Tìm nhau - Muốn tìm, phải tìm trong cả những nhói đau, tìm trong cả những đau thương không trốn tránh.
"Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia..."
Thế rồi, tìm - sẽ gặp. Gặp nhau trong nhân quần, bác ái, thứ dung. Lúc này, bóng dáng của Phật giáo lại soi rọi mặt người. Gặp nhau rồi, người sẽ tha thứ cho ta. Và ta, ta cũng tha thứ cho ta.
"Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông..."
Khép lại cuộc ly tán, cuộc tra vấn bóng mình, bóng nhau. Cô độc, hoang mang, miệt mài, hân hoan và tịnh không, đó là những cảm xúc đeo đuổi nhau trong tâm tưởng người thưởng nhạc, và trong tâm tưởng của chính người làm nhạc (?). Có thể lắm chứ, bởi, nói như nhà soạn nhạc cổ điển trứ danh người Đức Ludwig van Beethoven thì Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh.
Tìm nhau - Ca khúc đưa bàn tay đóng cánh cửa lòng hoang mang, để rồi sau đó, Phạm Duy lại bắt gặp được một tình yêu lớn, mối tình 10 năm với Lệ Lan, căn cớ cho quá nhiều tình ca đôi lứa, về sau.
Cái rùng mình của tôi lại quay về gõ cửa.
"Tìm trong câu thơ cổ, tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở, tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.."
Trời ơi, chuyện kiếm tìm nhau, đuổi bắt bóng hình nhau, mà lại động chạm đến Thiên cổ, đến Ngàn thu, đến xưa - sau, đến cả tiền kiếp, đến tận mai hậu.
Thế kỷ này, có ai tìm ai, như vậy không ?
Nguyễn Đăng Khoa
Sài Gòn, 23 tháng 5 năm 2015