Thời Kỳ Thành Lập (1940-45) - Xu Hướng Nhạc Hùng - Lưu Hữu Phước Và Nhóm Tổng Hội Sinh Viên
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4135
Trong một bài viết về Thời Tiền Chiến Trong Tân Nhạc, in trong tập nhạc nhan đễề "Nhạc Tiền Chiến" do Kẻ Sĩ ấn hành năm 1970 tại Saigòn, Lê Thương đã cho rằng : "...Từ 1943 đến 1945 thì Tổng Hội Sinh Viên đã chế ngự phong trào Tân Nhạc và gây những ảnh hưởng sâu đậm chưa từng có. Nhóm khởi (lên là) trong đám sinh viên Ðại Học ở Hà Nội, trong đó sinh viên gốc Miền Nam tỏ ra có nhiều khả năng nhạc nghệ. Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến việc dùng Tân Nhạc trong cuộc đấu tranh chánh trị chống thế lực ngoại bang thời đó là Pháp-Nhật..." Trong một đoạn viết trước đây, tôi cũng cho rằng : ''Vào lúc Tân Nhạc Việt Nam có thêm xu hướng mới, trong hai nhóm chủ trương Nhạc Hùng thì nhóm Tổng Hội Sinh Viên có nhiều tính chất chính trị hơn nhóm Ðồng Vọng''.
Sinh viên Lưu Hữu Phước quê quán tại Miền Nam đã ra Hà Nội để theo học tại trường Thuốc vào lúc Tân Nhạc vừa thành hình. Ông tham gia vào phong trào nhạc mới, trước tiên, với vài bài hát nhỏ thuộc loại nhạc tình cảm như bài Hương Giang Dạ Khúc chẳng hạn, dùng âm giai ngũ cung Huế, hoặc bài Ru Con, dùng âm giai oán... hai bài này tôi thường hát trên sân khấu gánh hát rong ÐỨC HUY trong mấy năm 43-45. Khi xu hướng nhạc hướng đạo, nhạc vui tươi ra đời để dẫn tới nhạc hùng thì Lưu Hữu Phước đưa cho nhóm ÐỒNG VỌNG của Hoàng Quý ấn hành một số bài theo đúng tôn chỉ của nhóm đó như Vui Xuân, Bạn Ðường, Ði Hội Ðền Hùng...
Nhưng tới khi những bài ca có tính cách xưng tụng anh hùng, ngợi ca lịch sử ra đời và được hoan nghênh thì Lưu Hữu Phước và nhóm sinh viên trong Tổng Hội, với lối sống tập thể và chắc chắn đã có sự lãnh đạo chính trị trực tiếp hay gián tiếp của một tổ chức (Ðảng Dân Chủ?), đã tung ra hàng loạt những bài ca có giá trị và có khả năng nung nấu tinh thần yêu nước của tất cả mọi người, nhất là trong đám thanh niên nam nữ. Những trang sử oai hùng đã được viết ra bằng ca nhạc, lần này hay hơn những công trình của người tiền bối (như bản trường ca Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát, Phạm Ðình Toái chẳng hạn) vì, để xưng tụng lịch sử, bây giờ là những nhạc phẩm hoàn toàn mới mẻ, lời ca không còn bị đóng khung trong khuôn khổ thơ lục bát, nhạc điệu bay bổng trên những cung bực tân kỳ, nghệ thuật âm thanh biến đổi, nhạc khúc không còn tính chất gợi cảm (impressioniste) nhẹ nhàng mà là những tác phẩm tả thực (réaliste), là những bài có thể được gọi là siêu hùng ca (chant épique)...
Những bài như Bạch Ðằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Nam Tiến, Hát Giang Trường Hận, Hờn Sông Gianh... là những công trình vĩ đại (so với thời đó) không những bởi giá trị xã hội (vì xuất hiện đúng lúc quốc dân đang mong chờ) mà còn bởi giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm nữa. Bài Bạch Ðằng Giang tuy mở đầu với một nét nhạc Tây phương nhưng đã được nhạc sĩ khéo léo chia bài hát ra làm bốn đoạn.
Ðây Bạch Ðằng Giang sông hùng dũng
Của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng Nam Bắc Trung.
Ðoạn Một là lời xưng hô của dòng sông anh dũng. Ðoạn Hai sẽ là một câu hát nhanh nhẹn và rất dài (chứng tỏ sự phong phú của nhạc sĩ trong việc cấu tạo giai điệu) vươn lên từ trầm tới bổng, mô tả trời xanh chen bóng ô, sóng trên dòng sông nhấp nhô, cây cao bên bờ soi bóng, có gió cuốn ngàn lau... và phảng phất trong gió là anh hồn của ai đang rung lên làm cho ta phải xiết bao rung cảm...
Trên trời xanh muôn sắc như chen bóng ô
Dưới đáy dòng nước, ánh sáng vẩn vơ nhấp nhô
Hàng cây cao soi bóng
Gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất trong gió ? Cảm xiết bao...
Ðoạn Ba bỗng trở nên thong thả, với giọng mineure buồn dịu, nhắc tới thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh, vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân...
liều mình ra tay, tuốt gươm bao lần :
Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành
Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần...
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần...
Ðoạn Bốn trở lại giọng majeure và nhịp hùng mạnh, kéo ta trở về hiện tại, nhắn nhủ ta nêu cao tấm gương anh hùng và dù cho có sấm sét bão bùng thì Bạch đằng giang vẫn sáng để cho nòi nòi giống soi chung.
Hồn nước vẫn sống với trời, non, nước
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng
Dầu khó thế mấy, quyết cùng nhau bước
Làm cho rõ biết cháu con nòi giống Tiên Long.
Bài Ải Chi Lăng thì có thêm nhiều kịch tính. Mở đầu cũng là tiếng kèn, tiếng loa, tiếng trống và có thêm tiếng reo hò của muôn dân :
Chi Lăng ! Chi Lăng !
Tiếng ai hò reo vang trời.
Chi Lăng ! Chi Lăng !
Bóng ai tranh hùng muôn đời.
Thế rồi từ một câu nhạc có tính chất opera như vậy, nhạc chuyển động, trở thành nhịp hành quân, nghe kỹ ra thì là nhịp vó ngựa phi trên chiến trường. Tác giả diễn tả rất đầy đủ trận chiến giữa quân ta và những quân Tống, quân Minh. Rồi khuyên nhủ chúng ta theo gương khuất Nam, bình Bắc của tổ tiên oai hùng :
Trời âm u gió tung, rú lên, rít lên ào ào
Rừng thông rên siết dường như khóc dưới luồng bão
Lời ai nỉ non trong mây
Hồn ai thở than nơi này
Lời gió bay lời reo ngàn quân sĩ đã chết
Hồn gió hay hồn ai còn thương tiếc
Trời lung lay sấm vang, sét vang nổ lên ầm ầm
Ðồi non thung lũng đều long lở dưới hồi sấm
Lời ai? Phải chăng thần thánh?
Hồn ai? Phải chăng hùng anh?
Vì nước thét quân đột xông
Làm cho rõ giống Tiên Rồng.
Hồi nhớ tới vó câu tập tễnh lướt qua làn khói giáp chiến
Hồi nhớ tới bóng muôn cờ xí phất tung hùng vĩ cố tiến
Vì nước tuốt gươm xông pha
Lòng trung cứu dân lầm than
Ðồng hát khúc anh hùng ca
Bền gan quyết tâm cường tráng
Khuất Nam, bình Bắc oai hùng luôn tiến
Tiếng chiêng vang rền...
Cũng với lối hành âm, hành điệu như vậy, Lưu Hữu Phước còn cho chúng ta bài Hội Nghị Diên Hồng, một bài có tính chất một nhạc cảnh, mở đầu với tiếng loa kèm theo tiếng gọi :
Thần dân nghe chăng ?
Sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng
Biên thùy rung chuyển
Tuôn giày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu...
Thần dân Tiên Long
Sơn hà nguy biến
Nào người hào hùng
Nên hòa hay chiến ?
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân
Hỡi đâu tứ dân ?
Tác giả vẽ ra khung cảnh một hội nghị lịch sử của dân Việt với lời hỏi của nhà cầm quyền : Sơn hà nguy biến, Trước nhục mất nước, Nên hòa hay chiến? Và tứ dân mà đại diện là các bô lão đã khẳng khái trả lời : Quyết chiến ! Quyết hy sinh !
Kià vầng hồng tràn lên trên đỉnh núi
Ôi Thăng Long khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang chiếu ban truyền bốn phương
Theo gió bay khắp miền sông núi réo đòi
Lòng dân Lạc Hồng nhìn non nước yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao trí lớn
Giống anh hùng đua sức tráng cường
Ta lên đường lòng mau tâu tới long nhan
Gìòng Lạc Hồng xin thề liều thân, liều thân
Ðường còn dài hờn vương trên quan tái
Xa xa trông áng mây đầu non đoài
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Ðoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
Ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến ? QUYẾT CHIẾN !
Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến ? QUYẾT CHIẾN !
Quyết chiến luôn !
Cứu nước nhà !
Nối chí dân hùng anh.
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ? HI SINH !
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ? HI SINH !
Thề liều thân cho sông núi !
Muôn năm lừng uy...
Cũng như hai bài trước, bài Hội Nghị Diên Hồng này có nhiều lớp lang, có nhiều đoạn ca với nhiều nhịp điệu và nhạc điệu khác nhau, người hát và người nghe chẳng bao giờ thấy chán miệng chán tai cả. Ra đời vào lúc thanh niên đang sẵn sàng đứng lên đáp lời sông núi, những bài được gọi chung là thanh niên lịch sử ca này của Lưu Hữu Phước mang rất nhiều tính chất lạc quan, tích cực, khác hẳn với những bài hát bi lụy trong xu hướng nhạc tình của thời đó. Lúc đó chàng sinh viên họ Lưu này, có luôn luôn bên cạnh mình những người bạn về sau trở thành những chính trị gia chuyên nghiệp như Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Huỳnh Văn Tiểng... để soạn dùm lời ca hoặc để cung cấp đề tài. Trong một thời gian không lâu, Lưu Hữu Phước cùng với nhóm sinh viên trong Tổng Hội, thường thường là người miền Nam, đã tung ra đủ mọi loại bài ca cho đủ mọi hạng người trong xã hội.
Ngoài những bài có tính chất lịch sử ca rõ rệt vừa kể trên, họ Lưu cùng với những đồng chí của mình là Mai Văn Bộ, Huỳnh (hay là Hoàng) Văn Tiểng đã soạn cho sinh viên, thanh niên những bài như Tiếng Gọi Sinh Viên (sau này đổi tên là Tiếng Gọi Thanh Niên và được các chính quyền miền Nam chọn làm quốc ca), Lên Ðàng, Xếp Bút Nghiên... Sau này, ba người sinh viên đó sẽ chung nhau mở một nhà xuất bản âm nhạc tại Saigòn lấy tên là HOÀNG-MAI-LƯU, cũng như họ ký tên như vậy trong những bản nhạc, ví dụ bài Hờn Sông Gianh được in ra, có ghi rõ nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Hoàng Mai Lưu. Bài này có chung một nhạc điệu với bài Hồn Tử Sĩ. Sau khi soạn nhạc cho giới sinh viên, thanh niên, Lưu Hữu Phước soạn cho thiếu niên những bài như Gieo Ánh Sáng, Thiếu Sinh Hành Khúc, Reo Vang Bình Minh. Nhạc điệu cũng như lời ca rất là vui tươi, trong sáng. Thiếu nữ cũng được xưng tụng trong những bài Việt Nữ Gọi Ðoàn, Thiếu Nữ Việt Nam...
Trông hoa xuân thắm tươi trên muôn cành
Lòng niên thiếu chan chứa hương xuân
Reo lên trong nắng mới, trong vui mới
Vì chị em : ấy hoa của đời.
Này chị em khắp nước Nam
Dịu dàng như những đóa hoa
Như những đóa hoa
Tô thắm cho sơn hà.
Hồn thanh xuân khuyến khích ta
Nào chị em cất tiếng ca
Ta cất tiếng ca
Vui vẻ thêm cho nước nhà !
Hơn nữa, Lưu Hữu Phước còn sáng tác những bài ca trầm hùng (tuy buồn nhưng vẫn hùng tráng) như Kinh Cầu Nguyện, Hồn Tử Sĩ (bài này cũng được Miền Nam Quốc Gia chọn làm bài ca tử sĩ chính thức), Ðoàn Quân Ma, Người Xưa Ðâu Tá... Bài Khúc Khải Hoàn của ông thì nghe như một bài âu ca, có thể dễ dàng trở thành một bài ca chính thức.
Dường như Lưu Hữu Phước đã chọn con đường trở thành nhân vật chính thức ngay từ những ngày còn trẻ cho nên ông còn soạn - - trước và trong thời gian kháng chiến chống Pháp -- những bài như Lục Quân Trần Quốc Tuấn, Ngọn Cờ Dân Chủ, Âu Ca Việt Nam, Ðông Nam Á Châu Hành Khúc... Sau này ông còn soạn bài ca chính thức cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam dưới bút hiệu Huỳnh Minh Siêng.
Cũng vì con người chính trị của Lưu Hữu Phước được nổi bật trong lịch sử cận đại, người nhạc sĩ đầu tiên xứng đáng để trở thành một ông quan của chế độ, và cũng vì bản thân tác phẩm nhạc hùng của ông có giá trị nghệ thuật rất cao... cho nên người ta quên mất loại nhạc tình cảm của ông, theo tôi, rất có giá trị là những bài Hương Giang Dạ Khúc, Thượng Lộ Tiểu Khúc và nhất là hai vở ca kịch Con Thỏ Ngọc và Tục Lụy. Cũng có thể tại chính tác giả nữa, vì khi xuất bản bài Hương Giang Dạ Khúc, chàng sinh viên bụ bẫm họ Lưu còn rụt rè, đắn đo, không dám ký tên thật mà chỉ dám dùng nặc danh là nhạc sĩ không tên ! Có lẽ Ông đã nuôi lập trường rõ rệt của một chánh trị gia ngay từ lúc đó chăng? Nhưng khi phổ nhạc những lời thơ của Khái Hưng để hoàn thành vở ca kịch đầu tiên của nền Tân Nhạc Việt Nam là vở Tục Lụy thì ông không còn nhút nhát nữa. Nét nhạc tuyệt vời của ông đã làm cho thơ có cánh mà bay. Dân Hà Nội đã có dịp được thưởng thức những bài ca trong vở đó như Phiêu Phiêu Gió Reo Trên Ngàn, Ta Hãy Lắng Tai Nghe, Ta Là Một Nàng Thơ Trên Tiên Giới, Ta Là Một Gái Ðồng Trinh, Người Ði Săn, Hỡi Ánh Mai Hồng, Ta Là Một Tiếng Vang... v.v. Câu chuyện thần tiên của một Nàng Tiên bị người đi săn nơi hạ giới lấy mất đôi cánh, mang nặng không khí hồn bướm mơ tiên trong thời đại rất ngây thơ của chúng ta, trước khi bão tố của chiến tranh sẽ lùa tới và cướp mang đi (như anh thợ săn cướp đi đôi cánh thần của nàng tiên?)... Con Thỏ Ngọc cũng không kém phần thi vị, là một vở ca vũ nhạc kịch dành cho thiếu nhi. Rất tiếc là về sau, khi ông giữ chức vụ cao trong chính quyền, ta không thấy ông cho sống dậy hai vở ca vũ kịch tuyệt vời này, ông chối bỏ những tác phẩm này cho phù hợp với địa vị và lập trường chính trị chăng ?
Sở dĩ Lưu Hữu Phước có thể soạn được nhiều bài ca thuộc nhiều loại như vậy là vì ông có sẵn cái vốn nhạc Âu Phương mà đa số những nhà tiền phong trong phong trào Tân Nhạc cũng có. Sau nữa, ông lại còn được gửi đi Nga Xô để học nhạc từ A đến Z để rồi sẽ soạn ra những bài rất có giá trị...
Phạm Duy