Cung Bậc Phạm Duy
- Chi tiết
- Hạ Long Bụt sĩ
- Lượt xem: 3366
Thời ấy qua đi, xênh phách xếp xó, tân nhạc bắt đầu trong những quán rượu Tây, khiêu vũ, nhạc Pháp, Tây Ban Nha, Tango, Valse... lịch sự lãng mạn, đam mê chất ngất nhưng thời đầu chỉ dành cho giới trí thức thành thị, thập niên 1930, 1940 mở màn cho giai điệu mới, Đặng Thế Phong, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy... làn nhạc trữ tình tiếp tục khuynh hướng Thơ trữ tình từ trăm năm trước và Phạm Duy là người đã nối cầu nhạc dân dã với âm nhạc Tây phương, dân ca trở thành âm nhạc mang hồn Việt dù khoác áo solfège Âu, cả lớp bình dân cũng ngâm nga hát theo được, đấy là công và tài của Phạm Duy. Mấy chục năm sau, trong không khí bom đạn, làn nhạc than van, triết lý bình dân của Trịnh Công Sơn nắm bắt được quần chúng thành thị, đang đau giữa cuộc chiến, đang khóc giữa mấy lằn đạn, nhập vào với luồng phản chiến quốc tế đúng lúc, lời nhạc rất Tây, âm điệu nhẹ nhàng, rủ rỉ Nam ai, trở thành một loại dân ca mới, dân ca cho dân trí thức thị thành, cao hơn dân ca bình dân nông thôn thập kỷ 1940-50 của thế hệ cha chú.
Nhưng nhạc Việt thật ra phải gọi là ca Việt mới đúng, không phải musics mà là songs, musics cần khả năng hoà âm, nên người soạn nhạc phải có tài Hoà và Hợp, biết compose-tổng hợp âm thanh âm sắc, còn bài hát lời ca, ngắn hơn, giản dị hơn, thích hợp với ngôn ngữ đơn âm năm dấu trầm bổng của cổ họng dân Việt.
*
Đêm qua, tôi đi nghe nhạc Phạm Duy, đi để tìm vang vọng trong lòng mình, một Nương Chiều, một Nhạc Tuổi Xanh từ thời cắp cặp từ Hàng Tre tới học trường Hàng Vôi, Hà Nội thời 1950... cũng như cụ Phạm, từ Hàng Dầu tới mái trường thân yêu ấy, đàn chim đất Bắc chuân chuyên lưu đầy biệt xứ, Phạm Duy, Mai Thảo... và ai ai nữa, cũng từng mài đũng quần ở ngôi trường này, may thay ngôi trường nằm trên con đường Lý Thái Tổ nên chẳng hồ ly ma quái nào dám đổi tên... Năm ngoái lần đầu tiên vào lại nhà Hát Lớn Hà Nội, sau nửa thế kỷ, tai nghe Mỹ Linh, Hồng Nhung....nhưng mắt tôi nhìn lên sân khấu chỉ mong tìm lại một thoáng Thái Thanh 1953 và ban Thăng Long Hoài Trung Hoài Bắc nhộn nhịp thánh thót, rào dạt âm điệu một thời. Tuy chẳng bám vào dĩ vãng mà sống nhưng hiện tại nào có đẹp đẽ gì hơn để che xoá đi quá khứ, nhà Hát Lớn có ghi năm hoàn thành 1911 ngay mặt tiền, sao nay lại vứt đi dấu ấn ấy, rồi thay thế bằng những mầu sắc cờ quạt từ Nga Tầu sang, chẳng tốt đẹp gì hơn văn hoá nhân bản khai phóng Pháp! Nhìn Phạm Duy mái tóc bạc phơ, tôi thấy cả một pho sử Việt viết bằng mây trắng, trắng xoá lướt trên đầu đám dân Lạc Việt Thăng Long kinh kỳ, từ Bà Huyện Thanh Quan than thở:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
tới Ngày Trở Về, Tình Hoài Hương... thì cũng là những dấu than, Một Giấc Mộng Dài, ngậm ngùi, chẳng bộc lộ hết ra được... tính xa ra từ thời Kiêu binh, từ thời Tây Sơn đóng cửa Thăng Long mang kinh đô vào Phú Xuân, từ Minh Mạng đổi tên Thăng Long ra Hà Nội 1831...thì đám dân kinh kỳ, bộ tộc Lạc Việt đã vào thời mạt vận, lang thang năm châu tứ xứ, mặc cho đất tổ, với nhóm kiêu binh mới tha hồ múa may.Văn nghệ sĩ Bắc Việt rút lại, co lại, trong văn hoá nghệ thuật, thành họ Sợ như lời Nguyễn Tuân, hay quay ra nịnh hót hèn hạ như một thằng Hèn. Nguyên do là Nho biến ra Nhu, nhu quá hoá Nhược, dân trung nguyên là như vậy, trí thức chơi với thi phú, hưởng lạc tất phải thua côn đồ khuyển ưng, thời Nguyễn Trãi đã xẩy ra như thế. Phạm Duy hẳn đã thấy giấc mộng đời quá dài, ông sống lạc quan, yêu đời, nhưng có yêu đời đến đâu thì cũng tới lúc nhàm chán, cuộc chơi đã tàn, canh bạc về sáng, bao nhiêu sợi tơ tằm đã nhả ra hết, bao nhiêu ngọn đèn dầu lạc đã cháy và đã cạn, bạn bè cùng thế hệ đã đi chơi sang cõi khác gần hết...còn đây, một mình một bóng đèo bòng thế gian hệ luỵ, cõi lá đa này, không úa vàng thì cũng mực tầu bôi đen bao mảng đêm nhơ nhớp.
Đêm qua (2010) tôi thấy thời gian quả là nặng chĩu trên vai một người nghệ sĩ tiêu biểu cho đại chúng, nhạc của ông mang dân ca đồng lúa sông Hồng vào cung bậc, giầu tình cảm, dạt dào như lúa chín chĩu nắng vàng, âm vang xôn xao đam mê ngây ngất...cho đến Phố Buồn, Mùa Thu Chết, Ngậm Ngùi... tôi muốn ông dừng lại ở đấy thì đẹp quá, từ tuổi 20 đến ngoài 40, hơn 20 năm dòng suối tuôn trào, thế là quá đủ... tiếp tục làm nữa ở tuổi 50-60...cho đến bây giờ...cảm hứng nghệ thuật cao điểm Trời cho chẳng bao giờ dài quá 20-25 năm, mà nghệ thuật tuyệt vời, thơ-nhạc, đòi hỏi toàn cao điểm chứ không thể hạ thấp, nghệ sĩ nào thành thật với lòng mình cũng tự nhận ra biên độ ấy, những bản nhạc của Phạm Duy làm sau cao điểm, cảm hứng rời rạc hơn xưa, ý ngắn, hơi tàn, gài lời miễn cưỡng triết lý làm dáng "đừng cho không gian đụng thời gian". Cao điểm lúc này nhường lại cho ma âm Trịnh Công Sơn-tuổi 20- và họ Trịnh cũng chỉ có mươi năm cao điểm 20-35 tuổi, từ 1960-75 bom đạn, như Phạm Duy đã có hai mươi năm trước, vào giai đoạn sôi nổi khác.
Mươi mấy năm trước trên báo Thế Kỷ 21 ở Cali, người ta đọc lời ngậm ngùi của Phạm Duy "ngồi đâu cũng là ngồi một mình" và ông đã khóc... Buồn thay, ở cuối đời, một nhân tài lấy đâu ra tri âm tri kỷ ở quận Cam nhỏ bé, và lấy đâu ra cảm hứng dù là cảm hứng thuần nghệ thuật ? và bây giờ, ông có trở về, về hay đi, ở tuổi gần đất xa trời này, chẳng ai định nghĩa được, vậy hãy chúc ông yên bình, thế hệ sau cám ơn một thiện căn Việt đã múc nước tinh tuyền Động Đình Hồ tưới lên ngô khoai xóm làng, đã trồng bao đoá hoa đẹp cho mắt, đã chế tác bao làn điệu ngọt dịu cho tai, âm ỷ trong tiềm thức dân gian, đã nuôi dưỡng bao trái tim trong sáng. Phạm Duy và thế hệ ông, đã đi vào lửa, đã bay trong bão, đã ngã trên chông gai, đã gào đã hét cho quê hương... Giống nòi tồn tại nhờ những con người ấy, những trái tim thiện căn ấy, chứ không phải bọn mang ma âm quỷ quái, triết lý nửa mùa, quấy nhiễu lương dân.
Hạ Long Bụt sĩ
Nguồn: http://www.diendantheky.net/2013/01/ha-long-but-si-cung-bac-pham-duy.html