Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhạc Sĩ Ðộc Lập [3]
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 2824
Phan Huỳnh Ðiểu
Vào thuở đầu đời của Tân Nhạc, Tourane (Ðà Nẵng) và Faifoo (Hội An) là hai nơi có khá nhiều tài năng âm nhạc như Phan Huỳnh Ðiểu, Dương Minh Ninh, Phan Quang Ðịnh, Vương Quang, Vương Quốc Mỹ, La Hối chẳng hạn... Nếu trong phạm vi nhạc tình mà chúng ta đang nói tới, các nhạc sĩ miền ngoài thường chỉ đưa ra những ca khúc ngắn (đoản khúc) thì hai ông họ Phan ở miền Trung này soạn ra những bài hát dài (trường khúc) có tính chất truyện ca. Phan Quang Ðịnh soạn Sơn Tinh Thủy Tinh còn Phan Huỳnh Ðiểu thì soạn Trầu Cau. Họ là hội viên của Hội Ái Nhạc (Société Philharmonique) ở địa phương, hằng tuần sinh hoạt âm nhạc với các hội viên bạn - vốn là công chức người Pháp - do đó họ có thể có vốn liếng nhạc học nhiều hơn các nghệ sĩ tài tử trẻ trung khác.
Bài Trầu Cau có vẻ được phổ biến nhiều hơn bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Phan Huỳnh Ðiểu gọi nó là tiểu nhạc kịch. Với một nhạc bản viết theo giọng Ré mineure rất quen thuộc, ông soạn cho trường khúc này ba đoạn lời ca. Ðoạn một là Tiếng Vang mở đầu, kể chuyện hai anh em nhà kia, yêu một cô gái làng bên...
Tiếng Vang
Ngày xưa có hai anh em nhà kia
Cùng yêu thương, ở cùng nhau, bỗng đâu chia lià
Vì hai người cùng yêu mến một cô gái làng bên
Nhưng người anh được kết duyên cùng nàng
Vì như thế nên người em, lòng buồn rầu bỏ đi khỏi làng...
Rồi tới tâm sự của người em, Lang Sinh, và sự quyên sinh của anh ta :
Lang Sinh
Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu
Kìa sông sâu, giòng sông réo như gợi mối sầu
Nhìn nước cuốn, lệ tuôn rơi, biết sao vơi niềm thương
Kìa mây sầu giăng chơi vơi, làm sao dừng cho nhắn đôi lời
Giòng nước lờ trôi, mây trắng cùng trôi qua chốn nào nơi xa xôi
Anh say sưa cùng ai đang se mối tình duyên
Thôi hết rồi giấc mơ huyền
Qua bao nhiêu ngày ta đi lang thang bởi vì đâu
Ôi ta buồn ta đi quyên sinh cũng vì ai...
Tiếng Vang sẽ cho ta biết rằng người em chết đi thì biến thành phiến đá... Và người anh, Tân Sinh, đi tìm em :
Tiếng Vang
Tang tính tình, tính tang tính tình
Tính tang tính tình, bên sông sâu
Tình Lang Sinh thành viên đá sầu thương theo ngày qua
Trông ngóng chờ tin, không biết vì sao, nên Tân Sinh
Ra đi, mong tìm em thương yêu, nỗi niềm nhung nhớ...
Qua đoạn hai, cũng với nhạc điệu của đoạn một, tác giả cho ta thấy Tân Sinh đi tìm Lang Sinh... Rồi khi người anh đi tìm hoài mà không thấy em thì... người anh cũng quyên sinh như em :
Tân Sinh
Qua bao ngày ta đi lang thang cố tìm em
Gìòng sông êm đềm trôi cuốn, như vương tiếng buồn
Nhìn nước cuốn, lệ rơi tuôn, biết sao ngăn niềm thương
Trời xanh cùng mây bay cao, rừng sâu tìm em phương nào
Nhìn chốn rừng hoang, nghe tiếng rừng vang trong gió gào
Như than van, bao nhiêu đau lòng, sao ta đâu thấy hình em
Thôi, hết rồi phút êm đềm
Qua bao ngày ta đi lang thang cố tìm em
Ôi ta buồn ta đi quyên sinh cũng vì em...
Tiếng Vang cho ta biết xác người anh biến thành cây cau... Ta còn biết thêm rằng người vợ ở nhà cũng đang bâng khuâng thương nhớ người chồng yêu mến :
Tiếng Vang
Tang tính tình, tính tang tính tình
Tính tang tính tình, bên sông sâu
Người Tân Sinh gần phiến đá, thành cây cau trồi lên
Trông ngóng chờ tin không biết chồng sao nên bâng khuâng
Trong yêu đương nàng ra đi mong kiếm chồng yêu mến...
Tiếp theo là đoạn ba, đoạn người vợ đi tìm chồng là Tân Sinh. Nàng tìm không thấy chồng thì nàng cũng quyên sinh, biến thành dây trầu xanh, leo trên thân cây cau :
Vợ Tân Sinh
Ðây cây rừng, thông reo vi vu, bóng chồng đâu
Giòng sông ơi, nào ai sớt cho vơi mối sầu
Nhìn nước cuốn lệ rơi tuôn, biết sao vơi niềm thương
Nhìn mây lòng man mác trông chờ
Kìa gió rừng lên xao xuyến, lòng em thương nhớ chàng
Ôi sao quên, mây ơi xin đừng bay cho ta nhắn vài câu
Cho thấy chồng, bớt nguôi sầu
Ôi đây cây rừng, thông reo vi vu, biết làm sao
Ðây hương hồn em xin theo anh đến trời cao...
Rồi Tiếng Vang kết thúc câu chuyện cổ tích buồn này, với câu kết luận : Miếng trầu Việt Nam là sự kết hợp của lá trầu, miếng cau và miếng vôi.
Tiếng Vang
Tang tính tình, tính tang tính tình
Tính tang tính tình, bên sông sâu
Niềm tương tư nàng chốc biến thành ra dây trầu xanh
Lưu luyến tình xưa, âu yếm trầu leo quanh thân cau
Qua bao năm tình thiêng liêng kia thắm cùng mây nắng...
Dù chưa phải là một tác phẩm đạt tới hàng siêu phẩm (như Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao hay Hòn Vọng Phu của Lê Thương) bài Trầu Cau cũng đã được dân chúng đón nhận từ lúc nó ra đời cho tới nhiều năm về sau như một trong những bài trường ca đầu tiên của Tân Nhạc vậy.
Ngoài bản nhạc tình có tính cách truyện ca (hay tiểu nhạc kịch như tác giả muốn) của thời thành lập Tân Nhạc này, Phan Huỳnh Ðiểu còn viết những bản nhạc hùng như Giải Phóng Quân, Tuyên Truyền Xung Phong... mà tôi sẽ nói tới trong phần sau.
La Hối
Tôi đã có lần nhận định rằng thanh niên ở Faifoo yêu âm nhạc hơn tất cả các thanh niên ở những nơi tôi đã đi qua vào lúc Tân Nhạc mới ra đời. Nhạc sĩ ở thành phố này khá đông và phần nhiều là người Minh Hương như Dương Minh Ninh, Vương Quang, Vương Quốc Mỹ... Trong số các nhạc sĩ trẻ tuổi này có La Hối, tốt nghiệp nhạc viện Thượng Hải và là người thành công nhất khi đưa ra một tác phẩm nhan đề Xuân Và Tuổi Trẻ :
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn luôn luôn cười cùng hoa
Xuân thắm tươi én tung bay cao tít trời
Vui xướng đi cao tiếng ca mừng (y) reo
Ðừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui dời xuân thắm... tươi
Xuân thắm tươi én tung bay cao tít trời
Vui xướng đi cao tiếng ca mừng (y) reo
Ðừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui dời xuân thắm... tươi
. . . . . .
Vui xướng đi cho đời tươi sáng
Vui xướng đi cho lòng thêm tươi
Ta hát ca đón mừng xuân mới
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái
Hát.... Hát vang lên đời ta thắm tươi
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hoà lòng thêm hăng hái...
v.v...
Ca khúc này có cả lời ca bằng chữ Hán (do Diệp Truyền Hoa soạn) hẳn phải mang âm hưởng nhạc Trung Hoa, nhưng không hề gì đối tuổi trẻ Việt Nam vào lúc đó (và về sau này) sẵn sàng đón nhận những bài hát xưng tụng tình yêu, thiên nhiên và hạnh phúc.
Vì hoạt động cho Quốc Dân Ðảng Trung Hoa cho nên khi Nhật tới Ðông Dương, La Hối bị bắt và bị thủ tiêu.
Nguyễn Mỹ Ca
Tiến sâu vào phía Nam, vượt qua Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Thiết để tới Saigon thì thấy trong phạm vi nhạc tình, ngoài Nguyễn Văn Tuyên ra, có thêm Phạm Công Nhiều với bản Tình Hận rất phổ thông trong các vũ trường... Và có Nguyễn Mỹ Ca là người thuộc nhóm sinh viên hoạt động cho âm nhạc như Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ v.v.. và là người có một nhạc phẩm được giới yêu nhạc ở Hà Nội rất yêu thích. Ðó là một bài hát soạn theo lối Tây Phương nhan đề Dạ Khúc :
Gió gây hương nhớ
Nâng tiếng đàn xa đưa
Sầu vương vấn
Gây mơ khóc trên dây tơ
Trong sầu nhớ
Bóng ai thoáng về cô phòng
Nào đâu thấy tình xưa mơ mòng
Ðàn ai lên cung oán tang tình gieo hờn
Ðàn ai ngân theo gió xế xang gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chơn theo lối mấp mô
Ôi cung đàn réo vang đêm trường
Dây tơ gào gió đê mê lòng
Lệ tràn về đâu, bao tình tê tái
Nương đàn gió, bay tìm ánh trăng sao
Ðàn ai lên cung oán tang tình gieo hờn
Ðàn ai ngân theo gió xế xang gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chơn theo lối mấp mô...
Cũng như các nhà viết "nhạc tình" trẻ ở miền ngoài, Nguyễn Mỹ Ca là nhạc sĩ của thiên nhiên, lãng mạn và cũng bị ám ảnh bởi cây đàn, với "cung oán tang tình" hay "xế xang"... Và buồn thay, cũng như Ðặng Thế Phong, Hoàng Quý, chàng nghệ sĩ trẻ tuổi Nguyễn Mỹ Ca sớm vĩnh biệt cuộc đời, để lại cho chúng ta một tiếng đàn "réo trong đêm trường"... của một dạ khúc "bồn chồn trong đêm tối"...
Phạm Duy