Mal
- Chi tiết
- Trần Khải Xuyên
- Lượt xem: 4858
Nhớ lúc nhỏ, lũ nhóc cấp 2 chúng tôi luôn nghĩ ra những trò tiêu khiển giết thời gian thú vị. Tôi còn nhớ một trong những trò đó là ngồi tìm ra những từ tiếng Việt gốc Pháp, chẳng hạn như cái ba-ri-e (barrière) là cái rào chắn, hay ra-đi-a-tơ (radiateur) là bộ phận tản nhiệt của xe máy… Mặc dù chưa hề biết tiếng Pháp, lũ nhóc chúng tôi vẫn cãi nhau, lục tìm từ điển để minh chứng cho những ví dụ của mình. Bạn cu Bông (Quang Khải) hẳn còn nhớ trò chơi này.
Bây giờ thì tôi tìm ra một từ khác: Mal, như trong tiếng Việt, khi người ta nói: cái thằng đó hơi bị man man. Vốn gốc chỉ có nghĩa là đau, bệnh, qua tiếng Việt từ đó đã phái sinh một nghĩa mới: đau bệnh theo kiểu thần kinh. Ảnh hưởng của văn hóa Pháp lên văn hóa Việt thật sâu đậm, tìm thấy khắp trong ngôn ngữ, ca từ, ca khúc! Đôi lúc lại có cảm giác rằng chúng ta tiếp thu văn hóa nước ngoài không hẳn là thiếu chọn lọc, nhưng vẫn quá ư dễ dãi. Đến tận những năm 70, khi văn hóa Mỹ đã lan tràn khắp miền Nam Việt Nam, các phòng trà Sài-gòn vẫn rĩ rã những ca khúc Pháp. Trong trào lưu hát nhạc Pháp lời Việt này, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời cho hàng loạt ca khúc Pháp, mà bài này là một đơn cử.
Rồi những ban nhạc rock đầu tiên của Sài-gòn (lúc ấy không gọi là nhạc rock mà gọi là kích-động-nhạc) vẫn tiếp tục lấy những cái tên Pháp, đặt lời theo kiểu Pháp nhưng làm nhạc theo lối Mỹ. Đúng là một loại tranh collage sinh động. Tôi sẽ còn trở lại với chủ đề những ban “kích-động-nhạc” đầu tiên của Sài-gòn trong một bài khác, những Elvis Phương, Lê Hựu Hà, Tuấn Ngọc, những Trần văn Trạch (em ruột Trần văn Khê), Lữ Liên (ban kích-động-nhạc AVT)… những cậu ấm Sài-gòn gốc “Bắc cầy” đã tiếp tục làm nên những trào lưu nhạc mới. Điều đáng lưu ý là trong những trào lưu này dần xuất hiện những loại nhạc giải trí, nhạc tuýt, lần đầu tiên văn nghệ ở VN bước ra khỏi “tháp ngà hàn lâm” để mang hơi thở đời thường của cuộc sống.
Mal, bài hát này thích đã lâu, lúc này lại đúng là lúc để hát: Mal, au fond du coeur, oui j’ai mal (Đau! Từ đáy trái tim ta buồn đau!). Bài gốc có phần hòa âm thật hay, đúng tông yêu thích của tôi, còn bài lời Việt chỉ để nghe tham khảo!
Trần Khải Xuyên
11/2008
Nguồn: http://tkxuyen.com/blog/?p=252
Các bài viết khác về nhạc Phạm Duy: http://tkxuyen.com/blog/?cat=3