Chương 11
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4119
Tôi đi từ Ải Nam Quan
Sau vài ngàn năm lẻ...
CON ĐƯỜNG CÁI QUAN
Trên đường cái quan...
Một chút lược sử :
1954 : Ông Ngô Đình Diệm về nước.
1955 : Dẹp giáo phái, chống Hiệp Thương, truất phế Bảo Đại, thành lập nền Cộng Hoà.
1956 : Chống Tổng Tuyển Cử, củng cố dần chế độ.
1957 : Ông Diệm công du Thái Lan, Úc Châu, Nam Hàn, Ấn Độ, Phi Luật Tân; sau chuyến Mỹ du, chế độ tiến tới chỗ vững chãi nhất.
1958 : Định chế hoá tất của các cơ chế xã hội xong rồi, với chính sách độc tài, diệt trừ đối lập.
1959 : Dân chúng bắt đầu bất mãn, khởi sự chống lại; một nhóm trí thức họp tại Hôtel Caravelle ra tuyên ngôn đòi cải cách.
1960 : Chính phủ đe doạ bằng luật số 10; Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông đảo chánh hụt.
1961 : Chính phủ khủng bố; đàn áp lần thứ nhất.
1962 : Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập. Chính phủ đàn áp lần thứ hai.
1963 : Vụ Phật Giáo xẩy ra; 70 ngày sau, nhà Ngô sụp đổ.
Mua được căn nhà nhỏ, vợ chồng tôi và bốn con thơ (Phạm Duy Cường đã ra đời) về ở trong khu cư xá mới được xây cất ở đầu đường Chi Lăng, Phú Nhuận, nơi có nhiều gia đình nghệ sĩ tới ở, như gia đình Nguyễn Mạnh Côn, Năm Châu, Duyên Anh, Hồ Anh, Anh Ngọc, Trần Ngọc, Hoàng Nguyên, Minh Trang, Kim Tước... Cư xá được xây trên mảnh đất trước kia là khu vườn hoang của Toà Bố Gia Định. Khi phu lục lộ đào đường trong cư xá để đặt ống nước thì họ tìm thấy những bộ xương người, những Việt Gian mà Cách Mạng đã thủ tiêu trong năm 45. Nhớ lại lời khoe khoang của trưởng ban Mật Vụ là Bửu Dương (1) tôi buồn bã trước những xác người vô danh và vô tội, nạn nhân trong những ngày khủng bố đó. Tôi sẽ mãi mãi căm phẫn trước hành động của những người nhân danh lòng yêu nước để giết hại đồng bào. Khởi sự từ hồi Cách Mạng, thời kỳ khủng bố nhau ít khi chấm dứt. Thời nào cũng có những người quá khích ở các phe, rồi đấu tranh với nhau và khủng bố lẫn nhau (2).
Dưới thời Cộng Hoà thứ nhất, từ khi chế độ nhà Ngô thành lập và tiến dần tới thời thịnh trị rồi mạt vận, miền Nam nếu chưa được là thiên đường của đông đảo văn nghệ sĩ đi tìm tự do thì cũng là nơi đất lành cho chim đậu. Một thế hệ văn nghệ sĩ mới đã thành hình và hoạt động dữ dội bên những vị đàn anh di cư từ miền ngoài. Phòng trà, tiệm bánh, quán nước như Kim Sơn, Mai Hương, La Pagode, Givral, Brodard... là nơi không hẹn mà văn nghệ sĩ tới gặp nhau hằng ngày.
Không còn hoạt động với ban Thăng Long nữa, tôi đáp ứng lời mời của Trần Văn Bửu vào làm việc với TRUNG TÂM ĐIỆN ẢNH. Làm việc thường xuyên trong cơ quan nằm sau lưng trụ sở Quốc Hội, tôi thường ra La Pagode đường Tự Do. Buổi sáng trước khi vào sở, tới ăn điểm tâm tại nhà hàng, là gặp Trần Lê Nguyễn, vừa viết xong vở kịch Bão Thời Đại nhưng không có dịp dựng kịch của mình trên sân khấu. Dân chúng miền Nam thích Cải Lương hơn nên dù Saigon có khá nhiều tài năng của ngành Kịch Nói như Tiền Phong, Thiếu Lang, Mỹ Tín, Hoàng Năm... mà không bao giờ thủ đô miền Nam có một ban kịch chuyên nghiệp. Tại La Pagode, tôi cũng hay gặp người có giọng ngâm thơ hay là Quách Đàm, vì quá đông con mà nhà quá chật chội nên ngâm sĩ phải ra đi từ tờ mờ sáng, chỉ trở về nhà khi mặt trời đã lặn.
Vào giờ nghỉ trưa, ra quán Chùa, tôi gặp Mặc Thu, người bạn luôn luôn có nụ cười tươi tỉnh. Không biết sau biến cố tháng 4 năm 1975, bị Cộng Sản bỏ tù lâu năm, anh có còn nụ cười đó không ? Đôi khi gặp Vũ Khắc Khoan, lúc nào cũng lừ đừ vì dùng khá nhiều rượu trong đời và trong tác phẩm. Tôi tò mò coi xem tác giả phải dùng bao nhiêu thùng rượu trong một cuốn truyện của họ Vũ là thấy cứ cách vài trang lại có cảnh nhân vật uống rượu, nếu đong số lượng rượu trong truyện thì tối thiểu cũng là mươi mười lăm thùng (tonneaux).
Buổi chiều là lúc La Pagode nhộn nhịp nhất. Hồi đó, nhà hàng này chưa gắn kính và đặt máy lạnh, thực khách ngồi của bên trong lẫn ngoài vỉa hè trên những chiếc ghế da lớn. Ngồi bên ngoài nhà hàng có cái thú chọc ghẹo và nhìn các thiếu nữ đi qua.
Thích ngồi ở bên ngoài nhà hàng là Hà Thúc Cần, phóng viên điện ảnh của Đài CBS, triệu phú hiện nay ở Singapore vì thành công trong nghề bán đồ cổ (3). Thích ngồi bên trong nhà hàng là nhà làm tự điển Hoàng Trọng Quỵ tức Thanh Nghị, chồng mới cưới của nữ ca sĩ Tâm Vấn nhưng khi trở thành bộ trưởng tương lai của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì lọt vào mắt xanh của ''người đẹp Bình Dương'' Thẩm Thúy Hằng.
Tại La Pagode, tôi hay gặp Cung Trầm Tưởng và Ngy Cao Uyên, hai sĩ quan Không Quân làm thơ hay và vẽ giỏi, để sẽ làm chuyện ồn ào trong văn nghệ bằng tập Tình Ca với tranh Ngy Cao Uyên và thơ Cung Trầm Tưởng do tôi phổ nhạc. Nhà hàng La Pagode có bàn bi điện, chúng tôi tranh nhau đánh tilt. Nhờ quen chơi trò này từ ngày đi học ở Khu La-tinh trong thành phố Paris, tôi luôn luôn thắng các bạn trẻ.
Bộ ba Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng, Ngy Cao Uyên và tập TÌNH CA
Buổi tối, La Pagode là nơi có mặt của một nhân vật nổi danh trong làng chơi của chúng tôi là Phương, vì béo tròn trùng trục nên được gọi là Phương ''Bi Ve''. Không phải làm một nghề gì ngoài nghề làm chồng đào hát nổi danh nhưng Phương Béo vất vả lắm. Mỗi tối, sau khi đưa vợ là Bích Hợp ra rạp ARISTO thì anh ta tới La Pagode, ngồi đợi khi tan hát sẽ đi đón vợ. Tôi và Trần Viết Long, chủ gánh KIM CHUNG thường tới ăn cơm với Phương rồi kéo nhau đi hút.
Những bạn gặp gỡ ở nhà hàng La Pagode là niềm vui của tôi. Chúng tôi đuà nhau như một đám sinh viên. Mặc Thu mời tôi điều khiển phòng trà TRÚC LÂM. Chủ nhân La Pagode, Nguyễn Văn Liêm, rất thích điện ảnh, nhờ tôi viết truyện phim. Tôi còn có thêm một số bạn thỉnh thoảng đặt chân tới quán này như Tạ Tỵ, Văn Thanh, Lê Ngộ Châu... để tôi nói chuyện tâm tình. Lê Ngộ Châu với toà soạn BÁCH KHOA còn là người và chỗ để giúp tôi hò hẹn với người tình.
Nhưng phải thú thật, trong số bạn bè, chỉ có Nguyễn Đức Quỳnh và Võ Đức Diên giúp đỡ tôi nhiều. Hồi bấy giờ, Nguyễn Đức Quỳnh không hoạt động chính trị như trong thời Bảo Đại, Bẩy Viễn. Nhưng nhà anh là nơi hầu hết các nhà trí thức ở miền Nam thường lui tới. Nhân viên Công An, Mật Vụ của chính quyền cũng tới để nghe ngóng nữa. Anh Quỳnh muốn biến nhà anh thành một thứ đàm trường (anh đặt tên là VIỄN KIẾN, tức là nhìn xa) và có một cuốn sách lớn bià dày, giấy đỏ để ghi biên bản những cuộc họp. Cuốn sách này để trên một chiếc bàn đặt giữa nhà, ai đến chơi cũng giở sách ra coi. Anh Quỳnh muốn gieo vào đầu óc những người đến đàm trường một ý thức dân tộc, ý niệm này được anh nói tới từ thời hoạt động trong nhóm HÀN THUYÊN. Theo anh, Đệ Tam, Đệ Tứ CS đã lạc hậu. Anh cho rằng phải thành lập Đệ Ngũ Quốc Tế với ý thức dân tộc và với thành phần cốt cán là văn nghệ sĩ, trí thức để vượt các nhóm đó. Đàm Trường VIỄN KIẾN là nơi điều hợp và tác động giới văn nghệ sĩ miền Nam. Do đó, anh không tiếc lời khen tất của mọi người, nhất là giới trẻ. Anh cho rằng ai cũng có một chỗ đứng trong việc gây ý thức dân tộc, vượt chủ nghĩa Mác. Tôi là người hiểu được việc làm cao của của anh Quỳnh. Tiếc rằng anh không còn sống để chứng kiến ngày tàn của chủ nghĩa Mác. Vào cuối thập niên 80, nó không còn là thứ chính trị học, kinh tế học và xã hội học vô địch nữa rồi. Được áp đặt vào Việt Nam, chủ nghĩa Mác-LêNin làm cho nước ta nghèo đói và sa đoạ.
Tới đàm trường, tôi được làm quen với các bậc tu hành như Thích Tâm Châu, Thích Đức Nhuận và những bạn văn nghệ như Doãn Quốc Sĩ, Lý Đại Nguyên và Phạm Thiên Thư, người sẽ làm cho âm nhạc của tôi thêm phần phong phú. Tôi coi Nguyễn Đức Quỳnh như người anh ruột mà tôi tuy có nhưng không có. Hơn một lần, khi có chuyện gia đình hay xã hội làm tôi buồn nản -- chẳng hạn sau ''sì-căng-đan'' về tình -- tôi đều đến tâm sự với anh. Mỗi khi tôi soạn ra một bài hát nào thì anh Quỳnh là thính giả thứ hai, sau vợ tôi. Ngược lại, tôi cũng cố gắng giúp anh kết tình với một nữ ca sĩ, dù đó chỉ là một thứ tình platonique mà thôi.
Trong thời thịnh trị của họ Ngô, ngoài anh Quỳnh ra, tôi có Võ Đức Diên là người giúp tôi rất nhiều. Là công chức cao cấp của Nha Kiến Thiết, vì được lòng ông bà Ngô Đình Nhu trong việc trang hoàng các dinh thự lớn, kiến trúc sư họ Võ được chế độ tin cậy. Anh Diên là người có thành tích văn nghệ với đoàn ca kịch ANH VŨ trước đây, đã từng dựng những vở ca kịch của Lưu Hữu Phước -- với libretto của Thế Lữ -- như Con Thỏ Ngọc hay Tục Lụy (đáng lẽ Thái Hằng đóng vai Nhã Tiên nhưng bố mẹ không cho phép). Cũng như anh Quỳnh, Võ Đức Diên được coi là lão tướng trong làng văn nghệ miền Nam nên khi anh vận động ông Nhu để làm một tập san và mở một phòng trà thì anh được thoả mãn ngay.
Tờ báo được đặt tên là SÁNG DỘI MIỀN NAM, toà soạn là nhà của hoạ sĩ trang trí Văn Thanh. Được anh Diên mời viết về âm nhạc, tôi hay lui tới toà soạn và được hân hạnh ''chơi'' với các bậc đàn anh như Vi Huyền Đắc, Lê Văn Siêu, Vũ Hoàng Chương, Tam Ích... Tổ sư của Thoại Kịch họ Vi đã già rồi mà nói chuyện rất có duyên. Nhà văn hoá Lê Văn Siêu mua được mảnh vườn ở xa lộ Biên Hoà và về đó sống, được chúng tôi gọi là Lý Trưởng. Đây là lúc tôi muốn hoàn tất trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN. Khi tôi ngỏ lời được giúp đỡ để có thể đi từ Saigon ra Quảng Trị, lấy cảm hứng soạn nốt phần còn lại của trường ca thì anh Diên đồng ý ngay. Và anh cùng đi với tôi, còn kéo thêm 5 người đi theo nữa. Thế là có ngay một chuyến đi xuyên Việt của bẩy lữ khách là : chủ báo Võ Đức Diên, hai hoạ sĩ của tờ báo Tạ Tỵ, Văn Thanh, nhiếp ảnh viên Phùng Trực, tôi và hai ngôi sao rực rỡ của Khoa Tử Vi, Địa Lý Dương Thái Ban và ''Thầy'' Diễn. Tại sao lại có hai nhà tiên tri này cùng đi xuyên Việt ? Thưa đó là vì anh Diên muốn đãi ngộ hai ông thầy ạ. Anh Diên rất tin tướng số, và quen với các ông thầy nổi danh ở Saigon. Nghe lời Thầy Diễn, anh luôn luôn mặc áo mầu đen để đánh lừa Thần Chết. Vậy mà anh đột nhiên ra đi giữa lúc đang khoẻ mạnh. Khi nghe tin anh qua đời đột ngột, tôi hơi tin vào tử vi hay tướng số, chứ trong khi đi chơi trên đường cái quan này, tôi và Tạ Tỵ luôn luôn châm chọc hai vị mà chúng tôi gọi là ''thầy bói sáng''.
Lần đi đường thiên lý này có vẻ thú vị hơn những lần trước. Tôi không còn là lữ khách lầm lũi trong thời nô lệ hay hấp tấp trong thời chiến tranh. Hai xe hơi đưa chúng tôi đi ven bờ biển Thái Bình, vượt qua những nơi đầy ắp kỷ niệm như Phan Thiết sáng sủa, Nha Trang ấm áp, Qui Nhơn lộng gió, Đà Nẵng ồn ào, Huế thơ mộng và Quảng Trị cằn khô. Khi ghé Quảng Ngãi, Hồng Vân (nữ ca sĩ ) lúc đó còn bé tí teo, leo lên bờ tường khách sạn, ngồi rình xem mặt Phạm Duy. Chúng tôi có những giây phút trầm ngâm trước cảnh tượng hùng vĩ của Đèo Cả, Đèo Hải Vân và cũng không quên nhào xuống biển để tắm táp và kỳ cọ (như hai ông thầy) ở bãi Lăng Cô.
Bản CON ĐƯỜNG CÁI QUAN -- soạn xong phần đầu ở Paris năm 54 để phản đối ngay lập tức sự chia cắt đất nước -- sau sáu năm bỏ dở, bây giờ nhờ chuyến đi rất thanh bình này, được hoàn tất nhanh chóng. Trong khung cảnh trời cao biển rộng đường dài, trong hoàn cảnh chung của nước Việt trong thời kỳ đầu của nền độc lập, trong niềm hạnh phúc được tự do sáng tác của riêng mình... tôi có nhiều hứng khởi để diễn tả con đường mạch máu của đất nước và tấm lòng khao khát thống nhất của người dân Việt. Những ca khúc mạnh mẽ trong phần MIỀN BẮC diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch. Trong phần MIỀN TRUNG, ca khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa. Phần MIỀN NAM rất hoan lạc vì đó là những bước chân thành đạt của lữ khách để cùng toàn dân hoàn thành nước Việt.
Trường ca ra đời xuôi xả vì còn có sự khuyến khích của bạn bè, nhất là có sự giúp đỡ thực tế của anh Võ Đức Diên. Chắc chắn bên trên anh Diên, có sự đồng ý của ông Ngô Đình Nhu (và Trần Kim Tuyến). Anh tôi là Phạm Duy Khiêm làm Bộ Trưởng và Đại Sứ cho ông Diệm, Võ Lăng là bạn thân của tôi, nhất là tôi đã khá nổi tiếng trong quần chúng rồi, hồi bấy giờ, tôi được nhà Ngô để ý. Đã có lần tôi được ông Diệm, ông Nhu thân mật hỏi han tôi trên sân cỏ của Dinh Độc Lập vào một buổi tiếp tân và sau đó, nếu ''sì căng đan'' về tình không xẩy ra, tôi có thể là người được chính quyền giao cho một chức vụ nào rồi. Tôi không dám nói là tôi sẽ nhận việc hay từ chối, nhưng vào thời Thanh Niên Cộng Hoà được thành lập, tôi được mời vào Dinh Độc Lập để dạy hát cho cô Ngô Đình Lệ Thủy, một đoàn viên của đoàn Thanh Nữ Cộng Hoà. Chao ôi, sao mà cô con gái của ông bà Nhu lại đẹp đến thế. Và than ôi, sao cô lại chết non như vậy. Chết vì nạn xe hơi ở Pháp sau 1963.
Ngoài tờ báo ra, anh Diên được ông Nhu giúp đỡ để mở Quán ANH VŨ tại đường Bùi Viện. Tôi được giao việc điều khiển phần văn nghệ. Thế là mỗi tối, tôi được sống với không khí rạp hát và phòng trà, đôn đốc các nhạc sĩ, ca sĩ hay ra hát những bài vừa mới soạn ra.
Sai khi hoàn thành, CON ĐƯỜNG CÁI QUAN được đăng trên SÁNG DỘI MIỀN NAM rồi được trình diễn tại quán ANH VŨ. Cố Vấn Ngô Đình Nhu đem của gia đình tới nghe. Sau đó, qua ông Ngô Trọng Hiếu, trường ca còn có một ngân sách để tái lập giàn nhạc hoà tấu và mời nhạc sĩ người Đức Otto Soellner làm hoà âm phối khí. Có thêm những buổi trình diễn tại Saigon, Dalat, Nha Trang. Tất của những giọng hát tốt nhất của Saigon được huy động để đi trình diễn trường ca này.
Annie Cochet
Trong giàn nhạc hoà tấu, ngoài nhạc sĩ Việt Nam, có thêm vài nhạc sĩ Pháp trong đó có Annie Cochet kéo cello. Cô đầm 17 tuổi này bèn đi qua đời tôi vài ba lần, rồi sau khi hết duyên cầm sắt (đánh đàn ?) thì chúng tôi đổi qua duyên cầm kỳ (đánh cờ ?). Sau đó Annie về Pháp, có một cuộc đời khá sôi nổi rồi kết cục có một điạ vị cao trong xã hội. Nàng là một trong những người tình lâu bền nhất của tôi. Trước 1975 chúng tôi luôn luôn gặp nhau. Trong 15 năm qua, mỗi năm tôi đi Paris một vài lần và gặp lại Annie. Chúng tôi đều đi ăn cơm tiệm cùng với đức lang quân rất dễ thương của nàng.
Vào năm 1960 này, Tân Nhạc ở miền Nam đã phát triển toàn diện. Đã có khá nhiều xu hướng như :
* xu hướng nhạc theo trường phái cổ điển Tây Phương mà Nguyễn Xuân Khoát hay Võ Đức Thu khởi xướng với Vũ Thành soạn cầm tấu khúc, thụy khúc theo thể concerto, sonate. Nghiêm Phú Phi và Văn Giảng thì cho len vào âm sắc của nhạc giao hưởng những âm thanh của nhạc cổ truyền Việt Nam. Loại nhạc thuần túy đòi hỏi phải có những ban nhạc lớn để biểu dương, hơn nữa nhạc không lời chưa hợp với quần chúng nên những người theo xu hướng nhạc giao hưởng đưa ra những bài soạn theo lối nhạc nhẹ (musique légère), nghĩa là có lời ca, qua những bản Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Tơ Sầu (Lâm Tuyền), Tiếng Dương Cầm (Văn Phụng)...
* xu hướng nhạc khiêu vũ phát triển mạnh vì có lợi điạ là những dancing với nhạc tango, pasodoble của Hoàng Trọng hay Đan Thọ, nhạc slow rock của Nguyễn Hiền hay Ngọc Bích, kích động nhạc của Khánh Băng và nhạc rumba, bolero của khá nhiều nhạc sĩ trẻ. Loại nhạc soạn theo điệu Nam Mỹ này dễ dàng đi đến loại nhạc có cái tên bất ổn là nhạc thời trang với nội dung quá thấp kém, người nghiêm khắc gọi là nhạc vàng nghĩa là nhạc ốm yếu, nhạc thương phẩm.
* xu hướng nhạc hài hước với Trần Văn Trạch dẫn đầu, tiếp theo là ban AVT với những bài Mái Tóc Huyền, Hội Sợ Vợ, Ba Bà Mẹ Chồng, bài này soạn bởi Phạm Duy Nhượng.
* xu hướng nhạc của các tôn giáo với tác phẩm của Hải Linh, Hùng Lân bên Công Giáo và của Lê Cao Phan, Phạm Thế Mỹ bên Phật Giáo.
* xu hướng nhạc tình với hầu hết các nhạc sĩ già hay trẻ trong đó có những tình khúc cảm tính (sentimental) của tôi (soạn cho người tình thi sĩ), trước khi có những tình khúc Trịnh Công Sơn mang nhiều não tính (cérébral) và nhạc Lê Uyên Phương mang nhiều nhục tính (sensuel), nhạc trẻ của Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà mang nhiều ảo tính (psychedelique).
* xu hướng nhạc dân ca với những bài hát tình tự dân tộc, tình ca quê hương thì có tôi chủ trương, cùng với Hoàng Thi Thơ hay Lam Phương trong một số bài.
Với trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN, tôi tiếp nối dòng nhạc xưng tụng quê hương của tôi với một tầm vóc lớn hơn, giống như Văn Cao đã làm trong kháng chiến với bản Trường Ca Sông Lô. Sau tôi, Hoàng Thi Thơ cũng soạn một trường ca nhan đề Ngày Trọng Đại để xưng tụng chế độ Cộng Hoà do Ngô Tổng Thống lãnh đạo.
Trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN là một bài hát lên đường. Trước đây, tôi đã chủ trương xưng tụng những cuộc lên đường rồi. Hoặc lên đường tâm tưởng như Lữ Hành, Viễn Du. Hoặc bước đi trên những nẻo đường kháng chiến như Khởi Hành, Đường Về Quê. Còn phải đi trên con đường tình ái rất ướt át của mình nữa, với những bài dìu nhau đi trên phố vắng hay Đường Em Đi... Đi thêm trong mộng mị với Mộng Du ...
Trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN có tới ba, bốn cuộc lên đường gom lại, vì lữ khách bây giờ đi trên con đường quê hương gấm vóc, đi trong lịch sử kiên cường, đi trong tình yêu, còn đi của trong lòng của nhân dân nữa. Về hình thức, qua trường ca này, loại dân ca cải tiến được tôi phát triển lên mức độ cao nhất. Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong nhạc ngũ cung, có thêm nhạc thuật chuyển hệ khiến cho giai điệu được phong phú. Nhạc sĩ người Đức Otto Soellner, khi soạn hoà âm phối khí cho bản trường ca, nói rằng : có những đoạn trong trường ca giống như nhạc của Johann Sebastian Bach.
Nhạc học gia người Gia Nã Đại Georges Etienne Gauthier, vì hiểu biết nhạc dân ca Việt Nam hơn, qua một bài viết đăng trên báo Bách Khoa vào năm 1970, cho rằng trường ca này dung hợp được tinh túy của của hai loại nhạc Đông Phương và Tây Phương.
Khá nhiều người có uy tín trong giới nghệ sĩ như Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Toàn, vì có lòng yêu nên đánh giá cao tác phẩm dài hơi của tôi. Và mỗi lần có đảo chính ở Saigon, trong khi nhân viên của Đài chờ người làm chủ tình thế tới tiếp thu cơ quan truyền thông quan trọng này thì bản trường ca được phát thanh suốt ngày khiến cho nó được phổ biến rất mạnh mẽ trong dân chúng. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên ở nhiều nơi đã dựng tác phẩm này thành một hoạt cảnh, đúng như lời tôi ghi trong đoạn giới thiệu. Tôi xin trân trọng cám ơn tất của những người hữu danh và vô danh kể ra trên đây.
Tôi còn muốn nói thêm một điều : Trong bản trường ca, khi đi tới cuối con đường xuyên Việt rồi, ước vọng của lữ khách là có ngày đường tan ranh giới để lữ khách được đi xa hơn nữa trên con đường dài của tình yêu, ở nơi thế giới xa xôi, và trong lòng dân chúng muôn nơi... Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi và một số rất lớn đồng hương đã thực hiện được ước vọng đó. Xin cám ơn cuộc đời.
Phạm Duy
(1) Coi Hồi Ký Thời Cách Mạng Kháng Chiến, trang 37.
(2) Ra hải ngoại rồi mà vẫn còn có người nhân danh sự yêu nước rồi khủng bố tinh thần những người không cùng lập trường chống Cộng như mình.
(3) Nói đến chuyện đồ cổ ở Việt Nam, phải đau đớn thấy rằng trong cuộc chiến tranh dữ dội giữa lính Mỹ và Vi Xi, có những sĩ quan quốc gia đã không quản hiểm nguy, dùng xe tăng đi lấy tượng Chàm đem về bán cho người ngoại quốc. Kể của nghị sĩ cũng làm việc phi pháp này.