Chương 10
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 7036
Ta không mất quê hương vì quê hương còn đó
Ta có xa cửa nhà là vì yêu đời tự do...
QUÊ HƯƠNG CÒN ĐÓ
Đoàn tụ, nơi Thị Trấn Giữa Đàng
Khi tôi trở thành kẻ lưu dân và phải tới sinh sống ở Mỹ, tôi đã quá tuổi 55, cái tuổi khó sống nhất của người Đông Dương tị nạn. Không còn trẻ để có thể tranh việc với người Mỹ, chưa tới tuổi về hưu để được hưởng tiền trợ cấp tuổi già, ai cũng đều không tránh khỏi lo âu. Nhưng một số bạn cùng lứa tuổi tôi cũng nhanh chóng khắc phục khó khăn để có một đời sống khá đầy đủ, vì quả rằng Mỹ quốc là một land of opportunities (nước có nhiều cơ hội tốt). Về phần tôi, đâu dám nghĩ rằng có thể sống bằng nghề nhạc được nên tôi đã tính tới chuyện đi học nghề điạ ốc, nghề ráp máy điện tử hay mở hàng ăn... Nói cho ngay, khi vừa đặt chân tới Hoa Kỳ, tôi đã được anh bạn Mỹ Dick McCarthy ở Maryland giới thiệu đi làm professor in residence (dạy nhạc) tại một trường Đại Học ở tiểu bang Maine, nhưng vì sợ cái lạnh chết người nên tôi từ chối.
Nhưng thật là may cho tôi quá, tôi đã nhanh nhẹn làm nghề sản xuất băng cassette và móc nối ngay với những bạn ca sỹ Hoa Kỳ rồi cùng họ đi hát tại những university tours cho khán giả trẻ và tại những community tours cho khán giả già... để nuôi nổi cả gia đình, một nửa ở Mỹ, một nửa ở Saigon. Rồi theo đà đó, tôi đi hát tại một số cộng đồng Việt Nam đang dần dần thành hình ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được rằng với tuổi đã cao, với thành phần ca sĩ nhỏ bé có 3 người và với tài năng yếu kém so với nghệ sĩ Mỹ, tôi không thể nào chen chân vào thế giới âm nhạc Mỹ Quốc được. Tôi tự nghĩ mình chỉ có thể phục vụ cho cộng đồng Việt Nam mà thôi, dù tôi biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi không còn cái gọi là ''quảng đại quần chúng'' như khi còn ở trong nước để cống hiến tấm lòng qua âm nhạc nữa rồi. Cộng đồng Việt Nam đã thưa thớt, lại ở tản mác khắp mọi nơi, đi lưu diễn trong lục địa Hoa Kỳ cũng đã rất là khó nhọc, nói gì đi hát ở Âu Châu, Úc Châu ?
Nhưng Trời Phật giúp tôi, sau gần 1,500 ngày xa cách cha mẹ, các con tôi đã qua Mỹ. Ban THE DREAMERS (gồm Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, có thêm Julie và Thái Thảo) tái xuất hiện tại Hoa Kỳ.
Tôi giải tán ban tam ca THE PHAM DUY FAMILY SINGERS, dành toàn thì giờ để sáng tác, sản xuất và phát hành băng nhạc, sách nhạc.
Những nhạc tập mang tên Hát Trên Đường Tị Nạn, Nghìn Trùng Xa Cách, Dân Ca và những cuốn sách Tự Học Đàn guitare được tôi hoặc cơ sở ĐÔNG PHƯƠNG của Đông Duy ấn hành.
Những nhạc tập đều có thêm lời ca Anh Ngữ do một bà giáo người Mỹ lấy chồng Việt là Mary Nguyễn sửa chữa dùm tôi. Hầu hết những tị nạn ca của tôi được cựu và tân giám đốc cơ sở SHOTGUNS Ngọc Chánh (1) thu vào các chương trình cassette...
Như đã nói ở trên, trong phạm vi sáng tác, đã có những bài hát cho đời sống tự do của người Việt hải ngoại, tôi cũng cần phải soạn bài hát cho người mất tự do ở trong nước. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy rằng cả hai loại ca đó đều là những bài hát về quê hương. Giống như những ca khúc mà tôi soạn ra từ những năm vừa di cư từ Bắc vào Nam (1953). Có khác nhau là ở chỗ bây giờ nó không chứa đựng những hình ảnh tuyệt vời của quê hương nữa... Đó là những bài hát ảo ảnh quê hương hay là ác ảnh quê hương mà thôi.
Có trong tay một ban nhạc, ban này ngoài việc mưu sống bằng nhạc khiêu vũ tại những night club, còn được đồng hương coi như đại diện của tiếng hát quê hương. Được mời hát cho cộng đồng, tôi phải cung cấp những bài hát mới cho các con. Và cũng lại phải soạn nhạc quê hương thôi !
Diễn tại Long Beach
Tiếp tục soạn những bài có tính cách tuyên ngôn như Ta Chống Cộng Hay Ta Trốn Cộng, Có Phải Tôi Là Người Quê Hương Ruồng Bỏ Giống Nòi Khinh... bây giờ tôi có thêm bài Người Việt Cao Quý, xưng tụng :
Những mẹ già trên đường tị nạn
Dưới mưa phùn hay tuyết lạnh mùa Đông...
. . . . . . . .
Những cha già đang ngồi tuyệt thực
Nhắc nhân quyền cho nhân loại phải nghe
Lặng nghe đây tiếng người bất khuất
Từ hơn ba mươi năm về trước
Hiến đời mình cho nước Việt Nam.
Rồi tôi xưng tụng :
Những em nhỏ tay cầm ngọn cờ
Cờ da vàng với ba dòng máu
Máu Việt Nam đổi lấy Tự Do
Máu đàn anh nhắc nhủ trẻ thơ...
Cuối cùng, tôi kêu gọi :
Những người Việt sống ở nghìn phương
Vẫn còn nuôi tình tự quê hương
Nắm tay nhau trên đoạn đường trường...
Bài hát Ta Là Gió Muôn Phương soạn ngay sau đó cũng có tính cách tuyên ngôn, khẳng định người Việt đã từ quốc gia vươn ra quốc tế rồi :
Ôi ! Này hỡi gió lạnh
Miền Gia Nã Đại phủ tuyết bốn mùa
Là gió căm thù của người di cư
Ôi ! Này gió sa mạc miền Úc thưa người
Làn gió nung hồn của anh với tôi.
Này làn gió Thu, bên bờ sông Seine
Làn gió mát thổi lá chết về nơi hoá kiếp
Ôi ! Làn gió Xuân về xứ anh đào
Rồi vượt sóng ghé Hạ Uy Di vút về Cali...
Rồi cuối cùng tôi cũng tuyên bố :
Ta từ cõi Nam Việt
Làn gió lên đường để thoát gông cùm
Tự do vẫy vùng thổi vào muôn phương...
Những bài hát tuyên ngôn, tự tình hay hoài hương mà chỉ là ảo ảnh quê hương đều mang những ưu tư và khẳng định. Thi nhân Vũ Hoàng Chương vẫn còn ám ảnh tôi nên tôi soạn bài Chỉ Còn Nhau, câu đầu là thơ của họ Vũ :
Đôi ta mất hết, chỉ còn nhau
Chỉ còn trước sau
Niềm đớn đau với nỗi hận sầu
Buồn thương lai láng như biển sâu.
Đôi ta đã mất cả mộng mơ
Chỉ còn xác xơ, hình bóng xưa
Dĩ vãng mịt mù
Buồn như chiếc lá rụng, mùa Thu.
Tôi cho rằng còn nhau là chưa mất hết, chưa mất gì cả. Vấn đề đặt ra là ta có ngồi chung lại với nhau hay không ? Hay cứ nghìn đời sống chia rẽ ? Tôi van xin mọi người :
Ngồi lại đây, xin ôm chặt lấy
Bàn tay này chứa đựng hôm nay.
Năm ngón gầy đưa nhau tìm lối
Năm ngón dài ve vuốt tương lai.
Ngồi kề vai, hôn không từ chối
Vết thương lòng khép kín nghỉ ngơi
Rồi cùng đi xây duyên tình mới
Thế gian này sẽ bớt đơn côi.
Cuối cùng tôi khẳng định :
Ta chưa mất hết, vì còn nhau
Còn cần khát khao, cần biết yêu
Biết giữ tình đầu
Tình hôm nay nối qua tình sau.
Ta xây dĩ vãng của ngày mai
Bằng tình lứa đôi, dù ngắn hơi
Tiếng hát còn ngời
Tình ta như nắng mọc ngoài khơi.
Ta chưa mất hết vì còn nhau
Cùng nhau nương náu trong ân tình sau.
Với thói quen đưa nhiều nhân vật vào bài hát, bây giờ tị nạn ca của tôi lại chất chứa những hình ảnh mẹ già, con thơ, anh trai, chị gái trên đường tạm dung... hoặc người rao hàng, ông bà hàng xóm, anh chiến sĩ, lũ học trò, người già, em bé ở trong nước trước kia hay hiện nay. Bài Tiếng Thời Xưa là bài hát nhớ nhung những tiếng nói, tiếng hát, tiếng động quen thuộc xa xưa :
Có ai nhớ tiếng rao hàng buổi sáng
Tiếng xe máy rú trên đường thành đô
Có ai nhớ tiếng chuông chùa đầu ngõ
Tiếng chim hót, tiếng học trò hò la.
Có ai nhớ tiếng đêm về mùa nóng
Tiếng mưa vỗ những mái nhà lợp tôn
Những câu nói tiếng cha mẹ từ tốn
Tiếng đôi lứa, tiếng e thẹn chờ hôn.
Giờ ở trong nước câm lặng tiếng rồi
Giờ ở ngoại quốc, xa lạ tiếng người
Tôi thương nhớ lời nói của người yêu hờn dỗi
Lời Mẹ tôi thường vỗ về tôi
Có tôi nhớ tiếng ông bà hàng xóm
Tiếng anh chiến sĩ, say rượu, cười vang
Có tôi nhớ tiếng bé đùa ngoài nắng
Tiếng êm ái, tiếng tôi gọi : Việt Nam !
Bài này gợi lại những âm thanh của thủ đô miền Nam. Bài Thương Nhớ Saigon soạn ngay sau đó gợi lại hình ảnh thành phố những ngày chưa bị thay tên :
Saigon ơi ! Tôi thương và tôi nhớ
Tôi nhớ Saigon, mà như nhớ người tình
Từng hàng cây lung linh, từng bóng mát
Tôi nhớ từng nhà, từng khu phố hiền lành
Từng buổi trưa đi trên đại lộ tươi sáng
Phố xá Saigon, rộn ràng mạch sống tưng bừng
Từng chiều êm yên vui về trong ngõ vắng
Gió mát Saigon mơn trớn tình nhân.
Những đêm không trăng, soi hồn vào ngọn hỏa châu
Sớm mai sôn sao, chim đậu cột đèn gọi nhau
Tháng năm trôi mau, giữa Saigon yêu
Kỷ niệm thật nhiều
Cùng nắng sớm với mưa chiều.
Saigon ơi ! Yêu tôi xin chờ tôi nhé
Tôi sẽ trở về để hôn những vỉa hè
Của Thành Đô, cao sang và say đắm
Chia sớt tủi hờn và xây đắp tình nồng
Saigon ơi ! Dù có thay tên
Mà người yêu còn nhớ không quên
Chẳng bao giờ quên !
Cùng một lòng thương nhớ Saigon, trong thời điểm này, một số lớn thi sĩ, nhạc sĩ ở trong và ngoài nước như Nguyễn Đình Toàn, Nam Lộc, Hoàng Thi Thơ, Song Ngọc v.v... cũng soạn ra những bài như Saigon Ôi Vĩnh Biệt, Saigon Niềm Nhớ Không Tên, Saigon Vĩnh Biệt Tình Ta, Saigon Bây Giờ Buồn Không Em, Saigon Của Tôi, Saigon Ôi Đã Hết...
Tôi đã có lúc băn khoăn tự hỏi : Tại sao lũ nghệ sĩ chúng tôi không khóc một nước Việt Nam mà lại chỉ khóc một thành đô ? Về sau tôi mới ngộ ra rằng đó là phản ứng của nhân dân Việt Nam trước việc thay tên Saigon bằng tên Thành Phố Hồ Chí Minh. Người ta có thể không đặt phần quan trọng vào việc thay đổi danh hiệu của chế độ dù người ta cũng đã nhạo báng cái tên xã hội chủ nghĩa bằng đủ mọi danh từ như xếp hàng cả ngày, xạo hết chỗ nói, xuống hố cả nút v.v... Nhưng đổi tên Saigon là Thành Phố Hồ Chí Minh là một sự áp đặt bất chính, trịch thượng của kẻ chiến thắng bằng bạo lực. Giới soạn nhạc ồ ạt phản đối bằng những bài hát kể trên.
Tị nạn ca của tôi còn là những bài như Dấu Chân Trên Tuyết, cái tên có lẽ là dư âm của bài Des Pas Sur La Neige của Debussy nhưng nội dung thì buồn lắm :
Dấu chân trên tuyết của một người lữ thứ
Như mồ chôn một quá khứ nặng nề
Dấu chân sâu đậm giữ nguyên niềm hờn tủi
Của một người xa nơi miền ấm, nắng vui.
Dấu chân be bé của mẹ già xứ nóng
Sao buồn hơn một vệt bước trong bùn ?
Dấu chân khô lạnh chứa muôn vàn khổ nhục
Của mẹ lìa con hay vợ lỡ xa chồng.
Đó còn là dấu chân tung toé của lũ trẻ thơ đùa rỡn... Nếu đó là dấu chân êm ái của vài lứa tình nhân, nó cũng không che lấp được nỗi sầu xa tổ quốc. Tất cả đều chỉ là dấu chân bạc phước của những người vắng quê hương...
Dấu chân trên tuyết của bao người xa xứ
Tan dần khi làn nắng ấm Xuân về
Nếu trên con đường đã mọc loài cỏ dại
Thì còn hằn in một vài dấu chân người
Thì còn trong tim ta, đậm dấu chân người.
Bài 1954 Cha Bỏ Quê - 1975 Con Bỏ Nước nói lên sự mất mát to lớn của hai thế hệ người Việt, khi cả đời cha lẫn đời con, trước kia và bây giờ, đều phải xa lánh chế độ độc tài, bỏ nhà, bỏ nước ra đi :
Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa
Chốn đã chôn rau, cắt rốn bao nhiêu đời
Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời
Một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi.
Một ngày năm bốn, cha bỏ Sơn Tây
Dắt díu con thơ, vô sống nơi Biên Hoà
Dù là xa đó cũng là quê nhà
Và miền nắng soi vui gia đình ta.
Một ngày bẩy lăm, con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ
Giờ cha lưu đầy, ở ngay trên đất ta
Và giờ con lưu đầy ở đây trên xứ lạ...
. . . . .
Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bẩy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương...
Bị ám ảnh bởi sự thay tên của Saigon, tôi có đoạn hát :
Một ngày bẩy lăm, con bỏ hết giang sơn
Hai mươi năm tình, yêu người, yêu cuộc sống
Giờ nơi nước mình, niềm đau thay nỗi vui
Saigon đã chết rồi, phải mang tên xác người.
Vẫn là một ước mong ''qui về một mối'' sau khi chịu cảnh tan tác chia ly :
Một ngày dĩ vãng, ôi gần, hay xa
Đất nước hai phen chứng kiến bao chia lià
Đời của cha, con : hai lần vẫy chào
Chào từ giã quê hương trong khổ đau.
Không phải lúc nào cũng mở miệng ra là nói mất nước, mất hết, trong bài 1954 Cha Bỏ Quê - 1975 Con Bỏ Nước này, tôi chỉ nói tới chuyện phải bỏ quê bỏ nước vì lý tưởng tự do, dân chủ. Tôi còn khẳng định không mất quê hương qua ca khúc Quê Hương Còn Đó. Và đó là niềm vui của chúng ta :
Ta không mất quê hương
Vì quê hương còn đó
Ta có xa cửa nhà
Là vì yêu đời tự do.
Quê hương giấu trong tim
Hồn mang thêm tổ quốc
Ta sống nơi lưu đầy
Lòng ta vẫn không đổi thay...
. . . . . . . . . .
Trong bài này, tôi nói tới lòng yêu nước của chúng ta không bao giờ đổi thay, còn được nuôi dưỡng thêm bằng Đức Tin :
Nam mô Quan Thế Âm
Từ bi ngôi bồ tát
Lạy Đức Mẹ Ma-ria
Hiền hòa cứu nguy đời ta.
Ta đi giữa đêm đen
Mà ta không lạc lối
Ta sống hơn mọi người
Vì lòng sáng ngời niềm Tin...
Tất cả những tị nạn ca vừa kể đều được soạn theo âm giai Tây Phương. Tôi trở về với ngũ cung qua bài Tình Nhân Loại Nghĩa Đồng Bào :
Trời cho anh được hơn muông thú
Sinh ra đời với kiếp con người
Trời cho anh bộ tim khối óc
Cho linh hồn, cho biết buồn vui.
Mẹ cho anh còn hơn thế nữa
Cho tấm lòng không thiếu không thừa
Niềm vui hay niềm đau thấp tho ng
Anh yêu người, giun dế còn thương.
Qua bài này, tôi nhắc nhở những ai đang trong cơn khủng khoảng tinh thần hãy nên nhớ tới Mẹ Việt Nam, cội nguồn của chúng ta và cũng là nguồn gốc của tình yêu và lòng tha thứ. Trong cơn thống khổ, nếu ta tìm tới yếu tố Trời, Phật để được cứu rỗi thì ta cần biết rằng yếu tố MẸ cũng rất là quan trông. Khi Phật cho em bàn tay măng búp, xoa cõi đời chan chứa đau buồn, lệ em rơi thập phương, muôn hướng... khi em nhìn thấy cõi trầm luân... thì Mẹ cho em nhìn thấy luôn cảnh đất nước hoang tàn. và Mẹ ru em lời ru tranh đấu cho dân mình ra thoát lầm than... Với những người đang cầm vận mệnh đất nước ở trong tay, và đang để cho nước nhà lâm vào cảnh nguy nàn, Mẹ mong sao cho họ có ngày biết rõ lỗi lầm, biết hối tiếc, biết khiêm tốn, biết đổi thay :
Người van lơn, lạy ơn Thiên Chúa.
Ban cho người Bác Ái, Khiêm Nhường
Tình yêu thương nở trên th nh gi
Xin mang tội thế giới gần xa.
Mẹ xin cho người cầm vận nước
Hối tiếc vì đã rõ lỗi lầm
Gục đầu đi, Mẹ cho khiêm tốn
Khiến giống nòi sẽ thoát lầm than.
Sau Trời, Phật là cuộc đời. Nếu cuộc đời cho ta bàn tay sắt đá, với bước chân dài đi khắp cõi đời, và nếu của thiên nhiên, của chung không chiếm, biết chia nhau thì chúng ta sẽ sống bình yên. Sau tấm lòng, cái nhìn, sự khiêm tốn, Mẹ còn cho ta :
... ngàn năm sử sách
Nước non mình bao lúc nguy nàn
Bàn tay ta cùng giơ tay nắm
Thương nhau nhiều nên có Việt Nam...
Phạm Duy
(1) Tôi rất mang ơn Ngọc Chánh vì anh là người tổ chức cuộc vượt biên và cho các con tôi đi theo. Qua tới Hoa Kỳ, Ngọc Chánh lăn xả vào nghề phát hành băng nhạc, rồi mở nhà in PERFECT PRINTING, nhà dancing RITZ... và cho tới bây giờ vẫn là người thành công độc nhất trong giới mở night club.