PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400
trongdong33

Trước hết, ta hãy đọc một đoạn trong cuốn sách giới thiệu các nhạc cụ dân tộc của Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, viết về trống đồng mà ông coi -- trước hết -- như một nhạc khí.

... Trống đồng thuộc loại nhạc cụ tự thân vang, hiện nay chỉ thấy các dân tộc Khơ Mú, Lô Lô và Mường dùng với tư cách là một nhạc cụ trong tang lễ. Một trống đồng có kích thước trung bình, đường kính mặt trống 50cm, cao từ 45-50cm (coi ảnh bên trên). Mặt trống phủ vừa sát đến thân tang trống. Ngôi sao giữa mặt trống có 12 cánh không có tượng cóc trên rìa mặt trống. Thân trống chỉ có hai phần : phần trên phình ra đỡ lấy mặt trống, phần dưới hình viên trụ tròn.

... Trống được đúc bằng hợp kim đồng, nhưng tiếng không trong, không vang xa.

trongdong22
Hai kiểu trống đồng nữa

Trống đồng có mặt tại nước mình trên dưới 2000 năm, âm thanh hay nhạc điệu phải hùng dũng lắm cho nên sứ giả quân Nguyên là Trần Phu, vào thời nhà Trần, khi qua nước mình, nghe tiếng trống đồng mà kinh sợ :

Trông bóng giáo mác lòng đau khổ
Bạc cả tóc vì nghe tiếng trống đồng
(Kim qua ảnh lý đan tân khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh)

Âm Thanh của trống đồng ngày xưa chắc phải mạnh mẽ lắm cho nên đã được dùng trong ban Đại Nhạc của triều đình vào thời Hậu-Lê, mỗi khi có nhật thực hay nguyệt thực, vua quan làm lễ và ban nhạc cử bản nhạc có cái tên huyền bí : Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc.

Thế mà Tiến Sĩ Tô Ngọc Thanh lại có nhận xét :

... tiếng không trong, không vang xa...

Cũng cần biết thêm là : trống đồng đã có mặt tại nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á, không phải chỉ riêng ở Việt Nam là có trống đồng mà thôi.

Vào năm 1970 tại Saigon, tôi tìm hiểu về trống đồng để viết cuốn Đặc Khảo Về Âm Nhạc thì tôi chưa hề được nghe ai đánh trống đồng bao giờ cả. Cũng vì chưa có ai thu thanh tiếng trống đồng vào đĩa hát hay băng nhạc nên tôi không biết âm thanh trống đồng trong hay đục, vang gần hay vang xa ? Tôi chỉ được đọc một cuốn sách của một nhà khảo cổ người Pháp ấn hành trước đó, thấy trong sách có tấm ảnh hai người Mường ở Hoà Bình dùng vồ sắt và những thanh sắt dài để đánh trống đồng...

Sách này còn cho tôi biết trống đồng chỉ được dùng vào những cuộc lễ sống và lễ chết. Khi làm lễ, bốn thiếu nữ người thiểu số đứng chung quanh cái trống, mỗi người nắm trong tay một bó sắt que dài, giơ lên cao rồi buông xuống cho que sắt rơi trên mặt trống, vang lên như tiếng gạo rơi, gợi vẻ trang nghiêm huyền bí. Phải là các con dâu của Quan Lang thì mới được phép đánh trống đồng.

trongdong0

Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh cũng viết :

Trong đời sống văn hóa của ba dân tộc nói trên chưa ai thấy họ sử dụng trống đồng vào việc gì khác, ngoài tang lễ. Người Mường vùng Lạc Sơn (Hòa Bình) đặt úp trống trên mặt đất hay trên sàn nhà, dùng một cái dùi mỏ khoắm, đầu khoắm được bọc vải, để gõ. Trống tham gia dàn nhạc tang lễ cùng với sáo ngang, nhị, cồng, thanh la, kèn đám ma, trống bịt da dê. Dàn nhạc được gọi là "cò ke, ổng khảo, clổn tông" để phân biệt với dàn nhạc không có trống gọi "cò ke, ổng khảo".

Người Khơ Mú dùng dùi thẳng, đầu gõ được bọc vải phía trong, phía ngoài cũng bọc bằng da hòn dái dê. Khi chơi, người Khơ Mú cũng úp trống xuống hay xuống sàn mà gõ vào núm trên của măt trống, chơi cùng với ba cái cồng và một trống cái hai mặt bịt da trâu.

Trong tang lễ, người Lô Lô dùng hai trống đồng, đặt hoặc treo nghiêng, mặt trống đối diện nhau. Dùi trống Lô Lô cũng như dùi trống của Khơ Mú. Phụ nữ cần dùi gõ theo nhịp vào núm trống. Ở cả ba dân tộc nói trên, trống đồng được coi là tượng trưng cho mặt trời, tiếng trống tượng trưng cho tiếng nói của trời, tức là tiếng sấm. Tiếng trống sẽ dắt linh hồn người chết bíết đường đi về thế giới tổ tiên.

trongdong44

Vì nước ta trải qua một thời kỳ chinh chiến rất dài, nửa thế kỷ sau tôi mới lại được đọc những sách viết về trống đồng và được thấy ảnh phụ nữ thuộc sắc tộc Mường, Lô Lô hay Khơ Mú đánh trống. Đó là những người thiểu số. Lối đánh trống vẫn như xưa, nhưng bây giờ người ta đánh trống bằng chầy vồ đầu có bịt vải và những thanh gỗ hay những thanh sắt lớn.



Theo sách của một số nhà khảo cứu trước đây, giống như nhận xét của Tiến Sĩ Thanh, họ bảo trống đồng không phải là một thứ nhạc cụ có âm thanh trong trẻo hay vang rền... Họ viết là đã được nghe người Mường đánh trống đồng và đó là những âm thanh bèn bẹt, không có âm ba, nghĩa là không có tiếng vang. Hơn nữa trống đồng có lẽ chỉ được dùng vào thuở sơ khai, càng về sau nó càng mất vai trò của nhạc cụ. Công dụng của nó là một thứ đồ dùng khi bị cưa đôi thành cái hòm tròn để đựng của cải, thậm chí có nơi đã trở thành cái quan tài đựng xương người chết.

Gần đây, trống đồng được dùng lại như một nhạc khí. Trong những buổi Đại Nhạc Hội, có những màn đánh trống đồng và múa theo điệu trống đồng...






Phạm Duy