2. Nhạc Hùng, Từ Tráng Sĩ Tới Chiến Sĩ
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4955
Tôi khởi sự loại nhạc hùng của tôi bằng những bài còn mang những hình ảnh cổ điển là tráng sĩ với gươm đao, cung kiếm... hay chinh phu, chinh phụ với chiến bào, chiến y... Bài hát đầu tiên được soạn ra với nhạc và lời của tôi, không còn phải vay mượn lời thơ của ai nữa, là bài GƯƠM TRÁNG SĨ. Bài này, khi in ra, có đề: tặng Hồ Hoàn Kiếm - Thăng Long Thành.
GƯƠM TRÁNG SĨ
(Hà Nội -1944)
Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở.
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng
Bàn tay xinh ai nhuốm máu hồng
Và nhuốm mầu non sông.
Gươm tung lên như gió như mưa
Như muôn nghìn đấng linh hồn xưa
Như bao năm lòng dân đợi chờ
Chuyển sức chàng trai tráng gươm đưa
Ôi nhớ tới hồi thanh kiếm múa
Sức oai linh trừ hết quân thù
Ðầu rơi trong muôn tiếng réo hò
Ghi dấu cùng ngàn thu.
Ðến nay gươm thần chưa hết bén
Ta mong chờ ai người nâng kiếm lên ?
Sau hình ảnh tráng sĩ, tới hình ảnh chinh phu, chinh phụ... Dù rằng lúc đó tôi đi theo Cách Mạng và thực tế đi vào Kháng Chiến khi Quân Ðội Pháp trở lại chiếm Saigon vào cuối năm 45, nhưng trong sáng tác, tôi vẫn chưa ra khỏi khung cảnh của truyện anh hùng cổ xưa, chẳng khác chi Văn Cao trong thời gian đó cũng nói tới sự lạnh lùng vung gươm ra sa trường để lấy da ngựa bọc thây như trong bài CHIẾN SĨ VIỆT NAM. Tôi viết bài CHINH PHỤ CA trong khi đang tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
CHINH PHỤ CA (Bà Rịa 1945)
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
Có muốn gì đâu, lệ thấm tơ vàng.
Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền.
Từ hồi Thu đi, Ðông tới, Xuân về
Lạnh lùng cơn gió đêm hè
Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn.
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn.
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan.
Bập bùng ba tiếng trống đêm
Không ngưng tiếng rừng xao xuyến
Vang trong tiếng ve kêu rền rền.
Ngày nào bao xa em thấy bay về
Một đàn chim én không nhà.
Về làn du phong với mây ráng hồng
Có tiếng diều trong đậu trước khuê phòng.
Rồi nhìn qua song em thấy trước sông
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Mang theo biết bao nhiêu ngày vàng.
Trong thời Kháng Chiến Nam Bộ (1945-46) tôi còn soạn thêm bốn bản nhạc hùng nữa. Bài thứ nhất là bài XUẤT QUÂN soạn trên đường Nam Tiến và hoàn tất tại chiến khu Mây Tào, vẫn còn mang những hình ảnh cổ điển như trong mấy bài trước đây.
XUẤT QUÂN
(Chiến khu Mây Tào -1945)
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu.
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam. (HẾT ở đây)
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha.
Ngàn lời chính khí đưa
Ầm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa.
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi.
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa.
(trở lại từ đầu, để HẾT)
Bài thứ hai là bài THU CHIẾN TRƯỜNG, tuy nó vẫn còn có vẻ cổ điển với những câu gọi hề Thu ơi hề Thu ơi nhưng nó hiếu hoà hơn bài XUẤT QUÂN. Tôi đưa ra hình ảnh buổi chiều biên khu, có người chiến sĩ ngồi vỗ súng ca cho một mùa Thu muôn năm hoà bình. Ðầu mùa chinh chiến mà xưng tụng hoà bình! Tinh thần nhân bản này sẽ theo đuổi tôi suốt đời. (Chú ý: bài này dùng nhiều chữ vần " u " để hát ra hơi thở mùa Thu)
THU CHIẾN TRƯỜNG
(Huế, 1946 sau khi từ chiến khu trở ra Bắc)
Chiều biên khu, vào mùa sang Thu
Không còn nghe tiếng oán thù (u ú)
Rừng vi vu là lời thiên thu
Ru người chốn phiêu du.
Ai chinh phu nghe mùa Thu tới
Âm vang trong trời, hồn quê đến với muôn đời.
Hề Thu ơi ới ! Hề Thu ơi ới !
Nghe gió thu tơi bời trong góc trời chiến tranh
Nghe lá thu thương tình bao kiếp người mong manh.
Hề Thu ơi ới ! Hề Thu ơi ới !
Hương thắm xưa đã về với những người chiến chinh
Bao khúc ca thanh bình vang tới ngàn dâu xanh.
Thu đã về với ta
Nhớ tiếc không oán thù (u ù)
Ta nghe chăng một mùa Thu bao la, vang tiếng bom cuối cùng
Còn đây mùa gươm súng
Khi lá hoa bừng sống với non sông
Nhớ tiếc không nát lòng (ư ừ)
Ta nghe chăng một mùa
Thu muôn năm hoà bình
Hề Thu ơi ới ! Hề Thu ơi ới ! Thu ơi Thu !
Ta vỗ súng ca, Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta.
Bài thứ ba, bài CHIẾN SĨ VÔ DANH cũng vẫn còn rất cổ điển, nhưng nó có thêm tính chất siêu thực, với hình ảnh một đoàn quân ma đi trong rừng chiều...
CHIẾN SĨ VÔ DANH
(Huế-1946)
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông.
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang
Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng
Sầu hận đời lấp tan.
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh...
Bài thứ tư, bài NỢ XƯƠNG MÁU thì hoàn toàn siêu thực, với hình ảnh xác không đầu, đi lang thang trên chiến trường, cất tiếng cười vang rú... Tôi viết bài này trước khi từ chiến khu miền Nam trở ra Bắc, và hát nó tại Quán NGHỆ SĨ ở Huế cùng với Bùi Công Kỳ.
NỢ XƯƠNG MÁU
(Huế-1946)
Giờ đây xương máu đã phơi đầy đồng
Giờ đây máu hồng đã nhuốm non sông.
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Ði lang thang, tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia
Cười lên tiếng máu xé tan canh trường:
Nợ nần máu xương, ai đã trả xong?
Lá rụng tơi bời
Ðoàn quân tiến về trời
Từng thanh kiếm đứt ngang
Từng lớp áo rách mướp
Từng cánh tay rụng rời
Qua làn mây trắng
Ðoàn quân tiến qua làng
Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng.
Ai nghe không tiếng cười vang the thé
Tiếng người la, những tiếng rồn rập ca
Ai lang thang, tiếng cười lên chới với
Xác không đầu mà vui.
Người đi chiến đấu, xác rơi ngoài đồng.
Nợ nần máu xương, ai nấy trả xong !
Phạm Duy