Cấu trúc nhạc trong dòng nhạc Phạm Duy
- Chi tiết
- Hiệp Dương (aka Học Trò)
- Lượt xem: 4797
Cấu trúc của phiên khúc
Nhạc đề là căn bản trong nhạc Phạm Duy. Bạn có thể xem hai quyển Âm Nhạc: Học và Hành hay Đường Về Dân Ca để thấy rõ cách nhạc sĩ chỉ ra các nhạc đề cùng cách phát triển các biến thể (developing variations) từ nhạc đề ra sao. Xem thêm tài liệu Fundamental of Musical Compositions (trang 1-17) để hiểu rõ hơn các cách phát triển này.
Từ nhạc đề, người nhạc sĩ có thể dùng nó để tạo thành một câu nhạc bằng cách dùng phép lặp. Câu nhạc ấy rồi sẽ tiếp tục được phát triển ra thành các câu nhạc khác để làm thành một phiên khúc. Thế rồi người nhạc sĩ sẽ tùy nghi viết ra một điệp khúc bổ túc hay tương phản với phiên khúc. Như bạn cũng biết, những nhạc phẩm mà chúng ta nghe và yêu thích thường thì có một cấu trúc gồm có phiên khúc (A), rồi điệp khúc (B), trở lại phiên khúc (A), rồi điệp khúc (B) rồi lặp lại điệp khúc ấy cho đến hết bài. Ta có thể định danh cấu trúc này là ABAB. Với cấu trúc căn bản này, ta có thể tạo ra nhiều biến thể như AABA, tức là lặp lại hai lần phiên khúc rồi mới cho nghe điệp khúc, hay ABA, với điệp khúc chỉ được lặp lại có một lần rồi thôi, hay thậm chí AA, trong đó giai điệu giữ nguyên, chỉ dùng lời khác, hoặc AB, là hai đoạn dài riêng biệt nhau và không có điệp khúc, vân vân và vân vân.
Tìm hiểu kỹ một loạt các nhạc phẩm nổi tiếng nhất mà tôi có sưu tầm trước đây dưới tên gọi Một Trăm Tình Khúc Của Một Đời Người, tôi thấy nhạc sĩ Phạm Duy rất chú trọng vào phiên khúc. Trong một phiên khúc, nhạc sĩ thường viết thành hai phần, phần sau lặp lại hoàn toàn phần trước, hoặc chỉ đổi tí chút ở cuối đoạn. Khi lặp lại như vậy, nhạc sĩ cố ý cho người nghe hoàn toàn quen thuộc với nhạc đề cùng những phát triển. Đây là một đặc điểm riêng của dòng nhạc Phạm Duy.
Trong nửa đầu của phiên khúc, thường thì nhạc sĩ viết bốn câu nhạc, rồi nửa sau bốn câu lặp lại y hệt như bốn câu đầu. Sau đó nhạc sĩ chuyển qua điệp khúc. Trong nửa đầu, đôi khi nhạc sĩ viết hai câu đầu (1 và 2), rồi hai câu sau là một biến thể của hai câu trước (1’ và 2’)
Thí dụ rõ nét nhất là nhạc phẩm Nếu một mai em sẽ qua đời:
Câu 1: Nếu một mai em sẽ qua đời
Câu 2: Hoa phủ đầy người, xe nhịp đằm khơi... xa xôi.
Câu 1’: Nếu một mai em đốt pháo vui
Câu 2’: Hát theo người, hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời.
Câu 1: Nếu một mai em bước qua thềm
Câu 2: Mang nặng hồn mềm, em trở mình trên nhân duyên
Câu 1’: Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Câu 2’: Bão mưa êm, chăn gối ghi tên, bia mộ đường quên.
Trong rất nhiều nhạc phẩm khác, nhạc sĩ lại hay dùng cách viết bốn câu hơi khác nhau, rồi lặp lại bốn câu đó trước khi sang phần điệp khúc. Ta hãy xem qua bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi:
Câu 1: Ngày em hai mươi tuổi
Câu 2: Tay cắt mái tóc thề
Câu 3: Giã từ niềm vui nhé
Câu 4: Buồn ơi ! Hãy chào mi !
Câu 1: Ngày em hai mươi tuổi
Câu 2: Chưa biết nhớ nhung gì
Câu 3: Trên nụ cười mới hé
Câu 4: Niềm thương đã tràn mi
Một vài nhạc phẩm khác theo thể loại trên là Ngày Tháng Hạ, Ngày Xưa Hoàng Thị, Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên, v.v.
Không chỉ đóng khung với bốn câu, nhiều khi nhạc sĩ viết năm, sáu câu hay nhiều hơn nữa. Đây là một cách tạo sự đa dạng trong khuôn khổ cố định của phiên khúc. Thí dụ rõ nhất là bài Nha Trang Ngày Về:
Câu 1: Nha Trang ngày về,
Câu 2: mình tôi trên bãi khuya
Câu 3: Tôi đi vào thương nhớ,
Câu 4: Tôi đi tìm cơn gió
Câu 5: Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Câu 6: Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau ...
Câu 1: Đêm xưa biển này,
Câu 2: người yêu trong cánh tay
Câu 3: Đêm nay còn cát trắng,
Câu 4: đêm nay còn tiếng sóng
Câu 5: Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi
Câu 6: Chỉ còn tôi, trên bãi đêm khóc người tình.
Tựu trung, dù với các biến thể trên, điểm giống nhau trong đa số các bài nhạc Phạm Duy vẫn là sự lặp lại hai lần của một đoạn nhạc trong phần phiên khúc. Với sự lặp lại này, người nghe được nghe nhạc đề ít ra là hai lần, các phát triển nhạc đề cũng hai lần, tạo một căn bản vững chắc, không hời hợt để khi sang phần điệp khúc có cái để mà so sánh, để làm nổi bật sự tương phản giữa phiên khúc và điệp khúc.
Vừa rồi là một cách viết nhạc với sườn bài là Phiên Khúc, Điệp Khúc rồi lặp lại. Ngoài ra chúng ta còn thấy nhạc sĩ thỉnh thoảng viết một sườn bài với ba đoạn nhạc khác nhau như trong bài Hoa Rụng Ven Sông hay Đường Em Đi, bốn đoạn như Cỏ Hồng, hoặc năm đoạn hay nhiều hơn nữa như các nhạc phẩm Khi Tôi Về, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, rồi cấu trúc về hòa âm, cách đặt câu với quãng nghịch như bài Đường Chiều Lá Rụng, cách tạo cung nhạc hay tạo đỉnh điểm (climax) thật sáng tạo như các nhạc phẩm Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Kỷ Vật Cho Em, hay cách tạo nhịp như trong bài Mùa Xuân Yêu Em, v.v. rất xứng đáng để chúng ta tìm hiểu thêm.
Phát triển một đoạn nhạc từ một hay nhiều nhạc đề
Vừa rồi là phần cấu trúc câu nhạc, thế còn cách tạo ra các câu nhạc sau khi câu đầu tiên – nhạc đề - được tạo ra thì sao? Tôi thử phân loại như sau:
1. Period,
2. Sentence,
3. Một nhạc đề từ hai đến 12 chữ,
4. Hai nhạc đề, nhạc đề 2 phát triển tới cuối phiên khúc,
5. Hai nhạc đề theo dạng hỏi-đáp, và
6. Các nhạc phẩm phổ từ thơ lục bát.
Loại Một: Period
Với cấu trúc period, người nhạc sĩ phải tìm mọi cách để nhạc đề ở câu thứ nhất không được lặp lại ở câu thứ hai. Thí dụ như bài Ngày Đó Chúng Mình:
Câu 1: Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Câu 2: Và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối
Tới cuối câu hai, nhạc đề không còn thấy được rõ nữa, do vậy nó phải được nhắc lại.
Câu 1’: Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Câu 2’: Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi!
Mời bạn xem thêm danh sách một số nhạc phẩm khác thuộc loại 1 cũng như thuộc các loại hai tới loại sáu ở phần ghi chú cuối bài.
Loại Hai: Sentence
Với cấu trúc sentence, câu thứ hai được lặp lại giống hệt như câu thứ nhất. Rồi vì hai câu đầu giống nhau, nên các câu tiếp theo: câu ba, câu bốn, v.v. phải được viết khác đi để tránh đơn điệu. Thí dụ rõ nhất của cấu trúc này là nhạc phẩm Nghìn Trùng Xa Cách:
Câu 1: Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi
Câu 2: Còn gì đâu nữa, mà khóc với cười
Câu 3: Mời người lên xe, về miền quá khứ
Câu 4: Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu, v.v.
Sentence rõ ràng là khó sáng tác hơn Period, vì từ câu thứ ba trở đi, người nhạc sĩ phải biết cách làm cho phiên khúc kết thúc để có thể đi đến phần điệp khúc.
Loại Ba: Một nhạc đề từ hai đến 12 chữ trong suốt chiều dài bản nhạc
Loại này gồm có 4 câu, với 8 hoặc 16 trường canh. Vì các câu đó số chữ bằng nhau, đa số các bài đều là khai triển nhạc đề của câu thứ nhất thành các câu thứ hai, ba và bốn, để rồi quay lại nhạc đề (hoặc biến thể của nhạc đề) ở câu đầu của đoạn sau. Thí dụ như bài Tiễn Em (thơ Cung Trầm Tưởng):
Câu 1: Lên xe tiễn em đi
Câu 2: Chưa bao giờ buồn thế
Câu 3: Trời mùa Đông Paris
Câu 4: Suốt đời làm chia ly
Câu 1: Tiễn em về xứ mẹ, v.v.
Hay như trong bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi:
Câu 1: Ngày em hai mươi tuổi
Câu 2: Tay cắt mái tóc thề
Câu 3: Giã từ niềm vui nhé
Câu 4: Buồn ơi! Hỡi chào mi!
Câu 1: Ngày em hai mươi tuổi, v.v.
Đôi khi, bản nhạc cũng có kiến trúc như là một sentence, với các nốt nhạc của câu thứ hai lặp lại câu thứ nhất, như trong bài Ngày Tháng Hạ:
Câu 1: Ngày tháng hạ, mênh mông buồn
Câu 2: Lòng vắng lạnh như sân trường
Câu 3: Hàng phượng vĩ cũng khác thường
Câu 4: Nhỏ tia máu trên con đường
Câu 1: Ngày tháng hạ, lê thê dài, v.v.
Loại Bốn: Hai nhạc đề nối đuôi nhau, với nhạc đề thứ hai khai triển đến nửa phiên khúc
Với kiến trúc này, nhạc đề thứ hai được khai triển tiếp cho trọn một đoạn, thí dụ như trong nhạc phẩm Phượng Yêu:
Câu 1: Yêu người (nhạc đề 1)… như lá đổ chiều Đông (nhạc đề 2)
Câu 2: Như mây hồng chưa tím (khai triển nhạc đề 2)
Câu 3: Như con chim khóc trong lồng (khai triển nhạc đề 2)
Câu 4: Như cơn giông đêm hè (khai triển nhạc đề 2)
Câu 5: Tình ta nức nở canh khuya … (kết)
Câu 1: Yêu người … như suối cuộn rừng sâu, v.v.
Một thí dụ khác là nhạc phẩm Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời:
Câu 1: Nếu một mai(nhạc đề 1), em sẽ qua đời(nhạc đề 2)
Câu 2: Hoa phủ đầy người (khai triển nhạc đề 2)
Câu 3: Xe nhịp đằm khơi xa xôi … (khai triển nhạc đề 2 và kết)
Câu 1: Nếu một mai em đốt pháo vui, v.v.
Loại Năm: Hai nhạc đề theo dạng hỏi đáp
Với loại này, ta thấy hai nhạc đề nối tiếp nhau trong cùng một câu, nhạc đề thứ hai có nhiệm vụ dẫn giai điệu đi qua một nốt hay một hòa âm khác. Ta hãy xem một thí dụ, đó là nhạc phẩm Yêu Là Chết Ở Trong Lòng:
Câu 1: Làm sao tôi biết (nhạc đề 1), yêu đương là khúc đoạn trường? (nhạc đề 2)
Câu 2: Làm sao em biết (nhạc đề 1), yêu đương là tiếng thê lương? (nhạc đề 2)
Câu 3: Từ khi tôi mới (nhạc đề 1), yêu người đó (nhạc đề 2)
Câu 4: Tình yêu thơm ngát (nhạc đề 1), như lời hứa (nhạc đề 2)
Câu 5: Cuộc tình ngây thơ (nhạc đề 1), chúng tôi xây mộng xây mơ! (nhạc đề 2)
Câu 1: Người cho tôi biết (nhạc đề 1), yêu nhau là sẽ nặng sầu (nhạc đề 2), v.v.
Hay là bài Tuổi Ngọc:
Câu 1: Xin cho em, một chiếc áo dài
Câu 2: Cho em đi, mùa xuân tới rồi
Câu 3: Mặc vào người rồi ra
Câu 4: Ngồi lạy chào mẹ cha
Câu 5: Hàng lụa là thơm dáng tuổi thơ
Câu 1: Xin cho em một chiếc áo mầu, v.v.
Loại Sáu: Thơ Lục Bát
Vì cấu trúc thơ là 6 rồi 8 chữ, rồi quay lại 6 chữ, v.v. chúng ta thấy nhạc sĩ đã dùng nhiều kỹ thuật để làm bài nhạc hấp dẫn hơn. Đầu tiên là giữ nguyên cấu trúc thơ như bài Ngậm Ngùi (thơ Huy Cận) mà có lẽ người Việt mình ai cũng nghe qua:
Câu 1: Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Câu 2: Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Câu 3: Sợi buồn con nhện giăng mau,
Câu 4: Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây! v.v.
Để làm bài bớt cân xứng, nhạc sĩ cho vào các chữ tình tang luyến láy, như trong bài Cây Đàn Bỏ Quên:
Câu 1: Hôm xưa tôi đến nhà em
Câu 2: Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Câu 3: Tình tang, tính tính tình tang, v.v.
Hay ông dùng phép lập lại các chữ, như trong bài Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu (thơ Phạm Thiên Thư) sau đây, các chữ in đậm là được thêm vào:
Câu 1: Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn,
Câu 2: Dáng ai cắp rổ, cắp rổ lên cồn, lên cồn hái dâu. hái dâu vàng, v.v.
Gần đây, tôi có phân tích hai nhạc phẩm Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà và Đường Em Đi, trình bày rất kỹ lưỡng cách tạo một đoạn nhạc từ nhạc đề. Cộng với tiểu luận Tìm Hiểu Cách Phát Triển Giai Điệu Trong Nhạc Phạm Duy viết năm 2009, trong đó tôi nói rõ 17 cách phát triển câu nhạc từ nhạc đề, hy vọng bạn đọc sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn về các lề lối soạn nhạc từ nhạc đề của nhạc sĩ Phạm Duy.
Dùng nhạc đề để tạo điệp khúc
Ngoài các phương pháp phát triển giai điệu vừa kể, nhạc sĩ còn có một phương pháp tạo điệp khúc từ phiên khúc rất bài bản. Nhạc sĩ dùng một phần của nhạc đề, hay một biến thể của nhạc đề để làm những nốt đầu tiên của điệp khúc, rồi tạo dựng những tiết tấu hoặc giống nhau, hoặc khác hẳn với phiên khúc để khai triển tiếp. Vì thế, những nhạc phẩm Phạm Duy rất gắn bó, mạch lạc, logic, vì điệp khúc không gì khác hơn là khai triển tiếp theo của phiên khúc.
Thí dụ rõ nhất là bài Đừng Xa Nhau, khi nhạc đề là câu Đừng xa nhau, đừng quên nhau, …. rồi điệp khúc là Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu, trong đó “dù mai sau” là một lặp lại chính xác của “đừng xa nhau”, nhưng tiết tấu đã khác đi vì câu đã thành câu có tám nốt.
Phiên khúc:
Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.
Đừng buông mau! Đừng dứt áo!
Đừng thoát giấc mộng đầu,
…
Điệp Khúc:
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu.
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái đầu.
Đừng xa nhau nhé!
Đừng quên nhau nhé !
Đừng chia nhau núi cao vực sâu.
Một thí dụ khác là bài Hãy Yêu Chàng. Nhạc sĩ sử dụng lại hoàn toàn nhạc đề “Hãy yêu chàng, hãy yêu chàng”, nhưng những câu nhạc sau đó thì có cung nhạc và tiến trình hợp âm tương phản với phiên khúc:
Phiên khúc:
Hãy yêu chàng ! Hãy yêu chàng !
Như yêu dòng sông ngậm ánh trăng non, mộng ước quanh năm
Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan...
Hãy yêu chàng ! Hãy yêu chàng !
Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi
Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.
Điệp khúc:
Hãy yêu chàng ! Hãy yêu chàng !
Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn
Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng
Hãy yêu chàng ! Hãy yêu chàng !
Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát
Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng...
…
Bài Nếu một mai em sẽ qua đời cũng vậy, nhạc sĩ chỉ dùng lại ba chữ “nếu một mai” rồi khai triển tiếp thành “nếu một mai, không còn ai”:
Phiên khúc:
Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người , xe nhịp đằm khơi... xa xôi.
Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người, hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời.
…
Điệp khúc:
Nếu một mai không còn ai
Đứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai ! Đâu còn ai ?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là gian dối mà thôi.
Không chỉ dùng nhạc đề, nhạc sĩ còn dùng biến thể nhạc đề để tạo điệp khúc. Thí dụ như trong bài Cành Hoa Trắng, nhạc đề “Không gian tràn dâng niềm thương” của điệp khúc được lấy ngay từ câu láy cuối phiên khúc “bước vào vườn hoang”.
Phiên khúc:
Một đàn chim tóc trắng, bay về qua trần gian
Báo tin rằng : Có Nàng Giáng Hương
Nàng ngồi trên cung vắng, trong một đêm tàn trăng
Phá then vàng bước vào vườn hoang.
Điệp khúc:
Không gian tràn dâng niềm thương
Rồi tiếng hát sui cuộc tình duyên
Bao nhiêu nàng tiên nỉ non
Làm huyên náo Thiên Đường lạnh lẽo.
Nếu không dùng lại cả giai điệu lẫn tiết tấu, ít nhất nhạc sĩ cũng dùng lại tiết tấu để điệp khúc gắn bó với phiên khúc. Chẳng hạn như trong bài Con Đường Tình Ta Đi, điệp khúc bắt đầu bằng “Thế rồi cuộc đời là”, chung tiết tấu với nhạc đề “con đường tình ta đi”.Cung nhạc đi xuống, thay vì chữ V như nhạc đề, do đó tạo được nét tương phản mà vẫn giữ được sự gắn bó, mạch lạc giữa hai đoạn nhạc. Bạn để ý thấy phiên khúc gồm có hai phần hệt nhau như tôi đã trình bày trước đây, nên khi điệp khúc hát lên ta thấy rất rõ sự tương phản, làm tăng sự cách biệt giữa tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi học trò, tuổi yêu đương, với thực tại trần trụi của những “cuộc tình chia xa”, đi lạc vào những con đường không có lối về:
Phiên khúc:
Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi
Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.
Điệp khúc:
Thế rồi cuộc đời là, những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
Đứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông
Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông
Tất nhiên, những thí dụ trên chỉ là một phần nhỏ trong những cách tạo phiên khúc và điệp khúc của nhạc sĩ Phạm Duy. Bạn sẽ thấy, cho dù nhạc sĩ có soạn nhạc và lời, hay phổ thơ thành nhạc, tất thảy đều theo sát các quy tắc bất biến là việc sử dụng nhạc đề và cách tạo các phát triển từ nhạc đề, cùng cách lập lại hai lần đoạn nhạc trong phiên khúc (biết rồi, khổ lắm, nói mãi!) và cuối cùng là “cài đặt” nhạc đề từ phiên khúc vào đầu điệp khúc. Hy vọng “tường trình” này sẽ làm sáng tỏ một vài băn khoăn của bạn khi bạn không chỉ muốn “cưỡi ngựa xem hoa”, thưởng thức những giai điệu, hòa âm, cách phối khí, giọng hát, mà còn muốn rẽ sang “hậu trường sân khấu” để tìm hiểu thêm những tinh hoa của dòng nhạc Phạm Duy.
Thân ái chúc bạn một năm mới, một thập kỷ mới thật nhiều điều tốt lành. Cám ơn bạn đã theo dõi đến cuối bài.
Hiệp Dương (aka Học Trò)
12/27/2019
Ghi Chú:
Các nhạc phẩm sau là những thí dụ thêm về sáu cách phát triển một đoạn nhạc từ nhạc đề.
• Loại 1 (Period): Ngày Đó Chúng Mình, Ngày Trở Về, Xuân Ca, Tiếng Thu, Tiếng Đàn Tôi, Thu Ca Điệu Ru Đơn, Nghìn Thu, Cành Hoa Trắng, Nha Trang Ngày Về, Việt Nam! Việt Nam!
• Loại 2 (Sentence): Nghìn Trùng Xa Cách, Trên Đồi Xuân, Tôi Còn Yêu Tôi Cứ Yêu, Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, Tìm Nhau, Thương Tình Ca, Tạ Ơn Đời, Nước Mắt Rơi, Nước Mắt Mùa Thu, Nụ Tầm Xuân, Nhớ Người Ra Đi, Mẹ Trùng Dương, Lá Diêu Bông, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi.
• Loại 3 (Một nhạc đề từ hai đến 12 chữ trong suốt chiều dài bản nhạc): Tiễn Em, Ngày Em Hai Mươi Tuổi, Ngày Tháng Hạ, Chú Cuội , Mùa Thu Paris, Đường Em Đi, Thà Như Giọt Mưa, Tâm Sự Gửi Về Đâu, Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên, Con Đường Tình Ta Đi, Giọt Mưa Trên Lá, Kỷ Niệm, Gió Thoảng Đêm Hè, Làm Sao Mà Quên Được, Em Hiền Như Ma Soeur, Ngày Xưa Hoàng Thị, Mộng Du, Đừng Xa Nhau, Chuyện Tình Buồn, Bên Ni Bên Nớ, Bên Cầu Biên Giới, Hạ Hồng, Hẹn Hò, Hoa Rụng Ven Sông, Hoa Xuân, Thuyền Viễn Xứ, Trả Lại Em Yêu.
• Loại 4 (Hai nhạc đề nối đuôi nhau, với nhạc đề thứ hai khai triển đến nửa phiên khúc): Phượng Yêu, Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời, Về Miền Trung, Tiếng Sáo Thiên Thai, Chiều Về Trên Sông, Hãy Yêu Chàng, Hẹn Em Năm 2000, Khối Tình Trương Chi, Viễn Du, Tình Hoài Hương, Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà, Quê Nghèo, Nương Chiều, Mộ Khúc, Nghìn Thu.
• Loại 5 (Hai nhạc đề theo dạng hỏi đáp): Yêu Là Chết Ở Trong Lòng, Nắng Chiều Rực Rỡ, Còn Chút Gì Để Nhớ, Hoa Rụng Ven Sông, Em Lễ Chùa Này, Tuổi Thần Tiên, Tuổi Ngọc, Tuổi Mộng Mơ.
• Loại 6 (Thơ Lục Bát): Ngậm Ngùi, Cây Đàn Bỏ Quên, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, Xuân Thì, Bài Ca Sao, Đố Ai, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Kiếp Sau, Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, Người Về.
• Một số bài nhạc khác với nhiều đoạn nhạc, cung nhạc và tiết tấu cầu kỳ: Mùa Thu Chết, Mùa Xuân Yêu Em, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Tình Ca, Đường Chiều Lá Rụng, Dạ Lai Hương, Cỏ Hồng, Còn Gì Nữa Đâu, Đừng Bỏ Em Một Mình, Gánh Lúa, Giết Người Trong Mộng, Khi Tôi Về, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Kỷ Vật Cho Em, Mùa Xuân Yêu Em, và Đêm Xuân.
Tài Liệu Tham Khảo
• Một Trăm Tình Khúc Của Một Đời Người – xem lời và nghe nhạc: http://www.phamduy2010.com/phamduy100/1-20.php
• Các bài viết, nghiên cứu về nhạc Phạm Duy trên trang phamduy.com https://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy
• Phạm Duy: Âm Nhạc – Học Và Hành. Nhà xuất bản Phương Nam
• Phạm Duy: Vang Vọng Một Thời. Nhà xuất bản Phương Nam
• Phạm Duy: Đường Về Dân Ca – Xuân Thu Xuất Bản 1990
• Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng – Tình Ca Phạm Duy (tập nhạc với 103 nhạc phẩm). Nhà xuất bản Phương Nam
• Ebook: Học Trò Tìm Hiểu Nhạc Phạm Duy http://www.phamduy2010.com/e-books/
• Ebook Học Trò: ABBA, Paul Mauriat và những Mẩu Chuyện Khác Về Âm Nhạc
https://hoctroviet.blogspot.com/p/ban-oc-quy-men-quyen-ebook-ban-sap-xem.html
• Arnold Schoenberg: Fundamentals of Musical Compositions
https://monoskop.org/Arnold_Schoenberg