Chương 21
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3397
A ha ! Ta tuy hai mà một
A ha ! Ta tuy một mà hai...
Đạo Ca Một - PHÁP THÂN
Nhưng sự công phẫn của mọi người qua những bài ca muộn phiền hay phẫn nộ và đi thêm một bước nữa là văng tục (như tôi) cũng không thể kéo dài. Thứ nhất : không thể đổ thêm dầu vào lửa, Thứ hai : tâm lý chung của người Việt Nam là họ tìm thấy sự cao qúy khi chẳng may trở thành nạn nhân. Là nạn nhân của thằng ăn cướp hay của một chế độ hà hiếp hoặc của một hoàn cảnh khó khăn thì mặc dù mình đáng thương hại, nhưng mặt khác mình thấy mình cao qúy hơn cái thằng đàn áp mình.
Có thể nói đó là một thứ triết lý nhẫn nhục, nhưng thực sự khi nạn nhân chịu đựng thời gian đau khổ của mình một cách chững chạc thì họ có cái lớn lao của họ. Và chính ở trong thái độ đó mà họ đi ra khỏi phẫn nộ, đi ra khỏi văng tục để đạt tới một thế quân bình mới. Nhưng khi có thế quân bình mới rồi thì lần này người ta không còn ngây thơ nữa. Không còn tin là phải ngồi lại với nhau, lấy lòng ra giải quyết vấn đề chung. Người ta biết tấm lòng cũng không đủ nữa rồi. Bây giờ phải thăng hoa sự đau khổ lên, phải đánh động tiềm thức chứ không thể đánh vào lý trí của cái lũ đang đàn áp mình. Bây giờ phải đánh vào chỗ cao cả nhất của tất cả các đối phương, nếu không đạt được mục đích cũng để cho lịch sử phán xét.
Đạo Ca ra đời vào cuối năm 1971. Lúc đó cũng không phải chỉ có tôi đi từ phẫn nộ, nói đùa, văng tục để rồi tiến lên đạo ca. Còn có những người khác như Chu Tử và nhóm CON ONG trong báo chí, như Nguyễn Đức Sơn biệt hiệu Sao Trên Rừng trong thi ca, đó là chưa kể người đã thoát tục để lên được cõi tiên như Bùi Giáng.
Trước vụ Tết Mậu Thân tức cuối 1966-67, người ta thường hay dùng tiếng Mỹ (trí thức for rent) hay nói lái (trí thức chồn lùi) để sỉ vả những người theo thời, đánh mất tinh thần kẻ sĩ. Nó đi từ diễu cợt tới lố lăng hoá cuộc đời, nói theo Võ Phiến là với thái độ trâng tráo (cynique). Rồi sau cùng người ta cũng phải thăng hoa, phải vượt qua tất cả những dung tục đó. Trước hết, người ta tưởng giải pháp nằm trong quá khứ, trong lịch sử, cho nên ai cũng chạy đi tìm hiểu thời Lý, thời Trần, thời tam giáo đồng nguyên. Nhưng người ta lại thấy tinh thần tồn cổ, trở về với giá trị cũ cũng không đúng. Giải pháp có thể là đem cái mới toanh vào không ? Cũng không được, vì hoặc nó là siêu-vật-chất, là quá bạo động, hoặc mình không làm chủ được tình hình.
Vậy chỉ còn có cách trở về với con người mà mình kiểm soát được tức là con người Việt Nam rất dung hoà, không có khía cạnh gì quá đáng, không chờ đợi cái gì lớn lao cả ! Nghĩa là bây giờ người ta muốn khai mở nội tâm. Cũng trở về nguồn, về với cây nhà lá vườn, nhưng cũng không dựa trên một mẫu số nào nhỏ hẹp của cánh này, cánh kia. Một tổng hợp nho nhỏ của một thời đó. Cơ sở văn nghệ hoặc tập san đều chọn những tên thấm nhuần tinh thần về nguồn : AN TIÊM, CA DAO, GIỮ THƠM QUÊ MẸ... Trong văn có Lý Chánh Trung với cuốn Tìm Về Dân Tộc, có Người Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sĩ... Trong nhạc có nhóm TIÊN RỒNG, nhóm NGUỒN SỐNG và có tôi với nhạc tập DÂN CA và cuốn BIÊN KHẢO VỀ DÂN NHAC.
Về nguồn, rồi khi vào Đạo Ca, tôi muốn thăng hoa mọi thứ lên. Lúc đó cũng có nhiều người muốn làm như tôi, ví dụ người thi sĩ tôi cộng tác để làm đạo ca là Phạm Thiên Thư.
Với Phạm Thiên Thư - Saigon 2000
Anh là một nhà sư trẻ (đạo danh Tuệ Không), có một đàm trường -- kiểu đàm trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh -- để bạn bè tới nói chuyện văn nghệ. Tất cả đều rất trẻ nhưng cung cách của họ giống như các ông cụ non. Tuy nhiên khi đàm luận với nhau, họ không có gì là lúng túng hết. Họ rất ung dung và họ cũng rất già giặn trong tâm hồn, bởi vì họ già trước tuổi. Khi phải sống dưới biết bao nhiêu đe dọa (đi lính chẳng hạn), cũng như trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, họ chỉ còn có cách trốn vào một đàm trường, vào một cái vỏ trong đó họ có thể ung dung ngồi nói chuyện thi phú, nói chuyện tư tưởng, những chuyện nhẹ nhàng bên trong với nhau, không lý gì đến chuyện bên ngoài và không cần phải ai biết đến họ.
Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư -- mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây -- là nhờ Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, anh Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm anh tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay. Sau đó chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Lúc bấy giờ tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học trò như Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi... Đọc được bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị mà anh bạn trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay :
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giầy lặng lẽ đường quê...
Khi đưa thêm thơ cho tôi phổ nhạc thì tôi chọn bài Em Lễ Chùa Này vì cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi, lúc còn nhỏ, tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới tự tình :
Đầu mùa Xuân cùng nhau đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng mầu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp...
Mùa Hạ cùng em đi lễ... Rồi mùa Thu, mùa Đông vẫn cùng em đi lễ, bốn mùa hẹn nhau vào ngôi chùa cổ, có lò hương với làn trầm nghi ngút. Nhưng vào lúc tàn Đông, em yêu chết, anh tiễn đưa em trong áo quan này :
Vườn chùa đây vào nằm trong đất
Nép bên hoa đây những hoa vàng
Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm
Bướm quơ râu, ngơ ngác bay ngang...
. . . . . . .
Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em ngày tháng qua mau
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi, mây đã qua cầu...
Từ đó, tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư như tập thơ Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Đối với tôi lúc đó, hình ảnh Thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có hai đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng. Để làm gì ? Không phải chỉ để nhớ nhau mà để ẩn náu vậy. Lúc đó tôi tự coi mình cũng là một kẻ từ quan tìm được một nơi ẩn náu là cõi thơ Phạm Thiên Thư.
Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Tôi muốn thử đi vào ĐẠO với một tu sĩ mà cái uyên thâm về đạo giáo chắc chắn phải hơn tôi rất xa. Trước hết tôi đề nghị với anh bạn nên soạn lại kinh Phật -- ví dụ KINH KIM CƯƠNG -- với lời tụng là thơ Việt, để tôi phổ thành bài tụng kinh, khác với lối tụng kinh theo tiếng Phạn hay tiếng Hán. Lúc còn bé, tôi cũng thuộc vài câu kinh rồi, nhưng chẳng bao giờ tôi hiểu ý nghĩa của lời kinh. Việc thi hoá Kinh Phật chưa thành nhưng qua một bài thơ ngắn, Phạm Thiên Thư giúp tôi một con đường đi vào đạo ca, nếu chưa phải là đi vào ĐẠO SỐNG.
Vào lúc cuộc sống Việt Nam trở nên quá hãi hùng, quá tầm hiểu biết và tin tưởng của tôi, cũng như mọi người, tôi không biết sự thật ở đâu thì bài thơ Pháp Thân giúp tôi thấy được một sự thật trong đời là thuyết nhất nguyên
Xưa em là kiếp chim
Chết mục trên con đường nhỏ
Anh là cội băng mai
Để tang em chờ mấy thuở...
Lập tức tôi đề nghị Phạm Thiên Thư cùng tôi soạn 10 bài hát giống như 10 bước đi của Thiền đã được thể hiện qua 10 bức tranh không trâu, có trâu, dắt trâu, mất trâu mà người học về Thiền đã biết. Chúng tôi đưa ra danh từ đạo ca, chữ ''đạo'' không có nghĩa tôn giáo mà là con đường. Con đường dẫn người nghe đi tìm sự thật. Cho tới lúc này, 1972, tôi chưa hề sản xuất băng nhạc. Tôi nổi hứng khởi sự nghề này với băng ĐAO CA do Thái Thanh hát với phần hoà âm phối khí của Hồ Đăng Tín. Trong băng có lời giới thiệu từng bài :
Đạo Ca Một Pháp Thân khởi đầu cuộc đi tìm chân lý. Vũ trụ được hiện bày như một toàn thể sinh hoá, một tương duyên mật thiết không còn vực bờ hữu hạn, xoá bỏ tất cả ý thức về ngã và phi-ngã, xoá bỏ mọi dấu chân đi tìm ngoại vật. Một là tất cả, tất cả là một. Tôi thích những câu :
Xưa em làm kiếp ao, ưu tư mùa cuối Hạ.
Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng.
Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng...
Đạo Ca Hai Đại Nguyện đi từ quan điểm toàn thể trên, dẫn đến một tâm linh bao la, diệu vợi. Đó là lòng từ bi, là ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình : Thương người như thể thương thân (Gia Huấn Ca).
Đạo Ca Ba Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng hay là Ảo Hoá, đưa ra hình ảnh một dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Đi hết năm tháng, đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào sờn rách, ngựa vàng đổi lông mà vẫn không tìm ra người yêu lý tưởng. Thế rồi một ngày kia, dũng sĩ dừng chân xuống ngựa trên cầu, ngựa vàng bỗng hoá thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra, đã từ lâu, dũng sĩ ngồi lên sự thật mà không biết ! Bài hát rất dài, có tới bẩy đoạn. Đoạn hay nhất là đoạn con ngựa hoá thân là người yêu muôn thuở :
Mùa Đông rồi tới, hoa bay trước đời.
Rừng mai nở mãi, trông như nét cười của ai... ai ơi !
Ngoài sông gầm gió, trên sông bắc cầu,
Cùng con ngựa quý, qua sông lúc nào
Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu...
Đạo Ca Bốn mang tên Quán Thế Âm hay là Hoá Thân. Bài này biểu tượng cá nhân bước vào đại thể. Người mẹ đi tìm con với niềm đau khổ riêng của mình đã nghe thấy tiếng khổ chung của nhân loại :
Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng,
Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng,
Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím,
Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang...
Đạo Ca Năm Một Cành Mai, sự vượt thắng mối lo sợ về sự chết. Vì sinh tử chỉ là sự đắp đổi, thăng hoa trong một miên viễn là cuộc đời. Bài này còn muốn tưởng niệm nữ sinh viên Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho hoà bình :
Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời.
Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai.
Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người
Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui...
Đạo Ca Sáu Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu muốn nói về hiện thể tạo hoá của Mẹ khiến cho đứa con có một nền tảng tâm linh, hiền hoà giữa tạo vật, nhân sinh không còn là tù ngục giữa con người :
Ru con bằng vòng tay ấm, cho con yêu tiếng dịu dàng.
Ru con bằng bầu sữa nóng, cho con ơn mãi tình nồng.
Ru con bằng bài ca ngắn, cho con mến Nhạc và Thơ.
Ru con còn nhờ mây gió, tim con chẳng có vực bờ...
Đạo Ca Bẩy Qua Suối Mây Hồng hay là Vô Ngôn diễn tả cuộc chiến tranh thầm lặng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, tranh nhau trái tim Mỵ Nương tượng trưng cho ý thức sáng tạo. Sơn Tinh, sự vắng lặng của ý niệm ngôn ngữ, cùng người đẹp biến vào Đại Thể, còn lưu lại trên đỉnh núi cuốn thiên thư không chữ và cây sáo thần không lỗ, thúc giục loài người vượt thoát ý niệm ngôn ngữ để thể nhập vào cõi uyên. Bài này cũng rất dài, có tới chín đoạn. Đoạn chiến tranh giữa Sơn Tinh, Thủy Tinh :
Thề quyết không một trời
Thủy Vương vùng kiếm thét :
'' Trả đoá hoa hồng ngời ! ''
Thủy Vương vùng kiếm thét.
Nhưng trên ngọn đỉnh núi
Chẳng được ai trả lời
Thủy Vương căm giận điếng
Xua quan quân thẳng tiến !
Đạo Ca Tám Giọt Chuông Cam Lộ là bình minh của tâm thức trong ba động của tiếng chuông chùa. Tiếng đại hồng như giọt nước làm tràn mạch suối tâm linh, với hình ảnh Thiền Sư Vạn Hạnh chống gậy trúc xuống núi, cưu mang cả mùa Đông trong lòng tay ngọc :
Bóng đêm qua rồi ! Bóng đêm qua rồi !
Tiếng chuông vang hồi ! Tiếng chuông vang hồi !
Thấy trong nhân loại tiếng chuông vang hồi,
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi.
. . . . .
Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường.
Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời.
Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời.
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...
Đạo Ca Chín Chắp Tay Hoa hay là Quy Y, diễn tả thái độ cung kính yêu thương vạn vật quanh ta vì tất cả đều hiện bày một bản thể mầu nhiệm như nhau. Bài này xô đổ mọi nấc thang giá trị :
Chắp tay lạy Người, xin cho nụ cười.
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi.
Chắp tay lạy Đất, cho mầm cây tươi.
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời.
Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi !
Đạo Ca Mười, tiểu đề Tâm Xuân, là con đường trở về thiên nhiên, gia đình, xã hội và siêu nhiên khiến cho cá nhân được quân bình giữa cảm xúc, trí thức và hành động. Đó là nền đạo lý tổng hợp tối diệu ba nguồn tư tưởng Phật-Lão-Khổng của Việt tộc. Mùa hồi sinh của tạo vật cũng là sự bừng sống mãnh liệt của tâm tư.
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Không ?
Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội !
Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông...
Thực hiện xong cuốn băng ĐAO CA vào năm 1972, tôi có hai điều buồn. Thứ nhất : là một người không giỏi về thương nghiệp, bước vào nghề sản xuất băng nhạc mà không chịu nghiên cứu thị trường, tung ra một cuốn băng cao hơn trình độ thẩm mỹ của người bình dân thì bị lỗ vốn là cái chắc. Đã tự thề nguyền là chẳng bao giờ ngu si dại dột như thế nữa, vậy mà vào cuối đời mình, lại cả gan bỏ tiền ra thực hiện cuốn băng 10 BÀI RONG CA...
Điều buồn thứ hai : băng ĐAO CA được thực hiện xong thì người bạn tâm tình của tôi là Nguyễn Đức Quỳnh không được nghe. Anh lìa đời vào ngày 21 tháng 6 năm 1972 sau khi hai người bạn bác sĩ giỏi nhất Việt Nam không chữa nổi bệnh ung thư ruột của anh. Mất hai người bạn hơn tuổi mình là Nguyễn Sơn và Nguyễn Đức Quỳnh, từ nay trở đi tôi không còn có ai để mà học hỏi nữa. Chỉ cần nhắc lại một câu lo lắng của anh Quỳnh khi nghe tin Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập. Nghe anh nói : -- Không khéo thì lại chết thêm vài triệu người nữa... là tôi học được cái nhìn xa nhìn rộng của Nguyễn Đức Quỳnh.
Nguyễn Đức Quỳnh
Qua cuộc đời của anh, tôi thấy làm kẻ sĩ trong thời đại của chúng tôi, thật là khó ! Tài hoa và thông thái trên mọi lãnh vực như anh Quỳnh, đi vào môi trường văn hoá và chính trị miền Nam với tất cả thiện chí, thấy trước được sự thất bại của Đệ Tam Quốc Tế nên muốn cùng mọi người đi vào văn hoá tổng hợp với nòng cốt là kẻ sĩ, thế mà chỉ được tiếng là phù thủy văn nghệ mà thôi... Cộng Sản coi trí thức không bằng cục phân, còn quốc gia thì chỉ biết dùng bồi bếp. Kẻ sĩ như Nguyễn Đức Quỳnh trước khi chết, dặn con cái phải treo trên xe tang một biểu ngữ : Làm người Việt Nam là một khốn khó. Làm kẻ sĩ còn là một khốn khổ hơn !
Trong đời sống tan vỡ ra trăm ngàn mảnh, hôm nay, tại xứ lạ quê người, một lần nữa, tôi khóc thêm Nguyễn Đức Quỳnh bút danh Hà Việt Phương, Đặng Tâm Thành, Ngô Đồng Thanh, Hoài Đồng Vọng... một người suốt đời thành tâm muốn đồng thanh, đồng vọng với tất cả mọi người, rồi đã khuất bóng từ hai mươi năm nay mà sự tương ứng, tương cầu chưa hề xẩy ra giữa người Việt Nam ở bất cứ nơi nào, dù là người ở trong nước hay ở ngoài nước.
Phạm Duy