Thời Kỳ Thành Lập (1940-45) - Xu Hướng Nhạc Hùng - Thanh Niên Lịch Sử Ca
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3019
Thanh Niên Ơi
Thanh niên ơi !
Còn gì vui hơn bước đường thanh niên
Ðường rắc toàn hương như là cỏ tiên
Hãy say sưa mà quên hết buồn đi
Gắng công lên đời đúc rèn tâm trí.
Thanh niên ơi !
Dắt nhau lên đời cùng vang hát
Sánh vai cùng đi.
Thanh niên ơi !
Ngắm trông phương trời đừng lui bước
Và chớ phân ly.
Ta trông xem trời đang xanh tươi
Kìa hoa sao đêm còn ôm sương rơi
Ðắm đuối cười
Nhắn nhủ lời
Thiếu niên là người buổi mai..
Ta nghe xem lời ca muôn chim
Nhịp trong không gian mừng vui xôn xao
Ríu rít chào
Ánh nắng đào
Và cùng vun vút bay cao...
Thanh niên ơi !
Dắt nhau lên đời cùng vang hát
Sánh vai cùng đi...
Thanh niên ơi !
Ngắm trông phương trời đừng lui bước
Ngần ngại mà chi ?
Sau khi phong trào nhạc hùng lên mạnh, Thẩm Oánh soạn thêm những bài anh hùng ca, lịch sử ca như Trưng Nữ Vương, Bình Ðịnh Vương, Hưng Ðạo Vương, Hùng Vương... trong đó một bài hát về hai Bà Trưng còn được phổ biến cho tới ngày nay nhờ ở nhiều thế hệ nữ sinh trường Trưng Vương.
Lê Thương của nhạc tình lãng mạn hồi bấy giờ cũng soạn lời ca cho hướng đạo ca, hát theo điệu Il Était Un Petit Navire, và cũng vẫn với tâm hồn rất thơ mộng của ông :
Il était un petit, petit navire (bis)
Qui n'avait jamais, jamais navigué (bis)
Ohé, ohé, ohé !
Ai đi trên đường thiên lý sương sa mù (2 lần)
Nên mang đôi cung, đôi cung với túi tên đồng (2 lần)
Ðể săn, mưa gió chiều đông.
Giương cung lên trời ai bắn lên mây ngàn (2 lần)
Bao nhiêu mưa rơi, mưa rơi xuống suối lâm tuyền (2 lần)
Thành cơn mưa gió tình duyên.
Ðặng Thế Phong, ông vua của nhạc buồn, cũng soạn cho hướng đạo sinh, cho thanh thiếu niên thời đó một ca khúc mà tiếc thay ít người biết đến. Ðó là bài Sáng Rừng. Ðây là một bài hát tươi vui, khác hẳn với sự bi quan trong những ca khúc mùa Thu của ông. Với nét nhạc ré mineur và nhịp chỏi (syncope) rất quen thuộc của ông, Ðặng Thế Phong đã dùng đoạn đầu để báo tin mừng buổi sáng :
Sáng tới rồi !
Khắp đất trời đã tưng bừng ánh vàng
Vừng Ðông chân trời vừa ló...
Núi suối rừng
Ðã thay màu thắm lẫy lừng huy hoàng
Và sương thêm màu mơ màng...
Rồi ông chuyển qua đoạn hai với một giọng nửa mineur - nửa majeur để nói lên niềm vui của chim chóc, hoa lá, mây trời... Ông cũng không quên những hạt sương còn đầm đìa trên làn cỏ xanh :
Chim líu lo mừng sáng
Hoa lá như dịu dàng
Bình minh vừa mang theo sắc hương...
Mây trắng bay từng đàn
Man mác trên nền trời
Ðầm đìa làn cỏ xanh láng lai sương rơi...
Rồi ông nói lên lòng say đắm của ông trước cảnh rừng sớm mai "tuyệt vời", làm "trái tim thêm nồng nàn" và "tràn lấn" thêm biết bao "tình yêu đời" :
Tâm hồn ai không tha thiết cảnh rừng tuyệt vời
Và thấy trái tim thêm nồng nàn
Tràn lấn biết bao tình yêu đời...
Quay về đoạn hai, ông kết thúc ca khúc với một xôn xao cuối cùng trước cảnh ánh dương lên, với làn gió làm lay động lá cây :
Xao xuyến cây, làn gió
Lay lá lay rộn ràng
Lòng người cùng xôn xao với bao ánh dương...
Bài hát được soạn cho tuổi xanh, xưng tụng thiên nhiên và tình yêu đời, rất lạc quan, khác hẳn với nỗi sầu vạn cổ trong ba ca khúc mùa Thu của ông. Thật là thiệt thòi cho nền Tân Nhạc khi một nghệ sĩ có tâm hồn bén nhạy như Ðặng Thế Phong lại bị Thần Chết mang đi quá sớm (1).
Trong giai đoạn thành hình của những bài hát hướng đạo và thanh niên lịch sử ca này, ngoài những nhạc sĩ đã bắt đầu nổi tiếng về nhạc tình và bây giờ có thêm xu hướng mới, còn có những nhạc sĩ trẻ khác cũng soạn thanh niên ca và anh hùng ca như Lê Như Khôi (Trên Ðường Xa), Lê Ngọc Huỳnh (Trên Ðường Hưng Quốc), Lê Xuân Ái (Hồn Nam Tướng) v.v... nhưng tác phẩm của họ không được thịnh hành lắm. Chỉ có hai người là thành công rực rỡ vì không những có tài riêng mà còn có cả một hậu thuẫn lớn nữa. Ðó là Hoàng Quý với nhóm ÐỒNG VỌNG và Lưu Hữu Phước với TỔNG HỘI SINH VIÊN.
Trước khi đề cập đến hai người này, tôi muốn nói đến một người hãy còn đang đóng một vai trò nhỏ trong nhóm nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng, cũng có dính dấp không ít thì nhiều với Hoàng Quý và ngay lúc này đã cho ta thấy cái tài hoa trong nét nhạc và lời ca. Người đó là Văn Cao.
Trước khi trở thành ngôi sao sáng trong nền Tân Nhạc với loại nhạc cách mạng và nhạc trữ tình, Văn Cao đã soạn những bài cho hướng đạo, cho phong trào thanh niên, sinh viên. Ngày nay, những hướng đạo sinh đã trở thành hội viên của các Hội Cao Niên vẫn còn nhớ mấy bài hát của Văn Cao được dùng trong phong trào hướng đạo cách đây gần nửa thế kỷ. Với chủ đề Vui Sống hồi đầu thập niên 40, Văn Cao đã soạn ra khúc Anh Em Khá Cầm Tay :
Anh em khá cầm tay
Mau đến cùng nhau hát nhé
Nơi đây chúng mình ca
Trong gió hòa êm êm
Bao nhiêu gió về đây
Chim chóc về đây hót nhé
A vui sướng làm sao
Ta ngó trời xanh êm
Mà ca hát cười nô
Không biết chi buồn
Ðời trần gian chắc là thắm tươi
Trời xanh ngát từng cao
Nhìn chúng ta cười
Này này sao các người vui thế ?
Nhạc khúc tuy hãy còn hơi vụng về trong cấu phong nhưng nét nhạc manh nha những phóng bút tuyệt vời của Thiên Thai, Trương Chi sau này. Lời ca hãy còn đơn sơ nhưng trong sáng, rất hợp với tuổi trẻ lúc đó. Cũng với mạch nhạc tươi thắm này, Văn Cao cho chúng ta thêm một bài hát hướng đạo với cảm tưởng của người trẻ đi cắm trại tại một khu rừng núi, nơi đây đã từng ghi dấu chiến công hiển hách của các vị anh hùng xa xưa. Qua bài Gió Núi này, ta đã thấy không khí của những anh hùng ca, lịch sử ca, cách mạng ca, kháng chiến ca sau này của Văn Cao :
Gió núi qua mái lều vi vu
Vừng trăng xế lu
Phía cách xa núi mờ ánh sáng
Lời ca hát rằng :
Cùng ngồi lại đây
Ta chờ hơi gió
Là tiếng hát phất phơ từ đâu?
Từ đồi cao tới nơi rừng sâu
Rừng cây với núi vấn vương máu hồng
Ngàn đời về xưa
Muôn quân thương tiếc
Bao nhiêu thây chết nơi đây
Ngàn đời về sau
Nấu nung máu hờn !
Mấy đóng góp của Văn Cao vào Tân Nhạc lúc đó chỉ được coi như sự mài kiếm dưới trăng của tráng sĩ Văn Cao. Ông chưa thành công bằng mấy bài hát hướng đạo này, dù sẽ còn đóng góp thêm một lịch sử ca là bài Gò Ðống Ða nữa.
Thành công rực rỡ trong loại Thanh Niên Lịch Sử Ca thì có hai nhóm với nhạc sĩ dẫn đầu : Hoàng Quý và nhóm Ðồng Vọng, Lưu Hữu Phước và Tổng Hội Sinh Viên. Nếu như Hoàng Quý, vì bản thân là một tráng sinh và một nhà giáo, chú trọng đến những bài hát hướng đạo, những bài hát thiếu nhi, thiếu sinh... thì Lưu Hữu Phước, lúc đó còn là sinh viên trường thuốc tại Hà Nội, lại chuyên chú về những bài hát chính trị, những bài kêu gọi thanh niên lên đường tranh đấu, những bài hát dựng lại lịch sử oai hùng của Việt Nam. Tất cả những tác phẩm thuộc xu hướng nhạc hùng này, suốt trong gần nửa thế kỷ nay, lúc nào và bất cứ ở đâu, cũng đều được hát đi hát lại trong mọi giới...
Phạm Duy
------------------------------------
(1) Ðặng Thế Phong có lên Hà Nội theo học trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật một thời gian với tư cách bàng thính viên. Trong một kỳ thi, ông đã vẽ bức tranh "một cây cụt không có cành nào''. Lúc nộp bài, một vị Giáo sư người Pháp xem tranh đã nói Ðặng Thế Phong không thọ. Thời gian theo học này, ông đã phải vẽ tranh cho báo HỌC SINH (chủ bút là Phạm Cao Củng) như tranh các truyện "Hoàng Tử Sọ Dừa", "Giặc Cờ Ðen" để lấy tiền ăn học.