Dân Ca Mới và bài "Nhớ Người Thương Binh"
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 7334
Trước hết, tôi xin phép được định nghĩa về DÂN CA VIỆT NAM.
Dân Ca Cổ (Ancient folk songs) còn tồn tại, nghĩa là còn thấy có ít nhiều sinh hoạt trong đời sống Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20, gồm các loại hát như ru, lý, hò, ví, xẩm v.v... thường là những câu thơ truyền miệng (oral poetry) được hát lên với nhạc điệu và nhịp điệu khác nhau, tùy theo địa phương và công dụng của bài hát hoặc của loại hát. Dân ca cổ vẫn được coi là sáng tác tập thể của nhân dân, của vô danh, dù đã có thuyết cho rằng nó cũng phải bắt đầu từ một người nào đó, trong một thời đại nào đó, rồi vì có giá trị cho nên đã được lưu truyền bằng cửa miệng và trở thành gia tài của tập thể.
Dân Ca Mới (New folk songs) phát sinh vào giữa thập niên 40 sau khi nền nhạc mới, được gọi là nhạc cải cách (về sau gọi là tân nhạc) vừa ra đời và chịu ảnh hưởng của nhạc Âu Tây, rồi vì muốn cho tân nhạc có dân tộc tính cho nên một số nhà cải cách thời đó đã quay về nghiên cứu dân ca cổ để khởi sự từ cái vốn cũ, sáng tác những bản nhạc mà họ gọi là dân ca cải biên, dân ca phát triển, dân ca phục hồi hay dân ca mới.
1947, sau 5 năm thử thách soạn nhạc cho thời đại, tôi thấy rằng muốn thành lập một nền âm nhạc cho Việt Nam thì phải hiểu biết dân ca cổ truyền rồi dựa vào đó để soan ca khúc mới. Học nhạc cổ điển hay nhạc tân kỳ của Âu Tây chỉ giúp chúng ta hiểu biết tài sản đồ sô của âm nhạc thế giới nhưng ta không cần phải lấy nhạc của ngoại quốc để làm khuôn ngọc thước vàng trong việc xây dựng một nền nhạc cho dân tộc mình.
Tuy khởi đầu viết ca khúc theo khuôn mẫu Tây Phương, dùng âm giai thất cung trong giai điệu và dùng những tiết điệu như tango, valse, rumba v.v… nhưng chỉ ít lâu sau là tôi quyết định phải sáng tác từ vốn cũ là dân ca cổ truyền, nghĩa là giai điệu thì phải nằm trong ngũ cung và tiết điệu thì phải là thơ lục bát biến thể. May cho tôi là trước khi chọn làm ca nhân VN, tôi đã sống tại nhiều vùng quê (tỉnh nhỏ Hưng Yên, Nhã Nam Bắc Giang…) rồi còn đi theo một gánh hát rong trong gần hai năm, đi suốt từ Hải Phòng, qua Nam Định, qua những tỉnh miền Trung, vào Saigon và miền Lục Tỉnh… cho nên tôi am hiểu rất kỹ càng các điệu hát cổ truyền như hát quan họ, hát chèo, hát cải lương Nam Kỳ…và những dân ca cổ của từng địa phương trong nước…
Khi tôi đưa ra dân ca mới, tôi dựa vào những truyền thống về nhạc điệu, tiết điệu, lời ca của dân ca cổ nhưng nó sẽ phải được hiện đại hoá, nghĩa là :
a) nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ (métabole) để làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau;
b) lời ca tuy nằm trong thể thơ lục-bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết (prosodie) của lời ca mà trở nên phong phú hơn.
Chủ ý của tôi là làm sao đem được Tân Nhạc vào thôn quê. Cũng may là về phần đề tài, tôi có cả một dân tộc và cả một cuộc đấu tranh giành độc lập để đưa vào thể dân ca mới này, do đó nó dễ đi vào quần chúng. Tôi tung ra một số bài hát, bài nào cũng mang âm hưởng dân ca cổ truyền cả. Tôi gọi những bài này là dân ca kháng chiến để phân biệt với những bài dân ca soạn ra sau này.
Bài dân ca mới đầu tiên của thời đại và mang tinh thần kháng chiến là bài Nhớ Người Thương Binh sọan tại Vĩnh Yên năm 1947. Bài này được phổ biến rất mạnh mẽ tại miền Việt Bắc khiến cho người miền núi cũng dịch ra tiếng Tày để hát : Pài mà, pài mà qua nứng nà khuê...
Dân Ca Kháng Chiến
Nhớ Người Thương Binh
(Vĩnh Yên 1947)
Lê Uyên trình bày
Dinh Hung trình bày
Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù (u u ù)
Từ ngày chinh chiến mùa Thu.
Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa Thu
Có chàng ra lính biên khu ai ơi tung hoành (ư ư ừ)
Chiều về trên cánh đồng xanh.
Chiều quê hằng nhớ người trai
Và em nhìn tháng ngày trôi
Nhớ người xa, xa vời
Người vì non nước xa xôi.
Một chiều, một chiều trên quãng đường xa
Bòng người anh dũng năm xưa ra đi chốn này (ư ư ừ)
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù (u u ù)
Từ ngày chinh chiến mùa Thu.
Người quê còn nhớ người chăng
Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương binh.
Người về, người về có nhớ thương binh.
Tôi về tôi nhớ chiều xanh ra nơi sa trường (ư ư ừ)
Và ngày tôi đã bị thương
Và ngày, và ngày tôi đã bị thương
Thân tàn nhưng trí càn vương ai ơi mây trời (ư ư ừ)
Chiều về thương nhớ đầy vơi.
Người xa gửi đến quà xa
Ngồi đây tưởng đến lệ rơi
Hỡi người xa, xa vời
Đẹp lòng tôi lắm ai ơi !
Về giai điệu, câu Chiều về trên cánh đồng xanh được soạn với ngũ cung = sol la do re mi.
Khi chuyển qua câu có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù thì tôi dùng ngũ cung = fa sol sib do re.
Tiếp tục, qua tới câu từ ngày chinh chiến mùa Thu, tôi dùng ngũ cung = do re fa sol la.
Rồi kết cục, Điệp Khúc với những câu Chiều quê hằng nhớ người trai Và em nhìn tháng ngày trôi Nhớ người xa xa vời Người vì non nước xa xôi, tôi dùng ngũ cung = re mi sol la si.
Như vậy là nhờ ở sự chuyển hệ (métabole), bài Nhớ Người Thương Binh có đầy đủ những cung bưc : do re mi fa sol la sib si do. Giai điệu nghe rất Việt Nam dù có nhiều cung bực hơn ngũ cung.
Về tiết điệu thì hầu hết ca từ là thơ luc bát biến thể:
Chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh giết thù
Từ ngày chinh chiến mùa Thu.
Có chàng ra lính biên khu tung hoành
Chiều về trên cánh đồng xanh…
Những chữ như giết thù u u ù hay tung hoành ư ư ừ thì bởi vì tôi dùng ngữ thuật melisma (nghĩa là một chữ được kéo dài và uốn éo lên xuống qua nhiều cung) cho nên giai điệu phong phú hơn. Sau này melisma còn được dùng trong nhiều bài mang tinh thần dân ca mới như Nụ Tầm Xuân, Đố Ai v.v…
Nhưng việc cải cách hình thức trong âm nhạc không quan trọng bằng việc đưa ra nội dung của dân ca mới là : hát về con người và xã hội hiện đại. Con người điển hình trong xã hội Việt Nam là nông dân, là người chiến sĩ, là anh thương binh, bà mẹ quê, vợ chồng quê, em bé quê… Trong công cuộc chiến đấu giành tự do độc lập lúc đó, không phải chỉ có người ở tiền tuyến mà phải còn là những người ở hậu phương nữa.
Do đó dân ca kháng chiến của tôi xoáy vào những tâm tình giữa người ra đi nơi tiền tuyến và người ở lại hậu phương như trong những bài Dặn Dò, Nhớ Người Ra Đi, Ru Con, Nương Chiều, Gánh Lúa v.v…
Tôi sẽ có dịp nói về từng bài trong loạt dân ca kháng chiến này.
Phạm Duy
Tháng bẩy 2007