Chương 14
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4607
Đứa nào tìm thấy lá diêu bông
Tữ nay tao sẽ nhận làm chồng...
Hoàng Cầm
Ngày xửa ngày xưa...
Trong hai năm trời, 1980-1982, tôi đi khắp nơi trên thế giới với những bài hát gọi là tị nạn ca, ngục ca...
Nhưng tôi đã có phần mỏi mệt, không phải vì con đường dài rộng của thế giới tự do này đầy chông gai hay dãi dầu mưa nắng mà chính vì trong bẩy, tám năm qua, tôi đã phải gân cổ lên hát những bài ca quê hương rất là mê sảng, những bài tị nạn ca đầy tủi nhục, những ngục ca chan chứa hận thù... Và tôi đã nhận lờ mờ ra rằng những người nghe tôi hát cũng mê sảng như tôi.
Phúc đức thay, vào đầu thập niên 80 này đã có một sự kiện làm cho tâm hồn tôi lắng xuống. Sau khi thấy "dường như" đã mất quê hương, tôi bỗng nhiên gặp lại quê hương qua những bài thơ của một người bạn cũ. Thơ truyền khẩu thôi, chưa hề là thơ được in ra, ngâm lên...
Đó là những bài thơ đem lại cho tôi những chuyện tình lá diêu bông, chuyện leo vườn ổi và đánh bài tam cúc, chuyện thân thương của những con bê vàng đi tìm mẹ, những con chim cu ngồi gù trên rặng cây, chuyện con chào mào đón gió chờ trăng, chuyện con phù du lận đận, con chim vành khuyên nhớ nhà nhớ tổ... Chao ôi là QUÊ HƯƠNG (viết hoa) của tôi !
Nhờ những bài thơ này mà tôi thấy quê hương của tôi còn quá nhiều cái đẹp chứ không phải chỉ có ác mộng, tù đầy, uất hận và tuyệt vọng.
Lúc đó là ngày mùng 1 tháng giêng năm 1982. Trong một buổi sáng lái xe đi chơi Los Angeles, bước vào một tiệm phở ở Khu Chinatown, tôi bỗng gặp triết gia Phạm Công Thiện đang ngồi ăn với một người bạn, giáo sư dạy Anh Văn. Trong bữa ăn ngồi riêng bàn, chúng tôi nói vài ba câu chuyện xã giao.
Mới đây, Phạm Công Thiện tới nghe tôi ngâm thơ Hoàng Cầm trong một đêm sinh hoạt tại thính phòng ART STUDIO của ký giả Nguyễn Tú A ở thành phố Westminster trong khu Bolsa. Anh cất tiếng hỏi :
-- Phạm Duy có biết con gái Hoàng Cầm là Kiều Loan đang ở đây không ?
Tôi giật mình vì cái tin quá bất ngờ này ! Đã biết thoang thoáng vợ cũ của Hoàng Cầm là Kiều Loan Mẹ đang ở miền Washington DC, rồi biết thêm Kiều Loan Con cũng đã vượt biên, nhưng tôi không thể nào ngờ rằng vợ con của một người bạn rất xa tôi lại đang ở một nơi rất gần tôi, trong khi tôi vừa phổ nhạc những bài thơ của người bạn đó ! Thế là tôi nằng nặc đòi được dẫn ngay tới thăm vợ con Hoàng Cầm...
Ngày gặp mẹ con Kiều Loan tại Los Angeles, 1-1-1982
... Trong buổi chiều đầu năm dương lịch này, trên căn gác nhỏ của một chung cư nghèo ở giữa thành phố Los Angeles, hai mẹ con Kiều Loan, Phạm Công Thiện và người bạn giáo sư Anh Văn cùng tôi quây quần quanh cái bàn nhỏ, có nắng Cali lọt qua cửa sổ, rọi xuống khay trà và đĩa bánh ngọt làm tôi nhớ tới vạt nắng hanh vàng ở vùng đất Bắc Giang ngày nào. Căn phòng bỗng dưng có chút gió lạnh mùa Thu Bắc Việt thoảng về. Tôi chợt thấy trong tôi trườn lên một nỗi buồn rất là mênh mang. Người đàn bà không tuổi kia là Tuyết Khanh đấy à ? Một câu thơ cũ của một người tình xưa vang trong đầu tôi : Người yêu ơi, sợ quá thời gian...
Chợt nghe người vợ cũ của Hoàng Cầm hỏi :
-- Anh Phạm Duy còn nhớ ngày ở Phố Nỉ không ? Đây là con gái Hoàng Cầm đó ! Anh có thấy cháu giống bố không?
-- Nhớ chứ ! Làm sao tôi quên được cảnh Hoàng Cầm rung đùi ngâm thơ trong bữa cơm chia tay với chị ở BắcGiang ? Chị ơi, thấm thoát đã gần 40 năm rồi ! Còn Kiều Loan thì giống bố quá nhỉ ! Cháu kể chuyện cho bác nghe ngày cháu gặp bố lần đầu tiên ở Saigon đi...
Tôi được nghe Kiều Loan rối rít nói về việc gặp Hoàng Cầm như gặp một nhà thơ gần gũi hơn là gặp một người cha rất xa lạ, khi thi sĩ từ Hà Nội vào Saigon để gặp con sau ngày 30 tháng Tư 1975...
Hôm nay, trong cuộc tiếp xúc với gia đình Hoàng Cầm sau 37 năm không gặp, tôi tránh không hỏi tới đời tư của hai mẹ con trong hoàn cảnh vì thời cuộc mà vợ phải lìa chồng, con không biết mặt cha. Đóng vai người phóng viên, tôi chỉ muốn biết rõ hơn tiểu sử cũng như những tác phẩm đầu đời của anh.
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1921 (một bài báo ở Saigon gần đây cho biết anh sinh vào năm 1922) tại Làng Lạc Thổ, Huyện Lang Tài, Phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình Nho Giáo. Hoàng Cầm học Tiểu Học tại Bắc Giang rồi lên Hà Nội học Trung Học và đậu Tú Tài II Pháp. Khi còn đang học lớp Đệ Tứ, Hoàng Cầm phóng tác cuốn Graziella của Lamartine thành chuyện Việt Nam với tên Hận Ngày Xanh. Tiểu thuyết đầu tay của Hoàng Cầm là Thoi Mộng, viết vào năm 1943. Trở về Bắc Giang, dạy học tại trường La Clarté, Hoàng Cầm vẫn viết văn, làm thơ để gửi đăng trên các báo Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. Anh là người dịch truyện Ba Tư Một Ngàn Đêm Lẻ ra Việt ngữ...
Tôi lúc nào cũng thao thức đi tìm những bài thơ mới cũ của Hoàng Cầm cho nên trong buổi gặp gỡ kỳ thú này, tôi muốn biết thêm về thơ tình của anh, ngoài các loại kịch thơ, thơ kháng chiến mà tôi đã biết rành rẽ. Tôi bèn hỏi :
-- Chị có còn nhớ những bài thơ tình mà Hoàng Cầm viết ra để tặng chị không ?
Người vợ cũ của Hoàng Cầm định đọc cho chúng tôi nghe bài thơ thi sĩ tặng bà vào năm 1945 khi bà còn là nữ kịch sĩ Tuyết Khanh nhưng Phạm Công Thiện đề nghị chép bài thơ ra để cho cô con gái ngâm lên. Và tôi đã ngất ngây vì giọng ngâm rất giống lối ngâm của Hoàng Cầm :
Một sợi tóc treo ngang trước mộng
Một hàng mi rũ bóng bên đèn
Miệng cười một đoá trao duyên
Lầu thơ mới dựng chưa quên ý tình.
Anh đã về đây lại gặp mình
Cõi đời thiên hạ giấc u minh
Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắt em về bến hoá sinh...
Kiều Loan giống bố một cách lạ thường. Cũng là đôi mắt có đuôi, cái mũi dọc dừa, cái miệng tươi hồng, cái giọng trong trẻo.
Cô nói giữa hai khúc thơ ngâm :
-- Hoàng Cầm (không nói là bố cháu) dạy cháu ngâm thơ đó...
Cô ngâm :
... Khanh ơi !
Thể xác hiu hiu bụi
Nắng dãi hoe vàng,
Em ở đâu ?
"Khanh ơi ! Thể xác hiu hiu bụi" của Hoàng Cầm cũng là "Khanh của Hoàng ơi" của Vũ Hoàng Chương đó ! Nếu tôi nhớ không lầm thì -- trước hay trong kháng chiến ? -- thi sĩ họ Vũ cũng đã có một bài thơ tỏ tình với Tuyết Khanh :
Khanh của Hoàng ơi ! Lửa bốn phương
Sầu lên dằng dặc gió tha hương
Hỡi ôi trạnh nhớ niềm ly tán
Lại sót nòi thơ buổi nhiễu nhương...
Hoàng Cầm còn có những câu thơ tình để tặng Tuyết Khanh khi hai người phải xa nhau trong kháng chiến -- hay khi mất nhau sau khi đất nước bị phân đôi :
Mái tóc buông suôi dòng khói lạnh
Bóng người thiếu phụ thoảng đêm xuân
Minh châu đôi hạt cài bên gối
Đợi đến bao giờ gửi cố nhân...
Trong khi dĩ vãng hiện lên qua những lời thơ ngâm, tôi nhìn trộm Tuyết Khanh nhưng không tìm thấy một nét cảm động nào trên gương mặt hiền hậu của Bà. Người tình xa xưa của Hoàng Cầm, từng trải qua rất nhiều truân chuyên của cuộc sống Việt Nam trong hai thời binh lửa, sau cuộc đổi đời ở Hoa Kỳ đã tìm được quên lãng, an nhiên trong Đạo Phật rồi ! Tôi chợt thấy mình có lỗi khi đem dĩ vãng lại cho Bà. Nhưng tôi cứ tham lam gặng hỏi về sự nghiệp của nhà thơ. Và thấy rằng vợ con của anh cũng không biết gì cho lắm.
Chẳng hạn không biết một bài thơ Hoàng Cầm soạn từ khi còn đang làm nghề thầy giáo ở Bắc Giang mà có lẽ thi sĩ cũng đã quên rồi ! Hơn nữa, vì anh vắng mặt trong 30 năm nên nếu có ai còn thuộc thơ anh thì cũng chỉ thuộc lõm bõm vài câu thôi. Như hoạ sĩ kiêm thi sĩ Tạ Tỵ :
Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón em về sống với anh
Những buổi chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh.
? ? ?
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ...
Một người có lẽ đã lớn tuổi và là dân Hà Nội cũ, trong một bài báo đăng trên một tờ nguyệt san ở Virginia còn nhớ thêm bốn câu nữa :
Nếu có ngày nào em trở gót
Quay về thăm lại bến thu xa
Thì đôi mái tóc không xanh nữa
Mây bạc trăng ngàn vẫn thướt tha...
Tôi đã phổ nhạc mấy câu thơ của bài thơ vô đề này và đặt tên bài thơ phổ nhạc là Tình Cầm. Người ta có thể hiểu đó là bài hát nói về mối tình của Hoàng Cầm hay bài hát nói về một mối tình của một danh cầm nào đó. Để cho có đủ câu nhạc, tôi soạn thêm một đoạn lời (coi như đó là đoạn 2), mong rằng nó vẫn nằm trong hơi thơ và cảm súc của thi sĩ :
Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại se phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa...
Bài Tình Cầm được Thái Thanh, Duy Quang, Thái Hiền và nhiều ca sĩ khác hát trong các băng nhạc sản xuất tại Hoa Kỳ.
Trong cuốn Hồi Ký II, tôi đã kể lại những hoạt động của tôi và Hoàng Cầm trong kháng chiến nhưng tôi còn bỏ sót một bài thơ rất quan trọng của Hoàng Cầm. Trong chiến thắng Sông Lô, Hoàng Cầm có một bài thơ dài nhan đề Trường Ca Sông Lô (giống như cái tên bản nhạc của Văn Cao) :
Sông Lô chẩy xuống Sông Hồng
Sông Hồng trôi xuống Biển Đông xa vời
Biển Đông dội sóng vang trời
Nhắc đi bốn bể những lời Sông Lô...
. . . . . . .
Em là em bé Sông Lô
Em đi theo Chị bến bờ là đâu ?
Chiều nay thương Mẹ em sầu
Cho em kể lể vài câu tâm tình...
Này Chị trông em nhé :
Em trải tóc rừng xanh
Em quấn khăn núi biếc
Áo em sớm thì xanh
Chiều về đỏ như huyết...
Hoàng Cầm trong kháng chiến, cạnh Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh
Bài thơ này, tôi đã ngâm cho Phạm Đình Chương nghe khi vào làm rể nhà họ Phạm Đình, và đã gây hứng cho cậu em soạn bài Hội Trùng Dương.
Tại căn gác nhỏ ở Los Angeles này, sau khi hỏi chuyện về Hoàng Cầm, tôi sung sướng vô cùng khi được nói cho vợ con của anh nghe về những ca khúc tôi đang chuẩn bị tung ra, phóng tác từ lời thơ của thi sĩ. Để cho khán thính giả hiểu được những bài ca đầy tính chất ẩn dụ này, tôi đọc cho mọi người nghe những lời giới thiệu trước khi tôi hát Hoàng Cầm Ca...
Sau đây là hành trình lưu diễn của Hoàng Cầm Ca trên toàn cầu :
* Buổi ra mắt Hoàng Cầm Ca (ngày 18 tháng 10-84, tháng sinh nhật của tôi) tại Phòng Trà Lê Uyên Phương ở Santa Ana.
Sau đó là những đêm diễn tại :
* Café Viễn Xứ ở San Jose,
* Trường Đại Học Georges Mason ở Virginia,
* Nhà thờ Saint Teresa ở Honolulu,
* Town Hall ở Melbourne,
* Hiệp Hội Báo Chí tại Úc Châu ở Sydney,
* Cộng Đồng người Việt ở London,
* Báo Quê Mẹ ở Paris,
* Toà soạn của báo Độc Lập ở Stuttgart v.v...
Hoàng Cầm Ca là gì ? Đó là những bài ca gợi những cái đẹp -- mỹ ảnh -- của đất nước hơn là những cái sai, cái xấu -- ảo ảnh, ác ảnh -- của quê hương qua tị nạn ca, ngục ca và tủi nhục ca. Đó những bài thơ mà người bạn thi sĩ viết ra sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm và bây giờ đã được tôi phóng tác thành ca khúc.
Một thời gian sau khi cùng bị đàn áp với các văn nghệ sĩ chống đối khác như Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần... Hoàng Cầm cho luân lưu tại miền Bắc một tập thơ truyền tay nhan đề Đường Về Kinh Bắc. Đó là những bài thơ ẩn dụ, nếu đọc lên thì bất cứ ai nghe cũng thấy bàng bạc những hình ảnh và mầu sắc tuyệt vời của quê hương nhưng không ai hiểu Hoàng Cầm muốn nói gì trong đó...
Tôi cần phải nói rằng vào năm 1982, trong lúc tôi đang mệt mỏi vô cùng sau sáu, bẩy năm sống đời lưu vong, vào những giờ phút lung linh hiếm có, tôi chợt nhìn ra ý chí của Hoàng Cầm trong những bài thơ đầy ẩn ngữ này. Tôi bỗng hiểu được rằng : vào cuối thật niên 60, dù bị đẩy vào hoàn cảnh cùng cực của đời mình là bị bẻ bút và bị bao vây kinh tế nên phải bán rượu lậu ở vỉa hè để mưu sống, với tập thơ truyền tay Đường Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm vẫn... cứ làm thơ ! Trong một miền đất nước mà những thi bá như Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên... chỉ còn biết đem thơ làm đòn bẩy cho chế độ, thơ của anh là giọt nước mắt làm chấn động ao tù, là nỗi buồn vạm vỡ của loài sư tử cô đơn...
Lúc đó tôi không có trong tay tập thơ Đường Về Kinh Bắc, tôi chỉ sưu tầm được dăm ba câu thơ ở nơi này, nơi nọ trên đường đi hát rong cho nên khi phổ nhạc, tôi phải phóng tác thêm vào những câu thơ ngắn ngủi của thi sĩ để soạn ra bốn bài Hoàng Cầm Ca. Đó là những bài Lá Diêu Bông, Qua Vườn Ổi, Cỗ Bài Tam Cúc, Đạp Lùi Tinh Tú...
Bài Lá Diêu Bông quyến rũ tôi ngay lập tức khi tôi vừa đọc xong bài thơ thiếu đầu thiếu đuôi. Mở đầu, Hoàng Cầm đưa ra hai câu thơ rất thân thiết, đó là lời nhắn nhủ của một người chị nói với đàn em :
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ gọi là chồng !
Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì ? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp. Với bài thơ này, Hoàng Cầm đưa ra câu chuyện một chị đàn bà xấu xí, muốn có bộ mặt đẹp nên dỗ dành đàn em đi tìm hộ chị thứ lá thẩm mỹ này...
Vài ngày sau em tìm thấy lá
Chị chau mày : đâu phải lá diêu bông ?
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu nhìn nắng vãn bên sông.
A ! Chị muốn có chiếc lá thần dược để làm cho mặt chị đẹp ? Chỉ vài ngày sau đã có người tìm ra chiếc lá. Đó là chiếc lá dân tộc, giản dị là như vậy ! Nhưng chị chau mày bảo rằng : đó không phải là lá diêu bông ! Rồi một năm qua đi, nhớ lời chị nhắn nhủ, lại có người tìm ra chiếc lá, nhưng chị vẫn chưachịu chấp nhận nó, cho nên chị lắc đầu, ngoảnh mặt đi, nhìn nắng vãn bên sông... Bài hát tiếp tục :
Ngày cưới chị, em tìm thấy lá
Chị mỉm cười, se chỉ cắm trôn kim.
Chị đã ba con, em tìm thấy lá
Xoè tay, phủ mặt, chị không nhìn...
Khi cho rằng không có ai tìm ra chiếc lá thần diệu nên chị bèn đi lấy chồng, thì vào ngày cưới chị, vẫn có người đem lại cho chị chiếc lá thẩm mỹ của dân tộc. Nhưng than ôi, chị đã "lỡ bước sang ngang" nên chị mỉm cười, chị se chỉ, chị cắm vào lỗ trôn của cây kim, chị khâu vá cuộc đời vong thân của mình rồi ! Tới khi chị có ba đứa con, vẫn còn có người nhớ tới chuyện chị muốn có chiếc lá diêu bông và muốn đem lại cho chị chiếc lá thần diệu đó thì chị xoè tay phủ mặt, chị không nhìn, hay chị không muốn nhìn ra cái lá có thể làm cho chị đẹp được nữa !
Với những câu thơ cuối của bài Lá Diêu Bông, Hoàng Cầm muốn nói rằng : Không ai có thể làm cho người chị khó tính này tốt đẹp được vì dù có tìm thấy chiếc lá thẩm mỹ nhiệm mầu thì cũng không được chị chấp nhận :
Từ thuở đó, em (Hoàng) cầm chiếc lá
Nơi đầu non, cuối bể, em đi...
Lời vi vút, gió quê lắng gọi
Diêu bông hời hời hỡi diêu bông !
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ ?
Với bài thơ phổ nhạc này, tôi đã thay mặt Hoàng Cầm, trong nhiều năm, đi trăm núi nghìn sông, nghĩa là đi khắp mọi nơi trên thế giới để rao giảng cho mọi người nghe những "thông điệp nhân văn" của thi sĩ. Ngoài việc nói lên cái xấu xí và sự mù quáng của một người chị, bản Hoàng Cầm Ca -- Lá Diêu Bông còn đặt ra vấn đề đãi ngộ đàn em nữa. Người chị muốn lũ đàn em tìm đủ mọi cách để tô son điểm phấn cho chị rồi chị sẽ đãi ngộ, chị sẽ lấy làm chồng kia mà... Nhưng chẳng bao giờ chị biết nghe tiếng nói trung thực của đàn em, nói gì đến chuyện đãi ngộ ?
Bài Qua Vườn Ổi thì nói tới chuyện bất công và chuyện tham nhũng :
Cách xa ba bước qua vườn ổi
Chị xoạc cành ngang em đứng trông...
Hai chị em (tức là người dân nghèo) dắt nhau tới vườn ổi nhưng không được phép vào vườn. Phải đứng xa xa, rồi chị vạch cành lá cho em nhìn. Em thèm ăn ổi quá, xin chị hái trộm cho em một quả :
Này chị ơi ! Xin chị một quả non.
Chị không dám hái nên nói dối em :
Ổi non, em ơi, còn xanh chát
A à ! ổi non xanh chát lè...
Em bé bèn :
Này chị ơi ! Xin chị một quả ương.
Chị trả lời:
Ổi ương, em ơi, bị chim khoét
A à ! ổi ương chim khoét rồi !
Em nằn nì xin chị :
Này Chị ơi! Xin chị một quả chín
Chị chỉ còn biết trả lời:
Ổi chín, em ơi tít ngọn cây
A à ! ổi chín quá tầm tay...
Bài Qua Vườn Ổi có câu kết :
Lẽo đẽo em đi đường mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng...
Nghĩa là cả hai chị em -- đại diện cho người dân nghèo, thấp cổ bé miệng -- phải lẽo đẽo đi trên đường đời, không bao giờ được ăn một quả ổi nào ở trên cây, bởi vì những quả ổi ngon lành đó, hoặc để dành riêng cho người trên hưởng thụ, hoặc bị trộm cướp đục khoét hết cả rồi ! Nếu thèm ăn ổi, hai chị em chỉ còn biết cúi nhặt những quả ổi thối, rụng rơi trên những con đường chiều, có mưa rơi rả rích...
Trong mấy bài thơ ẩn dụ này, có một điều lý thú là Hoàng Cầm thích đưa ra những câu chuyện (gần như chuyện tình) giữa một người trai ít tuổi và một người thiếu nữ hơn tuổi mình. Người được thi sĩ gọi là chị đó có thể tượng trưng cho lý tưởng mà thi sĩ từng ôm ấp. Lý tưởng vẫn còn đó hay đã bị cướp đi, hiển hiện trong thơ qua hình ảnh người chị khi thì tươi đẹp mặn mà, khi thì xấu xa khó tính...
Bài Hoàng Cầm Ca thứ ba nhan đề Cỗ Bài Tam Cúc muốn đòi lại một hạnh phúc xa xưa của hai chị em này, nay đã bị mất đi vì một ông quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ :
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị tới quê em...
Ghé coi bài, tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa, chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui xấp ngửa
' rơm thơm đọng tuổi xuân thì...
Đứa được bài chinh chuyền xủng xẻng
Đứa thua bài đáo gỡ ngoài thềm.
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Đổi xe hồng, đưa chị tới quê em...
Pháo, mã ra bài, năm sau giặc giã
Quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ
Xua tốt điều đè lũ tốt đen
Thả tịnh vàng đưa chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo,
Em gọi : ... Đôi !
Qua bài thơ này, Hoàng Cầm nói lên một hạnh phúc tuyệt vời của hai chị em khi rút rơm để trải ổ rồi cùng mọi người ngồi đánh tam cúc trong mấy ngày Tết. Ngồi cạnh chị, em giả vờ nghé mắt coi bài để được ngửi mùi tóc ấm của chị. Em tự khuyên em đừng lớn nữa nhé ! Em còn xin chị cứ ở trong làng, đừng vội đi lấy chồng (1) nghe ! Em yêu chị đến độ em bằng lòng đi đêm cả tướng điều, sĩ đỏ để đổi lấy xe hồng, đưa chị tới quê em. Ai ngờ năm sau giặc giã, quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ, (bạo quyền) xua tốt điều đè lũ tốt đen (đàn áp người dân). Còn thả tịnh vàng, đưa chị võng mây trôi, đem chị đi mất (cướp đoạt hạnh phúc của nhân dân). Em, Hoàng Cầm, cỗ bài trong tay, đứng nhìn theo chị bị cướp mang đi, em gọi : Đôi ! Nghĩa là em vẫn chưa chịu thua, em vẫn còn đôi cây xe hồng để sẽ kết liễu ván bài tam cúc này.
Bài Đạp Lùi Tinh Tú -- tên ca khúc do tôi đặt -- thì nói lên sự xơ xác, buồn rầu, ngủ vùi của tất cả mọi người, chỉ có nhà thơ là còn tỉnh thức. Hoàng Cầm đưa ra những hình ảnh buồn thương như con bê vàng lạc mẹ, con chim cu ngồi gù rặng tre, con chào mào khát nước, cây ổi giơ xương chống đỡ mùa Đông, con phù du ao trời lận đận, con chim vành khuyên nhớ nhà nhớ tổ. Tất cả, giống như đôi cá đòng đong, đều ngủ say cả rồi. Chỉ có thi sĩ là còn tỉnh thức, ngồi soi hình vào đáy nước, giơ chân đạp ánh sao đêm đang lấp lánh trên mặt ao :
Ta là con bê vàng lạc dáng chiều xanh
Đi tìm sim mà sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
Gặm cỏ mưa phùn
Ngoài đồng sương bóng người thấp thoáng
Chiều nay mẹ chẳng về chuồng...
Ta là con chim cu về gù rặng tre
Gọi nắng ấu thơ về sân đất rộng
Mong tin mừng từ những trời xa
Đưa mây lành về tụ nóc rơm.
Ta là con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đâm mầm...
Ta, cây ổi giơ xương !
Chống đỡ mùa Đông xụp về đánh úp.
Ta là con phù du ao trời lận đận
Trên cánh bèo đong gió, lặn dưới nước tìm sao
Hứng nước mắt con chim vành khuyên
Nhớ nhà nhớ tổ, vừa rụng chiều nay
Làm dềnh mặt nước gương sen.
Ta soi hình vào tận đáy ao đêm
Chỉ thấy mình đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi đôi cá đòng đong...
Soạn Hoàng Cầm Ca vào lúc đó, tôi không còn theo đuổi mục đích soạn nhạc một cách dễ dãi (dễ hát, dễ nghe, dễ hiểu) như trước nữa. Nhà báo Đỗ Ngọc Yến đã nhận xét :
Trước đây người ta chỉ biết Hoàng Cầm qua thơ tình, kịch thơ, thơ kháng chiến, thơ phản kháng trong thời Nhân Văn Giai Phẩm. Bây giờ với những bài ca ẩn dụ này, Phạm Duy đưa ra một Hoàng Cầm mới nhất, hiện đại nhất qua những bài thơ có nhiều ẩn ngữ nhất. Ca khúc là hình thức nôm na nhất bây giờ lại được đóng thêm vai trò diễn tả siêu thực nhất, đưa tác giả vào một vị trí hóc hiểm nhất, phơi bày trước quần chúng một vấn đề chính trị tinh tế nhất !
Thế là sau khi quá mệt mỏi với loại ngục ca, tị nạn ca hay tủi nhục ca vì phải lên gân trước thời cuộc, những bài thơ ẩn dụ của Hoàng Cầm mà tôi soạn thành Hoàng Cầm Ca vào đầu thập niên 80 này làm cho tâm hồn tôi lắng xuống. Sau khi thấy ''dường như'' đã mất quê hương, tôi bỗng nhiên gặp lại quê hương qua những câu chuyện mà tôi cho là rất kỳ diệu, ảo huyền, lung linh và đầy thi vị...
... Đó là chuyện lá diêu bông, vườn ổi, cỗ bài tam cúc, chuyện tâm tình của những con bê vàng, con chim cu, con chào mào, con phù du, con chim vành khuyên... Quê hương mờ nhạt hay rực rỡ, êm đềm hay chua sót của tôi hiện ra, quả rằng còn quá nhiều cái đẹp, chứ không phải chỉ có ác mộng, ngục tù, hận thù và tuyệt vọng !
Những bài thơ trong tập Đường Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm được phổ nhạc thành Hoàng Cầm Ca vẫn còn buồn rười rượi vì nó phản ảnh một miền của đất nước Việt Nam vào những năm 60-70 nhưng nó chứa đựng quá nhiều hương vị quê hương nên nó là liều thuốc an thần cho bản thân tôi sau khi tôi bị đắm chìm vào không khí chết chóc gây nên bởi thơ Nguyễn Chí Thiện (ngục ca) hay nhạc Hà Thúc Sinh (tủi nhục ca). Tôi cũng nghĩ rằng : là một người luôn luôn có phản ứng trước nghịch cảnh, tôi không nên tự đầy đọa tôi hay khuyến khích người nghe đi vào ngõ bí là sự thù hận, oán ghét, chửi rủa. Chắc chắn Đường Về Kinh Bắc (nghĩa là đường về quê cũ) giúp tôi có một lối thoát.
Dù biết là khó hát, khó nghe, tôi cũng cố gắng đem thơ Hoàng Cầm đi trình diễn ở khắp mọi nơi trên thế giới và đúng như tôi dự đoán, sự phổ biến của Hoàng Cầm Ca bị hạn chế vì tính chất ẩn dụ của nó. Tuy nhiên tại Việt Nam, lá diêu bông trở thành một huyền thoại mới. Vài năm sau khi những bài ca ẩn dụ này được tung ra ở hải ngoại thì ở trong nước (nhất là sau khi có chủ trương cởi trói cho văn nghệ sĩ), trong nhạc, có Trần Tiến nói tới chuyện lá diêu bông và trong đời, tại thành phố vẫn luôn luôn được gọi là Saigon, có một thiếu nữ mở một cái quán (quán café hay quán rượu?) lấy tên là QUÁN DIÊU BÔNG. Vào lúc tôi viết những dòng chữ này (1990), nhà thơ tình họ 70 tuổi của tôi (có lẽ) đang "làm lại cuộc đời" với cô chủ quán.
Sau khi giới thiệu "thông điệp nhân văn" của Hoàng Cầm, với cái tật tham lam, bao giờ cũng muốn đi tới tận cùng của bất cứ vấn đề gì, tôi còn muốn viết thêm về con người của anh cho nên tôi luôn luôn nhắc tới anh trong những cuốn HỒI KÝ. Tập tiểu luận Hoàng Cầm Trong Tôi này thì muốn nhấn mạnh tới địa vị của anh trong văn học sử.
Tôi muốn nói rằng : trước hết, trong thi ca Việt Nam có một giai đoạn được gọi là "thời kỳ kịch thơ" thì ai cũng phải công nhận đó là thời kỳ của Hoàng Cầm. So với các thi sĩ khác, kịch thơ của Hoàng Cầm chói lọi nhất mặc dù về sau kịch thơ không còn đất đứng. Sau nữa, thơ của Hoàng Cầm là tiếng thơ lên đường kháng chiến sớm sủa nhất và được dân chúng yêu mến nhất trong thời gian cả nước lên đường. Trạng thái đặc biệt của thơ Hoàng Cầm là thơ ngâm lên, có diễn xuất (spectaculaire). Trong thơ của anh, ta thấy rất nhiều hình ảnh đẹp, chan chứa hương vị quê hương. Tất cả tứ thơ của Hoàng Cầm, dù là thơ tình, thơ lịch sử, thơ kháng chiến đều rất vững chãi. Thơ năm chữ, thơ lục-bát đều được chuyển thể rất giỏi. Hoàng Cầm dùng những từ ngữ của dân tộc, thơ anh không lai căng như của vài nhà thơ lớn khác. So với thơ cùng một đường hướng là thơ Nguyễn Bính, thơ Hoàng Cầm cao hơn, trí thức hơn. Hoàng Cầm còn đáng quý ở chỗ không bao giờ chịu khuất phục trong khi có những nhà thơ khác, vì lý do này lý do nọ, phải chấp nhận đường lối văn nghệ "được" chỉ huy. Thơ Hoàng Cầm không bao giờ tỏ ra là bị ép buộc. Trái lại là khác. Hãy nhớ lại bài thơ Em Bé Lên Sáu anh viết trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Đầy tính nhân bản :
Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miêng ăn
Bố : cường hào nợ máu
Đã trả trước nông dân
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào trong Nam.
. . . . . . . . . . . . .
Bụng phình lại ngặng cổ
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Em nhìn đời bỡ ngỡ
Lạy bà xin bát cháo
Cháu miếng cơm, thầy ơi !
Có một chị cán bộ
Đang phát động thôn ngoài
Chợt nhìn ra phía ngõ
Nghe tiếng kêu lạc loài.
Chị rùng mình nhớ lại
Năm đói kém từ lâu
Chị mới năm tuổi đầu
Liếm lá khoai giữa chợ.
Chạy vùng ra phía ngõ
Dắt em bé vào nhà
Nắm cơm dành chiều qua
Bẻ cho em một nửa.
. . . . . . . . . . . .
Chị đi bỗng lùi lại
Nhìn đứa bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người...
Hoàng Cầm còn viết một vở kịch thơ ngắn, nhan đề TIẾNG HÁT, nói về truyện Trương Chi. Thi sĩ biến lời hát ái tình của Trương Chi thành tiếng gọi của Tự Do. Mỵ Nương là tượng trưng cho giới văn nghệ bị kìm hãm và Quận Công, cha của Mỵ Nương là đại diện cho uy quyền độc đoán. Trong vở kịch thơ này còn có thêm nhân vật Hồng Hoa, nữ tỳ, tượng trưng cho nhân dân đói khổ. Tiếng hát kêu gọi mọi người đang bị hành hạ hãy đứng dậy :
Nào người quả phụ trắng khăn tang
Nào đứa em mồ côi khát sữa
Nào ai sống nhục, chết oan
Nào ai tan lìa đôi lứa
Nghe tiếng hát này.
Trong khi người cha của Mỵ Nương truyền lệnh : Khoá kín cửa lầu, lấp cả sông, để không còn tiếng hát (2) thì tiếng hát tự do vẫn lọt tới lòng người :
Cửa ngoài bằng đá tảng, tiếng hát đẩy được vào
Vì đó là tiếng gọi của trời cao đất rộng.
Và Mỵ Nương, tức là giới văn nghệ, vẫn gan góc :
Cánh cửa khoá [...] ta mở được
Ta vượt qua tường đá
Ta chạy ra sông đi bốn phương trời
Tìm tiếng hát, ta đi cùng thiên hạ...
Sau phong trào phản kháng vào cuối thập niên 50 của tất cả trí thức Hà Nội, Hoàng Cầm cũng như các bạn bè trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị đối xử ra sao, mọi người đã biết. Phải đợi cho tới gần đây, với phong trào glasnost ở các nước Đông Âu và với sự cởi mở ở Việt Nam thì địa vị nhà văn, nhà thơ của anh và của những bạn anh mới được phục hồi.
Tôi không biết sự thương nhớ của tôi đối với một người bạn thơ xa xưa -- qua những Hoàng Cầm Ca -- có làm cho thi sĩ bị phiền lụy (3) hay có đem lại cho anh một an ủi nhỏ nhoi nào không, nhưng tôi rất vinh hạnh đượccó mặt trong đời anh từ khi còn trai trẻ cho tới khi đã tóc bạc răng long, mặc dù tôi chỉ được gần anh trong một thời gian rất là ngắn ngủi. Sự chung tình đó cũng còn nhờ ở phép lạ của cuộc đời khiến tôi bỗng gặp lại vợ cũ của anh và người con gái tôi ''quen biết'' khi còn là bào thai trong bụng mẹ, cùng một lúc với việc tôi khám phá ra những bài thơ ẩn dụ của anh.
Kiều Loan ngâm thơ Hoàng Cầm, bên cạnh mẹ
Trong vòng 10 năm nay, tôi luôn luôn có mặt trong gia đình anh để theo dõi quãng đời của anh vào lúc xế chiều. Để được nghe ngân nga một số câu thơ trác tuyệt của anh gửi cho vợ cũ và con gái :
Trích Đoạn Kiều Loan Ngâm Thơ
Rực sáng chân mây một điệu đàn
Biển động bừng chớp mắt Kiều Loan
Mắt điên, mắt sóng men huyền diệu
Xanh thẳm hàng mi bến hợp tan.
Cả Thái Bình Dương là hạt lệ
Một người đi biệt một hành tinh
Cả dãy Trường Sơn là dấu phẩy
Ngắt dòng thơ trang sử u tình.
Bẩy sắc mây chìm đợi bão tan
Hôm nào nắng xoá vệt thời gian...
Gò cao má ửng đùa thiên mệnh
Em có về không ? Hỡi tiếng vang !
Tôi nhận Kiều Loan, con ruột của Hoàng Cầm là con nuôi và đã giúp đỡ cho con gái về cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, lo lắng cho con nuôi trong việc gia đình cũng như trong công việc làm ăn. Thấy con gái nuôi thích văn nghệ, đã nhiều lần, Kiều Loan xuất hiện bên tôi trong những buổi ngâm thơ hay diễn kịch thơ... Tại San Jose là nơi cư ngụ, Kiều Loan rất được hoan nghênh mỗikhi xuất hiện trước khán thính giả với tiết mục ngâm thơ hay diễn kịch.
Giới văn, thi sĩ, báo chí tiếp tân
Tiếng thơ Hoàng Cầm lúc nào cũng có khả năng gọi người về. Về với tình yêu, về với gia đình, về với xóm làng, nói tóm lại về với quê hương mà suốt đời Hoàng Cầm xưng tụng :
Có lặng thầm ru vọng tiếng Khanh ?
Dòng lệ mặn dẫu tê môi héo
Ngửng đầu sao sáng bỗng long lanh
Sao treo lối nhỏ về quê mẹ
Mẹ gọi nghìn thu : Con hỡi ! ... Khanh !
Ai gọi nghìn thu : Em hỡi ! ... Anh !
Tôi muốn được coi như người bạn thơ cũng róng tiếng gọi tôi qua những câu thơ mà vào một hoàng hôn rất tím, trong một quán ăn rất sang, trên bãi biển San Francisco rất vắng, người con gái của thi sĩ là Kiều Loan đã ngâm cho tôi nghe :
Đất Bắc ngậm ngùi thương phận bạc
Điù hiu thân thế bến sông mơ
Chân ai đi lén về xa đó ?
Bỏ lại vườn hoang bóng nguyệt mờ
Nức nở canh khuya hoài thánh thót
Khóc làm chi nữa tuổi đương tơ...
Gần đây (1989-90) Hoàng Cầm tái xuất hiện trên văn đàn với những tập thơ Men Đá Vàng, Mưa Thuận Thành trong đó tôi thấy con tim khối óc của anh vẫn bền vững như gạch Bát Tràng, vẫn ướt át như cơn mưa hồi sinh của dân tộc. Trong tập Mưa Thuận Thành, Hoàng Cầm cho đăng nguyên văn bốn bài thơ trong tập Đường Về Kinh Bắc mà tôi phổ nhạc với những tên Lá Diêu Bông, Cây Tam Cúc, Quả và Về Với Ta...
Chúng tôi đã trao đổi thư từ trong đó, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng tôi đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi ! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn.
Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng tôi, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng ! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói : ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng tôi đi nốt con đường đã chọn : CON ĐƯỜNG TÌNH, tình nước, tình người.
Viết thêm : Bày này được viết ra từ đầu năm 1984 với ý định sẽ cho vào HỒI KÝ IV. Qua năm sau, nghĩ rằng đây là chuyện liên hệ tới nhà thơ và đã có chút dễ dãi cho việc người Việt hải ngoại trở về thăm quê hương, tôi nhờ hai người bạn là BS Bùi Duy Tâm và cô Quế Hương đem bài này -- dưới đầu đề HOÀNG CẦM TRONG TÔI -- cùng với một đoạn video ngắn tới cho Hoàng Cầm. Ít lâu sau, anh bạn có những phản ứng mà tôi xin được ghi lại trong chương sau...
Phạm Duy
(1) Trần Tiến cũng đã dựa vào bài thơ này để soạn ca khúc của anh.
(2) Trạnh lòng nhớ tới tiếng hát của mình, than ôi, cũng đang bị cấm đấy !
(3) Hoàng Cầm bị bắt vào năm 82 vì nhờ một Việt Kiều đem tập thơ MEN ĐÁ VÀNG ra ngoại quốc cho con gái. Không phải vì Hoàng Cầm Ca...