Chương 17
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3312
Cuốc kêu khắc khoải trên ngàn
Chim quyên thảm thiết gọi đàn chim đi...
BẦY CHIM BỎ XỨ
Thế rồi người Việt gọi là hải ngoại như chúng tôi bước vào năm 1985, nghĩa là năm thứ 10 của đời sống tị nạn... lưu vong... hay di dân... gì đó. Sự chấn động trong tâm hồn, sự hoang mang trước cuộc đời mới, sự nhớ nhung đất tổ quê cha của chúng ta đã dần dần được cuộc sống xô bồ Hoa Kỳ chen vào, xô đi, đẩy xa, lấn át...
Nếu không phải là của tất cả mọi người thì cũng là của đa số những người đang hay đã trở thành công dân Mỹ... ưu tư hàng ngày bây giờ là : công ăn việc làm.
Riêng gia đình chúng tôi đã trở thành công dân Hoa Kỳ từ cuối năm 1984. Ngày chúng tôi làm lễ tuyên thệ tại Los Angeles phải được coi như ngày chính thức mở ra một đoạn đời mới. Tối thiểu cũng phải là một mốc thời gian rất quan trọng. Cũng như chúng tôi, vào lúc này, tuy vẫn được gọi là tị nạn... ít người Việt Nam ở Hoa Kỳ còn thấy nhức nhối trong tim hay rối rắm trong óc như trước nữa. "Tị nạn" gì nữa khi đã trở thành công dân một nước giầu mạnh, tự do, dân chủ như nước Mỹ, được hưởng đầy đủ mọi thứ quyền lợi như người da trắng, da đen, da đỏ !
Nhưng khi một thời điểm 10 năm tới trong một đời thì ai cũng muốn làm công việc kỷ niệm một chặng đời, nhất là những người trong giới làm văn học nghệ thuật.
Tôi có may mắn được ba tổ chức văn nghệ tại Washington D.C là Hội Văn Hoá Việt Nam Tại Bắc Mỹ, Tủ Sách Cành Nam và Tạp Chí Xác Định giúp tôi ấn hành một nhạc tập nhan đề Thấm Thoát Mười Năm.
Tôi tập trung những ca khúc mà tôi đã soạn ra trong 10 năm qua để in thành một công trình ngắn hạn, gồm 44 ca khúc trong đó người viết bài giới thiệu là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã nhấn mạnh đến chủ đề Phụ Nữ và Quê Hương nổi bật lên ở trong cuốn sách nhạc này. Ngoài ra, có thể vì tôi đã rời khỏi một nước nhỏ hẹp để ra được thế giới rộng lớn rồi cho nên đa số ca khúc trong nhạc tập đều mang hình ảnh trời cao, biển rộng, sông dài hơn là bụi tre, con đê, dòng suối...
Thế rồi, tôi lợi dụng cơ hội ghi lại công trình trong 10 năm xa xứ này để làm một cuộc thanh toán dĩ vãng, nghĩa muốn cống hiến cho những người yêu nhạc một tuyển tập có tính chất dài hạn hơn. Tôi bỏ ra một thời gian ba, bốn tháng để ngồi nhớ lại tất cả những bài hát mà mình đã soạn ra trong 50 năm đi hát rong, rồi ghi lại những lời mà mình còn nhớ được để in thành một tập sách định lấy tên là tập NGÀN BÀI CA. Tôi bắt chước thi sĩ nước Pháp Jacques Prévert với tập PAROLES chăng ? Vợ tôi, Thái Thanh và dăm bẩy người bạn đồng điệu đã vui lòng ngồi moi trí nhớ để giúp tôi hoàn thành cuốn sách toàn thể lời ca này.
Tôi cũng không thấy cần phải in luôn cả nốt nhạc của từng bài hát dù vào lúc này tôi đã bước vào địa hạt computer cùng với người con thứ Duy Cường rồi và có thể dễ dàng nhờ máy vi tính kẻ những nốt nhạc hộ mình. Nhưng trong thực tế, nếu in cả nhạc lẫn lời của hàng trăm bài hát thì tiền in sẽ rất tốn kém, giá bán sách sẽ phải khá cao, khó có nhiều người mua.
Vì không có nốt nhạc, tôi không gọi tên sách là nhạc tập mà đặt tên cho cuốn ca khúc này là Ngàn Lời Ca (bởi vì thực sự cũng khó mà đếm ra tổng số ca khúc, khi trong một trường ca có tới 21 ca khúc thì đếm thành một bài hay 21 bài ?). Và tôi để dành cái tên Ngàn Cánh Nhạc cho những album nhạc sau này.
Ngàn Lời Ca là một cuốn sách khổ lớn, dày 400 trang, khởi sự từ sáng tác đầu tay của tôi là bài Cô Hái Mơ, qua hàng chục giai đoạn, hàng trăm ca khúc đủ loại :
* Từ những anh hùng ca, quân ca, thanh niên ca qua dân ca kháng chiến, dân ca phục hồi hay dân ca phát triển...
* Rồi tới tình ca đôi lứa, tình ca quê hương, tình tự dân tộc...
* Tới trường ca, tâm ca, tâm phẫn ca để tới hoan ca gồm bình ca, nữ ca, bé ca...
* Đó là chưa kể đạo ca, vỉa hè ca, tục ca...
* Tiếp tục với những tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca...
Tính tham lam cố hữu đã khiến tôi muốn cho vào cuốn sách này một tác phẩm cưng nhất của tôi vào lúc bấy giờ, dù nó còn trong tình trạng dang dở, dở dang. Đó là tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ.
Tôi đã có dịp nói về sự bế tắc của tôi trong việc sáng tác tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Được thai nghén từ 1975, phần đầu của tổ khúc nói lên được lý do vì sao có sự bỏ xứ bay đi của bầy chim. Nhưng sau 10 năm thai nghén, tôi vẫn chưa nhìn thấy cơ hội nào để cho bầy chim có thể tung cánh hồi xứ được. Trong khi suốt một đời làm người nghệ sĩ, tôi luôn luôn ôm ấp một định đề : Không có ra đi nào mà không có trở về ! Nói một cách khác : Không có chia ly nào mà không có đoàn tụ. Nếu tôi muốn tổ khúc này được in ra trong tập Ngàn Lời Ca thì tôi phải hoàn tất nó ngay. Chưa tìm ra lối thoát, bởi vì ở trên thế giới, chiến tranh lạnh chưa tàn, tường Berlin chưa đổ, thế sử chưa sang trang... tôi đành phải lấy sự linh thiêng để giải quyết việc trần, nghĩa là dùng chim huyền sử, chim Hồng, chim Lạc để kêu gọi bầy chim Việt Nam kết đoàn bên nhau. Và dù đã được in ra trong Ngàn Lời Ca, tôi vẫn chưa muốn thu thanh vào băng cassette vì trong thâm tâm tôi thấy kết cấu của nó vẫn chưa ổn tí nào.
Phải đợi đến năm 1990, nghĩa là 15 năm sau khi thai nghén, tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ mới được tu chỉnh lại và phát hành mạnh mẽ qua hình thức nhạc tập và compact disc.
Phạm Duy