PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Vui Tươi Lành Mạnh, Phóng Khoáng

Nguyễn Xuân Khoát

ngxkhoat1 ngxkhoat2
Ảnh NXKhoát và Tranh do NÐPhúc vẽ

Trong thời kỳ thành lập của Tân Nhạc này, ai cũng thích nghe thích hát những bài theo Xu hướng Nhạc Tình dù ai cũng biết rằng đó là loại nhạc sầu, ủy mị... Phản ứng lại nhạc buồn là sự ra đời của những bài hát theo xu hướng Nhạc Vui Tươi, Lành Mạnh, Phóng Khoáng... mà những người tiên phong phải là Trần Quang Ngọc với bản Ðường Trường và nhất là Nguyễn Xuân Khoát.

Nguyễn Xuân Khoát là người được coi như người anh lớn của làng nhạc lúc bấy giờ. Ông hấp thụ âm nhạc ở một nhạc viện, nghĩa là được giáo dục bởi nền nhạc cổ điển tây phương và trong khi ông làm việc tại nhà hàng Taverne Royale với các bạn đồng môn như Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Văn Nhường, hoà tấu những bản nhạc nhẹ (musique légère) của Tây Phương... thì ông lại viết trên báo TINH HOA về cái đàn bầu, hoặc viết bài nghiên cứu về Hát Ả Ðào đăng trên báo THANH NGHỊ... rồi còn ghi lại các bài Hát Chèo bằng ký âm pháp tây phương, in thành các bản rời và cho phổ biến. Thái độ quay về nhạc cổ truyền của vị đàn anh đã khiến cho tụi trẻ chúng tôi lúc đó đang rất thán phục nhạc cổ điển tây phương hoặc đang say mê các bài hát Âu Mỹ, phải suy nghĩ.

Và trong khi những người tiền phong như Nguyễn Văn Tuyên, hay các nhạc sĩ trẻ trong hai nhóm MYOSOTIS, TRICEA còn loay hoay với những bản nhạc pha trộn ngũ cung Việt với thất cung tây phương, nhất là đã lồng hẳn Tân Nhạc vào những hình thức nhạc Âu Mỹ như tango, valse, pasodoble v.v... thì Nguyễn Xuân Khoát đưa ra hai bài thơ phổ nhạc của Thế Lữ là Hồn XuânChờ Ðợi Bình Minh với một phong cách rất Việt Nam trong mọi lĩnh vực giai điệu, tiết điệu, cấu phong.

Nguyễn Xuân Khoát đã dùng ngũ cung thuần túy (Sol La Do Re Mi) để phổ bài thơ Hồn Xuân. Tiết điệu của bản nhạc là vận tiết (prosodie) của thơ. Nghe như một lối hát thơ mới mẻ, có tiến trình giai điệu rất đẹp, không phải cái lối ngâm thơ cổ điển, trói bài thơ trong một công thức bồng mạc hay sa mạc gì đó... Ca khúc có hai đoạn, đoạn nào cũng được kết thúc bằng một trong hai câu nhạc chủ đề :

Hồn Xuân

Hồn Xuân thắm chập chờn
Gió Xuân bay lượn cánh hồng nhẹ lan
Tà xiêm áo lướt theo chiều gió
Cánh hoa bay bướm say mộng vàng
Mùa Xuân tới với bao nhiêu niềm vui tươi mới
Kìa Nàng Xuân đang đứng chờ ai...
. . . . . . .
Lòng man mác nhịp nhàng
Với muôn ngàn khúc ca nhẹ nhàng
Hồn Xuân qua
Với muôn mầu khoe sắc thêm khơi động tình Xuân
Kìa Nàng Xuân đang đứng chờ ta...

Toàn bài toát ra một không khí mùa Xuân êm đẹp, với lòng người man mác trước cảnh xuân tình. Vẫn là một bài ca chan chứa tình cảm thiên nhiên mà tôi đã nói đến qua các ca khúc khác của những nhạc sĩ khác trong giai đoạn này. Tuy nhiên, trong nhạc tình của người anh Cả trong gia đình Tân Nhạc, dường như ông tránh không đả động tới các cô, tới đàn bà, con gái...

Bài Chờ Ðợi Bình Minh thì có giai điệu Do Ré Fa Sol La và tiết điệu của một hành khúc, nhưng không phải là thứ hành khúc lính tẩy như ta sẽ thấy trong giai đoạn sau của Tân Nhạc. Ðây là hành trình của một người Việt trẻ, trong buổi bình minh, đi trên quê hương gấm vóc của mình, mở lòng ra với thiên nhiên. Ðây là bản nhạc tình cảm, nhưng không phải là thứ tình cảm rên xiết. Nó không lãng mạn, nó rất trữ tình :

Chờ đợi bình minh

Hồn non nước đang âm thầm
Sống trong gió sương
Chờ đợi bình minh
Hồn hoa thắm đang êm đềm
Ðắm trong giấc hương
Ðàn chim mai xuyến xao trên cành
Vừng mây trông đón đưa tin lành
Khắp nơi mơ màng
Khắp nơi vui mừng chờ đợi ánh dương
Bao nguồn sống
Bao tưng bừng
Ðầy mây nước
Tiếng vang lừng
Nhường reo
Bướm đang bay say nắng trên hoa hoa đón làn gió
Cùng nhau múa theo
Khúc thanh âm bình minh tươi sáng tưới khắp non sông
Khắp non sông lan tiếng ca vui mừng reo ánh Ðông

Trong giai đoạn đầu của Tân Nhạc, Nguyễn Xuân Khoát chỉ làm công việc phổ thơ mà thôi, hoặc là thơ Thế Lữ, hoặc là thơ Ðoàn Phú Tứ với bài Mầu Thời Gian đăng trong XUÂN THU NHÃ TẬP vào năm 1942.

Nguyễn Xuân Khoát còn là người đóng góp vào nhạc sử một số bài hát theo xu hướng nhạc hài hước qua những bài Con Voi, Con Mèo Mà Trèo Cây Cau, Thằng Bờm... mà tôi sẽ được hân hạnh hầu chuyện các bạn về sau.


Hùng Lân

hunglan

Khi Tân Nhạc Việt Nam đang thành hình và phát triển, có một người hoạt động rất mạnh mẽ trong cả hai lĩnh vực nhạc đạo và nhạc đời, đó là Hùng Lân. Là người Công Giáo, xuất thân từ nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, ông là một trong những người tạo dựng nên Thánh Nhạc Việt Nam. Trước khi có Tân Nhạc, trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam, người ta đã chuyển ngữ những thánh ca tiếng La Tinh thành những thánh ca tiếng Việt. Rồi khi Tân Nhạc thành hình thì trong nhạc đoàn kể trên đã có những bài thánh ca Việt Nam được sáng tác và in ra trong những nhạc tập mang tên CUNG THÁNH. Hùng Lân là người đóng góp rất mạnh mẽ vào việc sáng tác và phổ biến thánh ca, từ CUNG THÁNH I (1944) cho tới CUNG THÁNH XI (1952)... Tôi sẽ có dịp nói tới Hùng Lân, người nhạc sĩ lớn trong loại nhạc tôn giáo này.

Trong lĩnh vực nhạc đời, Hùng Lân là người có công lớn trong việc tạo dựng một nền nhạc vui khoẻ. Nhạc vui tươi đã có người khởi đầu là Nguyễn Xuân Khoát, nay Hùng Lân là người tiếp tục, cùng với Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước v.v...

Nhạc phẩm của Hùng Lân có thể tạm chia ra ba loại :

* loại tình cảm cá nhân như Sầu Lữ Thứ, Hận Trương Chi... Bài thứ hai không đặc sắc lắm vì đáng lẽ phải tả tình (anh Trương Chi hay cô Mỵ Nương) thì Hùng Lân chỉ tả cảnh...

* loại tình cảm thiên nhiên như Vườn Xuân, Trăng Lên, Một Mùa Xuân Huyền Ảo... Tác giả là nhà mô phạm nên ca khúc không đủ lãng mạn tính của thời đại nên không quyến rũ người nghe...

* loại kêu gọi thanh niên như Rạng Ðông, Tiếng Gọi Lên Ðường, Hè Về, Khoẻ Vì Nước, Mùa Hợp Tấu, Việt Nam Minh Châu Trời Ðông... Về sau, những bài này được in ra trong hai nhạc tập mang tên ÐỜI TRAIHỌC SINH, dành riêng cho thanh, thiếu niên và nhi đồng, khi ông làm việc cho Trung Tâm Học Liệu của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Ðây là loại ca thành công nhất của Hùng Lân.

Kêu gọi thanh niên bằng tiếng kèn đồng là bài Rạng Ðông :

Anh nghe chăng cung kèn rạng đông
Ðang uy linh lừng vang trên không
Ðang thiết tha hùng hồn khơi chí gan Lạc Hồng
Cháy lên nhuộm bao ánh hồng...

Bài Tiếng Gọi Lên Ðường của ông chắc cũng giống như bài Rạng Ðông, kêu gọi thanh niên Việt Nam đi đi đi đi thôi, tiến cho đến nơi sáng ngời... Bài Mùa Hợp Tấu cũng gọi bạn đường ơi, nắng lên rồi, gieo sáng ngời, nhạc ngày xanh như chim lành tung đôi cánh... Một bài khác, rất nổi danh vì là theo đúng phong trào kêu gọi thanh niên Khoẻ Vì Nước :

Khoẻ vì nước kiến thiết quốc gia
Ðoàn thanh niên ta góp tài ba...
Nhưng bài Hè Về mới thật là vui, không một học sinh Việt Nam nào là không hát bài này :
Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm, gió ru êm
Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên
Ðàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hoà thơ đón hè sang
Hè về trong khóm trúc mềm đầu hè
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
Hè về gieo ánh tơ
Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng đàn chim cánh đo trời
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền ai biếng đưa
Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo giốc trên đồi
Thanh thanh hương sen nồng ướp gió mát khi chiều rơi...

(Tới đây Hùng Lân bắt chúng ta phải hát bè, khởi sự làm cho Tân Nhạc Việt Nam thêm phong phú) :

Hè về, hè về - Nắng tung nguồn sống khắp nơi
Hè về, hè về - Tiếng ca nhịp phách lên khơi
Ðầu gềnh suối mát - Reo vui giào giạt
Ngợp trời gió ngát - Ven mây phiêu dạt
Hồn say ý chơi vơi - Ngày xanh thắm nét cười
Lòng tha thiết yêu đời
Ðây suối trăng rừng thơ - Ðây gió nhung thuyền mơ
Ðây phím ngọc đường tơ - Ðây tứ nhạc ngàn xưa
Hè về non nước mến yêu
Hè về nắng thông reo...

Còn bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông của Hùng Lân, thì theo tôi, đó là một bài âu ca oai linh, nghiêm trang nhất... xứng đáng nhất để làm bài quốc ca như đã có lần được đề xướng :

Việt Nam minh châu trời Ðông
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng...

Vào lúc khởi đầu của Tân Nhạc, Hùng Lân cũng như các bạn đồng lứa tuổi, chưa tìm ra một nhạc ngữ mới cho dân tộc, bài bản ông soạn ra trong giai đoạn này như số bài kể trên còn bị ảnh hưởng nhạc Âu Tây dù là nhạc đạo hay nhạc đời. Về sau, ông sẽ có dịp học thêm về nhạc Việt rồi tới dạy nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và đào tạo ra các môn sinh trong đó có những người thiên về nhạc dân ca như Viết Chung chẳng hạn...


Phạm Duy