41. Minh Họa Truyện Kiều Phần Một
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4454
Minh Họa Truyện Kiều Phần Một
Buổi Ra Mắt Minh Họa Kiều
Trong số bạn bè thân thiết tới nghe MINH HỌA KIỀU, có Thái Thanh, Thanh Tuệ, Doãn Quốc Sỹ, Lý Đại Nguyên, Đoàn Thanh Liêm v.v... Sau buổi ra mắt đó, tôi lên đường lưu diễn với Minh Họa Truyện Kiều.
Minh Họa Truyện Kiều Phần Một (Theo thơ Nguyễn Du)
Bố cục, Giai điệu, Tiết điệu của Phạm Duy Hoà âm, Phối khí của Duy Cường Giọng hát của Ái Vân, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Quang, Tuấn Ngọc Giọng ngâm của Thanh Ngoan (Hà Nội), Ái Vân (San Jose)
Giáo Đầu - Prologue
Đoạn này giới thiệu thời gian, không gian và nhân vật. Có tiếng ngâm Kiều theo lối xưa dẫn vào nhạc thời nay, nhạc tráng lệ tạo không khí thời Trung Cổ... Có pha âm sắc của nhạc Trung Quốc bởi vì đây là thời Gia Tĩnh Triều Minh :
Rằng Năm Gia Tĩnh Triều Minh
(Ngâm)
Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng...
(Hát)
Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng
Có nhà Viên Ngoại họ Vương
Gia tư nghỉ cũng thường thường bực trung...
Một trai con thứ rốt lòng
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia
Đầu lòng hai ả Tố Nga a a a a
Thúy Kiều là chị y ý
Em là Thúy y ý y Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười...
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn
Nét người nở nang á a à a
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc
Tuyết nhường mầu da á a à a...
Kiều lại càng sắc sảo, lại càng mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen vì thua thắm
Liễu hờn vì kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai...
PHẦN MỘT
Kiều Gặp Đạm Tiên
Phần này mở đầu với bài Ngày Xuân Con Én Đưa Thoi, nhạc vẫn còn vẻ tráng lệ của đoạn giáo đầu vừa rồi, nhưng nó còn là nhạc diễn tả cảnh mùa Xuân tươi đẹp, có tiếng chim hót, có đàn én bay ngang trời, có nắng của ba mươi ngày cuối Xuân soi trên cánh đồng cỏ non xanh ngát...
Ngày Xuân Con Én Đưa Thoi
Ngày Xuân
Con én đưa thoi
Con én đưa thoi
Xuân tới Xuân lui
Như én bay ngang trời.
Trời Xuân
Ba tháng Xuân vui
Ánh sáng Xuân soi
Soi sớm ban mai
Soi suốt trong ngày y y y ỳ y vui...
Cỏ non
Xanh ngát xanh lơ
Xanh ngát xanh lơ
Xanh tới bao la
Xanh tới nơi chân ý y trời...
Cành lê
Cành lê trắng điểm
Cành lê trắng điểm
Một vài bông hoa
Một vài bông hoa...
Bài số 3, Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba diễn tả cảnh đông người đi tảo mộ... Vợ chồng con cái, người thường thì đi bộ, người sang thì đi võng, đi ngựa... Nhạc trữ tình, vui tươi, hứng khởi...
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba
(Ngâm)
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi ý Xuân...
(Hát)
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ
Hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi ý Xuân...
Dập dìu tài tử y ý
Dập dìu giai nhân ý y
Ngựa xe như nước ư ứ
Áo quần như nêm ừ ư...
MUSIC
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ
Hội là đạo thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi ý Xuân...
Dập dìu tài tử y ý
Dập dìu giai nhân ý y
Ngựa xe như nước ư ứ
Áo quần như nêm ừ ư...
Ba đoạn nhạc vừa rồi mới chỉ là nhạc tả cảnh. Bây giờ tới đoạn số 4, Ngổn Ngang Gò Đống Kéo Lên, tôi thấy phải chuyển qua nhạc tả tình. Nhạc bây giờ mang thêm lãng mạn tính, tạo không khí âm u của cảnh gò mả... Đây đó, người ta đốt nhang, đốt tiền giấy... Khói bay, tro bay... Nhạc bình minh, nhạc buổi trưa của các đoạn trước bây giờ chuyển qua nhạc buổi chiều, tạo một chút nao núng trong lòng người nghe... Xin chú ý tới tiếng đàn đoản, đàn tranh.
Ngổn Ngang Gò Đống Kéo Lên
(Ngâm)
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng, thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
(Hát)
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc ứ ư
Tro tiền giấy... bay
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn y ý
Giang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh y ý
Có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ o ó
Nhịp cầu nho nhỏ o ó
Cuối gềnh bắc ứ ngang
Bây giờ là đoạn số 5, Sè Sè Nấm Đất Bên Đường, và là nhạc sầu tê tái... Kiều buồn trước một ngôi mộ vô chủ... Vương Quan kể cho chị nghe chuyện đời Đạm Tiên, khi xưa là một ca nhi nổi danh tài sắc, làm say đắm biết bao khách làng chơi. Nhưng kiếp nàng là kiếp hồng nhan, kiếp mong manh, kiếp hoa nửa chừng xuân thoắt gẫy cành... chết đi rồi thì không còn ai nhớ tới nữa. Chú ý : đoạn này dùng tiếng đàn đáy và tiếng phách của HÁT Ả ĐÀO...
Sè Sè Nấm Đất Bên Đường
(Ngâm)
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
(Hát)
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?
Vương Quan xin dẫn gần xa
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
Nổi danh tài sắc một thì
Xôn sao ngoài ngõ thiếu gì yến oanh
Kiếp hồng nhan
Có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương
Rồi một ngày
Có người khách ở viễn phương
Xa nghe cũng nức tiếng nàng, về chơi
Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đà trâm gẫy bình rơi từ bao giờ
Buồng không lạnh ngắt như tờ
Dấu xa ngựa đã rêu lờ mờ xanh...
Khóc than !
Rồi lễ tang !
Bụi hồng !
Một nấm mồ !
Này này là nấm mồ
Này này là nấm mộ...
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm ?
(Kiều khóc thút thít)
Đoạn số 6, Đau Đớn Thay Phận Đàn Bà là cảnh trước mả Đạm Tiên, Kiều khóc than cho số phận tài hoa bạc mệnh. Nhạc chua xót, nhạc đau thương...
Đau Đớn Thay Phận Đàn Bà
Sẵn mối thương tâm
Đần đầm châu sa
Sẵn mối thương tâm
Đần đầm châu sa...
Đau đớn thay
Phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh
Cũng là lời chung
Phũ phàng chi ?
Bấy hoá công ?
Ngày xanh mòn mỏi
Má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay chết xuống làm ma không chồng
Nào người phượng chạ loan chung
Nào người tiếc lục tham hồng là ai ?
Đã không kẻ đoái người hoài
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho...
Đoạn số 7, Một Vùng Cỏ Áy Ác Tà. Kiều khấn vái trước mộ Đạm Tiên rồi rút trâm, viết trên cây, bốn câu thơ ba vần. Bốn câu thơ này không có trong truyện Kiều. Chúng tôi đã đọc nhiều bài thơ Vịnh Kiều của nhiều văn nhân kim cổ và bây giờ phóng tác ra bốn câu để Nàng Kiều viết ra, vào lúc này, tặng cho người tài hoa mệnh bạc là Đạm Tiên... Thúy Vân và Vương Quan khuyên chị đừng dư nước mắt khóc người đời xưa... Nhạc nhanh nhẹn nhưng vẫn mang mầu sắc u hoài...
Một Vùng Cỏ Áy Ác Tà
Một vùng cỏ áy ác tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau
Rút trâm cài sẵn mái đầu
Vạch da cây vịnh
Vạch da cây vịnh
Bốn câu ba vần.
(Tiếng người đọc thơ)
Hồng nhan lắm gian truân
Tài hoa là mệnh bạc
Suối vàng xương dẫu nát
Mây bạc vẫn còn vương
(Hát)
Hồng nhan lắm gian truân
Tài hoa là mệnh bạc
Suối vàng xương dẫu nát
Mây bạc vẫn còn vương
Chị cũng nực cười
Ô hay ! Chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt
Ô hay ! Khéo dư nước mắt
Khóc người đời xưa.
Hồng nhan tự nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh
Có chừa ai đâu ?
Nỗi niềm tưởng đến mà đau
Thấy người nằm đó
Biết sau thế nào ?
Chị nói làm sao
Ô hay! Chị nói làm sao
Một lời là một
Chị ơi ! Một lời là một
Vận vào khó nghe.
Ỏ đây âm khí nặng nề
Chị ơi ! Bóng chiều đã ngả a a
Dặm về còn xa...
Đây là đoạn quan trọng nhất của Phần Một, đoạn số 8 mang tên Dễ Hay Tình Lại Gặp Tình... Bởi vì Kiều vốn là một người tình thì Nàng phải gặp một người tình khác là Đạm Tiên... cho nên hồn ma sẽ xuất hiện. Nhạc từ hiện thực chuyển qua nhạc siêu thực, có thể nghe ra hơi khói, hơi gió, vết chân hồn ma trên thềm rêu phủ...
Dễ Hay Tình Lại Gặp Tình
(Ngâm)
Những đấng tài hoa
Thác là thể phách còn là tinh anh...
(Hát)
Những đấng tài hoa
Thác là thể phách
Còn là tinh anh
Dễ hay tình lại gặp tình
Chờ xem ắt thấy
Hiển linh bây giờ...
......
Nói chẳng kịp thưa
Phút đâu trận gió
Cuốn cờ tới ngay
Ào ào đổ lục rung cây
Ỏ trong dường có
Hương bay ít nhiều ...
......
Đè chừng ngọn gió lần theo, gió lần theo
Dấu giầy từng bước
In rêu rành rành...
Đoạn số 9 sau đây mang tên Gốc Cây Lại Vạch Một Bài Cổ Thi sẽ cho thấy: Để tạ tấm lòng tri kỷ của Nàng Kiều, Đạm Tiên đã xuất hiện rồi biến đi... khiến Kiều hồn thơ lai láng, lại vạch trên cây một bài thơ nữa... Chúng tôi cũng dựa vào nội dung Truyện Kiều mà đưa ra bốn câu thơ khác...
Gốc Cây Lại Vạch Một Bài Cổ Thi
Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển mới là chị em
Mới là chị em.
Đã lòng hiển hiện cho xem
Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Gốc cây lại vạch
Một bài cổ thi
Một bài cổ thi...
(Đọc thơ)
Đóa hồng mơn mởn đầu cành
Trời làm giông tố
Tan tành kiếp hoa
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh
Khéo là ghét nhau
(Hát)
Đóa hồng mơn mởn đầu cành
Trời làm giông tố
Tan tành kiếp hoa
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh
Khéo là ghét nhau
Khéo là ghét nhau...
Cảnh chiều với ba chị em định ra về, thì chợt thấy từ xa, trên lưng ngựa, Kim Trọng lỏng tay cương và đang đi tới... Trong đoạn số 10 mang tên Dùng Dằng Nửa Ỏ Nửa Về này, nhạc trở lại tính chất nhạc đồng quê, êm ả, nhẹ nhàng như lúc đầu...
Dùng Dằng Nửa Ỏ Nửa Về
Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng tay buông khấu bước lần dậm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Theo lưng có một vài thằng cỏn con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ hoa mầu áo nhuộm non da trời
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đã xuống ngựa
Khách đã xuống ngựa
Tới nơi tự tình.
Đoạn số 11, Chàng Vương Quen Mặt Ra Chào là sự xuất hiện của Kim Trọng... Chàng Kim xuống ngựa... Vương Quan chào bạn... Hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân khép mình dưới hoa...
Chàng Vương Quen Mặt Ra Chào
Chàng Vương
Quen mặt ra chào
Khép nép bên hoa
Khép nép bên hoa hai Kiều
Người đâu
Quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng
Vốn nhà trâm anh
Trộm nghe
Thơm nức hương lân
Một nền đồng tước
Khóa Xuân hai Kiều
Thật may !
Giải cấu tương phùng
Giải cấu tương phùng
Gặp tuần đố lá
Thoả lòng tìm hoa
Thoả lòng tìm hoa...
Phần Một sẽ kết thúc với đoản khúc số 12, Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E... với tiếng sét ái tình nổ ra giữa người quốc sắc, kẻ thiên tài là Thúy Kiều và Kim Trọng...
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc
Mặn mà cả hai
Người quốc sắc
Kẻ thiên tài
Tình trong như đã
Mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh y ý
Chập chờn cơn mê ê ê
Rốn ngồi chẳng tiện y ý
Dứt về chỉn khôn.
Music
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa
Người còn nghé theo
Dưới cầu nước chẩy trong veo
Bên cầu tơ liễu y ý
Bóng ý chiều thướt tha...
***
Bố cục âm nhạc trong Phần Một của Minh Họa Truyện Kiều được chia ra ba hành điệu :
Hành Điệu Một là những hành âm của cuộc du Xuân, khoan thai, trong sáng rồi cuốn nhanh như tiếng cười giòn giã, biểu hiện một thời Xuân của đời Kiều...
Hành Điệu Hai là sự hoang mang, nghẹn ngào... biểu hiện những xúc động đầu đời về thân phận mình khi Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên.
Hành Điệu Ba là sự trở lại nhạc đề một, tươi sáng, lưu loát... khi Kim Trọng xuất hiện ở cuối cuộc du Xuân.
Trong thi phẩm KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du, đây là phần duy nhất có phong vị cuộc sống tươi vui trọn vẹn. Chúng tôi đã cố gắng diễn dịch ra bằng âm nhạc.
Phạm Duy