Chương 13
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4292
Lũ con lạc lối đường xa
Chiếc lá rơi theo heo may
Có con nào nhớ Mẹ ta thì về...
MẸ VIỆT NAM
Người Mẹ Việt Nam điển hình, giữa thế kỷ 20
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, quân đội Nhẩy Dù bao vây Dinh Độc Lập, nổ súng vào chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông không thành công nhưng nó báo hiệu ngày tàn của chế độ. Dù đã có công trong việc di cư và định cư cho gần một triệu người miền Bắc đi tìm tự do và xây dựng một miền Nam trù phú và thanh bình, sau 7 năm cầm quyền, Nhà Ngô tỏ ra không có tinh thần dân chủ và đi tới chế độ gia đình độc trị, có thể cũng do tình hình trong nước tới lúc gay go hơn trước.
Một mặt, sau khi miền Nam từ chối hiệp thương, Cộng Sản khởi sự đánh phá. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập (do Hà Nội tạo ra). Các cơ sở nằm vùng của Cộng Sản xuất hiện. Mới đầu còn là những hoạt động du kích, về sau là những trận đánh lớn của những đoàn quân chính quy sinh Bắc tử Nam. Nông thôn trở nên bất an. Mặt khác, trong hàng ngũ quốc gia, với sự đảng tranh phải xẩy ra, chính quyền Công Giáo với đảng Nhân Vị muốn độc tôn cai trị nên gây ra sự bất bình nơi các chính khách và sự hiềm khích nơi các tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo. Cuối cùng là sự không đồng ý Mỹ hoá chiến tranh Việt Nam nên ông Diệm, ông Nhu chống đồng minh Hoa Kỳ.
Sau vụ nổ súng không thành của nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, sau khi bỏ tù và đưa ra Côn Đảo những người dính dáng tới cuộc đảo chính, chính quyền nhà Ngô cũng chẳng bớt đi những hành động quá khích. Nhưng họ chú ý hơn tới công tác tuyên truyền. Bây giờ, vừa muốn chống Cộng vừa muốn lấy lại lòng dân, Bộ Công Dân Vụ do ông Ngô Trọng Hiếu điều khiển, tìm cách thu phục giới văn nghệ sĩ. Anh Nguyễn Đức Quỳnh được mời cộng tác với chính quyền. Anh lại lôi kéo tôi vào đấu trường. Vì đang là công chức của Trung Tâm Điện Ảnh thuộc Nha Tổng Giám Đốc Thông Tin (lệ thuộc Công Dân Vụ), tôi không thể từ chối. Trong công tác nghệ sĩ vận và dân vận như vậy, chính phủ đã giao cho anh bạn cố tri của tôi là Phạm Xuân Thái điều hành Câu Lạc Bộ Văn Hoá ở đường Tự Do để có nơi cho văn nghệ sĩ tới gặp nhau hằng ngày, thay vì ra nhà hàng La Pagode gần đó. Bây giờ một đoàn ca vũ kịch lớn được thành lập tại Bộ Công Dân Vụ, tụ tập nhiều nghệ sĩ tên tuổi do Lê Văn Vũ Bắc Tiến chỉ huy. Tôi tới sinh hoạt thường xuyên với đoàn ca vũ kịch này. Nhưng ai cũng công nhận rằng làm công tác dân vận cho Công Dân Vụ lúc bấy giờ thật khó vì đa số dân chúng đã bất mãn với chính quyền, lại thêm phe Cộng Sản hoạt động tối đa trong việc phản tuyên truyền. Cái tên Công Dân Vụ được nói lái là vu dân Cộng, chắc do đối phương làm ra và rỉ tai quần chúng.
Trong thời Cộng Hoà thứ nhất, dù tôi có đời sống riêng tư rất sôi nổi, nghĩa là sống hết mình cho nghề nhạc, sống trọn vẹn cho gia đình và sống nhẹ nhàng cho một cuộc tình thi vị, tôi vẫn không từ chối làm những việc ta có thể gọi là việc công. Cộng tác với Trung Tâm Điện Ảnh, tôi đóng góp vào việc thực hiện những cuốn phim thông tin tuyên truyền. Liên hệ với những hãng phim tư nhân -- như hãng Đông Phương của Đỗ Bá Thế -- tôi đóng góp vào việc sản xuất những cuốn phim nghệ thuật, tuy vẫn phải mang tinh thần tố Cộng mà chính quyền miền Nam đề cao.
Từ lâu tôi đã biết yêu ngành nghệ thuật được gọi là septième art (1) này. Tôi vừa làm việc, vừa học hỏi thêm về điện ảnh. Lénine đã từng coi điện ảnh rất quan trọng, đến độ phán rằng : Le cinéma, c'est de la culture. Thế hệ tôi được chứng kiến sự ra đời và phát triển của điện ảnh, từ phim câm tới phim nói, từ phim đen trắng màn ảnh hẹp tới phim mầu màn ảnh đại vĩ tuyến, từ một trò chơi giải trí tới một nghệ thuật phản ảnh sự sống một cách mãnh liệt. Trong những ngày học nhạc tại Pháp, tôi đã mê những phim tân tả thực xã hội của Ý và đứng xếp hàng trên hè đường tuyết phủ trước rạp ciné để coi đi coi lại nhiều lần những phim Trẻ Đánh Giầy (Sciucia), Kẻ Cắp Xe Đạp (Le Voleur de Bicyclette) của Vittorio de Sica mà của thế giới phải khâm phục khi Thế Chiến Hai vừa chấm dứt. Lúc tôi làm việc tại Trung Tâm Điện Ảnh cũng là lúc phim Nhật đang được thế giới chú ý qua những phim Địa Ngục Môn (Rashomon) Bẩy Người Hiệp Sĩ (Seven Samurais) của Akira Kurusawa. Tôi có may mắn được một người bạn là Nguyễn Đăng Xương, giám đốc nhà phát hành phim HOÀN KIẾM, thuê làm phụ đề tiếng Việt cho những phim Nhật đó. Tôi tự hỏi tại sao phim Nhật chinh phục được hoàn cầu. Rồi tôi thấy từ cuối thế 19, người Nhật đã biết mở cửa tiếp thu những kỹ thuật Âu Tây vừa được phát minh khác với chính sách bế môn toả cảng của các vua ta. Gọi là nghệ thuật thứ bẩy nhưng điện ảnh là tổng hợp của sáu ngành nghệ thuật đã có, cộng thêm với những kỹ thuật tân kỳ. Biết chuyển sang xã hội kỹ thuật, Nhật Bản còn tiến xa về mọi phương diện, ngoài sự thành công trong điện ảnh.
Một ví dụ khác về khả năng giúp ích cho việc phát triển nghệ thuật : khi người Mỹ đem tiền bạc và vũ khí đổ vào Việt Nam, họ còn đem theo một phần của một nền kỹ thuật mới mẻ tới nữa. Xã hội Việt Nam, từ trước tới nay, chưa hề là một xã hội kỹ thuật. Văn nghệ gây được chấn động trong dân chúng là văn nghệ có luận đề, trừu tượng, phù hợp với xã hội nông nghiệp, những thi phẩm Kim Vân Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên được phổ biến theo lối truyền khẩu. Người Pháp đem máy hát vào nước ta và thúc đẩy nhạc Việt tới thời cải cách. TÂN NHẠC ra đời nhờ kỹ thuật mới mẻ là máy hát chạy bằng lò so, dĩa nhựa và kim sắt. Tới khi Hoa Kỳ đem vào Việt Nam những sản phẩm mới hơn như tape và cassette recorder thì những vật liệu không cồng kềnh này đóng góp vào việc đưa âm nhạc Việt Nam đi nhanh hơn nữa. Không có phong trào nghe băng cassette trong dân chúng, tân nhạc không thể nào phổ biến về đồng quê được. Ngành điện ảnh, với kỹ thuật cao và rắc rối hơn, cần thời gian để khắc phục nên điện ảnh Việt Nam chưa tiến nhanh tới thời kỳ trưởng thành, dù về diễn viên, chúng ta có những ngôi sao như Kiều Chinh, Đoàn Châu Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Quỳnh... Các nhà sản xuất thiếu vốn lớn để trang trải các món chi tiêu khổng lồ trong đó phần chi phí về phim liệu, máy quay hình, thu thanh, ánh sáng là tốn kém nhất. Tuy vậy, chúng ta cũng có những người hi sinh cho điện ảnh như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc... để Điện Ảnh Miền Nam có mặt tại các Festivals lớn ở Đông Nam Á. Phải công nhận việc xây dựng Trung Tâm Điện Ảnh là một công lớn của chính quyền Ngô Đình Diệm vì đây là nơi đào tạo ra những chuyên viên điện ảnh đầu tiên. Là nhân viên của Trung Tâm Điện Ảnh, phụ trách viết lời bình cho những cuốn phim thời sự, phim tài liệu hay viết truyện và đối thoại cho những phim truyện, tôi thường đi theo các phóng viên điện ảnh tháp tùng các phái đoàn Chánh Phủ đi thăm Ấp Chiến Lược. Là nhân viên của Bộ Công Dân Vụ, tôi tham dự những sinh hoạt của các đoàn thể do ông bà Ngô Đình Nhu tạo ra như THANH NIÊN CỘNG HOÀ, PHỤ NỮ LIÊN ĐỚI, PHỤ NỮ BÁN QUÂN SỰ... chứng kiến những nỗ lực của chính quyền trong công tác thu phục thanh niên nam nữ. Như đã nói, tôi còn là huấn luyện viên hát và đóng kịch cho cô Ngô Đình Lệ Thủy nữa. Nhưng vì trót được tham gia nhiều chiến dịch và đích thân làm công tác dân vận, trí thức vận, địch vận trong thời kháng chiến chống Pháp, tôi nhận thấy những việc làm của chính quyền miền Nam hồi đó, tuy nhiều thiện chí nhưng chỉ có tính cách bề ngoài. Thấy ông Diệm hay ông Nhu ngồi bảnh choẹ trên thuyền để đi thăm ấp chiến lược trong vùng không có đường cho xe chạy, với dăm ba người dân quê lội nước đẩy thuyền đi, tôi không tin các vị ấy được lòng dân. Các thanh niên, thanh nữ Cộng Hoà dưới bộ quần áo mầu xanh trơn tru sạch sẽ, đi diễn hành nơi vận động trường, trông rất oai nhưng không có nhiều tinh thần chiến đấu như những lãnh tụ mong muốn. Hơn nữa, họ là con cháu của dân, mà dân có vẻ không ưa chế độ. Ngày ông Tổng Thống và lãnh tụ của Thanh Niên Cộng Hoà lâm nạn, dù có lời kêu gọi trên Đài Phát Thanh, không có thanh niên thanh nữ nào đi cứu các ông cả.
Sau những hành động vụng về khác như bắt dân chúng đứng dậy chào quốc ca và suy tôn Tổng Thống tại rạp hát hay chiếu bóng, dựng tượng Hai Bà Trưng có dáng dấp bà Nhu, gian lận trong cuộc bầu cử Tổng Thống nhiệm kỳ hai, cộng với thêm nhiều lầm lỗi khác, một chính biến nữa lại xẩy ra với việc ném bom Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử. Sự chống đối âm thầm của dân chúng và sự phản kháng bằng bom đạn của các quân nhân làm cho chế độ càng thêm cứng rắn. Thay vì nhìn thấy lòng dân, lắng nghe lời dân, chế độ gia đình độc trị thi hành chính sách bịt miệng báo chí, bắt bớ giam cầm bừa bãi, vu cáo những người phê bình hay chống đối là thân Cộng Sản.
1963. Ngày 7 tháng 5, ở Huế, tăng ni và Phật tử sửa soạn lễ Phật Đản, cảnh sát tới hạ cờ Phật Giáo. Ngày 8 tháng 5, lễ Phật Đản, buổi sáng có rước Phật từ chùa Từ Đàm tới chùa Diệu Đế, buổi chiều có chương trình phát thanh đặc biệt về buổi lễ ban sáng. Hàng ngàn Phật tử tụ tập trước Đài Phát Thanh bên bờ sông Hương để nghe những lời thuyết pháp với tinh thần chống đối chính quyền rất gay gắt của Thượng Toạ Thích Trí Quang. Cuộc tụ họp bị lực lượng an ninh tới giải tán. Xung đột xẩy ra, lựu đạn nổ và súng cũng nổ : bẩy thường dân chết, một thường dân và năm binh sĩ bị thương. Kết quả là tại Huế và tại Saigon, biến cố xẩy ra dồn dập. Bên Phật Giáo có những buổi lễ cầu siêu cho nạn nhân ở Huế, những vụ tuyệt thực, biểu tình của tăng ni và Phật tử. Bên chính phủ có lực lượng an ninh tới canh giữ chùa Từ Đàm, điện nước trong chùa bị cúp.
Vụ Phật Giáo càng ngày càng trở nên trầm trọng. Ngày 11 tháng 6, Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu, kéo theo bẩy vụ tự thiêu khác. Những cuộc hội họp giữa Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ do chính phủ thành lập, cũng như sự gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Phật Giáo với Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đi đến một hoà giải nào cả. Cuối cùng Lực Lượng Đặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi. Thượng Toạ Thích Trí Quang lánh nạn tại Toà Đại Sứ Mỹ.
Như tất của dân Saigon lúc đó, tuy không tham gia biến cố nhưng chứng kiến những sự việc xẩy ra, vụ Phật Giáo đấu tranh với chính quyền nhà Ngô làm tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy một chính quyền độc tài có thể bị đánh đổ. Lo vì biết rằng vụ này có thể làm lợi cho chính quyền miền Bắc. Và cũng như mọi người dân trên thế giới, tôi bị rúng động trước cảnh tự thiêu của Thượng Toạ Thích Quảng Đức. Thấy cái chết đó đẹp quá nhưng vì tài hèn sức mọn nên không đưa được vào tác phẩm lớn như bài thơ LỬA TỪ BI của anh Vũ Hoàng Chương. Tuy nhiên ngọn lửa thiêng này cũng được tôi ghi lại trong đoản khúc Việt Nam Việt Nam .
Ngọn lửa thiêng soi toàn thế giới...
Là một nghệ sĩ, tôi còn phản ứng mạnh hơn khi thấy bạn đồng nghiệp bị dính líu vào biến cố chính trị này. Ngày 7 tháng 7, phản đối việc chế độ đưa ông ra xét xử về tội phản nghịch, nhà văn mà tôi rất kính phục là Nhất Linh, tự tử. Anh bạn rất thân Nguyễn Đức Quỳnh, dù đã từng giúp việc cho Công Dân Vụ và Lý Đại Nguyên, người của gan ra tranh cử Tổng Thống với ông Diệm, của hai đều bị bắt trong một ngày tháng 8 năm 63. Khi hai người bạn này được thả, họ cho biết tôi cũng bị chính quyền để ý vì năng lui tới đàm trường để gặp anh Quỳnh và Lý Đại Nguyên.
Ngày 1 tháng 11 là ngày tàn của chế độ. Cuộc đảo chánh thành công. Cũng như mọi người, tôi thấy miền Nam trút được một gánh nặng nhưng khi nhìn thấy xác của ông Diệm, ông Nhu, tôi buồn. Rồi khi có giả thuyết Mai Hữu Xuân là người ra lệnh giết hai ông thì tôi không ngạc nhiên.
Sau khi lật đổ chế độ nhà Ngô, các tướng lãnh đảo chánh thành lập Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng để điều khiển quốc gia. Từ lúc này cho tới ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, số mệnh nước ta nằm trong tay những quân nhân dù có hai lần chính phủ dân sự được thành lập rồi chết non vì không có thực lực trong tay. Người Mỹ khởi sự nhúng tay vào chính trường Việt Nam. Trong vòng 20 tháng sau khi ông Diệm chết, đã xẩy ra 13 cuộc chỉnh lý và tái chỉnh lý, đảo chánh và phản đảo chánh. Có tới chín chính phủ tranh nhau cầm quyền và có tới bốn bản hiến pháp được soạn ra. Những cuộc bãi khoá, biểu tình, xuống đường xẩy ra thường xuyên, mâu thuẫn giữa Phật Giáo và Công Giáo còn đi đến chỗ đổ máu nữa... Rồi từ đó trở đi, tất cả những khuyết điểm của chế độ nhà Ngô như thiếu dân chủ, độc tài, tham nhũng, ngoan cố... lại hiện ra trong chính quyền. Cho tới ngày mất về tay Cộng Sản, miền Nam là nơi có đầy đủ những vụ mua quan bán tước, hụi sống hụi chết, lính ma lính kiểng, buôn gian bán lậu (có xe nhà binh hộ tống) do một số tướng lãnh đang nắm những chức vụ then chốt dung túng cho đàn em hoặc trực tiếp nhúng tay vào việc phi pháp.
Tôi không còn làm việc với Trung Tâm Điện Ảnh nữa. Nhưng lại được mời tới làm giáo sư trong Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở đường Nguyễn Du, dạy môn NHẠC NGỮ VIỆT NAM. Tôi vẫn không phải lo lắng về đời sống vật chất. Việc bán bản quyền tác phẩm của mình cho Ngọc Chánh ấn hành, thu thanh vào băng cassette và việc đi hát ở Đài Phát Thanh hay phòng trà cũng đủ để tôi nuôi vợ và năm đứa con. Thái Hiền vừa ra đời, vợ chồng tôi vui mừng hết sức. Sau khi có liên tục bốn đứa con trai, vì thèm con gái quá nên đã có lần vợ tôi mua quần áo con gái để cho con trai Hùng mặc. Vui lòng vì mới có con gái nhưng lại khổ tâm vì những vụ bãi khoá xẩy ra thường xuyên trong hai năm trời khiến cho mấy đứa con trai của chúng tôi phải bỏ bê học hành. Rồi tới tuổi quân dịch, ba đứa lớn phải bỏ học đi làm nghĩa vụ ''chống Cộng'', chỉ có Cường được theo đuổi học hành một cách đầy đủ hơn các anh.
Tình hình náo loạn ở Saigon làm cho tôi không còn hứng thú đi chơi với người bạn nữ thi sĩ nữa. Nàng cũng đã rời mẹ để đi làm tại Biên Hoà. Tôi chỉ có thể thỉnh thoảng lái chiếc xe Hillman cũ kỹ đi thăm nàng. Trên xa lộ vừa mới được Hoa Kỳ làm xong, đi thăm người tình vào ban đêm, lắm khi có những trận mưa lũ làm tôi không nhìn thấy đường, may mà xa lộ lúc đó vắng tanh nên không xẩy ra tai nạn.
Đây là lúc tôi có những tiếp xúc chặt chẽ với sinh viên. Nói về vai trò của sinh viên trước và sau cuộc Cách Mạng đánh đổ Ngô triều mà nhóm quân nhân tự nhận là có công, ta cần biết rằng vào cuối thời nhà Ngô, thành phần đấu tranh chính yếu là lực lượng tôn giáo, có sự đóng góp rất tính cực của sinh viên. Hai năm đầu cầm quyền của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng là lúc xẩy ra nhiều xáo trộn trong giới trẻ, bởi vì có quá nhiều biến động và cứ mỗi lần biến động xẩy ra là nó lôi kéo sự tham dự hay phản kháng của sinh viên, học sinh. Cao điểm của phong trào sinh viên là vụ xé bản Hiến Chương Vũng Tầu, lật đổ Nguyễn Khánh. Sau đó, phong trào sinh viên chấm dứt, không tham gia trực tiếp vào những biến động lên xuống của các chính quyền nữa. Nhưng phong trào thanh niên nói chung không phải chấm dứt hẳn mà rẽ qua con đường khác, sau khi họ đã có non hai năm sống trong những biến động chính trị. Lúc đó, một số người trong phong trào thanh niên hiểu được sự giới hạn của đám trẻ. Nói một cách đẹp đẽ, họ chẳng qua chỉ là một thứ đơn vị tiền phong, còn nếu dùng danh từ khác thì họ là phương tiện của những phong trào quần chúng rộng lớn như tôn giáo, quân nhân, chính đảng. Biết vậy, cho nên thanh niên, sinh viên bớt chủ quan về sức mạnh của họ và họ muốn tìm những hoạt động thực tiễn hơn, lâu dài hơn, nghĩa là những hoạt động xã hội, văn hóa. Còn một động cơ thứ hai nữa khiến cho họ phải thay đổi là : chiến tranh lên cao nên sinh viên bị động viên. Số sinh viên đi lính càng nhiều thì hoạt động chính trị của sinh viên càng bị thu hẹp. Môi trường hoạt động trực tiếp bị giảm đi thì môi trường gián tiếp gia tăng, qua những hoạt động xã hội và văn hoá.
Tình hình ở Việt Nam trong hai năm 63-65 còn là sự chia rẽ lớn lao với những cái trục người Nam-người Bắc, Công Giáo-Phật Giáo chưa kể cái trục dân sự-nhà binh. Rồi thêm cái trục sâu xa bên dưới nữa là quốc gia-cộng sản -- còn có của cái trục người già-người trẻ nữa -- cho nên ai cũng muốn đi tìm một mẫu số chung, ai cũng muốn mọi người ngồi lại với nhau với mong ước : Hãy là người Việt Nam đi đã. Ai cũng muốn đặt vấn đề Tổ Quốc, Đồng Bào, Con Người, Nhân Đạo lên trên.
Vào lúc này, tôi còn nhận thấy tình hình âm nhạc nói chung có vẻ suy đồi với loại nhạc chỉ có tính cách biểu diễn cho mọi người ngồi nghe, dùng những ca sĩ mặt hoa da phấn với lời ca ngon ngọt để xoa dịu lòng người. Tôi bèn vác máy tape recorder có sẵn ampli, speaker hiệu AKAI (là loại tốt nhất lúc đó) và băng nhạc CON ĐƯỜNG CÁI QUAN tới sinh hoạt với sinh viên và thanh niên. Đây là lần đầu tiên giới trẻ được tham gia mạnh mẽ vào các cuộc ca hát. Khi chế độ cũ ra đi thì trong nước tương đối có tự do, sinh viên cũng như tất của mọi người bắt đầu có sự tự do sinh hoạt. Trước hết tuổi trẻ họp nhau lại, cùng hát chung những bản hùng ca cũ của ngày xưa. Bây giờ tôi đem tới cho họ bản trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN và cho in ronéo lời ca để phát cho các bạn trẻ, mời mọi người hát theo với ca sĩ trong băng nhạc. Dù sao thì những anh hùng ca hay bản trường ca này là những bài hát mà thanh niên đã biết tới rồi. Muốn lôi cuốn tuổi trẻ, tôi cần phải có cái gì mới để cung cấp cho họ.
Như đã nói ở trên, trong tình trạng xáo động và chia rẽ của thời này, ai cũng muốn đi tìm mẫu số chung. Không cần tìm ở đâu xa xôi, tôi thấy ngay rằng : Mẫu số chung là Mẹ Việt Nam vậy. Muốn tìm lại tổ quốc, đồng bào, con người, nhân đạo, phải tìm đến Mẹ Việt Nam. Tôi bèn soạn trường ca MẸ VIỆT NAM. Sau khi thu thanh với giọng hát và với nhạc sĩ trong ban nhạc HOA XUÂN của tôi ở Đài Phát Thanh, tôi lại xách bộ máy AKAI đi phổ biến bản trường ca rất hợp thời này. Cũng nên nhắc lại sự ích lợi của kỹ thuật trong việc phổ biến âm nhạc vào thời này, nếu không có bộ máy AKAI, chưa chắc MẸ VIỆT NAM đã được nhiều người biết tới. Khi Bộ Chiêu Hồi in nhạc phẩm này ra, tôi có những lời mở đầu như sau :
Nếu CON ĐƯỜNG CÁI QUAN là một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt thì MẸ VIỆT NAM là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào Tình Thương Yêu và Tính Hiếu Hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại. Đây là một Trường Ca trong đó, lúc trẻ tuổi, MẸ VIỆT NAM được biểu tượng bằng ĐẤT MẦU tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước. Khi đứng tuổi, MẸ hiện thân là NÚI NON sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh. MẸ còn âm thầm xót thương lũ con SÔNG NGÒI, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội MẸ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng MẸ. Vào lúc tuổi già, MẸ trở thành BIỂN CẢ đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của MẸ lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc, nối chặt chu kỳ trường ca MẸ VIỆT NAM.
Mấy năm trứơc, vì CON ĐƯỜNG CÁI QUAN mang tính chất tả thực (réaliste) và được xây dựng trên âm giai LA MAJEUR nghĩa là với những nốt nhạc có dấu thăng (dièse). Tôi muốn MẸ VIẸT NAM mang tính chất tượng trưng (symbolique) nên bây giờ tôi dùng âm thể MIb với những nốt nhạc có dấu giảm (bémol). Tôi cũng làm cái trò đối thoại với huyền sử hay dã sử khi soi bóng người Thiếu Phụ Nam Xương trên bờ đê (hơn là trên tấm vách) và cho rằng sự hoá đá của Mẹ Việt Nam không do bởi Mẹ đứng đợi người tình. Mẹ hoá đá vì quá mong chờ ngày hạnh phúc của dân tộc.
Tôi soạn trường ca này vào lúc mà nước Việt đang trong hoàn cảnh khốn khó nhất. Trong bất cứ giai đoạn gay go của một nước nào, người nghệ sĩ của nước đó thường cất cao tiếng nói của tâm thức dân tộc. Ở Việt Nam, vào thời gian mọi người sống trong chia rẽ, khinh thị và kinh hoàng, với trường ca này, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể được cứu rỗi bởi một Tình Yêu Chung, hướng về Mẹ Tổ Quốc. Trường Ca về MẸ được mọi người yêu mến vì ra đời đúng lúc. Rồi bởi cớ nước ta vẫn chưa ra khỏi số phận lạc loài, trường ca này lúc nào cũng có thể là bài hát hợp thời. Vào những năm cuối cùng của cuối thế kỷ, vẫn còn quá nhiều lũ con lạc lối đường xa, mà chưa hề có con nào nhớ Mẹ ta mà về...
Đoạn kết của trường ca, đoản khúc VIỆT NAM VIỆT NAM là một bài ca hầu hết người Việt Nam thuộc lòng. Có những người yêu nó, muốn nó trở thành bài quốc ca. Tôi xin nhũn nhặn thưa rằng : một tác phẩm văn nghệ được tung ra quần chúng rồi là nó tuột khỏi tầm tay của tác giả. Ai muốn dùng bài hát đó làm gì cũng được nhưng phải xin phép tác giả. Phải xin phép !
Soạn xong và hát lên hai bài trường ca vào thập niên 50-60, vài chục năm sau, tôi rất lấy làm vui mừng vì những giấc mơ tôi vẽ ra trong hai tác phẩm đó đều đã được thực hiện :
* Trong CON ĐƯỜNG CÁI QUAN, lữ khách mơ ước có ngày đường tan ranh giới để người được mãi mãi đi trong một duyên tình dài, trên con đường thế giới xa xôi, trong lòng dân chúng nơi nơi.
* Trong MẸ VIỆT NAM, tôi ước mơ có ngày được đem ngọn lửa thiêng của Việt Nam đi soi toàn thế giới. Những giấc mơ đó đã thành sự thực. Hai triệu người Việt Nam đang có mặt trên gần 50 quốc gia trong hoàn cầu.
* Đầu năm 1990, tôi hoàn tất một trường ca khác (mà tôi phải bỏ ra 15 năm để thai nghén, sáng tác và tu chỉnh) : tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ. Nửa phần đầu của Tổ Khúc này là một cơn ác mộng, nửa phần sau là một giấc mơ hồng. Giấc mơ cái tổ chim êm đềm (hay là tổ quốc cũng thế) đã có lúc bị vỡ tan khiến cho một bầy chim phải lìa tổ bay đi, đã tới lúc tất của loài chim phải đồng lòng với nhau để xây dựng lại tổ chim đó. Không biết giấc mơ này có thể trở thành sự thật như những giấc mơ trong hai bài trường ca trước hay không ?
Phạm Duy
(1) được gọi là nghệ thuật ''thứ bẩy'' vì ra đời sau văn chương, thi ca, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc.