Chương 23
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4977
Người đi đi không thôi
Ngày thế giới lên nguồn vui...
LỮ HÀNH
Là người được hân hạnh cùng bạn đồng lứa tuổi khởi xướng và phát huy Tân Nhạc bằng nhạc đơn điệu, sau gần 50 năm phát triển đến tận cùng giai điệu Việt Nam với những dân ca, trường ca, tình khúc, tâm ca, hoan ca v.v..., bắt đầu từ 1988 trở đi, nhờ sự trợ lực của người con thứ Duy Cường, tôi đã bước qua một giai đoạn mới : giai đoạn nhạc đa điệu (polyphonique).
Khi rời Thanh Hóa vào Hà Nội (1950) rồi đem cả gia đình vào Saigon, tôi có một đời sống tương đối khá đầy đủ để có thể xa nhà đi du học, vì thấy rằng sau 10 năm sống bằng nghề nhạc, tất cả vốn liếng âm thanh của mình chẳng qua chỉ là kết quả của sự học mót, học lỏm mà thôi. Tất cả những gì mình làm ra mới chỉ là những ca khúc ngắn ngủi, chỉ là những thử thách, chưa có thể cho rằng đó là cái đích nghệ thuật của mình. Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, ai cũng cho rằng phải tiến lên cái đích là nhạc hoà tấu, nhạc giao hưởng. Hình thức concerto, symphonie, opera trong nhạc classique... là mẫu mực.
Nhưng sau hai năm1954-55 học nhạc ở Paris, tôi thấy rằng loại nhạc soạn theo đường lối nhạc cổ điển Tây Phương không phù hợp với xã hội và con người Việt Nam. Những hình thức đại nhạc như concerto, symphonie, opera v.v... vốn là sản phẩm tinh thần rất lâu đời của giống da trắng ''tư lạp phu'' (slave), không dễ dàng mau chóng đi vào lòng người dân da vàng tiểu nhược quốc trong thời loạn. Muốn đi vào con đường âm nhạc giống như của Mozart, Chopin, Beethoven... nước Việt Nam phải có vài chục trường nhạc thành lập theo kiểu conservatoire de musique của Tây Phương để đào tạo vài ba thế hệ nhạc trưởng, nhạc công, rồi có ngân sách quốc gia khá lớn để tổ chức nhiều ban nhạc giao hưởng, luôn luôn trình diễn cho dân chúng quen dần với những hình thức hoà tấu khúc, đại nhạc kịch.
Nhìn vào thực tế, tôi thấy nước Việt Nam đang trong thời loạn, một chút yên ổn trong cuộc sống hằng ngày còn không có, nói chi tới hoà bình thịnh vượng để phát triển văn hoá, văn nghệ ? Một nước nông nghiệp nghèo, bị chiến tranh đe doạ, dựa vào viện trợ để sống, mà đua đòi giống thiên hạ à ? Dưới thời ông Ngô Đình Diệm, dù trong nước có ba trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Saigon, Huế và Dalat nhưng việc đào tạo nhân tài xem ra thật là nhũn nhặn.
Là một nhạc sĩ không theo trường phái nào cả, tôi đã chủ trương phải đi từ dân ca, tức là nhạc đơn điệu đi lên. Đợi thế hệ sau rồi mới tính tới chuyện nhạc đa điệu. Việc du học chỉ giúp tôi hiểu biết kỹ càng về sự thành hình và biến hình của nhạc ngũ cung để tôi phát triển đến tột độ những giai điệu trong vài trăm tác phẩm ngắn hoặc dài. Và hiểu biết rõ ràng về lịch sử âm nhạc thế giới để mình sẽ tìm ra con đường nghệ thuật của mình.
Thế rồi hoàn cảnh lịch sử đã khiến tôi phải bỏ nước ra đi và sau 15 năm sống ở Mỹ, tôi nghĩ rằng tôi đã có thể từ từ tiến lên giai đoạn nhạc đa điệu. Trước hết, tôi khuyến khích con tôi học về hoà âm phối khí từ khi Duy Cường vừa mới qua Mỹ, rồi bắt đầu từ năm 1988 trở đi, hai bố con tôi thử nghiệm tìm ra một đường lối hoà âm cho nhạc đơn điệu, thuận với lỗ tai Việt Nam. Chúng tôi thử đi vào thể đại nhạc (grande musique) mà không nhất định phải hoàn toàn theo trường phái nhạc classique hay neo-classique Tây Phương.
Năm 1988 lại đúng vào thời kỳ mà ở trên thế giới, trong phạm vi thu thanh, hình thức compact disc (gọi tắt là CD) đã ra đời để thay thế cho băng tape, băng cassette, đĩa hát long player 45 tours hay 33 tours... Còn loại đĩa hát cổ lỗ sĩ chạy với tốc độ 75 tours một phút thì đã được mọi người cho vào nằm trong bảo tàng viện từ lâu rồi.
Khi chúng tôi cho phát hành một chương trình nhạc đa điệu vào compact disc thì đây là một thử thách đầu tiên về cả hai phương diện nội dung và hình thức. Đúng ra, đây là một sự liều lĩnh vì vào lúc đó, người Việt Nam --dù đang ở Mỹ -- chưa chịu bỏ tiền ra để mua máy chạy CD. Điều này cũng rất dễ hiểu : chưa có đĩa CD nhạc Việt thì mua máy chạy CD làm gì ?
Lúc đó, phí tổn để làm dĩa CD hãy còn rất đắt, tôi còn nhớ giá thành của một đĩa là khoảng 3 dollars (so với bây giờ là 77 cents). Chỉ sau khi đĩa CD đầu tiên của chúng tôi -- nhan đề Nhạc Tình -- ra đời, băng cassette từ từ xuống dốc, các nhà sản xuất mới ùn ùn cho phát hành đĩa CD...
Nhưng chương trình âm nhạc đa điệu này chưa có thể là một cái gì hoàn toàn mới, nó phải là một số điệu ca mà người nghe đã quen thuộc nhưng chưa hề có một hoà âm, phối khí nào đúng nghĩa là phối âm cả.
Chúng tôi bèn dùng 10 bài hát rất quen và sắp xếp vào một chủ đề. Đó là chủ đề ra sông ra biển. CD này mang tính chất nhạc thính phòng, mở đầu bằng bài Chiều Về Trên Sông. Sau khi cho nghe đoạn ''nhạc sông'' mô tả cảnh một người ngồi mơ màng bên dòng Cửu Long Giang, nhạc chuyển qua ''nhạc biển'' đưa người nghe vào cuộc ra đi (exodus) lớn nhất của người Việt trong thế kỷ. Ra tới thế giới mịt mùng rồi là một sự hoài xứ (nostagia) mông lung, nhạc gợi lại dĩ vãng với cảnh chiến tranh/hoà bình, tình yêu/thù hận, náo nhiệt/cô đơn, hi vọng/thất vọng v.v... qua những bài như Tình Khúc Chiến Trường, Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi, Đừng Xa Nhau, Mộ Khúc v.v... trong bất cứ bài nào cũng đều có sự tái tạo.Với đĩa CD đầu tiên này, chúng tôi thử thách soạn nhạc đa điệu và không lời theo trường phái ấn tượng (impressionist).
Qua năm 1991, Con Đường Cái Quan, Nhạc Hoà Tấu nghĩa là nhạc đa điệu và không lời, được phát hành. Ai cũng đã biết rằng vào năm 1954, Hoà Hội Genève phân đôi nước Việt khiến tôi soạn trường ca Con Đường Cái Quan để phản đối sự chia cắt đó. Được thu thanh vào năm 1960 bởi những giọng ca hay nhất của Saigon, trường ca được phổ biến trên các Đài Phát Thanh trong suốt những năm phân chia của Việt Nam. Rồi vì sự éo le của lịch sử, Việt Nam được thống nhất vào năm 1975, nhưng không thống nhất bằng hoà hợp hoà giải, khiến cho tới bây giờ (1994) lòng người ở trong và ngoài nước còn cực kỳ chia rẽ.
Để kêu gọi sự thống nhất lòng người, tôi mời mọi người nghe lại bản Con Đường Cái Quan. Lần này, nhạc phẩm được trình bầy theo lối nhạc không lời, dưới hình thức giao hưởng (symphonie), hoà tấu (concert). Về nghệ thuật, khi soạn trường ca trước đây, tôi bị hạn chế bởi lời, không diễn tả được sự hối hả hay cô đơn của người lữ khách trong cuộc trường chinh, không nói lên được những hiểm nguy mà lữ khách gặp phải khi trèo đèo, lội suối, không phô bầy được cảnh đập lúa giã gạo của người dân ở hai bên con đường xuyên Việt v.v...
Bây giờ là lúc chúng tôi dùng nhạc thuần túy để diễn tả, gợi cảm và gây ấn tượng cho người nghe về âm sắc, mầu sắc, nhan sắc và tâm sắc của một Việt Nam trong một thời gian và không gian (dans l'espace et dans le temps) nhất định.
Về không gian, tuy chỉ là một nước Việt nhưng vì có ba phần đất khác nhau nên mỗi phần đều có nhạc tính riêng : nhạc miền Bắc là nhạc núi rừng hiểm trở; nhạc miền Trung là nhạc miếu đền cung điện; nhạc miền Nam là nhạc gió mưa sông nước.
Về thời gian, lữ khách chỉ có ba ngày ba đêm để hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước lòng người.
Về động tác, tuy chỉ là những bước đi nhưng nhịp đi lúc nào cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh và phong cảnh. Bản nhạc này đưa nhạc Việt lên một địa vị cao.
Sau khi nghe Con Đường Cái Quan -- Nhạc Hoà Tấu, có nhà phê bình ở Hoa Kỳ gọi tôi là Schubert của Á Đông. Ban hợp xướng NGÀN KHƠI và ban nhạc hoà tấu ở Little Saigon đã trình bày bản Con Đường Cái Quan trước công chúng Việt-Mỹ ở Nam-California. Người Việt ở Úc Châu, sinh viên Đại học Berkeley... muốn có phần nhạc bản để cho giàn nhạc giao hưởng ở Sydney, ở Bắc Calị.. có thể trình diễn trước công chúng.
Rồi tới mùa Thu 1994. chúng tôi phát hành Mẹ Việt Nam, Nhạc Hoà Tấu. Bài này hợp lỗ tai người Việt Nam hơn người ngoại quốc vì nó mang quá nhiều tính chất tượng trưng (symbolique). Phải hiểu nó qua lời ca rồi mới nên thưởng thức nó qua nhạc không lời. Nó không hoành tráng như Con Đường Cái Quan, Nhạc Hoà Tấu, nó là một pho tượng, tượng Mẹ Việt Nam của chúng ta, phần một là tươi tắn, xinh đẹp, phần hai là ưu tư, lo lắng, phần ba là chua sót, đau khổ, phần bốn là tha thứ, siêu thoát...
Tôi muốn đưa ra một tác phẩm rất giản dị, rất đạm bạc (sobre), không diêm dúa, không xa hoa lộng lẫy : Mẹ Việt Nam không son không phấn, mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng mà ! Người nghe toàn bộ tác phẩm mà thấy cảm động thì tác phẩm được coi như đã thành công. Mẹ Việt Nam, Nhạc hoà tấu, một lần nữa kêu gọi các con trở về với mẹ tổ quốc. Lời kêu gọi, vì quá quen thuộc nên đã trở thành vô ngôn.
Cũng trong chủ trương đi vào cõi nhạc không lời, con trai tôi là Duy Cường chọn một số lớn ca khúc quen thuộc, bỏ phần lời ca mà chỉ dùng nhạc điệu với hoà âm, phối khí mới để soạn thành những chương trình nhạc nhẹ (easy listening) như Đêm Nguyệt Cầm, Phù Du, Mộ Khúc... Những casettes hay CDs này bán rất chạy.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói qua về nhạc hoà tấu của các nhạc sĩ khác. Trước hết là những người soạn nhạc theo trường phái cổ điển Tây Phương, có pha trộn ít nhiều nhạc cụ dân tộc.
Ở trong nước, nhạc hoà tấu theo truyền thống này đã có từ lâu và sau 1975 thì có thêm những nhạc phẩm ca tụng một nước Việt Nam đã được thống nhất như Hoà Tấu Khúc Ba Chương nhan đề Đất Nước Thống Nhất của Nguyễn Vinh, concerto cho đàn tranh và giàn nhạc giao hưởng nhan đề Quê Tôi Giải Phóng của Quang Hải, Quê Mẹ với các khúc : giáo đầu, nhạc đề, biến tấu cho piano, cho piano và violon...
Ở ngoài nước, trong nhiều năm ngưòi ta chỉ biết Cung Tiến có một nhạc phẩm lớn như bản hợp tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, gồm 1 giáo đầu, 3 chuyển động là Nước Thanh Bình, Cơn Gió Bụi, Nhớ Nhung Cơn Mộng Dữ và Mộng Khải Hoàn, được ra mắt mọi người nhờ một khoản tiền viện trợ của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Và hai bài khác là thơ Thanh Tâm Tuyền được Cung Tiến phổ nhạc, những bài này chưa hề được in ra, hát lên hay thu thanh.
Lê Văn Khoa có nhiều sáng tác hơn và vì có sự cộng tác với một ban hợp ca lớn mang tên NGÀN KHƠI ở Nam Cali mà mỗi năm tổ chức được hai hay ba buổi nhạc hoà tấu, nhạc giao hưởng dù đa số cũng chỉ là những buổi nhạc có lời nay được trình diễn với ca sĩ hạng nhất và với nhạc trưởng mặc áo đuôi tôm điều khiển trên dưới 100 ca viên nam nữ giỏi ca, nhạc công Mỹ, Việt giỏi nhạc.
Về nhạc trưởng thì trước đây có thêm Trần Chúc, hoạt động rất hăng say với ban NGÀN KHƠI, và trong những năm gần đây thì thấy có Thomas Ngô xuất hiện để điều khiển vài ban nhạc thính phòng. Về nội dung trình diễn thì loại nhạc không lời mà các vị này cho biểu diễn thì khá vắng bóng, đa số chỉ là chương trình ca nhạc gồm những ca khúc xưa hay ca khúc bây giờ có thêm phần hoà âm, phối khí theo trường phái neo-classique.
Phạm Duy