PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 32

Hồi Ký - Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước về
Em đến tôi một lần
Ôi lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến Xuân......
BẾN XUÂN

Chợ Neo, tổ ấm trong kháng chiến...

Tại Chợ Neo, đời sống của đôi vợ chồng son này cứ êm đềm trôi như trong một giấc mơ dù thỉnh thoảng nghe thấy tiếng phi cơ ở xa xa thì chúng tôi nhào ra khỏi cơn mộng đẹp, nhẩy lẹ xuống hố tránh máy bay được ông bố vợ đào sẵn ở sân chùa trước quán.

Bỗng có một hôm, một cán bộ từ trong Tư Lệnh Bộ tới tìm tôi ở Quán Thăng Long. Anh ta đưa cho tôi một Sự Vụ Lệnh của Trung Ương gửi cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV để gọi tôi lên Việt Bắc. Tôi vội vàng đi gặp tướng Nguyễn Sơn, Đặng Thái Mai và Nguyễn Đức Quỳnh thì biết rằng đây là một đãi ngộ lớn của Trung Ương đối với một văn nghệ sĩ đã có thành tích công tác. Vừa mới lấy vợ có bốn tháng nên tôi tỏ vẻ ngần ngại, cả ba người này đều khuyên tôi nên đi và nên dắt cả Thái Hằng đi nữa. Tôi trở về nhà, bàn bạc với vợ và gia đình vợ. Cuối cùng, với sự đồng ý của mọi người, tôi quyết định ra đi. Và đem vợ đi theo luôn. Tôi cũng cho vợ tôi biết trước những sự vất vả trên đường nhưng vì yêu chồng và không muốn xa chồng cho nên :

-- Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin theo...

Ngày chúng tôi vác ba lô ra đi, ông bố vợ tiễn chân một quãng đường rất xa và khi chia tay nhau thì ông khóc. Con đường từ Chợ Neo lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, chúng tôi sẽ phải đi trong một tháng, mỗi ngày trung bình phải vượt từ 30 tới 40 cây số đường rừng, đường núi. Chúng tôi không dám đi trong vùng đồng bằng nhưng cũng có những đoạn đường đã có Quân Pháp chiếm đóng mà chúng tôi bắt buộc phải đi qua như Đường số 6 ở gần Hoà Bình, Đường số 2 ở khu vực Vĩnh Yên, Đường số 1 ở mé dưới Thái Nguyên... Nhưng đi tới đâu cũng có liên lạc viên dẫn đi và toàn đi vào nửa đêm về sáng cho nên chẳng bao giờ chúng tôi gặp địch cả.

Mới đi chưa được một tuần lễ, Thái Hằng bỗng thấy khó chịu trong người. Nhân ghé lại một địa điểm có Quân Y Viện, tôi đưa vợ tới cho bác sĩ khám bệnh. Thì chúng tôi bật ngửa người ra : Thái Hằng có mang. Làm sao bây giờ ? Quay về Thanh Hoá hay là cứ đi ? Nếu có quay gót về Chợ Neo lúc này thì cũng chẳng phạm vào một kỷ luật nào cả. Cũng chẳng có ai nỡ trách móc chúng tôi gì đâu, tôi nghĩ thế. Nhưng không hiểu tại sao lúc đó chúng tôi lại chọn giải pháp : cứ đi. Chúng tôi tôn thờ anh hùng chủ nghĩa à ? Chúng tôi yêu nước vô cùng ư ? Chúng tôi tôn trọng Sử Vụ Lệnh của Trung Ương đến thế cơ à ? Có thể là như vậy. Nhưng cũng có thể là trong suốt mấy năm trời, chúng tôi sống như những cái máy, chúng tôi đã bị điều kiện hoá bởi không khí hào hùng và nhiệt huyết ở chung quanh. Thấy ai cũng có những đóng góp và hi sinh cho kháng chiến thì mình cũng phải làm như mọi người. Thấy cả nước lên đường ra đi, làm sao mình có thể quay gót trở về được ? Chua sót thay, ngày trở về cũng sẽ tới, sẽ phải tới...

... Chuyện trở về là chuyện tương lai. Bây giờ thì hai vợ chồng tôi hãy cứ kéo nhau đi, trực chỉ miền Bắc. Tôi đã quen với chuyện trèo đèo lội suối rồi cho nên tôi rất khoan khoái với cái thú xê dịch cố hữu của tôi. Nhưng khi nhìn thấy vợ mình đang bụng mang dạ chửa -- dù mới chỉ có thai được hai tháng -- ngã lên ngã xuống những lúc phải trèo qua những ''sống trâu'' tôi thương sót vợ vô cùng. Tuy vậy, tôi không dám để lộ tình thương đó ra, sợ vợ mình sẽ mất tinh thần. Tới bất cứ nhà của một đồng bào nào hay tới một quán trọ ở dọc đường nào là Thái Hằng lao người vào giường nằm, không thiết ăn uống gì cả. May làm sao mà trên con đường đi lên Việt Bắc kỳ này chỉ có tôi là đôi khi bị sốt đi sốt lại, người vợ có chửa của tôi chưa bị Thần Sốt Rét tới thăm viếng. Lúc này, Thái Hằng chỉ bị ốm nghén, nhưng khi lên tới Việt Bắc thì sẽ biết tay ông Thần này ngay.

Chúng tôi phăng phăng ra đi, dưới những trận mưa lớn hay dưới ánh nắng gay gắt, lúc đi trong những vùng có thưa thớt đồng bào, lúc trơ ra chỉ có hai vợ chồng đi trên những con đường rừng thật là vắng vẻ. Lại ngửi thấy mùi cọp. Lại thấy rằng cọp cũng sợ người chứ chẳng phải chỉ có người sợ cọp mà thôi. Có lần hai vợ chồng tôi phải lội qua một con suối rừng vào mùa nước lớn. Nước chảy rất mạnh cuốn đi một chiếc giép làm bằng vỏ xe hơi của tôi. Chúng ta quen gọi loại giép này là giép râu, vì nó có hai cái quai bằng cao su thòi ra như hai cái râu người. Nhưng tên đích thực của nó là giép Bình-Trị-Thiên. Nó được sáng chế ra trước tiên ở Phân Khu IV trong thời kỳ đầu của kháng chiến. Tôi đã mang nó từ Chiến Khu Ba Lòng ra tới Thanh Hoá. Rồi từ Thanh Hoá đem nó lên tới con suối này. Mất thì tiếc quá. Tôi đã phải lặn xuống nước, mò cho ra chiếc giép, coi thường sự chết đuối có thể xẩy ra. Lại có lần không biết tôi nghe lời ai mách nước, mua chanh ngậm đầy miệng để cho tỉnh táo. Không ngờ bị sặc nước chanh gần như tắc thở. Cũng giống như hồi nào ở Lạng Sơn, anh bạn Giang Cao ăn quá nhiều cam trong lúc đói nên bị say nước cam như bị say rượu.

Nhưng trong cuộc ra đi này vẫn còn nhiều cái thú. Cái thú hoà mình vào với thiên nhiên. Bình minh hay hoàng hôn, đêm trăng hay đêm sao... tất cả đều ảnh hưởng vào mình để mình sẽ tuôn ra bằng lời ca, nét nhạc. Cái thú được ăn miếng cơm lam nấu bằng ống tre của đồng bào thiểu số. Cơm ngọt và bùi hẳn lên có lẽ vì có thêm mùi vị của nước tre. Cái thú được tắm suối chung với người miền núi. Tôi quen nhìn người ta khoả thân để kỳ cọ tắm tắp rồi, nhưng Thái Hằng thì ngượng lắm. Vui nhất là người miền núi và người miền suôi đều thích đứng nhìn nhau tắm. Nói một cách tích cực, trong chuyến ra đi này, đôi tân lang và tân giai nhân có thêm một tháng trăng mật, dù rằng bốn tuần trăng mật di động này mệt nhọc hơn những tuần trăng mật hú hí ở loanh quanh vùng Thanh Hoá. Hằng ngày, chúng tôi cứ việc vui vẻ ra đi và nếu có cái gì đáng sợ thì đó là... những con dốc. Trong tất cả những con dốc tôi phải leo qua từ trước cho tới nay, con dốc ở Tam Đảo -- chúng tôi cũng sẽ phải vượt qua dốc này khi trở lại Thanh Hoá -- là con dốc kinh khủng nhất. Vượt được nó rồi là đã đi được chín phần mười của lộ trình.

Thế là sau ba mươi ngày đi bộ và vượt được tám, chín trăm cây số gì đó, chúng tôi đã bò tới một nơi được gọi là Trung Ương. Một nơi có lẽ cũng rất là thiêng liêng. Chẳng tin thì hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân nói kháy sau đây. Cũng từ Khu IV ra Việt Bắc tham dự Đại Hội Văn Nghệ, khi sửa soạn vượt qua dốc Tam Đảo để đặt chân lên đất Thái Nguyên, con người duyên dáng Nguyễn Tuân trịnh trọng tuyên bố với mấy anh em cùng đi :

-- Mình phải tắm rửa cho thật sạch sẽ để dọn mình vào đất Thánh.

Chúng tôi được liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. — chung quanh đây không có một gia đình thường dân nào cả. Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh này là một thứ an toàn khu của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung Ương. Mỗi gia đình cán bộ đều được cơ quan của mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ giúp để dựng lên một cái nhà bằng nứa.

Yên Giã có vẻ là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ sĩ. Lúc này họ đều trở thành hội viên của các Hội Nhà Văn, Hội Hoạ Sĩ, Hội Nhạc Sĩ, Hội Sân Khấu cả rồi. Đi vài quãng đường là tới Cù Vân, vượt qua Đèo Khế tới khu vực của các lãnh tụ. Hang Pác Bố là nơi ở của Chủ Tịch họ Hồ cũng nằm ở đâu đây. Tại Yên Giã, vợ chồng tôi là thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến. Anh Khoát bây giờ gầy tọp đi, dáng người rất mệt mỏi nhưng cái xiết tay chào của anh vẫn còn mạnh lắm. Và lập tức anh dắt tôi tới gặp Tố Hữu, người bắt đầu nắm trong tay vận mạng của toàn thể văn nghệ sĩ. Tố Hữu già hơn hồi tôi gặp anh ở Huế, vẫn ăn nói nhẹ nhàng nhưng có cái đanh thép ẩn trong câu nói. Chắc anh theo rõi công việc của tôi trong mấy năm qua, bây giờ gặp tôi, Tố Hữu khen nhạc của tôi có ưu điểm là rất nhạy cảm và uyển chuyển (sensibilité et souplesse). Tôi cũng đáp lễ và khen bài thơ Bắn Đi của anh, nói rằng nhờ bài thơ này mà tôi được bộ đội yêu mến. Đó là sự thật.

Chỉ trong khoảng vài ngày, vợ chồng tôi có một cái nhà tranh nằm không xa nhà của vợ chồng Văn Cao là mấy. Đây mới đích thực là cái nhà là nhà của ta -- kháng chiến giúp ta làm ra. Tưởng như là căn nhà bên suối đang nằm ở trong bài một hát bỗng nhẩy ra đây. Đây cũng là cái tổ ấm đầu tiên trong đời tôi, của một gia đình có đôi vợ chồng son và đứa hài nhi nằm trong bụng mẹ. Nhà có tới ba phòng, phòng ngủ có cái giường nứa, phòng bếp có cái bếp nứa, phòng tắm có tấm phên cũng bằng nứa. Thiếu phòng vệ sinh, nhưng chúng tôi có cả một khu rừng ở đằng sau nhà rồi. Căn nhà nứa này, tuy có phòng tắm đó nhưng có bao giờ chúng tôi chịu tắm ở trong nhà đâu ? Ai chịu khó vác nước từ suối lên đây ? Bà Phạm Duy đi tắm suối là kéo bà Văn Cao đi cùng. Đi mua thực phẩm hơi xa cho nên cứ cách dăm ba ngày là các bà rủ nhau cùng đi chợ. Gạo ở đây là gạo kháng chiến, khi ăn mà không nhằn miếng cơm cho kỹ là dám sứt răng vì những hòn sạn. Cũng mua được thịt để ăn nhưng kho xong nồi thịt, chỉ cần một đêm là thịt kho trở thành thịt đông ngay. Bởi vì ở trong vùng rừng núi này, mỗi khi đêm xuống thì dù là mùa Hạ, trời cũng trở lạnh như trong mùa Đông.

Tôi gặp lại hầu hết các bạn bè cũ ở trong làng nhạc như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi... Vì sắp sửa có Đại Hội Văn Nghệ cho nên các văn nghệ sĩ ở khắp mọi nơi đang lục tục kéo nhau lên đây. Nào là Lê Văn Vũ Bắc Tiến cựu trưởng ban Ban Kịch Nghệ Thuật ở Hà Nội nay là trưởng đội kịch của Sư Đoàn 308... Nào là các trưởng thượng trong Hội Sân Khấu như Thế Lữ, Võ Đức Diên, Đoàn Phú Tứ... Thằng bạn Hoàng Cầm của tôi cũng sẽ có mặt ở khu Yên Giã này. Hân hạnh cho tôi là bây giờ tôi được bắt tay những người như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu. Đặc biệt là gặp lại anh bạn cùng học trường Mỹ Thuật khi xưa là Mai Văn Hiến. Chàng hoạ sĩ tinh quái của ngôi trường cũ này rất chiều chuộng Thái Hằng. Không biết anh hái ở đâu được những đồ chua như me, sấu, là những thứ mà người đang có mang là vợ tôi rất thèm ăn.

Đời sống ở Yên Giã quá đẹp. Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi an ninh thịnh vượng (!) là Thanh Hoá để lên đây ở. Tôi vẫn chưa được biết Trung Ương triệu tập tôi lên đây để làm gì ? Hình như tất cả mọi người còn đang rất bận trong việc chuẩn bị Đại Hội Văn Nghệ cho nên tôi được ở yên -- hay được bỏ quên -- trong ngôi nhà nứa của mình, ngày ngày chỉ có một việc là dắt vợ đi chơi trong khu rừng hoang vắng và thơ mộng. Chúng tôi lại tự an ủi, cho rằng mình được hưởng thêm những tuần trăng mật khác. Tối đến, cũng như mọi người, vợ chồng tôi đốt đuốc soi đường đi tới hội trường (đang được xây dở dang) để tham dự những buổi sinh hoạt văn nghệ. Hai cô ca sĩ cùng có tên là Thái : Thái Hằng và Bùi Thị Thái (vợ ông Quản Liên, trước đây là Trưởng ban Quân Nhạc Lính Khố Xanh bây giờ là Trưởng ban Quân Nhạc Việt Minh) thi nhau hát những bài ca cổ điển Tây Phương. Ở nơi an toàn khu này, ca hát là môn giải trí độc nhất, cho nên các bà, các cô tới tham dự đông lắm. Các bậc phu nhân của các văn nghệ sĩ ở Trung Ương này, sau mấy năm ở ''u tì quốc'', đã đi khá sâu vào đời sống nâu sồng rồi. Phụ nữ của chúng tôi từ Khu IV rất thanh bình vừa lên tới đây thì hãy còn ăn diện ghê lắm. Trong những buổi họp hay trong đêm hát, Thái Hằng diện sơ mi trắng và quần xanh có yếm (kiểu combinaison của thợ thuyền Âu châu), tóc thắt bím buông xuống hai vai, xuất hiện ở khu Yên Giã này như một biến cố về y phục phụ nữ vậy. Thế nhưng nếu khám ba lô của cô dâu mới, sẽ thấy chỉ có thêm hai bộ quần áo cũng rất nâu sồng để mặc hằng ngày.

Lúc này cũng là thời điểm rất quan trọng đối với lịch sử kháng chiến Việt Nam. Quân Đội Mao Trạch Đông đánh bật Quân Đội Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa Trung Hoa. Các lực lượng quân sự của Việt Minh và Trung Cộng ở hai bên biên giới liên lạc được với nhau. Chủ Tịch họ Mao tuyên bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh gửi điện văn chúc mừng Mao Trạch Đông. Có giả thuyết là ông Hồ qua Trung Quốc để hội nghị mật với Mao Trạch Đông. Việt Minh được Trung Cộng cung cấp tối đa về vũ khí, quân trang, quân dụng. Hơn nữa, từng sư đoàn hay trung đoàn Vệ Quốc Quân sang Tầu để được huấn luyện thêm. Quân Đội chính quy của Việt Minh lên tới 350.000 người.

Trung Cộng toàn thắng ở lục địa Trung Hoa. Chúng tôi được triệu tập đi họp để nghe thảo luận về chiến thắng của Mao Trạch Đông. Đây là lúc trong thế giới Cộng Sản, đứng trên căn bản lý thuyết của Mác, người ta thảo luận rất gay go về việc chủ tịch họ Mao dựa vào nông dân để làm Cách Mạng. Trước sự thắng lợi của Trung Cộng, bởi vì Mao không dùng công nhân để thực thi Cách Mạng như Mác đã đề ra, bây giờ người Cộng Sản phải gọi là đó là chủ nghĩa Mao Trạch Đông hay chỉ nên gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông ? Tôi ngồi nghe các cán bộ cỡ lớn thảo luận về vấn đề này cũng giống như vịt ngồi nghe sấm, chẳng hiểu mô tê gì cả. Cuối cùng, người ta chỉ phong cho sự nghiệp của họ Mao danh từ tư tưởng. Còn chữ chủ nghĩa rất thiêng liêng kia, chỉ có thể dành cho Mác mà thôi.

Như thế là về phương diện chính trị và quân sự, thời gian đã đứng về phe Việt Minh. Sau bốn năm kháng chiến, qua tới đầu 1950, với sự thắng lợi của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, bây giờ Pháp không còn một chút hi vọng nào để thắng nổi một đội quân chính quy gồm 350.000 người với đầy đủ vũ khí do Trung Cộng vừa cung cấp. Nhất là trong trong đội quân này đã có từng Trung Đoàn được đưa qua huấn luyện ở phía bên kia biên giới. Đó là chưa kể tinh thần nhân dân Việt Nam vẫn còn rất cao. Cho tới bây giờ, tất cả mọi người vẫn quyết tâm kháng chiến trong mặt trận Việt Minh. Lúc đó chưa có chuyện cải cách ruộng đất, tố khổ và chỉnh phong, chính huấn gì cả.

Còn tệ hại hơn nữa cho Pháp là phe tả của họ ở trong nước cũng hết sức bênh vực Việt Minh. Họ phái người qua thăm Việt Nam và đi vào tận cơ quan đầu não ở chiến khu. Chúng tôi được huy động để đón tiếp Chủ Tịch Liên Đoàn Thanh Niên của Pháp là Léo Figuères ở một nơi gần khu Yên Giã này. Giữa nơi rừng sâu núi thẳm, Léo Figuères có cơ hội tai nghe mắt thấy những thực lực của Việt Minh để khi trở về Pháp anh thanh niên tả khuynh này sẽ còn hoạt động ráo riết hơn nữa cho sự thất trận của Quân Đội Pháp bốn năm sau này.

Thế rồi vào một ngày hè trong năm 1950 này, Đại Hội Văn Nghệ -- có thêm vào đó hai chữ Nhân Dân -- được khai mạc. Hội trường do kiến trúc sư Võ Đức Diên vẽ kiểu và đôn đốc việc xây cất từ mấy tháng nay. Tuy vật liệu xây cất chỉ là những cột dọc làm bằng thân cây lớn, những cột ngang làm bằng tre, cùng với vách nứa và mái tranh, nhưng Hội Trường trông cũng đồ sộ lắm, khác hẳn với những hội trường ở miền suôi mà tôi đã biết. Thành phần tham dự Đại Hội là những văn nghệ sĩ nổi danh đang phục vụ trong Quân Đội hay trong các Hội Văn Nghệ ở Trung Ương, các nhân viên của các hội văn nghệ ở các địa phương và còn có thêm cả các cán bộ thông tin văn hoá nữa.

Chủ Tịch đoàn gồm có nhà văn Nguyên Hồng, hội viên Hội Văn Nghệ Trung Ương, kịch sĩ Lê Văn (Vũ Bắc Tiến) trưởng ban kịch của Trung Đoàn 308 và Vũ Thược, cán bộ văn hoá của huyện Lập Thạch thuộc Vĩnh-Phúc (tức hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên). Vào thời điểm này, Đảng Cộng Sản bấy lâu nay ẩn mình trong Mặt Trận Việt Minh bây giờ quyết định đưa ra bàn tay không còn bọc nhung nữa. Đại Hội gọi là Văn Nghệ Nhân Dân này không có mục đích nào khác hơn là bắt đầu từ nay trở đi, có Tố Hữu với bàn tay sắt, chỉ huy văn nghệ.

Trong ngày đầu tiên của Đại Hội, tôi thấy Chủ Tịch Đoàn đưa ra một đường lối gọi là văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Mục đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sáng tác và biểu diễn. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính ?) là biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ và báo cáo đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho các quan khách biết. Các quan khách đó là ai ? Đó một số cố vấn Liên Sô, Trung Cộng và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của Đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ...

Sau đó, tới phần thảo luận riêng của các ngành. So với mọi ngành khác, thành phần nghệ sĩ trong ngành kịch là đông đảo nhất. Tuy tôi là nhạc sĩ và vợ tôi là ca sĩ nhưng Thái Hằng còn là kịch sĩ nữa cho nên chúng tôi có mặt trong những buổi hội thảo về ngành này. Tôi gặp Hoàng Tích Linh, tác giả vở kịch nhan đề Tiếng Đập Cửa là người ở trong đoàn kịch Chiến Thắng của Tổng Cục Chính Trị. Diễn viên trong đoàn này là Thúy Cẩm, em gái của kịch sĩ Kỳ Ngung và Thùy Chi, em ruột của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Thùy Chi có tên thật là Khuê, nhưng được mọi người gọi là Cô Thôn, tên của một nhân vật kịch. Cô Khuê đóng vai cô Thôn đặc sắc đến nỗi người ta không còn gọi cô bằng tên thật hay bằng tên nghệ sĩ của cô nữa. Nữ diễn viên Kiều Hạnh cũng là chị dâu của Thái Hằng và cũng có mặt tại Đại Hội này cùng với anh Phạm Đình Sĩ và mấy cháu Mai Hương, Bạch Tuyết và Sơn. Gặp được những người thân thích thì vợ tôi vui lắm.

Tôi cũng gặp cả Hoàng Cầm, vừa mới tới Yên Giã cùng với các diễn viên nổi tiếng trong ngành Kịch Thơ như Trần Hoạt, Kim Lân. Tôi thấy Hoàng Cầm gầy đi nhưng đôi mắt của nó vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng...

Dưới sự chủ toạ của Thế Lữ, Hội Trưởng của Hội Sân Khấu, một anh hội viên là Đoàn Phú Tứ đứng ra thuyết trình về sự hình thành của sân khấu Việt Nam gồm có Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ, Kịch Nói... và xin mọi người thảo luận để định nghĩa cho một hình thức sân khấu mới mẻ nhất là Thoại Kịch tức Kịch Nói.

Sau nhiều tranh luận, Đoàn Phú Tứ tóm tắt các ý kiến của những người phát biểu. Tất cả đã nhất trí với định nghĩa này :

-- Kịch là bộ môn nghệ thuật dùng sân khấu làm phương tiện trình bày những cảnh đời đang có mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đi tới chỗ kịch liệt thì phải giải quyết. Giải quyết xong mâu thuẫn là hết kịch.

Tôi đã biết tới những điều này từ lúc mới bước chân vào Liên Khu IV, được nghe tướng Nguyễn Sơn giảng về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ. Có gì là mới lạ đâu ? Đã tưởng thế là xong phần thuyết trình và định nghĩa về Thoại Kịch sau khi các văn nghệ sĩ đã đồng ý với thuyết trình viên Đoàn Phú Tứ. Nhưng lập tức một số cán bộ chính trị đứng lên đòi Chủ Tịch Đoàn phải bổ túc thêm vào biên bản của hội nghị :

-- Giải quyết những vấn đề trong các vở kịch thì phải có lập trường. Vậy chúng ta đứng trên lập trường nào ? Lập trường phong kiến ? Lập trường tư sản hay tiểu tư sản ? Không. Phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản.

Trong một buổi họp khác, tổ kịch đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói :

-- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu.

Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng :

-- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ.

Nhưng Tố Hữu cười khảy :

-- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước, bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.

Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ :

-- A... Tố Hữu nói như vậy thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này phải có thái độ với bài hát đã từ lòng nhân dân mà ra...

Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng. Xưa nay tôi là người không ưa cãi nhau cho nên lúc đó tôi cũng im luôn. Dù lập trường của Tố Hữu không vững lắm nhưng tôi cũng không đứng lên để bênh vực hai anh nhạc sĩ Nam Kỳ này.

Theo sự hiểu biết của tôi -- vốn là kẻ đã đi theo gánh hát Cải Lương trong ba năm trời -- thì bài Vọng Cổ đã ra đời vào năm 1917 là lúc nước Việt Nam đã sống dưới ách nô lệ thực dân từ lâu rồi. Đã mất nước rồi mới có một người là ông Sáu Lầu ở Bặc Liêu đẻ ra bài Vọng Cổ. Điệu Vọng Cổ xuất thân từ điệu Hành Vân, mới đầu chỉ có 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Khi nó phát triển tới loại Vọng Cổ 6 câu mỗi câu 16 nhịp rồi tiến tới 32 nhịp thì âm nhạc của nó nghiêng hẳn về điệu ru con ở miền Nam. Trong suốt mấy chục năm, Vọng Cổ đã được dùng để kể lể đầy đủ mọi thứ chuyện buồn hay chuyện không buồn, kể cả những chuyện hài hước làm cho người nghe phải cười nôn ruột của mấy anh hề. Không phải chỉ có những bài hát Vọng Cổ than khóc mà thôi đâu.

Nhưng nếu cứ cho rằng đa số bài Vọng Cổ nói tới chuyện buồn đi, là làm nhụt chí anh hùng đi, thế tại sao vào ngày lịch sử 12 tháng 10 năm 1945, tất cả Nam Bộ cứ cầm gậy tầm vông vùng lên đánh Pháp và vẫn còn tiếp tục đánh Pháp cho tới bây giờ (là mùa Hè 1950). Những thính giả mà ta cho rằng đã bị đầu độc bằng bài Vọng Cổ hằng mấy chục năm, tại sao họ vẫn anh dũng chiến đấu ? Họ đâu có đầu hàng Pháp ? Và chắc chắn là họ vừa đánh giặc, vừa hát Vọng Cổ cho mà coi. Vọng Cổ, theo tôi, chính là bài hát phát sinh từ nhân dân cho nên nó mang rất nhiều chất tình tự dân tộc. Nói một cách khác, khi tôi nghe hát Vọng Cổ, tôi rất cảm động và tôi thương yêu nước tôi hơn là khi tôi nghe nhạc... classic hay nhạc rock chẳng hạn.

Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ :

-- Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến.

Lại cũng không ổn. Những vở kịch thơ trước đây tôi đã được coi, chính là những vở kịch nung nấu lòng ái quốc của chính tôi, vì nó nói tới chuyện Nguyễn Trãi, Phi Khanh, nói tới Quán Biên Thùy, Người Mù Dạo Trúc, Bến Nước Ngũ Bồ, Lên Đường, Viễn Khách... Lối ngâm thơ rền rĩ mà những ngâm sĩ đã mắc phải khi diễn kịch thơ, ta có thể khắc phục được nếu ta huấn luyện cho các ngâm sĩ biết chọn đoạn nào ngâm, đoạn nào nói. Và nếu ngâm nên ngâm theo giọng gì ? Giọng oán cần phải dùng cho đúng lúc. Là kịch thơ nhưng vẫn có thể có những đoạn nói thơ -- lẽ dĩ nhiên không phải là lối nói thường hoặc nói lối theo kiểu Hát Chèo hay Cải Lương -- Cần nhất là phải dùng tối đa những điệu ngâm khác biệt với giọng oán như sa mạc, cổ thi hay những điệu ngâm thơ nằm trong nhạc mục của Hát Ả Đào. Vấn đề này nằm hoàn toàn trong lĩnh vực kỹ thuật (không phải nghệ thuật) cho nên rất dễ cải tiến. Opera của Âu Tây là cái gì, nếu không phải là kịch thơ có ngâm nga và có hát lên ? Hơn nữa, gần đây, tại chiến trường Cao-Bắc-Lạng, tôi và Hoàng Cầm rất thành công với những màn diễn thơ có thể được gọi là những màn kịch thơ ngắn được lắm.

Với Đêm Liên Hoan hay Tâm Sự Đêm Giao Thừa được trình diễn với hai diễn viên và có điệu bộ, ta có mầm mống của những vở kịch thơ ái quốc. Ngay chính tôi đây, khi diễn ngâm bài thơ Bắn Đi Tố Hữu, tôi đã đóng kịch đó. Đóng vai anh thi sĩ đứng cạnh người lính Pháo Binh ở trên một ngọn đồi có đặt sẵn khẩu súng lớn nhắm xuống đồn địch. Người lính Pháo Binh phải chờ giờ khai hoả, nhưng anh nghệ sĩ quá căm thù giặc, nhìn thấy chúng đang cười nói ở dưới đồn thì sốt ruột quá, anh thúc giục đồng chí Pháo Binh phải bắn đi. Bắn ngay lập tức. Tôi được bộ đội rất hoan nghênh khi đóng kịch trong cái màn thơ độc diễn này.

Tôi cho rằng, nếu lúc đó Hoàng Cầm được khuyến khích để tiếp tục phát triển Kịch Thơ thì không chừng chúng ta đã có một thứ sân khấu có tính chất opera theo kiểu Việt Nam, chứ không phải thứ opera học mót của các trường phái của Âu Tây.

Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử toạ bỗng im phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố :

-- Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.

Phải công nhận là trong Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này, những nhà lãnh đạo Việt Minh coi ngành sân khấu như một đội quân lớn để thể hiện đường lối gọi là văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được Chủ Tịch Đoàn đưa ra ngay từ hôm khai mạc Đại Hội. Dưới con mắt của Chính Quyền và nhất là của Đảng Cộng Sản ẩn hình sau Mặt Trận Việt Minh, ngành Sân Khấu là bộ môn có nhiều quần chúng nhất.

Do đó mà ta thấy Tố Hữu ra hết mệnh lệnh này tới mệnh lệnh khác, nhằm vào Kịch Thơ, nhằm vào bài Vọng Cổ của Sân Khấu Cải Lương và đề cao Thoại Kịch là đội quân xung kích của trận chiến này. Từ nay trở đi, sẽ có rất nhiều các đoàn văn công được thành lập để thực hiện những phương châm mà Đại Hội này đề ra, nói cho gọn là đem lập trường đấu tranh giai cấp vào ngành Ca-Kịch-Nghệ. Có lẽ để sửa soạn cho việc cải cách ruộng đất ''long trời lở đất'' sắp sửa xẩy ra trong năm sau, khi Việt Cộng tiếp thu được bài học về chính sách này của Trung Cộng.

Các ngành khác -- như âm nhạc chẳng hạn -- cũng được bàn tay chỉ huy chiếu cố tới, nhưng sự ra lệnh có vẻ kín đáo và tế nhị hơn. Tôi bị phê bình là tiêu cực với những bài như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh. Và tôi được khuyến khích để khai tử một bài hát quá ư lãng mạn và đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong toàn quốc là bài Bên Cầu Biên Giới. Nhưng tôi đóng kịch giả vờ ngu dại và lơ đãng, lờ luôn cái chuyện đó đi. Chỉ không hát những bài bị phê bình là tiêu cực và lãng mạn đó ở trong Đại Hội là cũng đủ làm hài lòng qúy vị lãnh đạo rồi. Phải không ?

Tối đến, trong buổi sinh hoạt có tính cách giải trí, tôi và Thái Hằng hát xong bài Bà Mẹ Quê là xuống ngồi nghe các nhạc sĩ trong đoàn Văn Nghệ Khu III biểu diễn. Có Canh Thân hát bài Thiên Thai với sự phụ hoạ dương cầm của vua piano Nguyễn Văn Hiếu. Văn Cao ngồi cạnh tôi nhiều khi phải nhăn mặt khi nghe Canh Thân hát bài Thiên Thai với quá nhiều fantaisies, nghĩa là ca sĩ hát sai nhiều nốt nhạc ở trong bài hát. Có các nhạc sĩ Xuân Tiên, Xuân Lôi... thổi kèn cho nhiều ca sĩ hát những bài của Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc...

Phải nói rằng Đại Hội Văn Nghệ này rất thành công. Thành công ở chỗ đại đa số văn nghệ sĩ được chỉ huy mà không có ai dám phản đối gì cả. Nếu có phản đối, phải đợi khi tan xong Đại Hội và trở về tới địa phương rồi mới phản đối bằng cách... dinh tê. Đại Hội lại cũng rất là vui. — giữa khu rừng xưa nay heo hút, bây giờ có rất đông đảo các tay to mặt lớn trong làng văn nghệ và chính trị tới gặp nhau. Sau bốn năm đi tung hoành ở mọi nơi, bây giờ họ mới có dịp tụ hội, mà lại tụ hội ở một nơi chúng tôi gọi là gần mặt trời. Giới văn nghệ sĩ có cảm tưởng như mình được trọng vọng. Trong giờ nghỉ giải lao, chúng tôi trò chuyện với nhau rất là thân mật, tránh không nhắc tới những vấn đề mà chúng tôi coi như là những bêtes noires vừa được nêu lên trong Đại Hội.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vì quá yêu tôi qua những bài dân ca gần đây cho nên cho rằng tôi là người tạo ra được một âm giai đặc biệt Việt Nam, anh ta gọi là gamme phamduyrienne.

Đoàn Phú Tứ giúp tôi sửa lại hai chữ trong bài Tiếng Hát Trên Sông Lô :

Hỡi anh du kích tập bắn trên rừng
Thuyền tôi đậu bến Đoan Hùng
Nửa đêm nghe tiếng chim mừng líu lo...

-- Cậu nên đổi hai chữ ''nửa đêm'' bằng hai chữ ''bình minh''.

Tôi đồng ý ngay. Và cám ơn tác giả của bài thơ Mầu Thời Gian bất hủ. Sau này tôi có phổ nhạc bài thơ đó, không biết anh bạn vàng này có nghe được hay không ?

Buổi tối có sinh hoạt văn nghệ. Có các khách ngoại quốc tham dự. Các cố vấn Liên Sô gặp nữ nghệ sĩ nào cũng ôm hôn khiến cho ai cũng ngượng. Họ còn mời các bà, các cô nhẩy theo kiểu Son Đố Mì nữa. Càng vui chứ sao ? Đại Hội khoản đãi văn nghệ sĩ cũng rất chu đáo. Tuy không được hưởng chế độ ăn theo ''tiểu táo'' như các ông ''vua mới'' của nước ta, nhưng trong những bữa cơm tập thể nấu theo kiểu ''đại táo'' này, tôi đã được thưởng thức tài nội trợ của những bà như chị Võ Đức Diên với món chao làm bằng đậu xanh (soja) rất bổ béo. Trong suốt thời gian bốn tháng ở Yên Giã, ngày nào chúng tôi cũng được ăn cơm với chao, không đi tu mà cũng ăn trường chay.


Phạm Duy