Chương 17
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3888
...Không biết rồi ai sẽ cứu ai ?
BÀ MẸ PHÙ SA
1968, thời tâm phẫn ca
Trước Tết Mậu Thân, tôi theo Tạ Tỵ ra Huế hát cho một vài đơn vị Quân Đội Cộng Hoà nghe. Không ngờ được tặng hai bài thơ rất dữ dội, tiên đoán một đại thảm kịch sẽ xẩy ra ở đất Thần Kinh này. Gặp Nguyễn Đắc Xuân, người góp ý với tôi trong tâm ca Để Lại Cho Em ngày nào, bây giờ tặng tôi một bài thơ để tôi phóng tác thành một bài ca chua chát nhan đề Nhân Danh :
Vì giữ mình tôi phải giết một người !
Vì gia đình tôi phải giết mười người !
Vì xóm làng tôi phải giết ngàn người !
Vì giống nòi tôi phải giết vạn người !
Vì lý tưởng tôi phải giết triệu người !
Vì nhân loại tôi phải giết trọn loài người.
Xin nhân danh đường lối hoà bình, giết luôn tôi !
Khi hát bài này trước khán giả và được vỗ tay khen ngợi thì tôi nói : Quý vị không nên vỗ tay khen ngợi kẻ sát nhân, đã nhân danh mọi điều tốt đẹp để giết hết mọi người, rồi tự giết mình luôn. Nhưng vì quý vị hoan nghênh nên tôi xin được hát lại bài này và xin thay thế tất cả những chữ giết bằng chữ cứu :
Vì giữ mình tôi phải cứu, phải cứu
Cứu một người, cứu một người
Xin nhân danh ngồi dưới mặt trời
Vì giữ mình tôi phải cứu một người
Vì gia đình tôi phải cứu, phải cứu
Cứu mười người, cứu mười người
Xin nhân danh hạnh phúc lạc loài
Vì gia đình tôi phải cứu mười người...v.v.
Cũng ở Huế, thi sĩ trẻ Thái Luân có bài thơ nhan đề Bi Hài Kịch, tôi thấy hay quá và xin phổ nhạc :
Đạo diễn đưa tay lên
Đạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch mở màn
Bi hài kịch khai trương
Diễn viên quay súng bắn
Diễn viên gục đầu đường
Máu chẩy vệt loang loang
Máu chẩy vào quê hương
Quê hương là ruộng đồng
Quê hương là mưa nắng
Quê hương là khoai sắn
Quê hương là cơm ngon...
Vở bi hài kịch Việt Nam trong bài thơ dù đổi màn, thay phông nhưng diễn viên vẫn là hai kẻ nguyền rủa nhau, hành hạ nhau, chém giết nhau. Cuối cùng khi vở bi hài kịch bỏ màn (nhưng ai cũng cảm thấy vở đó chưa xong) thì tất cả diễn viên, đạo diễn và khán giả cũng đều buồn như nhau :
Diễn viên rơi nước mắt
Đạo diễn khóc hay cười
Khán giả thì bưng môi
Khán giả thì im hơi
Ôi bi kịch còn dài
Trong hay ngoài sân khấu
Bên trên hay là bên dưới
Ai cũng buồn như nhau...
Trở về Saigon ít lâu, xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân. Chiến tranh vào thành phố ! Nhưng đối với người dân Saigon, vì quá quen với ánh sáng hoả châu và tiếng B52 thả bom ầm ỳ hàng đêm ở xa xa, chiến tranh chẳng bao giờ làm chúng tôi sợ cả. Khi đặc công Việt Cộng tấn công bộ Tổng Tham Mưu gần nhà, gia đình tôi còn đua nhau leo lên gác thượng để coi đánh nhau. Chỉ tới khi có viên đạn lạc bắn vào mái nhà thì mọi người mới hoảng hốt tụt xuống ! Thản nhiên trước cảnh đánh nhau, thản nhiên luôn trước cái chết. Khi đi coi những khu phố đã trở thành chiến địa, nhìn tận mắt những xác người nằm trên vũng máu đào bên đống gạch vụn còn bốc khói, tôi không thấy lòng náo động như trong thời chiến tranh chống thực dân Pháp. Cũng như tôi, nhà văn trẻ Lê Tất Điều viết trong một bài báo nào đó : Tôi không còn thấy rung động hay sợ hãi trước xác người chết...
... Cho tới khi tôi biết rõ những gì xẩy ra tại Huế trong tết Mậu Thân thì mới thấy hết dửng dưng rồi căm phẫn và phản ứng bằng những bài tâm phẫn ca. Xưa nay tôi vẫn cho Huế là nơi người ta nói hộ dân chúng những điều u uất nhất của cuộc đời Việt Nam. Qua những câu hò, câu ru, câu ca tôi cho là nhọc nhằn, nỉ non, ai oán nhất. Cũng là điệu ru nhưng lối ru Huế sao mà nghe vắng xa chi lạ ! Cũng là bài ca nhưng trong Ca Huế mới có những bản hát buồn. Nhạc miền Bắc chẳng bao giờ buồn cả, điệu làn thảm trong Chèo không thảm thiết bằng điệu Nam Ai, Nam Bình. Bài Vọng Cổ nghe buồn man mác, và chỉ man mác mà thôi ! Hò kéo gỗ, hò đẩy xe ở miền ngoài có thể làm cho người nghe nhức da nhức thịt nhưng hò mái nhì, hò mái đẩy mới đánh vào tâm não chúng ta. Mặt khác, chỉ những nhà thơ gốc Huế (hay ở Huế lâu) mới nói hộ ta những lời buồn như thơ sầu rụng của Lưu Trọng Lư, thơ hờn tủi của Chế Lan Viên hay thơ ngậm ngùi của Huy Cận.
Cố đô Huế, Tết Mậu Thân...
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có hậu quả chính trị làm rúng động dư luận Hoa Kỳ, khiến Tổng Thống Johnson không tái ứng cử nữa, cuộc hoà đàm Paris thành tựu... Nhưng thảm kịch xẩy ra tại Huế là một sai lầm lớn nhất trong cuộc nội chiến Bắc-Nam dài hai mươi năm.
Thảm kịch được phơi bầy qua tư liệu lịch sử hoặc qua các tác phẩm văn chương như Tình Ca Cho Huế Đổ Nát (1968), Giải Khăn Sô Cho Huế (1969) của Nhã Ca, Ngôi Sao Trên Đỉnh Phú Văn Lâu của Hoàng Phủ Ngọc Tường (1971), Huế Những Ngày Nổi Dậy (1979) của Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Đất Nước Vào Xuân (1979) của tướng Lê Chưởng, Chính uy mặt trận Huế thời đó, Mùa Biển Động Tập III (1988) của Nguyễn Mộng Giác... và cho ta thấy sau khi Bắc Quân bị đánh bật ra khỏi thành phố, Huế là chốn tử địa kinh hoàng với 19 mồ chôn tập thể. Số người bị thảm sát lên tới năm, sáu ngàn người. Ngoài những quân nhân, công chức cộng tác với chính quyền miền Nam, còn có cả tử thi đàn bà, con trẻ. Ai ra lệnh giết ? Ai bình tĩnh, mù quáng thi hành mệnh lệnh dã man, tàn bạo đó ? Những người đó nhân danh một chủ nghĩa hay một lý tưởng nào ? ? ?
Thảm kịch Mậu Thân thay đổi cuộc đời, thay đổi thái độ sống của nhiều người, ảnh hưởng vào sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Riêng tôi, nói về thành phố Huế yêu thương và đau thương, ngày nào tôi mơ một chiều nao đốt lửa rực đô thành, giấc hoả mộng của tôi là giấc mơ nghệ thuật, giấc mơ ánh sáng. Thảm kịch Mậu Thân cho tôi trực diện hơn nữa với bộ mặt thực của cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn để từ đây những sáng tác của tôi không thể nào dửng dưng được nữa. Tôi soạn một bài hát có tính cách phẫn uất nhan đề Tôi Không Phải Là Gỗ Đá (khi in ra có đề tặng Lê Tất Điều) :
Tôi không phải là cỏ cây
Tôi không phải là gỗ đá
Nên tôi khóc Việt Nam tôi
Ròng rã ba đời không biết vui
Tôi không phải là người dưng
Tôi không phải là nước lã
Nên tôi khóc người không xa
Gục ngã chiến trường tuổi còn xuân..
Đừng ngụy trang trong tiếng hát
Đừng cần mang đôi kính mát
Hãy lắng nhìn vào quê hương điêu tàn
Hãy đếm từng người dân đang chết oan
Hãy oán hờn cuộc binh đao tương tàn
Hãy khóc thầm dù nước mắt đã cạn
Hãy biết buồn ! Hãy biết thẹn !
Vì non sông còn tối đen...
Rồi bởi vì tôi không thể nào thản nhiên, tôi không thể nào im tiếng, nên tôi thét vào thinh không lời nói hãi hùng hơn tiếng bom...Bởi vì tôi không thể nào miệng câm, tai điếc, nên tôi khóc và tôi điên... cho nên tôi tiếp tục đưa ra một số bài hát dữ dội, đặt tên là tâm phẫn ca (chanson en colère). Trước đây hai ba năm, khi tâm ca ra đời nó gây một tiếng vang lớn trong đám thi sĩ và nhạc sĩ trẻ. Họ cũng đồng ý với tôi là không thể nào thản nhiên và im tiếng được nữa. Thơ chống chiến tranh được viết ra (ví dụ những bài thơ của Thái Luân, Nguyễn Đắc Xuân tôi vừa kể) và nhạc phản chiến được soạn ra (ví dụ những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng).
Cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn khiến cho một thi sĩ mang tên rất đẹp là Hoa Đất Nắng phải viết ra những câu thơ hung tợn, để tôi phổ thành bài Đi Vào Quê Hương :
Tôi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai
Đồng cỏ cha tôi, tôi trói gô hình hài
Tôi đào thông hào, trồng cây chông nhọn hoắt
Tôi giơ tay cao, tôi cấu tôi cào
Tôi vào quê hương bằng xe traction
Chở mìn clay-mo, plát-tíc đi ngoài đường
Tôi đặt lên sườn Mẹ Việt Nam gầy ốm
Ôi Mẹ tan tành ! Ôi Mẹ phanh thân !
Tôi vào quê hương bằng dòng nước mắt
Nước mắt vợ chồng, nước mắt cha con
Nước mắt bạn bè, nước mắt anh em
Tôi lội tôi bơi mệt nhoài trong đó
Máu loang từ đầu, chảy xuống ruột mềm
Tôi vào quê hương qua nòng thép súng
Lửa cháy trong làng, lửa cháy trong thôn
Lửa cháy trong lòng, lửa cháy trong tim
Trên da mặt tôi mọc lên cổ thụ
Cổ thụ sai oằn lựu đạn mooc-chiê...
Tôi vào quê hương bẵng một gánh hát quê
Đả đảo hoan hô tôi đứng lên làm hề
Lũ trẻ ngù ngờ cười phun nước miếng
Trên da mặt tôi, trên yếm, trên đầu
Tôi vào quê hương quà tặng nhớ đem theo
Một khẩu thompson hay chiếc súng cộng đồng
Mỗi thằng một đứa, dành cho nhau một phát
Mỗi đứa một thẵng, dành một phát cho nhau...
Tôi tiếp tục soạn tâm phẫn ca. Bây giờ tôi muốn nói tới người lính Việt Nam nhưng không dùng những lời ca nịnh nọt hay mị dân mà các bộ máy tuyên truyền lúc đó đang đề cao. Tôi nói về cái chết của người lính trẻ :
Người lính trẻ chết trận chiều qua
Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ
Người lính trẻ chết trận hồi mơi
Nên hôm nay chẳng có mặt trời
Người lính trẻ chết trận ngày mai
Trên quê hương ngọn lúa rụng rời
Người lính trẻ chết trận ngày kia
Trên ngôi cao là hết dị kỳ..,
Cái chết của tuổi trẻ làm cho tất cả đều nổi giận : mặt trời, trăng sao phải vụt tắt, ngọn lúa phải rụng rời, các vị Thần phải ôm mặt khóc rồi rủ nhau chạy mất... Dây đàn phải đứt, dòng chữ phải tan, con người trần truồng trở về thời hồng hoang cho tới khi địa cầu nổ toang, cuộc đời tận thế :
Người lính trẻ chết trận còn đâu !
Nên không lâu, nổ vỡ địa cầu.
Người lính trẻ chết trận rồi nghe !
Xin nghe đây tận thế gần kề !
Người lính trẻ chết trận còn chi
Bởi vì tôi phẫn nộ nên sau khi nổi giận về cái chết của người lính trẻ, tôi nói chuyện mỉa mai với Chuyện Hai Người Lính :
Có hai người lính ở chung một làng
Cùng yêu Tổ Quốc Việt Nam.
Có hai người lính ở chung một làng
Cùng yêu ruộng đất Việt Nam.
. . . . .
Có hai người lính cùng chung một lòng
Cùng không để mất Việt Nam
Có hai người lính cùng tiến lên đường
Quyết tâm gìn giữ Việt Nam...
Chuyện hai người lính là chuyện có thể xẩy ra ở mọi nơi trong nước. Nhà văn Xuân Vũ cũng từng chứng kiến cảnh anh em trong một nhà, người theo giải phóng, người theo quốc gia rồi một sớm mai nào đó :
Có hai người lính nằm trên ruộng đồng
Cùng ôm khẩu súng chờ mong
Có hai người lính, một sớm mai hồng
Giết nhau vì nước Việt Nam...
Nói chuyện khôi hài đen, tôi có bài Bà Mẹ Phù Sa. Đây có thể là một câu chuyện có thực như chuyện Bà Mẹ Gio Linh trước đây hay Chuyện Hai Người Lính vừa kể. Tôi kể chuyện một bà mẹ ở đất Phù Sa, mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi... Đúng như người mẹ trong câu ca dao :
Mẹ già ở túp lều tranh
Đói no ai biết rách lành ai hay...
Một ngày tháng 8 năm 62, có anh Ba cán bộ tới xóm tuyên truyền về Ấp Chiến Lược. Trong khi anh đang thuyết trình thì có tiếng súng nổ ở dưới vườn, bà mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường. Người nổ súng cũng là một cán bộ : anh Tư của Mặt Trận Giải Phóng. Anh này mò đến nhà bà mẹ để tuyên truyền. Đón tiếp anh Tư, chợt trông ra đường mương, thấy Quân Đội Mỹ đang đi hành quân và tới gần lối xóm, bà vội vàng lùa anh Tư cũng vào trốn dưới gầm giường... Câu kết của bài hát là : trong cuộc chơi đi trốn này, không biết rồi đây ai sẽ cứu ai ?
Vào lúc này, ngoài ngôi nhà lớn trong cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã tư Phú Nhuận, vợ chồng tôi mua thêm một căn nhà gỗ cũng nằm trong cư xá. Để tăng lợi tức cho gia đình đã trở nên khá đông đảo (con gái út Thái Hạnh mới ra đời), chúng tôi bèn cho Đại Hàn thuê ngôi nhà ba tầng để làm xưởng sửa máy điện tử và dọn về sống trong căn nhà nhỏ. Nhà này toạ lạc bên cạnh một cái giếng sâu, nơi có lần Duy Cường (mới lên 5) rơi xuống mà không chết. Ở đầu đường Võ Di Nguy có cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà mà khỏi cần qua ngả lớn đường Chi Lăng. Ở hai bên ngõ là dẫy nhà gỗ mái tôn, nơi cư ngụ của vài gia đình nghèo, trong đó có nhà của một ông giáo phải ngưng dạy học vì mắc bệnh thần kinh sau khi vợ bỏ đi lấy Mỹ.
Cuộc chiến tranh nào cũng tạo ra những người điên. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi đã gặp vài ba người mất trí. Nhưng bây giờ có quá nhiều người điên ở trong nước. Trong thành phố, ở khu nào cũng có người mất trí. Nhiều đến nỗi người điên hiện diện luôn trong một ca khúc rất cảm động của Trịnh Công Sơn, bài Tình Ca Người Mất Trí. Sống trong căn nhà mới ở trong cư xá này, hằng ngày chúng tôi được coi cảnh ông giáo chống tay bên hông đứng bên bờ giếng để lải nhải chửi bới. Thường thường ông chỉ chửi một cách nhẹ nhàng và bâng quơ, nhưng đôi khi ông réo tên các Tướng, Tá, các vị Bộ Trưởng Chính Phủ để chửi bới om xòm, và chửi luôn cả Tổng Thống nữa ! Và lẽ dĩ nhiên ông chửi Mỹ một cách thậm tệ. Đặc biệt ông không chửi vợ. Có lẽ vào lúc đó, cả công chức lẫn tư chức và dân thường, ai cũng đều chửi thầm Chính Phủ cho nên ông giáo điên này không bị ai phản đối hay bị cảnh sát bắt đi. Chứng kiến cảnh một người suốt ngày đứng chửi rủa như vậy, tôi bỗng nhớ tiếc người điên của phố Hàng Dầu ngày xưa, suốt ngày lễ phép đứng chào khách qua đường !
Cũng tại căn nhà gỗ này, nằm trên cái gác xép nhỏ nhoi và nóng nực, tôi được coi trong Tivi đen trắng cảnh phi hành gia Amstrong đặt chân lên mặt trăng. Đúng như tôi đã nói trong bài Một Đàn Chim Nhỏ, quả rằng Amstrong không tìm thấy chú Cuội và chị Hằng ở nơi cung Quảng. Thấy kỹ thuật Hoa Kỳ đem được con người lên tới mặt trăng rồi thì tôi rất phục, nhưng thấy sự hiện diện của lính Mỹ ở Việt Nam quá đông thì tôi buồn. Trong bài Bé Bắt Dế soạn ra vào năm tới, tôi có nói đến tình cảm đó.
Vào hai năm 69-70, chiến tranh ở Việt Nam đã leo thang tới tột đỉnh. Nửa triệu binh lính Mỹ trên nước ta cùng với hàng ngàn Mỹ kiều khác (các nhân viên ngoại giao kinh tế, các nhà thầu xây cất, làm đường xá cầu cống...) tạo ra tại các đô thị lớn một giai cấp mới là những người Việt giao dịch hay kinh doanh với Mỹ. Trong khi đa số thị dân chỉ có đồng lương cố định, người làm với Mỹ làm giầu rất nhanh qua những dịch vụ mở quán rượu, nhà tắm hơi, phòng trà khiêu vũ. Một số lớn phụ nữ Việt Nam trở thành gái bán bar, gái đấm bóp hay gái nhẩy. Tiền tiêu pha của lính Mỹ, tiền chi phí cho các hãng thầu Hoa Kỳ và tiền ăn sài của những người có dịch vụ với Mỹ tạo ra nguy cơ lạm phát phi mã. Tình trạng này làm cho người giầu cứ giầu lên, người nghèo càng ngày càng nghèo hơn. Đời sống của đa số dân chúng rất khó khăn. Xẩy ra những vụ nhũng lạm của các cấp hành chánh hay chợ đen... Đây là thời gian hầu hết những giá trị tinh thần, đạo đức của người Việt bị lật nhào vì chiến tranh và tiền bạc.
Sự sa đoạ của xã hội Việt Nam phải kéo theo những phản ứng. Trước cảnh thoái hoá trong gia đình, phản ứng của người mất vợ như ông giáo kể trên chỉ là mắc bệnh thần kinh rồi đứng bên bờ giếng chửi rủa. Ngoài xã hội, phản ứng lớn hơn nhiều, qua hành động của hai người tôi gọi là anh hùng trong trắng.
Tại Nha Trang, trước cảnh đảo điên của xã hội, thấy rằng danh dự quân nhân và trí thức của mình bị thương tổn, một bác sĩ sĩ quan là Hà Thúc Nhơn làm kiến nghị đòi trừng phạt Tỉnh Trưởng về tội tham nhũng. Bị tham nhũng vây bắt anh Nhơn cố thủ trong bệnh viện, quyết tâm chống lại bằng vũ khí, nhưng cuối cùng anh bị tham nhũng bắn chết. Một người bạn của anh Hà Thúc Nhơn là Phạm Văn Lương -- cũng là bác sĩ sĩ quan -- phản ứng bằng cách đứng trước trụ sở Quốc Hội ở Saigon, tay cầm quả lựu đạn đã mở sẵn chốt, kể tội tham nhũng của các Tướng Tá Việt Nam, kể từ Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên trở xuống. Vì hành động của anh Lương xẩy ra giữa thủ đô, nơi có tai mắt của quốc tế nên bọn tham nhũng không dám giết anh. Nhưng sau khi xoa dịu anh Lương rồi, nạn tham nhũng vẫn chẳng bớt đi chút nào. Nó còn tăng lên với vụ buôn lậu ở Long An có xe nhà binh hộ tống. Việc làm của hai người hùng trong trắng này và kết quả không đi đến đâu của nó khiến tôi phải soạn bài hát nhan đề Dạ Hành :
Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dầy, trong đêm dài Việt Nam, hự
(sau mỗi câu hát là có tiếng hự, tức là tiếng đấm vào lưng)
Người đi giương đôi mắt, khua đôi tay
Đưa chân bước trên chông gai
Trên đất gầy, trên vũng lầy bùn nhơ, hự
Người đi không ai dắt, không ai đưa
Như đui mắt, đi bơ vơ
Đi trong vòng vây quanh của bầy ma, hự
Bầy ma chuyên uống máu nơi dân đen
Moi tim óc bao thanh niên
Ăn linh hồn, ăn da thịt Việt Nam, hự
Bầy ma giơ tay níu, giơ tay mua
Giơ tay đón, giơ tay đưa
Giơ tay dọa không cho người vượt qua, hự
Bầy ma giơ tay kéo, giơ tay ôm
Lôi ta cúi, lôi ta khom
Như con vật cong lưng bò trong đêm, hự...
Biết rằng khó lòng thắng nổi bầy ma tham nhũng nhưng tôi cũng cứ hi vọng có thêm nhiều phản ứng của những người hùng trong trắng khác :
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú !
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma !
Người đi, đi đi lên !
Người đi tìm ánh sáng trời lên...
Bài hát dữ dội này là một trong bộ ba Lữ Hành, Xuân Hành, Dạ Hành của tôi. Lữ Hành là cuộc lên đường bất tận. Xuân Hành là cuộc đi trong chật hẹp một đời người. Dạ Hành là cuộc đi trong đêm tối để chiến thắng loài ma qủi.
Vào lúc Hoa Kỳ ào ạt đem quân sang Mỹ hoá chiến tranh ở Đông Dương -- để sau này sẽ phải mượn cớ Việt Nam hoá cuộc chiến che dấu sự thất trận của mình -- thanh niên Việt Nam liên tiếp được động viên nhập ngũ và cầm súng ra chiến trường. Tôi luôn luôn kính trọng và tôn thờ lòng yêu nước, sự hi sinh (cũng như thương cho số phận) của họ nên không bao giờ tôi dám gọi họ là lính đa tình cả ! Chiến tranh cần có chiến sĩ và tuổi trẻ Việt Nam phải chấp nhận bước theo định mệnh đó thì ta chỉ nên chúc cho họ sống một cách tuyệt vời trong niềm đau của phận người trong thời đại như thi sĩ Thanh Hữu đã nói ra qua một câu thơ ngắn :
Vì yêu anh không là lính đa tình
Bước tuyệt vời trong mùa Xuân định mệnh
Nên từ đó dân tộc ta vẫn hoà bình...
Tôi còn muốn nói thêm vào xã hội này nên dùng thơ Thanh Hữu để mở đầu bài Cung Chúc Việt Nam, tặng những cô gái thích làm hoa hậu, tặng các em bé thích làm siêu nhân và tặng cho những người thích làm thiên thần :
Vì yêu em không đảo nước khuynh thành
Sống tuyệt vời trong chiều hoa khổn hạnh
Nên từ đó dân tộc ta đỡ nhục hình...
Vì yêu em không là bé siêu phàm
Sống tuyệt vời trong đồng trinh mộc mạc
Nên từ đó dân tộc ta đỡ lầm lạc...
Vì thương nhau không là những thiên thần
Sống tuyệt vời trong niềm đau một phận
Nên từ đó nhân loại kia vẫn vẹn toàn...
Trong hoàn cảnh đất nước ngả nghiêng như vậy, nhất là sau vụ Tết Mậu Thân, tôi không còn bụng dạ nào để nghĩ tới chuyện tâm tình. Tôi không còn thảnh thơi để cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng. Người bạn gái cũng cảm thấy phải xa tôi để bước lên xe hoa. Qua một lá thư viết bằng bút chì, nàng giã từ tôi, không buồn rầu nuối tiếc, không ân hận xót xa. Xong rồi, mối tình của tôi phải chấm dứt ở đây rồi. Tôi soạn bài Nghìn Trùng Xa Cách, coi như lời tiễn biệt người yêu :
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi !
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười ?
. . . . . Vâng, nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi, tôi chỉ còn lời trăn trối gửi đến cho người :
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người...
Tôi sẽ có dịp để biết nàng có hạnh phúc hay không, mấy chục năm sau.
Phạm Duy