Chương 1
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5859
Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dài Việt Nam...
Dạ Hành
Saigon, ngày cuối cùng...
Không còn nghi ngờ gì nữa, vào đêm 28 tháng 4, 1975, cuộc ra đi của gia đình tôi cùng với những gia đình khác trong chuyến bay về hướng mặt trời mọc là một cuộc dạ hành dài. Bất cứ ai trong chuyến ra đi này cũng có thể nói rằng đây là đêm đen nhất, dài nhất của đời mình. Những phi vụ chở người tị nạn từ Saigon qua căn cứ không quân Clark ở Phi Luật Tân rồi lại bay ngay đi đảo Guam hay đảo Wake, đó là những chuyến bay đêm. Đúng ra, vì sự khác nhau của thời khắc ở những vùng cách nhau vài kinh tuyến, đêm phải ngắn chứ ? Vậy mà phi cơ bay hoài cũng chỉ gặp toàn đêm và đêm thôi. Mặt Trời đâu rồi ? Đêm hôm nay không phải là đêm 12 tiếng đồng hồ, thời gian thực tại của đêm ngắn đi vài ba tiếng nhưng thời gian tâm lý thì dường như kéo dài dằng dặc...
Về sau, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi có bạn bè đưa ra giả thuyết : các chuyến bay đêm của chúng tôi đều được dự tính từ trước. Những phi vụ chở người tị nạn Đông Dương vào Hoa Kỳ đều được tính toán để khi mặt trời lặn mới cất cánh hay hạ cánh. Đó là những chuyến bay kín đáo, không bay ngày mà chỉ bay đêm vì nhà chức trách sợ gây náo loạn trong dân chúng Mỹ, lúc đó vẫn còn bị ám ảnh nặng nề bởi hai chữ Việt Nam. Hơn nữa, để có thể chở được nhiều người hơn, có chuyến bay 300 ghế ngồi trong phi cơ được gỡ đi, ''hành khách'' -- trong đó có gia đình tôi -- phải dựa vào nhau, ngồi bệt trên sàn phi cơ (1). Người Mỹ sợ cảnh khổ tâm này có thể bị báo chí phanh phui rồi sẽ bị phê bình là đối sử tệ với người tị nạn chăng ?
Trong đêm dạ hành đầu tiên của cuộc đời mới này, ngũ giác quan trong tôi như bị tê liệt cho nên hôm nay tôi không có nhiều kỷ niệm của đêm đó để cho vào Hồi Ký. Trái với sự xao xuyến trong lòng của những chuyến xuất ngoại trước kia, tôi không có một cảm giác nào khi máy bay đáp xuống căn cứ Clark ở Phi Luật Tân. Trong đêm tối được chiếu sáng bởi những đèn mù của trại không quân, không một tiếng động nào lọt vào tai tôi, dù dân tị nạn đổ bộ ào ào từ những con khủng long bằng sắt đen ngòm và được tập trung thành đám đông, người nằm kẻ ngồi la liệt ngay trên sân bay, bên cạnh đống hành lý cao ngang đầu người.
Sau khi các chuyến bay đáp xuống đầy đủ, chúng tôi được đưa tới nơi làm thủ tục nhập cảnh ở ngay trong căn cứ này. Cùng vợ con loạng quạng bước đi trong một phi cảng đã từng là nơi xuất hành của những phi vụ B52, tôi sợ nhất là phải nhìn thấy những máy bay đã làm cho nhiều vùng Việt Nam trở thành hoang địa, gây cái chết thảm khốc cho dân chúng. Nhưng tôi chỉ thấy những nhà kho rộng lớn, tối mù và rỗng tuếch : các máy bay chiến lược đó đã được đem ra khỏi những nhà chứa phi cơ (hangar) rồi.
Những người Mỹ phụ trách cuộc di dân khổng lồ này dẫn chúng tôi tới nơi được dùng làm Sở Quan Thuế lưu động của Hoa Kỳ. Các nhân viên xét hành lý (hình như là quân nhân được xung công) ở nơi này rất vui vẻ, không như những nhân viên hách dịch (phần nhiều là người Mỹ gốc Phi) của Sở Di Trú chúng tôi gặp khi vào đất liền để làm thủ tục chuyển từ qui chế parole (tạm dung) qua resident (thường trú) hay lập hồ sơ thi vào Mỹ tịch.
Ai cũng biết nhập cảnh vào Hoa Kỳ là một điều rất khó, vậy mà trong đêm nay, người tị nạn chúng tôi đi vào đất Mỹ thật là dễ dàng. Xếp hàng dọc, vác hành lý đi vào một dẫy nhà tiền chế bằng tôn rất hẹp, vùn vụt đi qua một dẫy bàn, rồi vừa ra khỏi khu nhà tôn này là coi như đã làm xong một nửa thủ tục nhập cảnh rồi. Lúc đó, tôi chưa coi việc sẽ trở thành công dân nước Mỹ là một niềm vui vì tôi đang gặm nhấm một bất hạnh lớn là phải bỏ nước ra đi trong niềm tủi nhục.
Đã gặp bất hạnh lớn, tôi lại gặp luôn bất hạnh nhỏ : sau khi ra khỏi nơi làm quan thuế, kiểm soát lại hành lý, gia đình tôi mất một va li đựng quần áo ấm, rất cần thiết khi tới sinh sống ở xứ lạnh. Tuy vậy tôi vẫn cho rằng trong cái rủi cũng có cái may, chiếc va li thứ hai đựng nhiều kỷ vật vô giá như ảnh cũ, băng nhạc cũ v.v... nếu bị thất lạc chắc sẽ làm tôi đau khổ vô cùng.
Xong thủ tục quan thuế, gia đình tôi cùng mọi người ngồi chờ cho đủ số ''hành khách'' để leo lên những chiếc phi cơ lớn, bay tới đảo Guam, nơi địa đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Sau vài giờ bay đêm, chúng tôi tới đảo và được xe bus chở vào một trại lính mang tên Trại Anderson. Trại rất rộng, chứa được năm, sáu ngàn người là ít. Người tới trước được ở trong những chung cư bằng gỗ, người tới sau phải ở trong những lều lính. Ở trong nhà hay ở trong lều thì cũng chỉ vài ngày sau là được bốc vào lục địa Mỹ ngay, nhường chỗ cho những đợt người tị nạn sắp tới bằng những chiến hạm đang trôi trên biển cả. Ngoài trại Anderson ở Guam, Hoa Kỳ còn một trại lính nữa trên đảo Wake để đón người tị nạn. Trong đợt tị nạn vào tháng 4 năm 75 này, tổng số hơn 100.000 người đã đi qua các trại không quân tạm trú ở Guam và ở Wake.
Tới Guam ngày 29, ngày 30 là ngày đầu tiên tôi được nghỉ ngơi sau hơn 20 giờ đồng hồ không ngủ. Tại trại Anderson này, người tị nạn sống chung với nhau trên sàn gỗ của những chung cư hai tầng đã từng là phòng ngủ của lính không quân Mỹ. Giường ngủ được gỡ đi để có rộng chỗ cho chúng tôi ở tạm. Giang sơn của gia đình tôi là vài ba thước vuông trong một góc phòng. Cũng như nơi tôi nằm chơi trong bót Catinat ngày xửa ngày xưa, nơi tôi tạm trú bây giờ ở ngay cạnh phòng vệ sinh. Thế là tôi vẫn còn bị bất hạnh đuổi theo đấy nhé ! May mà cầu tiêu của lính Mỹ không hôi thối như cầu tiêu của tù trong bót Catinat. Trong phòng có vài chục gia đình đông con và vài chục người độc thân, chia nhau chỗ nằm trên sàn gỗ. Lạ lùng thật ! Cùng chung sống với nhau trong dăm bẩy ngày mà không xẩy ra một vụ cãi lộn nào cả ! Dù cũng có một anh thanh niên tóc ngắn được cử làm trưởng ban quét rác ra vẻ lộng quyền khiến cho Thái Hiền ghét ra mặt, con gái tôi xưa nay không quen bị ai sai bảo cả...
Trước mặt gia đình tôi là gia đình người vợ goá của một người bạn thời 1944-45, Đỗ Bá Phúc, thất lộc từ lâu. Phúc là cựu sinh viên trường Mỹ Thuật, khi lấy vợ thì không làm điêu khắc gia mà trở thành chủ nhân của một tiệm mua bán kim cương ở đường Tự Do, nơi đây tôi và Tôn Thất Niệm (lúc còn là sinh viên) thường gặp nhau để ca hát. Chị Phúc và tôi chỉ gật đầu chào nhau bởi vì từ ngày bạn Phúc qua đời, tôi không còn gặp chị nữa. Tôi còn gặp trong phòng này vài ba người quen khác nhưng chúng tôi đều tránh không nhìn thẳng mặt nhau.
Ngày hôm nay cũng là ngày Saigon vừa được Bắc quân gọi là giải phóng. Giờ lịch sử đã điểm. Một ông nằm cạnh tôi đang dò đài Saigon với cái máy radio nhỏ tí. Mọi người trong phòng lặng lẽ kéo tới, khi nghe thấy có chương trình phát thanh về cuộc thắng của Bắc quân và cái thua của Cộng Hoà Việt Nam. Tôi cảm thấy buồn bã vô cùng ! Chẳng nhẽ nằm đó và bịt tai lại, tôi vùng dậy, xuống thang ra khỏi chung cư.
Bây giờ tôi mới ý thức rằng Guam là một hòn đảo. Tôi lững thững bước ra bãi biển. Đứng trước cảnh trùng dương bát ngát, lòng tôi rất im lặng, dửng dưng. Tôi thấy tôi không còn một chút rung động nào nữa trước cảnh biển cả mông mênh như những ngày trước đây. Tôi không còn là tôi nữa rồi ! Quay lưng lại biển, tôi lặng lẽ bước về chung cư.
Đi qua phòng thông tin của trại, bỗng nghe từ các loa lớn phóng ra tiếng nói của một nữ xướng ngôn viên:
--Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Cộng Hoà buông súng đầu hàng...
Một rừng người tị nạn đang ồn ào trên sân cỏ, bỗng dưng không ai bảo ai, tất cả ngưng hoạt động, đứng im để nghe tiếng nói của nữ xướng ngôn viên Kim Vui. Cô này là ca sĩ, bỏ nghề hát từ lâu để theo chồng qua Mỹ, nay làm việc cho ban phát thanh của trại tị nạn khi trại được thành lập từ đầu tháng Tư. Nhiều người quen biết như Lê Quỳnh, Lâm Quang... cũng xung phong làm việc trong văn phòng.
Kim Vui
Trong suốt tháng Tư này, kẻ trước người sau bỏ nước ra đi nhưng Saigon và vùng Hậu Giang hãy còn, nay nghe tin Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản, mặt ai cũng xa xầm, mắt ai cũng rớm lệ, đầu ai cũng cúi gằm. Khi cô Kim Vui đọc xong bản tin và bản thông cáo, mọi người lủi thủi bước đi trong sự lặng lẽ tột độ. Người mình xưa nay vốn rất ồn ào vì thích nói nhiều, nói to. Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh lạ lùng là một đám rất đông người Việt đi đi lại lại mà không có một tiếng động nào cả. Trông chẳng khác chi những bóng ma trong một khúc dạ hành...
Tôi lại càng buồn rầu hơn nữa, rảo bước về chung cư, ngồi bệt xuống sàn gỗ. Mọi người vẫn quây quanh cái radio để nghe những tin tức liên quan tới ngày Bắc Quân tiến vào Saigon. Trong radio bỗng có tiếng Trịnh Công Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn với giọng hát thất thanh và với tiếng đệm đàn guitare (rất là sai dây). Tôi chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình, nếu bị kẹt lại... Liệu mình có phải hành động như thế không ? Chưa kịp nghe hết bài hát, chủ nhân cái radio chửi thề rồi tắt máy, mọi người giải tán trong ngao ngán.
Nghe tin Saigon đã mất, nhưng tôi vẫn hi vọng bốn con trai Quang, Minh, Hùng, Cường có thể đi thoát vào giờ phút cuối cùng. Chúng xưa nay là những thanh niên khá nhanh nhẹn. Chúng cũng đã có anh chàng CIA Ed Jones đảm trách việc ra đi rồi mà ! Hơn nữa, vào ngày 28 vừa qua, khi nửa gia đình tôi và vợ Minh Phúc là ca sĩ Minh Xuân (2) tới điạ điểm bốc người đi Mỹ ở đường Kỳ Đồng, vợ con của Lê Quý Biên (người mua lại căn nhà của tôi rồi trở thành quen biết) cũng được tôi cho đi theo và cũng được Mỹ bốc đi dù không có tên trong giấy giới thiệu của Sứ Quán Mỹ. Trước khi đi, vì đã -- coi như -- giúp đường đi trốn cho người thân của Biên và Minh Phúc, tôi dặn dò họ phải gánh vác việc ra đi của các con tôi. Cho chúng biết là đừng nên quá trông cậy vào Ed Jones. Bây giờ trong số gần một chục vạn người đang lục tục kéo vào đảo Guam hay đảo Wake trên những chuyến bay cuối cùng và trên những chiến hạm, tôi hi vọng các con tôi cũng có mặt trong đám đông đó cùng với Lê Quý Biên và Minh Phúc.
Người tị nạn tới Guam càng ngày càng đông. Mỗi khi có xe bus chở người từ phi cảng tới trại, ai cũng đổ xô ra cổng tìm người thân thích. — trong trại, đi tìm thân nhân trong số năm, sáu ngàn người thật là khó. Chúng tôi gặp Mai Hương, nữ ca sĩ và là cháu ruột vợ tôi, cùng chồng con xếp hàng đi ăn cơm. Chúng tôi cũng chỉ ngán ngẫm nhìn nhau và nói với nhau vài ba câu thăm hỏi. Khi được biết văn phòng ban giám đốc trại cho phép người tị nạn gọi nhau qua hệ thống loa, tôi tìm đến cô Kim Vui, nhờ cô ta phóng thanh lời vợ chồng tôi gọi các con. Trong những lời nhắn gọi thân nhân của hàng ngàn người khác, tôi nghe tiếng Lê Quỳnh gọi tên Thái Thanh và tên các con. Như vậy là Thái Thanh chưa đi thoát. Tuy đang sốt ruột vì các con, vợ chồng tôi cũng thấy lo lắng cho số phận cô em.
Tới ngày mùng 2 tháng 5, tôi xuống văn phòng để lục coi bảng danh sách người tị nạn luôn luôn được cập nhật hoá thì thấy tên Minh Phúc.
--Trời ơi, nó đã tới được đảo Wake rồi...
Tôi vội vàng xin phép nhân viên văn phòng cho tôi gọi phone cho Minh Phúc. Khi có Phúc ở đầu giây, tôi rụng rời tay chân ! Vào giờ phút cuối cùng của Saigon, sau khi bị Ed Jones bỏ rơi, bốn con tôi cùng Minh Phúc chạy tới Toà Đại Sứ Mỹ nhưng chỉ có một mình Minh Phúc lọt qua hàng rào lính Mỹ và được bốc đi.
Tôi ôm mặt chạy về chung cư. Chữ nghĩa trên thế gian này không đủ để diễn tả một phần nghìn nỗi đau của những người lâm vào hoàn cảnh như tôi, hôm nay. Tôi lao mình vào giường ngủ, gục mặt vào đống chăn, khóc rống như chưa bao giờ khóc như vậy. Không cần đối thoại, vợ tôi biết các con bị kẹt lại rồi. Dù cũng buồn khổ như tôi, nhưng vợ tôi vốn là người kín đáo, ít khi biểu lộ tình cảm một cách mạnh mẽ như tôi. Tôi vẫn cho rằng trong những năm tháng buồn rầu vì xa bốn đứa con, tôi không ngã quị xuống vì không bao giờ vợ tôi làm tăng thống khổ của tôi lên. Đúng thế, trong những năm xa con, nếu người mẹ này suốt ngày ngồi khóc thầm, oán trời, oán đất, oán chồng thì tôi phải chết từ lâu.
Như kẻ đang sắp chết đuối cố níu vào mảnh gỗ mục, khi tới phiên gia đình tôi phải vào lục địa, tôi xin với ban giám đốc trại Anderson cho tôi ở Guam thêm ít ngày nữa. Tôi vẫn nuôi hi vọng các con tôi tìm ra lối đi, khi nghe tin đồng bào vẫn tiếp tục ra khơi sau ngày mất Saigon vì Cộng Sản chưa nắm hết được các cửa khẩu. Trại Anderson cần chỗ cho những đợt người đang tới, gia đình tôi được cho ra ở Hotel Tokyo nằm trong thành phố. Hơn một chục gia đình đã ở trong hotel này, trong đó có gia đình bà thông gia và vài người quen. Dù trong hotel có nhiều tiện nghi như hồ tắm, tivi, phòng bida... nhưng chỉ có các con nhỏ của tôi vô tư tung tăng chạy lui chạy tới cùng lũ trẻ khác. Hơn một tuần lễ, tôi ngồi ủ rũ hay nằm vật vã ở trong phòng, vợ con lĩnh thực phẩm về, nhưng tôi ăn không thấy ngon, rồi tôi ngủ không thấy yên. Tôi nằm im một chỗ như một kẻ đã gục ngã và không còn sức để ngóc đầu lên nữa. Thấy tôi buồn rầu, vài người quen lân la tới nói chuyện. Họ cũng đang ở trong tình trạng đi tìm hay chờ đợi người thân thích như tôi. Ai cũng đem chuyện số phận ra để an ủi nhau. Kể cho nhau nghe những chuyện may rủi:
-- Một gia đình kia vào được Tân Sơn Nhất, đã ngồi trên hàng ghế đợi chuyến bay rồi nhưng vào lúc cuối cùng hai con nhỏ ngồi hàng ghế trên được bốc đi, cha mẹ ngồi hàng ghế sau bị kẹt lại...
-- Một gia đình nọ biết tin có chuyến tầu đang sửa soạn nhổ neo. Các con đi chơi vắng, cha mẹ đành ôm hai bị quần áo chạy ra bến tầu. Bỗng dưng các con cũng từ đâu chạy tới, cùng xuống tầu với cha mẹ...
-- Một bà đang bán bánh giò trong chiếc tầu đóng neo ở Khánh Hội, chưa kịp lên bến trở về nhà thì tầu ra sông và ra biển luôn, bà ta trở thành người di tản bất đắc dĩ...
Nhưng than ôi, những chuyện vừa kể, đi kèm với lời bàn về thuyết định mạng :
-- Con người ta, giầu hay nghèo, thành công hay thất bại là có số cả đấy, ông à !
... không đủ vực tôi lên từ một chán nản vô biên, kéo tôi ra từ một thất vọng cùng cực. Kể cả vợ tôi cũng an ủi chồng (và tự an ủi mình) :
-- Năm nay là năm xung của em, 49 chưa qua 53 đã tới, phải có các con gánh hộ đại hạn cho mình.
Kể từ lúc bỏ nhà ra đi và biết đủ mùi đời, tới bây giờ tôi mới biết rõ mùi đắng cay, xót xa, chua chát, não nề. Quá nửa đời mình, cũng như mọi người mà thôi, tôi đã gặp ít nhiều đen đủi, mất mát. Trong chuyến ra đi bất hạnh này (mất nước là một bất hạnh có thể chia sẻ với mọi người), tôi gặp thêm hai cái sui sẻo như mất va ly và nằm cạnh cái chồ. Tôi thừa sức để chịu đựng những chuyện đó vì vào lúc Bắc Quân tấn công Saigon, tôi tưởng bị kẹt lại rồi, một là bị sát hại, hai là đi tù mọt gông, ba là trở thành kẻ hàng thần lơ láo thì, a ha, tôi đã tới đảo Guam, tôi đã chạy thoát...
Nhưng với sự kẹt lại của bốn đứa con, tôi không chống cự nổi một đại nạn đang giáng xuống đầu tôi. Bất hạnh này, tôi không thể chia sẻ với ai, ngoài vợ. Tôi chôn ngay tôi vào ý nghĩ đau đớn là sẽ không bao giờ gặp lại các con. Tôi dìm tôi vào ân hận day dứt là tại sao không dắt các con cùng đi với mình vào ngày 28 ? Tôi đẩy tôi vào căm giận buồn phiền Minh Phúc và Lê Quý Biên tôi cậy nhờ giúp các con tôi ra khỏi Saigon. Tôi sẽ phải mất một thời gian khá lâu rồi những thống khổ này mới nguôi ngoai dần. Sự thống khổ vào lúc này còn giầy vò tôi đến độ tôi muốn trở về Việt Nam ngay lập tức. Hay là nhẩy ngay xuống biển tự tử cho rồi...
... Cho tới lúc tôi chợt tỉnh ngộ, nhìn ra người vợ hiền lành và biết chịu đựng, suốt đời trông cậy vào tôi, nhìn ra mấy đứa con thơ dại với tương lai có thể sáng sủa của chúng, tôi nghiến răng lại, quyết định xua bỏ những ý nghĩ tiêu cực đi. Tôi sẽ vào đất liền ngay. Bàn với vợ con, rồi tôi lên văn phòng xin đi tạm cư ở trại Eglin nằm trong tiểu bang Florida.
Để có nơi tạm trú cho hơn 100,000 người tị nạn Đông Dương, Hoa Kỳ thiết lập bốn trại, tất cả đều là trại lính : Trại Pendleton ở miền cực Tây (California), trại Fort Chaffee ở miền trung bộ (Arkansas) hai trại Indiantown Gap và Eglin ở miền cực Đông (Pennsylvania, Florida).
Tôi chọn đi trại Eglin vì tôi muốn ở một nơi nào càng xa quê hương bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Gia đình bà thông gia, vợ chồng Minh Phúc, Minh Xuân, vì chưa biết mặt ngang mũi dọc của nước Hoa Kỳ này ra sao, thấy tôi chọn đi trại Eglin thì cũng đi theo tôi luôn.
Ngày 15 tháng 5, cùng với một số đông đồng bào tị nạn, gia đình tôi rời trại Anderson ở đảo Guam, leo lên phi cơ bay về hướng Đông. Chúng tôi lại như là bay đi tìm kiếm mặt trời.
Phạm Duy
(1) Đó không phải là tình trạng chung. Có nhiều người tị nạn tốt số hơn chúng tôi, khi bay vào đất Mỹ, được ngồi bảnh choẹ trong những phi cơ thương mại lộng lẫy.
(2) Đêm 28-4, khi người bạn ở Sứ Quán Mỹ gọi phone để cứu nguy cho tôi thì vợ chồng Minh Phúc đang ở nhà tôi. Tôi chỉ được phép ghi tên đàn bà, con nít, người già và ghi luôn tên Minh Xuân vào danh sách.