Nhạc Bán-Cổ Ðiển
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 6660
... Tôi khởi sự soạn lời ca tiếng Việt để hát với nhạc Âu Mỹ khi tôi vừa bước vào tuổi 15, 20. Khi đó, ở Việt Nam, phong trào cải lương, cải cách trong văn học nghệ thuật đã ra đời. Thơ Mới đã có mặt với những thi phẩm của Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu v.v..., đồng thời Cải Lương Nam Kỳ cũng đang dần dà xâm chiếm sân khấu của Chèo Cổ, Tuồng Cổ... Về Âm Nhạc, để thay thế cho nhạc cổ, qua những bài ta theo điệu Tây của các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi... một nền nhạc mới đang trong thời kỳ chuẩn bị (Nhạc Cải Cách) để sẽ tiến tới thời kỳ thành hình (Tân Nhạc)...
Trong khi các nghệ sĩ kể trên chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời thì tôi chọn nhạc cổ điển Âu Tây để ca hát. Loại nhạc valse của Johann Strauss tuy là nhạc cổ điển nhưng có bài được phổ biến dưới hình thức ca khúc phổ thông. Ngoài bài valse bất hủ là LE BEAU DANUBE BLEU, Johann Strauss có một bài valse khác cũng được nhiều người biết đến là bài WHEN WE WERE YOUNG. Tôi soạn lời ca tiếng Việt để hát chơi trong đám bạn bè. Ðây cũng là lúc tôi phổ nhạc bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính tại Hưng Yên sau khi thôi học tại Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội.
Khúc Hát Thanh Xuân
When We Were Young
Lời Việt Phạm Duy
Thái Hiền trình bày
Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi
Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi.
Rồi nắm tay cùng nói vui
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi.
Từ đó khi xuân tái hồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi.
Vào tuổi tôi, ai mới bước vào âm nhạc thì cũng đều mê nhạc cổ điển Tây Phương. Tôi có cái may là có một người anh đi du học bẩy năm ở bên Pháp. Khi hồi hương, người anh mang về nhiều đĩa hát loại 78 tours, tất cả là nhạc cổ điển. Tôi đã nghe và đã thuộc lòng nhiều bài được coi như bất tử, chẳng hạn bài SÉRÉNATA của Toselli. Bản nhạc Ý đại lợi này thì quá đẹp, lại có thêm lời ca tiếng Pháp rất hay, cho tới hôm nay tôi còn nhớ:
Viens, ce soir si doux
Et l'heure est heureuse
On sent la caresse
Des mots d'amour
Qu'on écoute à genoux...
Tôi hát bài này từ khi mới 14, 15 tuổi nhưng cho mãi tới năm 1942 hay 1943 tôi mới soạn lời Việt.
Chiều Tà
Sérénata
Nhạc : Enrico Toselli - Lời Việt : Phạm Duy
Thái Hiền trình bày
Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ôi ! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng
Ðã quên hết sầu chưa
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ
Ôi tiếng tơ tình mong chờ
Chiều êm êm đưa duyên về người
Ðàn triền miên nắn tiếng sầu đời
Người hỡi !
Ðến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên.
Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Hờ hững cõi Thiên Ðàng
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà
Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ân ái muôn đời
Bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình Yêu mãi mãi...
Vào lúc đầu đời, tôi cũng như Văn Cao và các nhạc sĩ trẻ khác thường hay nói tới cây đàn, cung đàn, tiếng đàn. Do đó mà trong bài nhạc chiều của Toselli này, tôi nói tới tiếng đàn triền miên nắn tiếng sầu đời... Cũng như về sau này trong sáng tác, nếu tôi hay nói tới những buổi chiều thì đó là vì tôi bị ảnh hưởng của các bản mộ khúc, dạ khúc của các nhạc sĩ cổ điển. Người Âu Phương dùng chữ sérérade, sérénata để nói lên cái sérénité tức là sự trầm lặng của chiều.
Thế rồi tôi bỏ nhà đi theo gánh hát rong và trước khi lên sân khấu hát nhạc cải cách để trở thành ca sĩ đầu tiên của nền Tân Nhạc thì tôi đánh guitare trong ban nhạc tiền trường (avant scène) của một gánh hát rong có cái tên là gánh ÐỨC HUY - CHARLOT MIỀU. Ban nhạc phải tấu nhạc trong lúc hạ màn và có khi phải đệm đàn cho tài tử đánh kiếm trên sân khấu nữa... Tôi được làm quen với loại nhạc khiêu vũ (musique de danse) và soạn lời cho những bài như LA PALOMA, LA CUMPARSITA vân vân... Bài LA CUMPARSITA là một bài tango nổi tiếng trên thế giới, dù nó không phải là nhạc cổ điển nhưng tôi cũng cho vào mục này vì nó nằm trong dĩ vãng cổ điển của tôi và nó sẽ dẫn tới bài TÌNH KỸ NỮ mà tôi soạn về sau để ghi lại mối tình giang hồ giữa tôi và một vũ nữ:
Vũ Nữ Thân Gầy
La Cumparsita
Lời Việt : Phạm Duy
Khánh Ly trình bày
Ðàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi
Ðàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi
Ðàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai
Ðàn cố nuôi lời, cho giấc mơ còn lơi
Ôi ! Nghe tiếng đàn réo mà thương người
Nghe tiếng cười reo xót xa đời
Nhớ nhung đau thương mà thôi
Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.
Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men
Bát ngát hương môi cho anh say mềm
Nhịp nhàng gieo trên sàn êm
Rộn ràng nghe bao lời điên
Của khách giang hồ say triền miên.
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy.
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Ðã qua một đêm...
Cho tới năm 1949, tôi lập gia đình với Thái Hằng ở Chợ Neo Thanh Hoá và vì Thái Thanh, lúc đó còn bé lắm, thích hát nhạc cổ điển cho nên tôi soạn lời ca cho những bài DẠ KHÚC (Schubert), DÒNG SÔNG XANH (Johann Strauss), TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA (Curtiss) v.v... để cho cả hai chị em hát.
Với bài DẠ KHÚC, tôi biết rằng Schubert đã phổ nhạc một bài thơ Ðức thành ra bản nhạc chiều nổi danh này. Tôi cũng biết rằng bản dạ khúc của nhạc sĩ Ðức Quốc nói thẳng vào cảnh vật và con người. Nhưng với lời Việt, với tình cảm Việt, tôi không dùng ngôn ngữ trực tiếp để nói lên cái sầu của những buổi chiều trong không gian Việt Nam và trong lòng tôi.
Dạ Khúc
Sérénade
Nhạc Franz Schubert - Lời Việt : Phạm Duy
Lệ Thu trình bày
Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai.
Vẻ sầu của đoá cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi.
Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai
Cho niềm yêu đến bên tôi.
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu.
. . . . . . . . . .
Tình đời toả mát màu
Chiều nay là lúc đầu
Nói cho nhau nghe đời sau.
Nhẹ nhàng người đắm sầu
Kể lể chuyện kiếp nao
Có ai chia lìa nhau.
Một ngày đó tóc mây đã phai mầu
Có chờ ta oán trách đâu
Có vì duyên kiếp không lâu.
Ðời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ úa phai mau
Cho người cứ mãi phụ nhau.
Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi
Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều
Vương vấn đời
(hừm......)
Cuộc tình vĩnh viễn xa vời
Chỉ còn thương nhớ mà thôi
Bóng tối buồn không lời.
Trong kháng chiến, vào năm 1946, tại Lào Kay, tôi soạn bài BÊN CẦU BIÊN GIỚI với tinh thần viễn mơ, mong được sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên bờ sông Danube. Mấy năm sau, tôi soạn lời cho bài DÒNG SÔNG XANH, và thấy rằng tôi không cần thiết là phải chết bên dòng sông đó. Quả là như vậy : bốn mươi năm sau, tôi thực sự tới thăm con sông Danube (và năm mươi năm sau, tôi được gặp thêm người đẹp Tô Châu):
Dòng Sông Xanh
Le Beau Danube Bleu
Nhạc Johann Strauss - Lời Việt : Phạm Duy
Thái Thanh trình bày
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền
(HẾT ở đây)
Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu
Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai.
Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui
Thả ý thắm theo người chở gió về suôi.
Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi
Ðời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ
Nước sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa
Là tiếng hát mơ hồ mời đón lòng ta.
Sông về sông dào dạt ý
Hát tang bồng theo tầu mà đi
Ai giang hồ sau ngàn hải lý
Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ.
Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời.
Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai.
Sông về, sông cười ròn tiếng
Yêu mối tình bên bờ Thành VIENNE.
Ðôi giang hồ quay về bờ bến
Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Ðàng.
Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về.
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè.
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về
Nước sông miên man trôi đi.
Ngày ấy, lúc đến với em một lời thề.
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì.
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề
Nước sông miên man trôi đi.
. . . . .
A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Yêu đi !
A á a a a a a a a a ! Có sóng nước trên sông ghi.
A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Ra đi !
A á a a a a a a a a ! Nước cũ đón đưa về...
Bài BEAU DANUBE BLEU còn có một đoạn sau rất hay mà tôi có soạn lời Việt. Tiếc rằng khi Thái Thanh-Thái Hằng và ban Thăng Long lăng xê bài này, họ đã không hát đầy đủ tất cả lời ca:
Người hỡi ! Ánh trăng rụng không tới nước.
Vì đêm rét mướt, dòng sông lắng câm.
Người hỡi ! Giúp nhau mở đôi mắt ướt
Ngắm cầu nhớ sông im cúi gầm.
Ði về đâu ? Ði về đâu ?
Nước lặng khô cứng đờ.
Màn tang buông tuyết phủ.
Người ơi ! Ði về đâu ?
Kiếp tù đầy nước giá
Xót thương cho cây khô nghèo.
Rồi đàn chim xanh từ trời thanh về vờn quanh.
Gió Ðông chết ngoài sông mới, mùa Xuân tới.
Ai mơ hồ ngủ kỹ, mau ra đời.
Bông hoa đầu rụng rơi trên sông xanh lơ.
Ði ! Ta đi, cùng đi theo sông, vờn sóng nước biếc.
Theo nhịp sóng vui tưng bừng.
Sông vi vu ù u... vui nghe tầu hú... u hú.
Sẽ đưa ta đi nơi xa mờ
Cùng đi, vào Thương với Nhớ.
(trở lên đầu để HẾT)
Bản ca nổi danh của nước Ý là BACK TO SORRIENTO cũng được tôi soạn lời Việt với cái tên TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA tại Chợ Neo, Thanh Hoá. Lời ca nói lên phần nào sự mệt mỏi của con người trong kháng chiến, mơ tới ngày được trở về với cái bình thường của mình. Bài này có thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông:
Trở Về Mái Nhà Xưa
Back To Sorriento
Nhạc : E. Curtiss - Lời Việt : Phạm Duy
Anh Ngọc trình bày
Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
Ôi lãng du quay về điêu tàn.
Ðâu tiếng đàn ngoài hiên mưa ?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa ?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.
Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
Về đây nhé ! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.
Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn
Ðốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
Ðang khóc than trên đường não nề.
Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua.
Cũng trong thời gian này, tại Chợ Neo, Thanh Hoá, tôi soạn thêm những bài như MỐI TÌNH XA XƯA (Brahms), SẦU (Chopin), HẮT HIU (Les Millions d'Arlequin) v.v... là những bản nhạc cổ điển đã ám ảnh tôi từ khi tôi chưa bước chân vào nghề ca hát. Trần Dạ Từ, người chủ trương nhà xuất bản THƯƠNG YÊU về sau có ấn hành một nhạc tập nhan đề MƯỜI BỐN BẢN TÌNH CA BẤT TỬ với những bài lời Việt đó. Theo tôi, MỐI TÌNH XA XƯA là một mối sầu man mác, toả ra ngoài.
Mối Tình Xa Xưa
Célèbre Valse De Brahms
Lời Việt : Phạm Duy
Thái Thanh trình bày
Trong chiều dần im hơi
Người ngồi thương nhớ bao ngày vui
Một ngày xưa cũ, đời còn đương tơ
Là ngày hai đứa chúng ta còn thơ.
Chiều hè êm du, tràn ngập hương mơ
Cuộc tình đôi lứa như bài thơ
Gần người yêu dấu, mộng về xôn xao
Và hồn như cất cánh bay về đâu
Lời thề bên nhau, tình nồng đêm thâu
Cả một vừng sao làm tròn duyên nhau
Người từ phương nao ?
Trở về cho ta hết u sầu.
Yêu người là không nguôi
Trầm mình trong thú đau thương người ơi
Cuộc tình duyên cũ, dù thời gian qua
Mà lòng thương nhớ vẫn chưa hoen mờ.
Chiều buồn không đâu
Ngậm ngùi thương nhau
Ðời vì trôi mau mà đành quên sao
Trở về cho hoa không phai mầu
Yêu người là không nguôi
Sầu tình chan chứa trong chiều rơi
Nhạc lòng êm ái dù đời tàn phai
Mà còn mãi mãi ngân trong đêm dài.
... trong khi, bài TRISTESSE của Chopin, theo tôi nghĩ, nói lên mối sầu nội tâm.
Sầu
Tristesse
Nhạc : Frederic Chopin - Lời Việt : Phạm Duy
Lệ Thu trình bày
Vương sầu nơi nao
Ý thắm tàn mau
Chưa nguôi yêu dấu
Mắt đã hoen mầu thương đau,
Khóc lúc đêm thâu
Ôi tiếng lòng lơ láo đón làn nước mắt ngày nào.
Khúc tình đầu, hẹn về sau.
Lắng về môi xưa, bỗng thấy buồn đưa
Xa xôi là nhớ, lúc duyên ra đời trong mơ
Tiếng hát đương tơ
Ta muốn níu em về với dòng châu
Ta hướng hết u sầu đến đời sau
Ta muốn tìm mau tới cõi nào nương náu.
Cho ta vừng sao, giá băng như niềm đau
Xót xa như tình mới
(Khóc cười cho)
Tâm hồn lên khơi,
Sẽ thấy sầu nguôi
Cho ta tìm tới kiếp vô biên chẳng tàn phai
Cất tiếng qua đời.
Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẻo xa
Ta hoá kiếp nên lời hát bài thơ
Ta biến thành tâm tư mối tình tan vỡ
Cho ta thành mơ
Sống yên trong nghìn thu
Vắng tanh như đời gió
Ðắm trong tình cũ
Bóng ta còn nhớ
Thiên thu sầu u.
Tôi cũng thích nhạc opera và do đó thích bài LES MILLIONS D'ARLEQUIN. Tôi đã quên hẳn bài này, gần đây tôi qua Pháp chơi và gặp lại cô Khanh cùng đi kháng chiến với tôi ở Bình-Trị-Thiên thì cô này chép ra cho tôi lời ca tiếngViệt mà tôi đã soạn khi còn ở Thanh Hoá trong năm 1948, tạm gọi là:
Hắt Hiu
Les Millions d'Arlequin
Nhạc Ý - Lời Việt Phạm Duy
Chiều nay khi khói lam mờ buông
Suối thu rơi đầy nguồn, hương gây giờ buồn.
Nhạc lên sao hắt hiu chìm xuống
Vì một ai đang não nuột, nhớ thương
Trôi ven bờ thùy dương bóng xế ngày tàn
Sẽ tan đi cung nhạc vàng cho vừng trăng tàn.
Hương mây chiều còn rơi trắng xoá nẻo đường
Chỉ còn tình thương tràn dâng
Lòng người ru trong chiều vương.
. . . . . .
Gió không buồn hôn lá trên con đường xưa
Nước không còn soi bóng đôi hoa thờ ơ, ớ ơ ờ
Ta lặng nghe cánh chim đang về nơi tổ êm đềm
Mặc cho chìm xuống bóng đêm.
Chiều hắt hiu nay không còn buông rơi
Người vẫn mang theo niềm yêu dấu.
Bỏ vùng Việt Minh về Hà Nội rồi đi thẳng vào sinh sống ở Saigon, tôi vẫn tiếp tục soạn lời ca cho nhạc cổ điển, dù tôi cũng rất bận bịu với những bài TÌNH CA QUÊ HƯƠNG của chính mình. Khi soạn lời ca cho bài CHANSON DE SOLVEIJ trích ra từ một đại-bi-kịch của Grieg, tôi chưa hề biết đến gió đêm tuyết lạnh của vùng Bắc Âu ra sao, nhưng tôi đã đưa vào lời ca những ý tưởng mà tôi đã nhét vào những bài hát siêu hình như bài LỮ HÀNH cũng được soạn ra trong lúc này.
Khúc Ca Ly Biệt
Chanson De Solvejg
Nhạc Grieg - Lời Việt Phạm Duy
Hồn Xuân vừa tàn hơi
Hay nắng ấm lung linh qua đời
Nghe lá biếc hơi thu rơi ngang trời.
Người yêu dù xa xôi
Xin nhớ tới quê hương u hoài
Nghe gió tuyết đêm đông đang trông vời.
Một lần người đưa tiễn nhau
Như vẫn cầu lời hứa năm nào
Ðằm thắm cho vui lòng nhau.
Cuộc đời từ trong chiếc nôi
Ðã quay về cùng với gió bụi
Về chốn không tên xa xôi.
Người đi về mai sau
Nghe khóc lóc xe tang đưa sầu
Nghe bóng xế khăn sô bay ngang đầu.
Người đi vào không gian,
Nghe oán trách đau thương vô vàn
Nghe tiếng hát êm êm du linh hồn.
Người về dần trong cõi mơ
Như lúc nào vừa mới ra đời
Chào đón xuân tươi ngày mới
Cuộc đời từ trong chiếc nôi
Ðã quay về cùng với gió bụi
Về chốn không tên xa xôi.
Với cái đà soạn lời Việt cho nhạc cổ điển, tôi lợi dụng thời gian qua Pháp học nhạc để đi tìm mua những bản mà tôi thích. Trước đây, khi còn ở Chợ Neo tôi rất thích bài RÊVERIE của Schumann. Khi soạn lời Việt, tôi mường tưởng nhạc sĩ nhìn những chòm sao để mà mơ mộng. Tôi chơi chữ: vòm sao - vì sao - dù sao - mà sao...
Mơ mòng
Rêverie
Nhạc : R.Schumann - Lời Việt : Phạm Duy
Lệ Thu trình bày
Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ
Bóng đêm về đó, trời sầu tưởng nhớ
Và lòng nặng mong chờ.
Ngồi im nhìn lên vườn sao lấp ló
Có muôn ngàn sao lững lờ
Có ai run trong xa mờ.
Người xưa về đâu từ khi lá úa ?
Biết nhau chiều đó, trở về đường cũ
Rồi biệt ly không ngờ.
Người ơi ! Phải chăng lạc trong cánh gió ?
Ðến bên đàn trăng tít mù
Hoá thân ra sao mơ hồ.
Vì sao lìa nhau để theo kiếp số ?
Cách xa nhiều quá
Nhờ đêm chiếu cho thêm mịt mù.
Dù sao người trên trời cao vẫn nhớ
Biết duyên bạc số
Mà sao vẫn chưa quên tình hờ.
Ðột nhiên hạt sao rụng như cánh lá
Thấy tinh cầu ngã
Tưởng là người cũ, là người của mong chờ.
Tình ta hoà theo vệt sao bỡ ngỡ
Tới nơi mơ hồ có một trời hoa
Suốt một đời mơ ước thành tình ta.
Tại Pháp tôi soạn lời cho bài ÉLÉGIE của Massenet. Bài này có lời tiếng Pháp rất hay:
Bi Ca
Élégie
Nhạc : Massenet - Lời Việt : Phạm Duy
Uyên Phương trình bày
O doux printemps d'autrefois
Vertes saisons, vous avez fui pour toujours.
Je ne vois plus le ciel bleu
Je n'entends plus le chant joyeux des oiseaux.
En emportant mon bonheur
O bien aimée, tu t'en es allée
Et c'est en vain que revient le printemps.
Oui, sans retour avec toi
Le gai soleil, les jours riants sont partis.
Comme en mon coeur, tout est sombre et glacé
Tout est flétri pour toujours.
. . . . . . . .
Về đâu ơi hỡi bóng dáng ngày Xuân
Có đôi tình nhân,
Tóc xanh, và yêu mới một lần.
Ðâu ơi hỡi những lúc trời thanh
Có em và anh
Lắng nghe loài chim hát tình trinh.
Ðâu những tiếng nói lời ân ái
Người yêu dấu ơi ! Xa vắng thôi !
Khi lứa đôi đã tan vỡ rồi
Xuân sáng ngời chẳng tái hồi.
Ôi hỡi ánh nắng ấm trời mai
Tiếng em cười vui
Ðã như chìm sâu tít mù khơi !
U tối lòng tôi, giá lạnh ơi !
Trái tim này
Theo với chuỗi ngày
Tàn rụng, rơi bay...
Trong thời gian du học ở Pháp (1954-1955), tôi rất yêu những ca khúc của một tài hoa sớm nở chóng tàn là Nicole Louvier và có soạn lời ca tiếng Việt cho bài SI TU ME DÉLIVRERAS của nàng. Rất buồn là tôi đã quên rồi. Nhưng tôi nhớ là đã vì nàng mà tôi soạn lời cho một trong những bài nhạc tình buồn nhất của thế giới. Ðó là bài SOMBRE DIMANCHE, được phóng tác từ nhạc dân ca cổ của nước Hung Gia Lợi. Bài này có hơi nhạc rất gần gũi với hơi nhạc của Nicole Louvier. Người đời có tạo một huyền thoại về bài CHỦ NHẬT BUỒN phóng tác từ nhạc bohémien này, nói rằng đã có người tự tử khi nghe bản nhạc...
Chủ Nhật Buồn
Sombre Dimanche
Nhạc : Seress Rejso - Lời Việt : Phạm Duy
Khánh Ly trình bày
Chủ nhật buồn, đi lê thê
Cầm một vòng hoa đê mê.
Bước chân về với gian nhà,
Với trái tim cùng nặng nề.
Xót xa gì ? Oán thương gì ?
Ðã biết nuôi hương chia ly.
Chót say mê đã yêu thì
Dẫu vô duyên còn nặng thề.
Ngồi một mình, nghe hơi mưa,
Mặc lệ tràn câu thiên thu.
Gió hiên ngoài nhắc một loài
Dế dun hoài du thương du.
Du hỡi du hời !
. . . . . .
Chủ nhật buồn, tôi im hơi
Vì đợi chờ không nguôi ngoai.
Bước chân người nhớ thương tôi,
Ðến với tôi thì muộn rồi !
Trước quan tài, khói hương mờ
Bốc lên như vạn ngàn lời.
Dẫu qua đời, mắt tôi cười
Vẫn đăm chiêu nhìn về người.
Hồn lìa rồi, nhưng em ơi,
Tình còn nồng đôi con ngươi,
Nhắc cho ai biết cuối đời
Có một người yêu không thôi
Du hỡi du hời !
Sau thời gian du học ở Pháp về, tôi tiếp tục soạn lời ca cho nhạc cổ điển. Soạn cho riêng mình, không do nhu cầu của ai cả...
Plaisir d'amour ne dure qu'un instant, chagrin d'amour durera toute la vie... Ðó là lời Pháp của bài PLAISIR D'AMOUR (Martini). Tôi soạn bài TÌNH VUI trong đó lại thấp thoáng chút tình sầu như trong những tình khúc của riêng tôi sau này:
Tình Vui
Plaisir d'Amour
Nhạc : Giovanni Martini - Lời Việt : Phạm Duy
Tình vui đôi lứa
Khi đến thấp thoáng như giấc mơ
Tình sầu rồi buông rơi lững lờ
Ôi đắng cay thiên thu !
Ngày Xuân ấy
Này một hoàng hôn khoác áo sương chiều mờ.
Này một bàn tay, ta uống cho mê say đời ta.
Niềm vui thơ ấu
Xin nhớ thoáng không thương tiếc nhau
Tình sầu rồi gây bao tiếng cười
Oán trách nhau suốt đời.
. . . . .
Nhớ mái tóc xưa
Hương cũ bát ngát giữa giấc mơ
Tôi nhớ một đêm
Ngồi im nhìn em xoã mái tóc êm đềm.
Và thuyền hồn như lưu luyến
Thuyền nhẹ nhàng trôi trên sóng mơ huyền.
Nhớ đến lúc đêm dần tan.
Bóng em hắt hiu chìm với tiếng than.
Còn vui giây lát
Xin hát khúc ca (a) tái sinh.
Rồi buồn về mai sau
Nhớ đền duyên với câu ân tình.
Người Việt yêu nhạc dù là ngoại đạo nhưng thường rất thích hát và thích nghe nhạc Công Giáo trong dịp Lễ Giáng Sinh. Tôi đã soạn những lời ca cho các bài AVE MARIA của Schubert và Gounod thuộc dòng nhạc cổ điển.
Ave Maria
Dâng về Maria
Schubert
Lời Việt : Phạm Duy
Thái Thanh trình bày
Ðây những linh hồn đầy ưu tư
Khép nép trong lòng Mẹ, ôi hết ưu phiền
Ðàn con xin Mẹ âu yếm nối cho lành duyên.
Hãy ban cho hương đời đã tan vỡ trong ngày qua
Và đưa tới nơi mơ hồ.
Mẹ ôi ! Sancta-a Mar-i-a.
Lòng con run lên vì nghe tiếng chuông xa xa.
Từ xưa thơ ấu, hoa xuân nở trong gió thơ
Tàn kiếp mong linh hồn siêu thoát Thiên Ðường kia.
Ave Mar-i-a.
Ave Maria Gounod
Lời Việt : Phạm Duy
Cầu xin Mari-a !
Thấm nhuần một lòng thương chúng ta
Ðoái hoài một đàn con xót xa.
Mến trìu một bàn tay thiết tha của người.
Mẹ ôi ! Mà lòng trinh tiết toả ngời.
Người mà tình thiêng muôn đời
Quỳ niệm, một vòng hoa đặt trên thánh giá
Những khi chiều tà.
Xin cầu một kiếp nào
Mối tình xanh mãi mầu, tiếng hát chầu
Ðưa bao duyên lành mới qua cầu.
Hoa trong muôn vườn hát khoe mầu
Người cười trong ánh nắng
Tiếng reo yên lành.
Ðây đó ta cùng nép dưới ban thờ xin cầu lời thương nhau.
Amen.
Phạm Duy