Chương 29
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3588
Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân
Nghe tiếng o nghèo kể rằng :
Quân thù về đây đốt làng...
BAO GIỜ ANH LẤY ĐƯỢC ĐÔN TÂY ?
Chuyến công tác Bình Trị Thiên
Đoàn Văn Nghệ của Trung Đoàn 304 sau khi xong công tác tại Hà Tĩnh rồi thì chia ra làm hai. Phạm Văn Đôn dắt một nửa đoàn trở ra Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV. Tôi, Bửu Tiến, Ngọc Khanh (em gái của nhạc sĩ Ngọc Bích), Vĩnh Cường và một số đội viên đi vào phía Nam. Giã từ những đoàn viên đang quay chân trở về Thanh Hoá, chúng tôi lên đường đi vào một miền đất nước được mệnh danh là Bình-Trị-Thiên khói lửa. Một đại đội Vệ Quốc Quân do một cán bộ tên là Ngô Đại Hành chỉ huy được phái đi để phòng vệ cho đoàn văn nghệ. Họ đi cách chúng tôi chừng 2, 3 cây số.
Ngày đầu tiên khởi sự ra đi, vừa qua một mảnh đồng bằng rất hẹp không có đất cầy mà chỉ có những búi cỏ cứng mọc trên bãi cát, chúng tôi phải leo ngay lên núi. Và đã leo một bước rồi là cứ tiếp tục leo, leo hoài, leo mãi. Leo từ sáng sớm cho tới chiều tối, không có một bước chân nào của chúng tôi được đặt trên một lối đi gọi là phẳng phiu cả. Toàn là phải cong lưng, cúi đầu, co gối... leo hết bước này leo tới bước khác. Leo khoảng vài chục bước là phải ngồi bệt xuống bờ núi để ôm ngực thở. Phải mất một ngày đường mới leo được từ chân núi tới đầu núi. Nghỉ ngơi một đêm rồi hôm sau lại mất một ngày nữa mới đi được từ đỉnh núi xuống thung lũng. Không trách gì người dân ở đây đã gọi các cao điểm này bằng những cái tên nghe phát sợ : núi Ba Lùm Ba Lòi, núi U Bò... Cứ tưởng rằng đi xuống thì đỡ mệt hơn leo lên, nhưng vì ngoài cái ba lô nặng, bây giờ chúng tôi lại còn phải choàng thêm một cái ruột tượng đựng gạo, cho nên sự xuống dốc cũng chẳng sướng hơn sự lên dốc là mấy. Đường núi rừng Việt Bắc mà tôi đã nếm mùi, tuy cũng khó đi nhưng không khốn khổ như đường Trường Sơn.
Trong suốt một tháng đi trên đường này, từ Hà Tĩnh vào tới cái đích là Bộ Tư Lệnh Phân Khu đang đóng ở Mật Khu Ba Lòng, trên con đường núi, ngoài những cái trạm rất thô sơ, chúng tôi không gặp một cái quán nhỏ nào để mua một ly cà phê sữa nóng uống cho ấm bụng. Ngoài ra, trong suốt mấy năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên tôi phải tự hầu cơm mình chứ không còn được anh nuôi hay chị nuôi giúp mình trong việc ẩm thực như trước nữa. Anh em trong đoàn góp gạo rồi chia nhau mỗi ngày một người phụ trách việc thổi một nồi cơm chung. Thức ăn thì đội viên phải tự lo lấy. Sau mấy ngày đầu ăn hết số thịt kho mà hôn thê Thái Hằng làm sẵn để mang đi, nỗi khổ tâm nhất của tôi bây giờ là phải ăn cơm với gói mắm tôm mà tôi mua được tại một cái trạm hiếm hoi trên con đường mòn này. Từ xưa tới nay, trong các món ăn quốc hồn, quốc túy, tôi sợ nhất là hai món thịt chó và mắm tôm. Trong kháng chiến, đã có lần tôi chê thịt chó dù đang đói lả người, nhưng bây giờ thì tôi đành phải le lưỡi nếm món mắm tôm vậy. Sự ăn uống càng ngày càng kham khổ, cô Ngọc Khanh ở trong đoàn phải chế ra một thứ thức ăn là mỡ pha với muối rồi cho vào ống tre mang đi. Có ngày hết gạo, chúng tôi phải vào rừng kiếm rau mà ăn.
Có lẽ chúng tôi là một trong những đoàn người đầu tiên mở ra con đường về sau được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Đã nhiều lần chúng tôi đi trong rừng rậm không có lối mòn, mọi người phải lấy dao rừng để chặt cây làm lối đi. Có những nơi chúng tôi đang đi thì ngửi thấy mùi cọp. Mới đây ở Chi Nê, tôi đã thấy cọp rừng không giống như cọp ở Sở Thú. Cọp nhốt ở trong chuồng Hằng ngày được nhân viên Sở Thú phun nước tắm còn cọp trong rừng bao giờ cũng toả ra một mùi dễ sợ. Nghe đâu đã có nhiều vụ cọp vồ người ở đây. Mọi người trong đoàn bảo nhau đi xát vào lưng nhau, nếu cọp nhẩy ra thì một người phải hi sinh đó nhé. Rất may là lúc đó cọp Trường Sơn để cho chúng tôi yên thân ra đi. Có nhiều khi chúng tôi đi lấn qua địa phận nước Ai Lao chứ không còn đi ở trên đất nước của mình nữa. Tuy rất là gian nan nhưng cuộc ra đi này đối với tôi cũng rất là lý thú. Trước hết, tôi vốn là một kẻ ham chơi, lại vừa mới chiếm được trái tim của một người đẹp, đáng lẽ ra tôi phải sợ gian khổ và ở lại hậu phương để lấy vợ thì tôi đã xung phong đi vào chốn khói lửa (!) này để tỏ cho mọi người -- nhất là cho tướng Nguyễn Sơn và cho vị hôn thê Thái Hằng -- biết rằng tôi là một người trai xứng đáng của thời đại. Âu cũng là bởi vì ngoài cái tính ham chơi ra, tôi còn có thêm cái tính hiếu thắng.
Hơn nữa, dù rằng trong quá khứ tôi cũng đã có cơ hội sống với biển cả (như hồi đi theo Kháng Chiến Nam Bộ chẳng hạn) nhưng tôi vẫn cho rằng muốn nhìn thấy biển Thái Bình Dương rộng rãi bao la như thế nào thì phải leo lên đứng ở trên một đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn. Bây giờ tôi làm được điều đó. Ở chốn này, giữa biển và núi chỉ có một khoảng đất hẹp, tôi có cái nhìn rộng rãi hơn vào biển Đông. Nói một cách lộng ngôn, đứng ở nơi cao nhất của nước mình, tôi có thể nhìn qua được đại dương để thấy rằng đất liền Âu Á cũng không xa gì... Nếu có ai yêu nhạc của tôi mà nhìn thấy trong đó có đủ chiều cao chiều rộng thì nên biết rằng một trong những nguyên nhân của nó, chính là chuyến đi vào Bình-Trị-Thiên này. Rồi đây, chiều sâu mà tôi học được trong chuyến đi, đó là sự đau khổ của người dân đang phải sống quằn quại ở dọc một con đường mà Quân Đội Pháp sẽ đặt cho cái tên là La Rue Sans Joie (Con Phố Buồn Thiu) ở dưới miền đồng bằng khủng khiếp kia...
... Được đại đội phòng vệ dẫn đi đúng đường, sau gần một tuần lễ leo núi, chúng tôi tới được trụ sở của Ủy Ban Kháng Chiến Tỉnh Quảng Bình. Trụ sở là một cái nhà làm bằng nứa được dựng lên tại một bìa rừng cách thị xã và làng mạc ở dưới đồng bằng cũng không xa lắm. Được nghỉ ngơi vài ngày rồi được dẫn xuống một làng phụ cận, và dù rằng đồn canh của Pháp chỉ cách đây có vài cây số, chúng tôi cũng tổ chức một đêm trình diễn văn nghệ tuy đơn sơ nhưng rất hào hứng. Sau 3 năm chiến tranh và chịu đựng rất nhiều sự khủng bố của lính Pháp, đây là lần đầu tiên mà dân chúng Quảng Bình được gặp những văn nghệ sĩ nổi tiếng do Bộ Tư Lệnh Quân Khu gửi vào. Sự có mặt của chúng tôi cần thiết hơn là những vở kịch hay những bài hát của chúng tôi. Làm xong công tác có tính chất ủy lạo rồi, chúng tôi sống với đồng bào vài ngày để lấy chất liệu sáng tác. Chúng tôi được nghe nhiều chuyện rất thương tâm của người dân ở trong vùng này và tôi soạn ngay tại đây một bài hát nhan đề Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây :
Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân.
Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân
Nghe tiếng o nghèo kể rằng :
Quân thù về đây đốt làng...
Tuy đã đi kháng chiến từ 1945, đây là lần đầu tiên tôi thấy được sự thống khổ của người dân trong vùng bị Pháp chiếm. Tôi biết được rằng phụ nữ ở đây bị hãm hiếp 200 phần trăm, nghĩa là gia đình nào cũng có mẹ, có chị, có em gái bị làm nhục, mỗi người tối thiểu cũng bị hiếp hai lần. Do đó, người dân ở đây ai cũng mong chờ Vệ Quốc Quân về đánh đồn :
Bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh ?
Để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh.
Sau này, khi tôi trở về Thanh Hoá và lên Việt Bắc, qua bài hát này, có nhiều người có nhiệm vụ lãnh đạo văn nghệ phê bình tôi là tiêu cực. Họ nói : Dân chúng phải tự động đứng lên đánh đồn, đừng chờ Vệ Quốc Quân...Tôi buồn và nghĩ rằng có lẽ những người này chưa bao giờ nhìn thấy cảnh quê nghèo ở miền Trung trong chiến tranh, chưa có dịp nhìn thấy những ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy và chỉ có người bừa thay trâu cầy... như tôi nhìn thấy vào năm 1948 này. Hay là đã chưa có dịp nghe được tiếng o nghèo, miệng thì thở dài, đôi bàn tay khẳng khiu thì vỗ về trẻ thơ bùi ngùi trong những nửa đêm thanh vắng không một bóng trai... Không một bóng trai, bởi vì bao nhiêu người trai ở trong làng đều đã bị giết chết cả rồi. Lấy đâu ra trai làng để đi đánh đồn Tây ? Hở những người sẽ trở thành nhất tướng công thành vạn cốt khô ? Nhờ ở chuyến đi công tác tại đây mà tôi thấy được bộ mặt khác của kháng chiến. Trong vinh quang của chiến đấu có thống khổ của chiến tranh. Con người không phải lúc nào cũng chỉ ở trong hoàn cảnh hùng dũng mà nhiều khi còn bị đẩy vào những cảnh bi thương. Và không chỉ có tôi mới nhìn thấy sự kiện đó. Ở ngay trong Khu IV lúc này, một cán bộ chính trị kiêm thi sĩ, với bút hiệu Hữu Loan, cũng nói tới nỗi bi thương của những đôi vợ chồng trẻ trong chiến tranh :
Nhà em ở dưới mái chè
Chồng em chết trận em về quay tơ...
Hữu Loan trông bề ngoài rất là oai, nhất là khi anh cưỡi ngựa đi công tác trong khu IV này. Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn. Anh còn có một bài thơ rất nổi danh sau này là bài Mầu Tím Hoa Sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi :
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương...
. . . . . . . . . . . . . .
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu...
Tôi không nghĩ rằng văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến là phải viết ra những bài uống máu quân thù, ăn thịt giặc không tanh... hay là phải xây dựng những con người Việt Nam bằng sắt bằng đá. Người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói con tim của những người đang hi sinh hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình để đi chiến đấu. Do đó tôi rất yêu Hoàng Cầm khi nó đưa ra hình ảnh vợ con của chiến sĩ qua bài Tâm Sự Đêm Giao Thừa.
Đi diễn ở một vài nơi trong tỉnh Quảng Bình xong, chúng tôi lại phải leo núi để đi đường rừng vào Quảng Trị vì ở dưới đồng b_ăng, Quân Đội Pháp xây rất nhiều đồn canh, ban ngày chúng cho lính đi vào các làng mạc để khủng bố dân chúng, ban đêm chúng ở trong đồn bắn ra bừa bãi. Nhưng lúc đó chúng tôi còn rất trẻ và chẳng biết sợ là gì cả, cho nên sau khi ở với Ủy Ban Kháng Chiến tỉnh Quảng Trị ở trên núi vài ngày, chúng tôi đề nghị với chính quyền điạ phương cho chúng tôi xuống đồng bằng để đi công tác. Và một hôm, chúng tôi tới một làng trong huyện Gio Linh.
Khi chúng tôi tới đầu làng, dân chúng lảng đi không muốn nói chuyện vì lính Pháp vừa tới khủng bố làng này. Họ tưởng chúng tôi là người của Pháp. Nhưng sau khi biết chúng tôi là đoàn văn nghệ được Tỉnh œy phái tới để nâng cao tinh thần đồng bào thì dân làng niềm nở đón tiếp. Sau khi hỏi thăm tình hình nơi đây, họ kể cho nghe chuyện lính Pháp vừa tới khủng bố làng này và đưa chúng tôi đi coi cái hố chôn tập thể. Khi đi qua một cái cầu tre, tôi thấy nước ở dưới chân cầu hãy còn nhuộm mầu máu đỏ, hỏi ra thì được biết chuyện12 người mẹ vừa bị bắn chết. Chuyện như thế này :
Sau khi một toán lính Pháp đi tuần tiễu và bị du kích bắn chết hay bị giật mìn gì đó, lính Pháp được phái tới làng này để trả thù. Chúng tập trung dân làng lại và thấy trong đám đông có 12 người mẹ đang bồng trong tay 12 đứa con thơ. Chúng bắt dân làng phải khai ra nơi trú ẩn của những du kích quân vừa gây thiệt hại cho chúng, nếu không chúng sẽ giết 12 người mẹ này. Vì không có ai khai cả cho nên chúng lôi 12 người mẹ đang bồng con thơ đó ra bờ sông, và ra lệnh cho 12 người mẹ đó ném 12 đứa con của mình xuống nước. Lẽ dĩ nhiên là 12 người mẹ đó không làm theo lệnh chúng và bị chúng bắn chết cùng 12 đứa con thơ. Tôi soạn ra một bài có âm hưởng dân ca miền Trung nhan đề Mười Hai Lời Ru để ghi lại tội ác này :
Miền Trung yêu dấu có một bài ru
Vọng từ quê mẹ là nơi căm thù.
. . . . . . . .
Mười hai người mẹ
Giặc bắt ôm con
Thả trôi suôi dòng...
Bài hát kể lại câu chuyện hãi hùng đó với kết luận là 12 người mẹ ôm con chết đi, nhưng từ đó, hằng đêm, trên con sông đau thương này, người ta vẫn nghe văng vẳng 12 lời ru của 12 người mẹ Việt Nam chết trong kháng chiến :
Mười hai câu hát đưa tự miền xa
Để thành lời ca ghi vào lòng ta.
Ngoài chuyện 12 người mẹ bị hi sinh đó, dân chúng ở trong làng này còn kể cho chúng tôi nghe thêm câu chuyện của một bà mẹ ở trong một làng gần đó, có người con đi dân quân bị lính Pháp bắt rồi bị chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu của anh dân quân xuống để đem đi chôn. Rút cuộc bà mẹ lẳng lặng ra chợ lấy đầu con bỏ vào khăn gói mang về. Nghe xong câu chuyện, tôi xin với một anh dân quân đưa tôi tới cái làng đó để gặp bà mẹ. Đây là một người đàn bà với bộ mặt có nhiều nét mặt nhăn nheo nhưng đối với tôi thì bà đẹp như một vị thánh. Gặp bà, tôi lúng túng không biết nói năng gì và đẩy cho người đưa đường nói hộ tôi. Tôi đã rợn người khi nghe bà kể lại câu chuyện của bà bằng một giọng nói rất bình thản. Rồi bà dẫn tôi đi qua một rặng tre để ra tới chợ là nơi ngày nào bà đã tới để lấy đầu con đem đi chôn.
Tôi không khóc khi đứng ở giữa nơi sân khấu chưa đóng màn của một tấn tuồng bi thảm trong kháng chiến, bên cạnh vai chính của vở bi-hùng- kịch này, nhưng trong đêm đó, tôi trở về nằm lăn trên cái giường nứa ở một cánh rừng không tên trên chiến khu Quảng Trị, rồi tôi đã khóc rưng rức khi ngồi dậy và viết ra những câu ca đầu tiên của bài hát. Lúc đó cũng là lúc tôi nghĩ tới mẹ tôi :
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy...
. . . . . . . . .
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào.
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu.
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu.
Đường về thôn xóm buồn teo,
Xa xa tiếng chuông chùa gieo...
Tôi đã có lần nói tới cái xác không đầu của người chiến sĩ trong một hai bài hát. Lúc đó tôi tham gia cuộc Kháng Chiến Nam Bộ và đã nhìn thấy xác một đồng đội ở trong khu rừng Đất Đỏ. Cái xác chết chỉ còn thân hình mà thôi, cái đầu đã bị lính Pháp da đen mang đi hay bị thú rừng tha mất. Để không ai quên được cái xác không đầu đó, tôi đã soạn bài Nợ Xương Máu :
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Đi lang thang tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia ?
Cái đầu bị mất tích vào năm 1945 đó cứ ám ảnh tôi hoài và trong bài quân ca Khởi Hành soạn vào năm1947, tôi cũng đã nhắc tới :
Thân ôm tường
Đầu gục đâu ?
Bây giờ, tôi mường tưởng như cái đầu chiến sĩ đó đang nằm trong tay Bà Mẹ Gio Linh. Chẳng khác chi trái tim của anh Trương Chi có ngày phải về nằm trong đôi tay Mỵ Nương để hứng lấy giọt lệ :
Tay nâng nâng lên
Rưng rức nước mắt đầy.
Mẹ nhìn đầu con,
Tóc trắng phất phơ bay.
Ta yêu con ta
Môi thắm bết máu cờ.
Nụ cười hồn nhiên
Đôi mắt ngó trông ta.
Câu chuyện bà mẹ Gio Linh sẽ có một kết luận là sau khi hi sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà mẹ sẽ có hằng trăm con nuôi là những người đi bộ đội :
Khi trông con nuôi
Xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con
Thương nhớ đứa con xưa.
Con, con con ơi
Uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai
Con nhớ ghé chơi đây.
Điều làm tôi rất cảm động là trong thời gian này và ở những phương trời xa, các văn nghệ sĩ khác cũng nói tới bà mẹ chiến sĩ như tôi. Mẹ là mẹ chung của mọi người, và trong cơn khó khăn, ai cũng muốn có mẹ bên cạnh. Ở Thanh Hoá, hoạ sĩ Sỹ Ngọc vẽ một bức tranh sơn dầu tên là Cái Bát với hình ảnh một bà mẹ quê, hai tay bưng một bát nước có khói bốc lên. Ở đâu đó trong vùng Khu III, thi sĩ Quang Dũng cũng có một bài thơ nói về bà mẹ trong vùng kháng chiến, với đầu đề Nhớ :
Nhà tranh hốc hác
Cuối làng trơ vơ
Đường xa công tác
Người lính ghé nhờ
Mẹ già tóc bạc phơ
Dăn deo nét khó
Người vào run sốt
Giữa trưa đòi đắp chăn
Mẹ già hối đun nước
(Nhà uống nước lã quen)
Lấy thêm chiếu đắp
Kiếm thêm mền
Mền nâu rách mướp
Chiều rồi, vác ba lô ra đi
Bâng khuâng hồn lính vấn vương gì
Nhớ mẹ già tiền cơm chẳng lấy...
Niềm cảm động rất lớn mà tôi có khi soạn ra bài Bà Mẹ Gio Linh cũng như khi thấy các bạn đồng nghiệp của mình trong thời gian đó cũng cùng có những rung động về mẹ như vậy, về sau này sẽ trở thành niềm tủi nhục khi đất nước bị chia đôi, tôi vào Nam sinh sống rồi bỗng nhiên một ngày nào đó, tôi nhận được một bài thơ của một thi sĩ miền Bắc nói tới chuyện bà mẹ Gio Linh có nhắc nhở tới người nhạc sĩ năm xưa. Tôi còn đang buồn tủi khi tự thấy mình không có cách nào để trả lời bà mẹ đó được thì lại nhận được một bài thơ khác của một thi sĩ miền Nam đả kích bài thơ của thi sĩ miền Bắc. Bài thơ thứ hai này cũng đem tôi và bà mẹ Gio Linh ra để làm cái bung xung. Khi đang viết những dòng chữ này, tôi cũng có ý định lợi dụng giấy bút và thời gian để trả lời hai nhà thơ đó. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ tôi chỉ cần đưa ra một câu hỏi nhỏ, là đủ : không biết ở Việt Nam hiện nay, có thành phố nào có một con đường mang tên BÀ MẸ GIO LINH không nhỉ ?
Hơn 50 năm sau, đội viên cũ là Vĩnh Cường đón tôi ở Huế
Trong chuyến đi Bình-Trị-Thiên này, ngoài việc sống trong vùng địch để lấy cảm hứng sáng tác, chúng tôi còn có thêm công tác quan trọng khác là ủy lạo nhân dân, trình diễn văn nghệ. Cũng như ở Quảng Bình, chúng tôi đi diễn ở một vài nơi trong tỉnh Quảng Trị với một chương trình rất nhũn nhặn gồm vài ba màn kịch ngắn do Bửu Tiến, Quang Kính và một số kịch sĩ khác phụ trách cùng với những tiết mục đơn ca, hợp ca do Ngọc Khanh (em nhạc sĩ Ngọc Bích), Vĩnh Cường và tôi hát. Những bài như Tiếng Hát Trên Sông Lô, Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, cũng đem lại một vài phấn khởi nho nhỏ cho người dân ở vùng khủng khiếp này.
Rời Quảng Trị tiến vào Thừa Thiên, bây giờ chúng tôi không muốn đi đường núi nữa mà liều mạng đi ở dưới đồng bằng, len lỏi qua những đồn canh của lính Pháp. Khi đi quá làng Gio Linh một đoạn đường, nhìn thấy đồn canh ở không xa lắm, tưởng rằng đi vào ban ngày, chỉ cần nhìn xem nếu có lính đi tuần tiễu trên đường cái thì mình sẽ lẩn vào núi. Ai ngờ súng từ trong đồn bắn ra, có lẽ cũng do tình cờ chứ không phải vì chúng tôi bị lộ diện. Chúng tôi vội vàng, đứa thì nằmxuống ruộng, đứa thì chạy theo kiểu chữ chi để tránh đạn. Có lúc chúng tôi tới một nơi có ngôi nhà thờ đã bị tàn phá, đang ngồi nghỉ ngơi ăn uống thì nghe thấy tiếng tầu bay, nhưng chúng tôi rất yên chí, nghĩ rằng chẳng lẽ tầu bay Pháp lại còn tới bắn vào một thánh đường đã đổ vỡ và không có người ở hay sao ? Nhưng có lẽ đã có việt gian ở đâu đây dùng gương soi để ra hiệu cho nên tầu bay vụt tới thả bom và bắn xuống, chúng tôi vứt cả đồ ăn thức uống, chạy ra ngoài tranh nhau nhẩy xuống những hố tránh bom đã được đào sẵn, đứa nào cũng nhìn vào nhà thờ và lẩm nhẩm cầu xin Đức Mẹ che chở. Còn nhớ lúc sắp vào tới Mật Khu Ba Lòng, đang đi trong một đêm khuya có ánh trăng non soi mờ trên bãi cát thì thấy ở xa xa có một toán lính Pháp đi trên đường cái. Đội phòng vệ đã sẵn sàng để ứng chiến thì toán lính kia không đi về phía chúng tôi mà rẽ sang một con đường nào đó. Hú vía.
Trong chuyến đi này, sự sống chung của một nhóm văn nghệ sĩ trong tình trạng thần kinh luôn luôn bị căng thẳng, cũng tạo ra những va chạm to nhỏ. Trong hành trình này, sau khi đã có dịp nhìn thấy núi cao biển rộng ra sao, sự đau khổ của nhân dân sâu tới độ nào thì tôi cũng được biết thêm con người nhỏ nhen tới mức nào khi phải tranh nhau từng miếng ăn, hớp nước, nơi ngủ. Đừng bao giờ nghĩ rằng cùng lâm vào một hoàn cảnh đau khổ, con người sẽ thương nhau hơn lên. Nói như vậy, có là quá đáng không nhỉ ? May thay, lúc này tôi đã chỉ nuôi một quyết tâm : đi công tác xa và nguy hiểm rồi trở về bình yên lấy vợ. Cho nên tôi không hề quan trọng hoá bất cứ một mâu thuẫn nào xẩy ra ở trong đoàn...
... Thế rồi sau hơn một tháng ra đi trong vất vả và hiểm nguy, chúng tôi tới được Bộ Tư Lệnh Phân Khu Bình-Trị-Thiên. Mật Khu Ba Lòng nằmsâu trong núi, có Hà Văn Lâu làm Phân Khu Trưởng, có một thằng bạn Huế hồi trước của tôi tên là Hoàng Thượng Khanh lúc này đang phụ trách một việc gì đó trong bộ Tư Lệnh, có những ngôi nhà khá khang trang, có quán cà phê nho nhỏ, có con suối khá mơ mòng, tất cả như đã thân mật chờ đón chúng tôi.
Tôi ra suối tắm táp bơi lội, rồi khi leo lên bờ suối, cúi đầu soi mặt xuống dòng nước thì mới thấy rằng mớ tóc trên đầu tuy ướt mèm và dài chấm mang tai nhưng cũng không che nổi đôi mắt trũng sâu, đôi môi tím ngắt, đôi má hóp lại, hàm răng nhô ra... của tôi. Thân hình cũng rất là tiều tụy, lưng đã hơi gù nay gù thêm nữa, hai chân đều bị lở loét vì sâu quảng, bụng to như cái ba lô nhỏ, hậu quả của bệnh sốt rét. Trong kháng chiến, có danh từ ''đeo hai ba lô'' để nói tới người bị bệnh sốt rét rừng, đằng sau lưng đeo ba lô vải thì đằng trước đeo cái bụng báng, giống như chiếc ba lô thứ hai... Tuy vậy, tôi rất hài lòng vì đã vượt được mọi khó khăn để tới được nơi mình định đến. Giống như lực sĩ chạy đua đường trường đã về tới đích. Nhất là vì tôi đã soạn được ba bài hát mới, coi như đó là món quà cưới mà tôi sẽ đem về cho người bạn trăm năm.
Sau một thời gian nghỉ ngơi tại mật khu, tôi được tách rời ra khỏi đoàn văn nghệ để một mình đi xuống đồng bằng sống với đồng bào. Một ngày mưa lạnh, anh liên lạc viên đưa tôi xuống núi, về miền Đại Lược. Tôi nhớ tới câu ca dao mà tôi rất yêu :
Tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long
Tới đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào ?
Người đàn bà Việt Nam bình dân khi xưa có hai người yêu : Tình, người của con tim (l'homme du coeur) thì ở Đại Lược nhưng duyên, người của số mệnh (l'homme du destin) thì ở Kim Long. Nàng về với ai đây ? Trong mấy chục năm trời phải sống ở một nước Việt Nam bị chia đôi, lắm lúc tôi thấy mình cũng chẳng khác chi người phụ nữ trong câu ca dao đó. Thấy rằng suốt đời mình, lúc nào cũng như là sống ở trong một hoàn cảnh ấm ớ hội tề như vậy.
Tôi sống chung với một gia đình nông dân tại một ngôi nhà cổ ở vùng quê Thừa Thiên với mối cảm tình câm lặng nhưng thân thiết giữa chủ và khách. Hằng ngày tôi đóng vai nông dân đi chơi trên con đường làng hay ra ngắm người mua người bán ở nơi phiên chợ. Nhưng lúc nào tôi cũng phải đề cao cảnh giác, đề phòng lính Pháp hay lính pạc-ti-giăng từ xa đi tới. Tình hình trong vùng Pháp chiếm này không khủng khiếp như ở ngoài vùng quê Quảng Bình, Quảng Trị. — ngoài đó, làng mạc là nơi hẻo lánh nằm giữa biển và núi, lính Pháp tha hồ giết người cướp của, còn ở đây thì dân cư rất là đông đảo, làng xóm như dựa vào nhau, lính Pháp không dám làm bậy. Đời sống của tôi rất là thoải mái so với những ngày trước đây. Căn nhà nơi tôi trú ngụ nằm ngay cạnh con sông miền Trung nước chẩy êm đềm. Tôi nhìn thấy cái đẹp của miền quê này. Bài Về Miền Trung ra đời :
Về Miền Trung
Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông... dài.
Nét nhạc của tôi lại bay bướm như trong bài Nương Chiều nhưng về phần ngữ thuật dân ca, bây giờ tôi chủ ý làm mới những điệu hò miền Trung. Sau khi thử thách dùng nét nhạc Huế một cách đơn sơ trong bài Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, bây giờ với bài Về Miền Trung tôi làm công việc phát triển mạnh mẽ cái thang âm lơ lớ của miền thùy dương này. Về sau, các qúy vị trong làng Tân Nhạc đều bắt chước lối phát triển giai điệu ngũ cung lơ lớ của tôi mỗi khi cần đưa ra những bài hát nói tới Huế. Tuy nhiên, hình thức không quan trọng bằng nội dung. Bài Về Miền Trung là một bài ca Huế hùng dũng, không bi quan yếm thế như một bài Nam Bình, Nam Ai chẳng hạn :
Về miền Trung
Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành.
Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ
Không than van, không sầu nhớ.
Về miền Trung
Người về đây hát bài thành công,
Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng, đêm trùng.
Đêm hôm nay tiếng dân nồng vang thôn xóm
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng...
Lúc bấy giờ là năm 1948. Sự thành công của kháng chiến hãy còn xa lắc nhưng tôi vẫn cứ hát bài thành công như thường, bởi vì quả rằng hào quang của kháng chiến đã nắm được tâm hồn của toàn thể nhân dân. Việc tôi đang sống rất an ninh ở Đại Lược trong vùng địch chiếm có thể hiểu được là vì Quân Pháp không đủ quân để chiếm đóng cả miền quê lẫn thị thành, nhưng ngay ở trong thành phố Huế, người Pháp và những chính quyền Việt Nam đi theo họ cũng không nắm được dân chúng. Từ Đại Lược, nhiều đêm tôi được đưa tới tận thôn Vỹ Dạ để gặp các văn nghệ sĩ từ trong thành phố Huế ra đây để sinh hoạt với tôi. Kể ra lúc đó tôi cũng là một kẻ khá chung tình. Vì đã hứa hôn với Thái Hằng cho nên tôi đã không vui chân đi thẳng vào thành phố Huế để gặp lại một vài người tình cũ ở nơi Sông Hương Núi Ngự tuyệt vời này.
Thấm thoát đã gần hết hạn kỳ sáu tháng của chuyến công tác Bình- Trị-Thiên. Bây giờ tôi đã có thể yên tâm giã từ xứ dân gầy để về Thanh Hoá lấy vợ rồi đây. Vì đã có kinh nghiệm gian khổ của đường rừng trong chuyến đi vô rồi, bây giờ tôi xin với œy Ban Kháng Chiến cho tôi trở ra bằng đường biển.
Thế là sau khi đã có dịp đứng trên một đỉnh Trường Sơn để ngắm biển Đông bao la vời vợi, bây giờ tôi lại có dịp nằm vắt chân chữ ngũ trên khoang của một con thuyền lớn đang lướt sóng như bay trên biển cả, ngước mắt nhìn vào dẫy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp và cất lên tiếng hát gửi vào đất liền những lời ca mới mẻ nhất của tôi :
Về đây với lúa, với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo.
Nguồn vui đã tới với dân nghèo
Con sông nước chẩy, tiếng chèo hò khoan.
. . . . . . .
Hà hớ hơ
Tiếng ai vừa hát qua làng
Lúc em gặt lúa trên đồng
Hát rằng :
Hà há hơ.
Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông.
Phạm Duy