Minh Họa Kiều: Góp Nhặt Cảm Nghĩ qua các Cây Viết Đặc Trưng (dactrung.net)
- Chi tiết
- Trần Viết Minh Thanh
- Lượt xem: 4641
Minh Họa Kiều II
Nhạc và Lời: Phạm Duy
Hòa Âm và Phối Khí: Duy Cường
Ca sĩ: Ái Vân, Thái Hiền, Duy Quang và Tuấn Ngọc
Phần ngâm thơ: Thanh Ngoan, (9 đoạn đầu) Thảo Hiền (2 phần cuối).
Phạm Duy diễn nghĩa -
Bài hát:
Người Đâu Gặp Gỡ
Lơ Thơ Tơ Liễu
Cách Tường Một Buổi
Biết Đâu Hợp Phố
Đá Biết Tuổi Vàng
Hán Sở Tranh Hùng
Tư Mã Phượng Cầu
Này Khúc Kê Khang
Chiêu Quân
Càng Tỏ Hương Nồng
Trăng Thề Còn Đó
Bắt đầu CD, Nhạc Sĩ Phạm Duy cho biết thật khó cho ông để diễn tả tình cảm bằng âm nhạc giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, vì cụ Nguyễn Du khg cho phép hai người tình nhân này cầm tay nhau, kề vai nhau, ôm hôn nhau ... Vì thế N.S. phải soáy vào việc biểu lộ tài hoa của nàng Kiều, khi đánh cho Kim Trọng nghe. Đó là bốn khúc nhạc mà cụ Nguyễn Du đã cho biết tựa: "Hán Sở Tranh Hùng, Tư Mã Phượng Cầu, Kê Khang và Chiêu Quân". Với lời hướng dẫn mở đầu của từng khúc nhạc, thính giả hẳn sẽ hiểu rõ hơn về khúc nhạc và ý của nhạc sĩ. Đối với thính giả trẻ tuổi chưa có dịp đọc chuyện Kiều, thiết tưởng cũng là một bước đầu để biết về chuyện Kiều.
Anh Học Trò có chép một vài khúc nhạc Minh Hoạ Kiều vào Lời Tình K. Xin cám ơn anh. Tôi đặc biệt thích Khúc "Hán Sở Tranh Hùng" diễn tả cảnh chiến trận với binh khí chạm nhau, nhạc sĩ Phạm Duy cố ý đưa vào triết lý của Nguyễn Du trước hiểm họa của loài người là chiến tranh. Nhạc có đoạn rất hùng hồn, với tiếng kèn, trống vang dội, thúc dục lòng hăng say của con người, còn có nghe tiếng ngựa hí, tiếng ứ hự như tiếng la của chiến sĩ, tiếng binh khí chạm nhau nghe rất chiến tranh, tơi bời lòng người".
Nhạc Sĩ Phạm Duy rất hài lòng với bản Kê Khang và Khúc Quảng Lăng, ông rủ hội trường nghe cùng với ông thêm một lần nữa. Ông nói bản này nói lên tâm tình của ông. Vậy xin chép lời của Nhạc sĩ:
"Kê Khang và Khúc Quảng Lăng, kể lại truyện đời Nguỵ ở bên Tầu, có một người khách lạ, giỏi đàn, giỏi vẽ tới kết bạn với Kê Khang. Người đó đạy cho Kê Khang một bản nhạc nhan đề Quảng Lăng, nhưng dặn cho Kê Khang là không được truyền cho ai cả. Về sâu Kê Khang bị giết, cho nên không còn ai được nghe bản nhạc lưu loát như nước chảy, nhẹ nhàng như mây trôi này nữa".
Nhạc sĩ có khi hai tay làm dấu đánh theo khúc dạo độc tấu tây ban cầm, có khi mắt nhắm nghiền lại, thưởng thức theo tiếng đàn dây, đàn dương cầm, có lẽ là hình ảnh sâu đậm nhất của đêm Phạm Duy ra mắt Minh Họa Kiều. Không gì diễn tả mạnh mẽ bằng lòng yêu âm nhạc của Phạm Duy bằng sự hăng say trình bày những khúc nhạc như ông đã làm.
Viết dài thêm cũng chỉ là lập lại những gì nhạc sĩ Phạm Duy đã trình bày trong CD Minh Họa Kiều, tôi xin ngừng nơi đây để dành cho quý vị tự khám phá một tác phẩm nghệ thuật. (P.S. Xin quý vị nhớ lưu ý cảnh mênh mông của sa mạc trong khúc Chiêu Quân.)
Trần Viết Minh Thanh
* * *
Nhận Xét của "Học Trò"
Ht nghe MHK 2 bài số 5 "Đá biết tuổi vàng" có 2 nhận xét vui vui ...:
1. Tempo đoạn đầu dùng bass như disco tempo bùm chát bùm chát để vẽ ra sự thôi thúc gặp nhau giữa Thuý Kiều và Kim Trọng!!!
Nhà lan thanh vắng có một mình
Ngẫm cơ hội ngộ đạ dành cho thiếp hôm nay
Đồ ăn thức uống sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường ...
Sở dĩ có nhận xét này vì đi ăn "all-U-can-eat" sushi gần nhà, nó chơi nhạc disco "Modern Talking" làm mình vô tình speed up the process để mà nó còn có chỗ cho người ăn sau, I think ....
2. Đoạn gần cuối, cụ Phạm Duy chê Thuý Kiều "mê" trai rất là thâm thuý bằng cách dùng ý nhạc vút lên và nhanh, rất cool : "Vườn khuya băng lối, Vườn khuya băng lối, Vườn khuya băng lối" làm cho ht liên tưởng tới một cô gái thấy không có bố mẹ ở nhà là phất phới áo dài zọt ngay sang nhà bồ!!!! ...
Rồi chẳng tiện tiện ngồi lâu
Ngày thật ngắn chẳng đầy gang
Nàng kíp ra về Nàng kíp ra về Nàng kíp ra về
Về chốn phòng the
thấy hai thân chưa về nhà
thấy hai thân chưa về nhà
Vườn khuya băng lối, Vườn khuya băng lối, Vườn khuya băng lối ...
Tới ngay nơi chàng, tới ngay nơi chàng (!)
Học Trò
* * *
1. Ngô Đồng xem Minh Họa Kiều
Hôm qua tối lắm NÐ mới về, dù đã nghe CD trước nhưng khi được ns PD minh hoạ tự dưng thấy hay hơn nữa. Ông cụ 81 tuổi say mê dẫn khán giả theo mình bay bổng cùng nốt nhạc theo tình cảm nhân vật Kim Trọng và Thúy Kiều, đôi tình nhân chỉ hai lần gặp gỡ, 1 trong ngày Thanh Minh, 2 trong vườn thúy, và một đêm duy nhất nàng lẻn sang nhà chàng gảy những khúc đàn định mệnh.
NÐ nhắm mắt lại nghe nên mường tượng bao điều tuyệt diệu thoát ra từ dòng nhạc cuốn mượt mà.
Một đêm giới thiệu nhạc không sao kể lại bằng vài câu viết.
Có một điều rất ngạc nhiên là NÐ được biết Jason Gibbs, người đang tìm tòi về âm nhạc VN, anh còn trẻ nói tiếng Việt không hay bằng viết tiếng Việt nhưng anh biết Viễn Châu, Vinh sử và nói với NÐ anh thích nghe nhạc Chế Linh dù rất nhiều người trí thức VN khi nghe anh nói họ cười xòa "look down" lời anh nói. Anh lấy vợ VN và từ SF xuống để nghe ns PD minh hoạ Kiều bằng nhạc .
Giọng ngâm ả đào một làn điệu cổ được lồng vào dẫn chuyện. Trong Minh họa Kiều khi nghe bạn sẽ thấy là một bài hoà tấu tuyệt vời pha trộn giữa những nhạc khí tây phương và nhạc khí dân tộc Việt.
Nghe qua video website Kicon không thể nào trung thực để phân biệt từng nhạc khí, NÐ thích nhất đoạn nhạc diễn tả bước chân lạc đà trong sa mạc khi đưa Chiêu Quân cống Hồ. Tiếng tì bà Chiêu Quân gảy nức nở nhớ cha mẹ quê hương, qua website trên các bạn không sao cảm thấy, nhất là không sao theo kịp những biến tấu ns Phạm Duy tài tình chuyển đổi cho hợp với từng biến đổi thâm trầm trong tâm lý nhân vật. Nhạc sĩ giải thích là ông dùng Mood music để minh họa lục bát Kiều.
CD Minh hoạ Kiều 2 không phổ biến nhiều nên NÐ sẽ cố gắng giới thiệu cùng các bạn vài đoạn NÐ thích nhất trong ÐT nay mai.
2. Cảm Nghĩ của ND Từ Thơ sang Nhạc Thúy Kiều.
Bao lâu nay tôi đọc lục bát Kiều. Bây giờ tôi được nghe Kiều bay lượn trong dòng nhạc. Khung nhạc năm hàng bảy nốt cùng chiếc khoá Sol kể cho tôi nghe về Kiều.
Kiều cô gái thời xa xưa nào đó tôi không biết mặt chỉ đọc và mường tượng qua thi sĩ Nguyễn Du
Kiều càng sắc xảo mặn mà
So phần tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Bây giờ được nghe và mường tượng ra nàng với âm thanh trầm bổng qua nhạc sĩ Phạm Duy
Nguyễn Du – Phạm Duy không sinh cùng thời, không sống cùng thế kỷ nhưng phải chăng cùng dùng nàng Kiều để gởi gấm chút niềm riêng.
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
. . .
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần . . .
Minh hoạ Kiều 2 Thúy Kiều gặp Kim Trọng
Cả một đời Vương Thúy Kiều chỉ khi gặp gỡ, vấn vương chàng Kim là nhẹ nhàng là hạnh phúc nhất còn sau đó là đoạn trường là nghẹn ngào là tê tái. Thi sĩ Nguyễn Du dùng chữ kết thành chuỗi lục bát diễn tả bao tâm tình của Kiều nương trong phần đời tươi đẹp ấy, ngày gặp gỡ người trai tài Kim Trọng – trong phần gởi gấm của thi sĩ Nguyễn Du là khi ông được gặp, được phò vua hiền – trong gởi gấm của nhạc sĩ Phạm Duy phải chăng là ngày ông biết đến âm nhạc phương Tây thoát ra khỏi làn điệu ngũ cung, bay ra khỏi câu ca trù, ả đào, trống quân, ngâm vịnh.
Từ những đoạn thơ diễn tả nỗi nhớ nhung mong nhớ của Thúy Kiều sau khi gặp mặt chàng Kim:
Kiều từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không
Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân
Hải đường ngả ngọn đông lân
Giọt xuân gieo nặng cành xuân la đà
Một mình lặng ngắm bóng nga
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời:
“Người mà đến thế thời thôi
đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”
Và đoạn thơ tương tư của Kim Trọng
Cho hay là giống hữu tình
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong
Chàng Kim từ lại thư song
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!
Mây Tần khoá kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao
Tuần trăng khuyết dĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng . . .
Phạm Duy dùng âm thanh dìu dặt, nhẹ nhàng thổn thức, góp những câu thơ thành bài thứ nhất: Người đâu gặp gỡ làm chi
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Ngổn ngang trăm mối bên lòng (*)
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!
Mây Tần khoá kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng
Buồng vân hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn cỏ tơ chùng phiếm loan
Mảnh tương phất phất gío đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi nên thói khuynh thành trêu ngươi
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi .
Đoạn nhạc nghe chừng lưu luyến thở than của cả hai , Thúy Kiều (Thái Hiền) Kim Trọng (Duy Quang) ngọt ngào quấn quyện . Câu láy “duyên gì hay không” tiếp theo nốt nhạc xé lòng vút cao “có” và ‘Mối” mới tuyệt vời sao? tài tình sao ? Những gịot nhạc rơi, vuốt theo giọng hát như gịot nến đợi chờ tương tư trong đêm thao thức .
Tại sao đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu lại hoà được vào những sợi vĩ cầm, lại thênh thang nhảy nhót được trên phím đen phím trắng? Chỉ một nhạc sì Phạm Duy trả lời được những thôi thúc, làm ông đặt bút viết nên những tấu khúc lạ lùng đến thế. Ông là ai, mà Thượng Đế ban cho những món quà qúy gía tuyệt vời: Duy Quang, Thái Hiền, Duy Cường, ngoài họ ra ai là người có thể diễn tả hết những bí ẩn ấp ủ của người nhạc sĩ lão thành qua giọng hát tiếng đàn minh họa Truyện Kiều – Nguyễn Du? Ngoài họ ra ai là người đem nỗi buồn sâu thẩm tương tư nhân loại muôn đời của Bố Phạm Duy đến những người tình Thính Giả , ngay cả những người tình chưa đủ may mắn gặp mặt . . . Vội dời chân đi . . . . vội dời chân đi . . .
Ngô Đồng
Nguồn: http://dactrung.net/Bai-bv-381-Minh_Hoa_Kieu_Gop_Nhat_Cam_Nghi_qua_cac_Cay_Viet_dac_Trung.aspx