Thơ thẩn với một bài thơ
- Chi tiết
- Mai Xuân Vỹ
- Lượt xem: 27564
Trăng đan qua cành muôn tơ êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Vàng sao nằm yên trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
(Tỳ bà - Bích Khê)
Chắc chắn là nhiều người biết bài thơ trên của Bích Khê. Tôi biết bài thơ ấy những năm đang học 11, 12. Hồi ấy tôi sửng sốt nhận ra là thơ không cần phải trầm bổng theo vận trắc bằng réo rắt. Bài Tỳ Bà của Bích Khê chỉ toàn vần bằng. Nó cũng réo rắt. Theo cái nhạc riêng của nó.
Rồi ít lâu sau đó. Những ngày cả nước sôi sục thanh lọc văn hoá miền nam, tôi tình cờ gặp một tập nhạc của Phạm Duy trên vỉa hè Lê Lợi, nằm lẫn với các văn hoá phẩm không may khác của cả một nửa nước thua trận. Dĩ nhiên là tôi mua ngay. Về nhà mới biết trong tập nhạc ấy có bài Tỳ Bà của Bích Khê được phổ nhạc.Điều nhận thấy đầu tiên là Phạm Duy phổ nhạc rất hay, nắm được cái "nhạc" của bài thơ. Những vần bằng trong Tỳ Bà được đặt trên những nốt có cao độ bằng nhau: "tay đêm đương giăng", "trên môi kêu em ơi". Từ lúc ấy tôi vẫn để tâm tìm nghe bài hát Tỳ Bà ấy. Bởi vì tuy Phạm Duy viết ra trên giấy như thế, nhưng mà ca sĩ hát như thế nào lại là một chuyện hoàn toàn khác. Chưa kể là bài hát được hoà âm và phối khí như thế nào?
Tiếc là những năm sau 75, tìm cho ra cho được một bài hát cũ nào đó chỉ nhờ vào cái "duyên" mà thôi. Hỏi trong đám bạn bè, đa số không biết. Có ít đứa sành nhạc thì có đứa bảo là có nghe bài đó do Thái Thanh hát ở trong một băng nhạc nào đó. Và dĩ nhiên là tôi đã không tìm được bài Tỳ Bà của Phạm Duy vào những năm đó ở Sàigòn.
Ra hải ngoại, hầu hết các bài hát cũ của Sàigòn trước 75 đều được -cách này hay cách khác- tái bản. Nhưng tôi không tìm thấy bài Tỳ Bà. Dĩ nhiên một phần cũng do tôi. Thuở ấy bận chuyện cơm áo học hành nơi xứ người, tôi cũng không mấy chú tâm đến việc truy tầm Tỳ Bà.
Cho đến thời mà kỹ nghệ máy tính mở ra Đường Trời Muôn Vạn Nẻo qua đó một thế giới thực mà ảo mà cửa nẻo đi vào nằm gọn trong cái máy vi tính trên bàn -viết hay làm việc- của tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng thử tìm Tỳ Bà nhưng chẳng có kết quả nào cả.
Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi quên mất Tỳ Bà cho tới ngày hôm qua. Tôi tần ngần trước giá sách không biết nên đọc gì trước khi ngủ. Kiếm tới kiếm lui tôi vớ đại mấy tập thơ mỏng leo lên giường.
Và tình cờ đọc lại bài thơ Tỳ Bà của Bích Khê.
Hôm nay, tôi thử vào internet tìm hỏi Dr Google với các keywords Bích Khê Tỳ Bà Phạm Duy. Kết qủa thật khả quan không ngờ: tôi tìm đến được cái site MegaUpload.com. Ở đó có các album của Thái Thanh trước 75, cả những album Thái Thanh thâu ở hải ngoại. Thật bất ngờ !
Bài Tỳ Bà được thái Thanh hát rất đơn giản nhưng rất hay. Tiếc là phần âm thanh rất tệ, và phối khí rất thường. Dường như cả bài chỉ đáng chú ý – nói hơi quá một chút - một câu do kèn clarinet thổi một âm giai diatonic từ I đến VII b tạo thành quãng 7 thứ và cũng đồng thời tạo thành hợp âm I7 ngay sau câu "Nàng ơi tay đêm đương giăng mềm", trước khi qua hợp âm IV với câu hát "trăng đan qua cành muôn tơ êm".
Tỳ Bà - Thơ Bích Khê, nhạc Phạm Duy
Vơ vẩn với các album vừa tìm được trên Net, tôi nghe lại bài Cỏ Hồng trong album Thái Thanh 13. Bài này may mắn được Duy Cường hoà âm. Dĩ nhiên là tôi nhận ra lối hoà âm của Duy Cường, chứ trên Net không hề có credit do ai hoà âm và thâu ở đâu. Nghe đoạn nhạc mở đầu với tiếng piano arpegio, tôi bật cười thầm trong bụng vì thích thú. Bởi vì Duy Cường đã lấy phần đệm tay trái trong bản Nocturne giọng Mi thứ của Chopin để làm introduction cho bài Cỏ Hồng.
Cỏ Hồng - Phạm Duy, Thái Thanh, Duy Cường hoà âm
Arthur Rubinstein - Chopin Nocturne Op 72 No 1 in E minor
Nghe tiếp bài Cỏ Hồng đến đoạn "đôi tay xinh xinh...", phần đệm nõi bật với tiếng guitar chơi các triplets như phần tay trái của chương 1 Adagio Sostenuto trong bản Sonata giọng Đô thăng thứ (Moonlight) của Beethoven.
Wilhelm Kempff plays Beethoven's Moonlight Sonata - 1st Mvnt Adagio Opus 27, No. 2 của Beethoven
Dĩ nhiên là cái chương 1 của bản Sonate nói trên đã rất phổ cập, hầu như không ai không biết. Và cái phần đệm tay trái với các triplets cũng đã được nhiều nhạc sĩ sử dụng trước, không phải chỉ có Beethoven. Nhưng phải đến khi Beethoven dùng nó trong sonata số 14 của ông nó mới có cái hiệu quả đặc biệt như thế.
Và trong lĩnh vực nhạc Pop, album Abbey Road của ban nhạc The Beatles, bài hát Because của John Lennon là chính cái đoạn mở đầu của Sonata Moonlight được play backward !
The Beatles - Because
Thơ thẩn từ một bài thơ của Bích Khê, qua Chopin, ngược đến Beethoven rồi qua John Lennon của The Beatles. Có lẽ tôi đã lan man hơi xa. Chẳng định hướng? Thôi vậy. Ở xứ người, thì giờ hiếm hoi. Có lẽ chừng nào già -về hưu? - tôi mới có thì giờ viết nhiều về một đề tài nhất định nào đó ?
Mai Xuân Vỹ