31. Trên Ðường Tị Nạn - Phần 2
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 2919
Ra Với Thế Giới
Thế là nhờ biến cố tháng Tư đen 1975, sau hàng ngàn năm đắm mình trong lũy tre xanh, người Việt Nam đã ra với thế giới rồi... Ðáng lẽ ra phải biết hội nhập vào một xã hội khá lý tưởng là thật sự có tự do và có nhiều cơ hội để sinh sống (land of opportunities), thế nhưng đối với thế hệ đầu tiên bỏ nước ra đi là chúng tôi, Việt Nam hãy còn là một sự nhức nhối không thể nào nguôi ngoai được. Cho nên, đáng lý ra là phải tỏ tình với Mỹ Quốc, với cảnh vật chung quanh, với tha nhân mình gặp hằng ngày... thì tôi lại soạn bài HÁT TRÊN ÐƯỜNG TạM DUNG với những ý nghĩ nặng nề chính trị.
HÁT TRÊN ÐƯỜNG TẠM DUNG
(Fort Walton Beach, Florida-1978)
Ta đi trên đường tạm dung
Vùng Ca Li quanh năm nắng ấm
Mà lòng người lưu vong vẫn thấy lạnh lùng
Trời Si-át-Tơn mưa rơi chẳng dứt
Cỏ hoa đua nhau khoe mầu sắc
Mà lòng ta chưa thôi rạn nứt vết thương
Con tim thành đá, nhưng lửa thù ngụt trong mắt ta
Ôi Mit-sip-si-pi ! Trường giang lượn khúc
Ðưa người về gốc, có bao giờ đưa ta về nguồn.
Ta đi trên đường tạm dung
Dừng chân nơi mênh mông Tếch-Xát
Máy dầu vùi sâu trong bãi cát vàng đen
Như đà điểu không tin sự thực
Chúi đầu vào con xinh vợ đẹp
Không nhìn đời, hay nghe một lời phương xa.
Như bông bay qua miền Lu-sia-na
Như cam đong đưa miền Fờ-lo-ri-đa
Như cơn phong ba trên hồ Mi-chi-găng rộng rãi
Bước chân người còn phải đi xa
Qua Viêc-gi-nia, lich sử người xưa
Hai trăm năm qua lập đời Tự Do
Ðến bến Nữu Ước, nơi này năm trước
Xây một tượng đá, vác đuốc thần, mở cửa bao la.
Này Thần Tự Do ơi !
Muốn hỏi Nàng mấy tiếng vu vơ
Có phải Nàng, mắt đá ngu ngơ
Khiến Nàng nhìn thế giới không xa
Nên Nàng còn phân biệt mầu da
Triệu người Ðông Á
Không bằng vài người (Do Thái) ở nước Nga
Này Thần Tự Do ơi !
Hướng Nàng nhìn vốn dĩ Tây Phương
Muốn Nàng chuyển hướng tới Ðông Phương
Muốn Nàng nhìn các nước Ðông Dương
Khóc ròng vì bao cảnh lầm than.
Cho đẹp lòng tôi, thế giới cũng vui !
Ta đi trên đường tạm dung
Trời Ca-Li ta yêu nó đấy
Vùng Si-át-tơn mưa rơi lả lướt
Lòng lưu vong nghe như dịu mát
Ðà Lạt ơi ! Ðâu đây phảng phất khói sương
Ôi Mi-ni-sô-ta ! Ngủ yên đi nhá
Thông xanh rực rỡ, không vì mùa lạnh cây chết khô
Cho người bền chí, mãi nuôi tình quê hương chàn chề.
Này Thần Tự Do ơi !
Cũng vì Nàng sẽ nhớ vinh quang
Nước này từng đã đứng tiên phong
Bênh vực quyền sống giữa non sông
Trắng, Vàng, Ðỏ, Ðen : Quyền làm dân
Cùng nhau tranh đấu xua tan độc tài
Phải thế không ?
Này Thần Tự Do ơi !
Sẽ vì Nàng đốt đuốc cao hơn
Sẽ nhận nhìn đất nước bao dung
Cũng đẹp tựa chốn cũ quê hương
Sẽ phục vụ Nhân Quyền vẻ vang
Nàng chờ tôi nhé !
Một ngày tôi sẽ cho Nàng nụ hôn
Thắm thiết miếng hôn !
Cũng trong cung cách Việt Nam ra với thế giới, cũng rất nặng mùi chính trị như bài hát tặng Thần Tự Do, tôi có thêm bài này:
TA LÀ GIÓ MUÔN PHƯƠNG
(Midway City, CALIFORNIA-1978)
Ôi ! Này hỡi gió lạnh, miền Gia Nã Ðại
Phủ tuyết bốn mùa
Là gió căm thù của người di cư
Ùuùu!Ùuùu!
Ôi ! Này gió sa mạc, miền Úc thưa người
Làn gió nung hồn của anh với tôi
Ùuùu!Ùuùu!
Này làn gió Thu
Bên bờ sông Seine, làn gió mát
Thổi lá chết về nơi hoá kiếp
Ùuùu!Ùuùu!
Ôi ! Làn gió Xuân, về xứ anh đào
Rồi vượt sóng, ghé Hạ Uy Di, vút về Cali.
Ta từ cõi Nam Việt, làn gió lên đường,
Ðể thoát gông cùm
Tự do vẫy vùng thổi vào muôn phương
Ùuùu!Ùuùu!
Rồi gọi gió nhân loại
Về nước gió gào cùng với gió Lào
Ùuùu!Ùuùu!
Tỏ tình với Mỹ Quốc, tôi còn có thêm một bài hát này soạn ra để tặng các anh hùng phản chiến của thời MAKE LOVE NOT WAR.
BÂY GIỜ CÁC NGÀI Ở ÐÂU
(Midway City, CALIFORNIA-1978)
Các Ngài bây giờ ở đâu ?
Khi xưa hay đứng hàng đầu
Nhân danh Hoà Bình
Và lương tâm loài người
Các ngài kêu gọi thật là oai.
Các Ngài bây giờ ở đâu ?
Ngày nào các Ngài đua nhau
Xuống đường tranh đấu
Ôi muôn sắc muôn mầu !
Nhớ những lời Ngài
Vang trên đường dài
Muốn có Hòa Bình :
Hãy cứ làm tình !
Ðừng làm chiến tranh !
Các Ngài xin làm hàng binh.
Các Ngài không cần nhục vinh
Ðem vài dân tộc hi sinh
Ðể cho các Ngài ngủ yên
Mộng đẹp trên giường êm
Mộng đẹp trên giường êm.
Bây giờ các Ngài ở mô ?
Khi quân gian ác lọc lừa
Nhân danh Hòa Hợp mà giam hơn triệu người
Nói rẵng giúp người đổi mới.
Các Ngài có còn ngủ không ?
Nhìn về phương trời hừng Ðông
Nơi người dân sống
Ôi đau đớn vô cùng !
Dưới ách độc tài
Trí thức ngậm ngùi
Giáo sĩ lià đời
Mất hết quyền người
Trẻ già gái trai
Sống đời nô lệ mà thôi
Bây giờ các Ngài ở đâu ?
Bây giờ các Ngài ở đâu ?
Làm ơn cho đời được biết
Ngài còn sống hay chết ?
Ngài còn sống hay chết ?
Chủ Ðề Vượt Biển
Trong mấy năm đầu của đời sống tị nạn, chủ đề chính trong mọi sáng tác của mọi ngành văn học nghệ thuật chỉ là sự thương nhớ quê hương, đất nước, thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn mà mình sẽ khó có hi vọng trở về. Thì đùng một cái, có hiện tượng boat people. Ai cũng đổ xô vào chủ đề có tính chất khổng lồ này. Vào tháng 10 năm 1978, trong khi tôi soạn bài HÁT TRÊN ÐƯỜNG VƯỢT BIỂN, thì kỳ lạ thay, chính các con tôi cũng đang lênh đênh trên biển Ðông!
HÁT TRÊN ÐƯỜNG VƯỢT BIỂN
(Hát Cho Người Vượt Biển)
(Fort Walton Beach, Florida 1978)
Này đoàn người đang vượt biển Ðông
Bé li ti như chiếc lá trong rừng
Người liều mạng đang vượt trùng dương
Như hạt cát giữa sa mạc nóng
Ðoàn người hùng đang vượt biển rộng
Mũi kim khâu ở đống rơm khô
Này đoàn người đi tìm tự do
Muốn tìm người, thật là khó.
Lạy Trời Phật, cúi đầu mà coi
Bé ngây thơ trong bão tơi bời
Lạy Trời Phật, xin nhìn ngoài khơi
Ông bà lão nghiến răng cầm lái
Và còn lạy xin Ngài Thần Biển
Ðoái thương đôi trẻ mới se duyên
Lạy loài người, tôi lạy tổ tiên
Hãy cho tôi thấy đất liền.
Này đoàn người đang ở trùng dương
Phật rất thương người
Nhưng Phật Trời đang ở ngôi cao
Trên đất liền chỉ có loài người
Từ Châu Á qua tới Châu Âu
Từ Châu Úc qua tới Châu Mỹ
Ai cũng đều hết sức lo âu
Họ đang lo cho loài hải cẩu
Bị giết non để lấy lông xù
Họ đang lo cho đời của chuột
Bị hi sinh trong phòng thử thuốc
Họ đang lo công việc thụ thai
Cho phụ nữ hiếm hoi được thấy
Ðẻ con ra từ trong ống thủy tinh
Chẳng thèm ngó tới người lầm than
Gặp lúc nguy nàn.
Này đoàn người đang vượt biển Ðông
Kiếp mong manh như áng mây hồng
Người gửi mình trong lòng đại dương
Treo đời sống giữa hai sợi tóc
Người chập chờn giữa trời biển rộng
Ðã bao lâu thành đám thây khô
Này đoàn người đi tìm tự do
Cứu được người, thực chẳng khó.
Này loài người dưới mặt trời soi
Hãy giương to đôi mắt của người
Người và người vất vả ngược suôi
Ði tìm lẽ sống trong trời đất
Người nào còn tin ở Trời Phật
Với đôi tay thành kính đưa ra
Mời đoàn người đi tìm tự do
Ðến chung vui với đời
CODA
Ôi niềm vui ! Ôi niềm vui
Của loài người biết thương nhau.
Chủ đề VƯỢT BIỂN đã là nguồn cảm hứng lớn lao cho nền thi ca Việt Nam hải ngoại. Thi sĩ Diệu Văn ở Honolulu có một bài thơ nhan đề BIỂN MÁU. Tôi đã phổ nhạc ngay bài thơ dữ dội này...
BIỂN MÁU
(theo thơ Diệu Văn)
Ra biển chiều nay thấy mầu máu đỏ
Máu đỏ bầu trời, máu đỏ chân mây
Gió rên siết như ngàn lời uất hận
Sóng gầm gừ giận dữ cát tung bay
Ra biển mà coi xác người trôi dạt
Xác của người già, xác của em thơ
Xác trôi quanh tóc nhoà theo sóng cuộn
Hố mắt đen ngòm, bầy cá đùa chơi...
Ra biển chiều nay thấy người hấp hối
Ngồi ôm nhau, nhịn đói đã bao ngày
Chiếc thuyền con chồng chềnh theo ngọn sóng
Ði về đâu trời bão tố đêm nay.
Một lũ điên cuồng mang mầu chủ nghĩa
Khổng giáo tam tài, phong kiến vua tôi
Lão vô vi, Phật luân hồi, Chúa bác ái
Ðong mãi không đầy một bát cơm vơi
Ra biển chiều nay thấy máu đỏ
Máu của chị và máu của anh, em
Tư bản đến : bom đạn và thuốc độc
Lũ Cộng vào : xác ngập Thái Bình Dương
Ra biển mà coi lũ người ác nghiệt
Xua đuổi thuyền bè, cướp của hãm hiếp
Máu lương dân sẽ oà trong giấc mộng
Dân chúng quanh vùng miền nước Biển Ðông
Ra biển mà thương khóc người máu mủ
Ra biển mà nuôi oán thù loài cầm thú
Loài vô nhân, loài ích kỷ, loài ác quỷ...
Chủ Ðề Phụ Nữ
Phong trào boat people cho thế giới thấy hàng triệu người Việt Nam, vì muốn xa lánh chế độ Cộng Sản, đã liều chết bỏ nước vượt biển ra đi trên những chiếc thuyền mỏng mảnh... Nhưng đồng thời nó cũng cho ta thấy số phận đau thương của người vượt biển, nhất là số phận nhục nhằn của những phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nạn hải tặc là một đề tài lớn trong nhạc tị nạn. Tôi có một ca khúc nói tới nạn nhân của hải tặc, nhưng tôi tránh khơi lại vết thương mà chỉ muốn an ủi những người thiếu may mắn...
GIẢI THOÁT CHO EM
(Midway City, CALIFORNIA-1981)
Giải thoát cho em, cá chậu chim lồng
Con chim Lạc Hồng bay đi mịt mùng
Con cá Tiên Rồng vượt sóng muôn trùng
Em đi tìm sống...
Giải thoát cho em, gánh nặng u buồn
Trên vai mỏi mòn, trong tim tủi hờn
Kiếp sống ngỡ ngàng, cay đắng trên đường
Xa cách quê hương
Giải thoát cho em, tai nạn dọc đường
Muôn vàn oan khiên, hùm beo ác thú
Em người thục nữ, con chó cắn càn
Xin em đừng buồn
Giải thoát cho em, thân phận nàng Kiều
Kiếp bèo nổi trôi nhưng hồn chói lói
Em là cỏ núi, giông tố giập vùi
Em còn xanh tươi
Giải thoát cho em, ác mộng qua rồi
Dâng em cuộc đời, dâng em tình người
Tay đón tay mời, cuộc sống tơi bời
Cùng nhau vun sới
Giải thoát cho nhau, nối chặt tâm tình
Không ai hiểu mình hơn ta và mình
Những nỗi oan tình và những hận sầu
Giải thoát cho nhau
Và những hận sầu
Giải thoát cho nhau.
Thân phận người đàn bà Việt Nam sau biến cố tháng Tư 1975 đã được tôi nói tới qua trong chủ đề CHIA LY với những bài như Ở BÊN NHÀ EM KHÔNG CÒN ÐỨNG ÐỢI CHỜ ANH, LẤP BIỂN VÁ TRỜI... nay được tôi tiếp tục đưa ra trong chủ đề PHỤ NỮ, như trong một bài hát của người vợ đòi chồng sau đây:
TRẢ LẠI CHỒNG TÔI
(Midway City, CALIFORNIA-1983)
Trả lại chồng tôi, chồng của tôi
Trả lại người yêu qúy của tôi
Bao năm chinh chiến đã xa vời
Hoà Bình về nơi quê hương rồi
Mà người chồng tôi vẫn bặt hơi
Hình dạng người yêu vẫn bặt khơi.
Người chồng của tôi người hiền ngoan
Vào đời để mang kiếp nghiệt oan
Thư sinh, ai khoác lên chiến bào
Người hiền chẳng mong chi anh hào
Vì còn tình thương sót đồng hao
Cùng là đàn con nước Việt yêu
Cũng là anh em
Hai miền ruột thịt
Mà sao nỡ bắt đem đầy xa
Ði nơi xa
Cũng là con dân
Máu đỏ da vàng
Mà sao nỡ giết nhau, hại nhau
Gây thương đau.
Trả lại chồng tôi, chồng của tôi
Trả lại quyền dân sống thảnh thơi
Cho quê hương ấm no yên lành
Trả lại thương yêu cho gia đình
Trả lại Việt Nam những tình thiêng
Của triệu đàn con giống Rồng Tiên.
Bài LỜI NGƯỜI THIẾU PHỤ VIỆT NAM sau đây thì nói tới cảnh ngộ của một phụ nữ mà chồng thì chết ở trại tập trung, cha mẹ chết ở vùng kinh tế... Nàng bế con thơ ra biển, giữa đại dương bị hải tặc bắt, hãm hiếp và ném đứa con xuống nước. Người đàn bà này sẽ không buồn điên, sẽ không tự tử chết. Nàng phải sống để trả thù nhà, hận nước, để tố cáo tội ác của những kẻ đã gây nên thảm họa cho dân tộc Việt Nam, cho đời Nàng. Và Nàng cũng phải sống để cám ơn những người đã mở tay đón những thuyền nhân Việt Nam.
LỜI NGƯỜI THIẾU PHỤ VIỆT NAM
(Midway City, CALIFORNIA-1979)
Xin đừng hỏi tôi vì sao tôi còn sống?
Vì sao tôi còn mong?
Vì sao tôi còn ngóng?
Xin đừng hỏi tôi vì sao tôi mất chồng?
Vì sao tôi mất con, mẹ cha, tôi mất luôn !
Xin đừng hỏi tôi, khổ đau đã triền miên
Mà sao tôi chẳng điên?
Mà sao tôi chẳng chết?
Lũ giặc Biển Ðông làm thân tôi ố nhục
Làm con tôi chết trôi
Chỉ còn tôi sống sót thôi.
Chồng tôi đã chết nơi trại tập trung
Mẹ cha tôi chết ở vùng kinh tế
Tôi đã ra đi, ôm đứa con thơ
Trong chuyến ra khơi nửa giấc đêm mưa
Hi vọng tìm được cuộc đời tự do
Nào ngờ bọn người ích kỷ đuổi xua
Thuyền nhân ốm đói, giặc chờ ngoài khơi
Chỉ một mình tôi sống thôi, để lên tiếng gọi.
Tôi còn phải sống để treo cao nợ máu
Người Ðông Dương khổ đau vì âm mưu đổi tráo
Sống để mà khóc chồng, con, cha với mẹ
Buồn quê hương nát tan, lòng tôi chưa yếu hèn
Tôi còn phải sống để nuôi sâu thù oán
Kẻ gây nên lầm than, người vô tâm tàn nhẫn
Mở tay ôm những người, nạn nhân trên cõi đời...
CODA
Tôi còn phải sống !
Ðể cho thế giới phải lưu tâm !
Trong chủ đề PHỤ NỮ, tôi còn soạn bài hát luân lý cho thiếu nữ Việt Nam trên đường tị nạn.
NGƯỜI CON GÁI VIỆT RỜI XA TỔ QUỐC
(Midway City, CALIFORNIA-1978)
Người con gái Việt rời xa tổ quốc
Nàng như cánh đào trước gió phất phơ
Hoặc như chiếc thuyền lửng lơ ngoài sông nước
Hay phận liễu bồ trôi dạt phương xa
Người con gái Việt phải xa tổ quốc
Nàng vẫn giữ lòng son sắt như xưa
Dòng Tiên giống Rồng, Nàng mang tình yêu nước
Mang cả linh hồn nữ kiệt Trưng Vương.
Công, Dung, Ngôn, Hạnh ! Nàng mang theo gia tài
Của Mẹ Việt Nam từ lâu trao cho người
Bao năm ly loạn làm quê hương tơi bời
Người con gái Việt không hề đổi thay
Người con gái Việt ngày xa lìa nước
Dù vắng bóng chồng hay vẫn bên nhau
Dù đang sống cùng tự do nhiều hơn trước
Tinh thần gái Việt giữ gìn cho lâu.
Người con gái Việt ở nơi ngoại quốc
Nàng vẫn giữ lòng trong trắng như hoa
Thờ Cha, kính Mẹ, thờ luôn tình yêu nước
Giữ đạo yêu chồng, xây dựng con thơ.
Trong chủ đề QUÊ HƯƠNG, với bài NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI, tôi đã hình dung thân xác của mình giống như bản đồ của nước Việt Nam. Ðó là một bài hát nói về sự chết...
Trong chủ đề PHỤ NỮ, với bài XIN EM GiỮ DÙM ANH sau đây, tôi cũng hình dung ra người con gái Việt Nam giống như hình ảnh của nước Việt. Nàng có đôi mắt sáng như nắng quê Cha, có đôi môi thơm mùi cốm vàng nơi quê Mẹ, có đôi tay như sóng Biển Ðông hay như gió Rừng Tây, có đôi chân vượt Trường Sơn, có tóc xanh như sông Hậu bồng bềnh và trên đường tị nạn hiện nay, tôi chắp tay thành khẩn xin Nàng hãy giữ dùm tôi hình ảnh tuyệt vời của người con gái đồng trinh đó. Ðây là một hát về sự sống !
XIN EM GIỮ DÙM ANH
(Midway City, CALIFORNIA-1981)
Trong đôi mắt em, anh nhìn thấy mặt trời xa
Nắng quê Cha, bốn nghìn năm rọi đời ta
Nắng êm vui từng đón anh vào đời
Ði theo cuộc tình thăm thẳm xa vời
Em có đôi môi thơm mùi cốm vàng ngày xuân
Môi ngọt ngào như ngụm sữa Mẹ, hiền ngoan
Miếng môi ngon từng vướng dăm giọt lệ
Cho anh hôn vào, vui buồn mải mê.
Ôi đôi tay ! Như sóng Biển Ðông say,
Hay gió rừng lay trên dẫy núi miền Tây
Ðôi tay tròn, nếu được em ẵm ôm
Anh rồi sẽ chôn biết bao nhiêu tủi hờn.
Ôi đôi chân, em mang đi đằng đẵng
Những dặm đường trường, trên con đường cái quan
Ðôi chân son, chân ngát hương Saigon,
Ðôi chân u buồn, đôi chân vượt trùng dương.
Bơi trong tóc em, như chìm trong mộng nghìn xưa
Những mộng vàng tơi tả, những mảnh tình ngơ
Tóc em xanh là nước sông bồng bềnh
Cho anh tràn trề hơi thở quê mình
Em giữ cho anh những ngày vui buồn cũ mới
Hi vọng nào, mơ hồ đã tỏ cùng ai ?
Giữ cho anh một góc quê bàng hoàng
In trong tâm hồn, trong thân thể nở nang.
Xin em giữ dùm anh mắt rực lửa hồn
Em soi sáng hộ anh Ðại Lộ Hoàng Hôn
Xin em giữ hộ anh môi mềm lời nguyện
Ru anh chết một đêm, tuyết phủ mộ êm
Em hãy giữ hộ anh tay ngà nhỏ ngọn năm nhánh
Anh say giấc ngàn thu, hơi Mẹ còn nồng mộng mơ
Em đi tới ngày mai, chân dài vượt vạn nẻo đời
Anh nơi suối vàng vui, ngỡ mình miệt mài chẳng ngơi.
CODA
Xin em giữ dùm anh
Người con gái đồng trinh...
Phạm Duy