Chương 21
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3518
Đường mòn lên cheo leo
Vượt đồi non lên phiêu diêu......
ĐƯỜNG LANG SƠN
Đường số 4, trong năm 1947, được gọi là con đường máu lửa
Vào cuối mùa Xuân 1948 này, Quân Đội Viễn Chinh Pháp đặt mục tiêu của cuộc chiến tranh ở Bắc Việt vào chiến dịch biên giới, đem rất nhiều quân lên chiếm hầu hết các tỉnh lỵ, các thị trấn và đóng nhiều đồn trú trên những con đường chiến lược nằm giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa, từ Moncay, Tiên Yên qua Lạng Sơn, Cao Bằng (Đường Số 4) vòng xuống Bắc Kạn (Đường Số 3). Quân Đội Việt-Minh tập trung toàn thể sức lực gồm dân quân du kích, địa phương quân và chủ lực quân vào việc đánh tiêu hao cũng như đánh bật quân lực Pháp ra khỏi các nơi chiếm đóng tại chiến trường biên giới này. Các vụ đánh đồn và các cuộc phục kích liên tiếp xẩy ra. Từ du kích chiến, Việt Minh chuyển dần qua vận động chiến với chiến thuật công đồn-đả viện, gây nên rất nhiều sự thịêt hại cho địch quân. Đường Số 4 chứng kiến nhiều sự tan vỡ của các chiến đoàn Pháp khiến cho Pháp phải đặt cho đường này thêm cho cái tên rùng rợn là con đường máu. Việt Minh thì gọi là Đường Số 4 con đường lửa.
Đây là lúc mà tôi tạm quên loại dân ca êm dịu để tung ra những lời quân ca mãnh liệt :
Đường Lạng Sơn âm u (ù u)
Trời bình minh êm ru (ù u)
Rừng êm ái thức giấc sau đêm mờ,
Đường Thất Khê Đông Khê (ề ê )
Vừa mới tan cơn mê (ê ê)
Chợt nghe thấy tiếng ta kéo quân về.
Biên Khu (ù u)
Biên Khu (ù u)
Ta nhìn qua Cai Kinh ngang tàng
Chờ cơn gió Bắc Sơn lùa sang
Biết say đời, cuộc đời trai nước Nam...
...Và nói lên sự oai hùng của vùng rừng núi bất khuất kiên cường này :
Việt Bắc ứ ư
Việt Bắc ứ ư
Chốn đây rừng rú ú u
Chốn đây rừng núi ứ ư
Chốn đây toàn dân biên khu
Theo cha già tiến ra một mùa Thu...
Tôi còn soạn một bài hát sau khi tham quan chiến trường Bông Lau (1947) là nơi Vệ quốc quân đánh tan một binh đoàn của Pháp, nhưng rồi tôi quên cả chiến công lẫn bài hát. Về sau, khi gặp lại nhạc sĩ Tô Vũ thì anh bạn này nhắc lại bài hát mà người ta cứ tưởng là của Văn Chung :
Bông Lau ! Bông Lau !
Rừng xanh pha máu...
. . . . .
Khi quân ta tiến ra...
Là quân Pháp một đi không về...
Trong hai năm sống ở miền thượng du Bắc Việt, tôi được sống những ngày đẹp nhất đời mình. Khi mới bước vào đời, được cái may mắn đi tới tận hang cùng ngõ hẻm của các thành phố Việt Nam, được gặp gỡ đủ mọi hạng người, từ vua Bảo Đại (gặp tại Phan Rang năm 43) tới một anh du côn, từ một gái giang hồ tới một mệnh phụ, lúc nào và bất cứ ở đâu thì tôi cũng đều được mọi người yêu mến. Và tôi cũng trả lại tình yêu đó bằng tình yêu của tôi. Qua âm nhạc. Nhưng phải có cuộc kháng chiến, tôi mới được đi tới những làng xã và bản thôn xa xôi hẻo lánh nhất của miền Việt Bắc này, để thấy người miền núi và người miền suôi đã thực sự đoàn kết để làm nhiệm vụ chung : chống Pháp, bảo vệ sự độc lập tự do còn non nớt của Việt Nam. Tôi thấy được sự chia cơm sẻ áo, chia vui sẻ buồn của tất cả mọi người. Tôi nghe được những chuyện gây dựng tài sản cho con của người Nùng ở Lào Kai, chuyện bà ké ở Lạng Sơn... để thấy được những cái đẹp của cuộc đời mà mình có thể sờ mó được chứ không phải là những cái đẹp nằm trong sách vở.
Trong những ngày gần đây, khi phải tiếp súc với những thằng bạn cùng đi kháng chiến với mình cách đây 40 năm để hỏi han chuyện này, chuyện nọ... chúng tôi đều có một thắc mắc chung : hồi đó, làm sao mà chúng mình sống được nhỉ ? Ai nuôi chúng mình để có thể đi kháng chiến khơi khơi như vậy được ? Chúng tôi đều ngộ ra rằng chính nhân dân đã nuôi chúng tôi. Đồng ý là chúng tôi cũng có một số tiền lương hàng tháng đủ để tiêu vặt và đi tới đâu thì cũng đều được nuôi ăn, nuôi ở. Nhưng gạo mà cơ quan mua để thổi cơm cho chúng tôi ăn là do nhân dân sản xuất ra. Chính Phủ cứ việc in ra giấy bạc để mà mua gạo. Tiền cụ Hồ trong kháng chiến thì làm gì có trữ kim để đảm bảo ? Dân chúng giữ giấy bạc đó thì cũng chỉ như là giữ Công Khố Phiếu mà thôi. Tôi khẳng định là trong kháng chiến, cùng với bộ đội, văn nghệ sĩ là con đẻ của nhân dân. Bộ đội thì có đời sống tập thể, nhưng văn nghệ sĩ thì phải bám vào dân chúng. Đi tới đâu thì cũng ở trong nhà dân. Và dù xuất thân là tiểu tư sản thành thị, sau khi sống chung với dân quê, chúng tôi hoà mình ngay vào đời sống thôn ổ. Chính quyền Việt Minh nhìn thấy điều đó cho nên trong bất cứ một chiến dịch nào, khi cần động viên quần chúng là chính quyền dùng văn nghệ sĩ ngay.
Về sau này, khi vào sinh sống ở trong miền Nam, tôi cũng thấy có những tổ chức dân vận ở trong chính quyền. Nhưng khi nhìn thấy những cán bộ mặc áo đồng phục mầu xanh có nếp ủi, hay mặc quần áo bà ba đen láng coóng, ban ngày tới công sở làm việc, tối đến trở về nhà ăn ngủ với cha mẹ hay vợ con thì tôi thấy ngay là họ không thành công trong việc vận động dân chúng, đa số là nông dân. Hơn nữa, ở thành phố còn có quá nhiều thú vui, người nào cũng muốn hưởng thụ nhiều và ít chịu hi sinh. Trái lại, trong kháng chiến, chúng tôi không còn thú vui nào khác hơn là... kháng chiến. Chúng tôi không còn có chọn lựa nào khác hơn là phải sống chung đụng thực sự với dân quê. Và cũng chẳng cần ai dạy chúng tôi hai chữ đoàn kết. Rất tự nhiên, chúng tôi và quần chúng đã thực sự gắn bó với nhau. Điển hình là chuyện bà ké Lạng Sơn và những anh bộ đội.
Con người thì hoàn thiện như vậy. Phong cảnh đất nước thì -- nhất là ở vùng Việt Bắc này -- tôi bỗng thấy linh thiêng hẳn lên. Tới Lạng Sơn, núi Vọng Phu và câu ca dao quen thuộc :
Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...
... đối với tôi lúc này chỉ còn là một câu sáo ngữ. Cũng như câu :
Ai đưa ta đến chốn này
Bên kia là núi bên này là sông.
Phải tạo ra cái mới. Không cần nhắc lại những câu ca dao hay những huyền thoại cũ như một con vẹt nữa. Hào khí của kháng chiến khiến cho tôi có can đảm tung ra loại dân ca mới bất cần sự chống đối của những ông nhạc phiệt. Hào khí này còn giúp tôi có đủ sự tự tin để viết ra những câu hay những bài ca dao mới, những huyền thoại mới, chẳng hạn câu ca dao về mùa đông chiến sĩ :
Mùa Đông đã tới nơi rồi
Gửi mau áo rét cho người chiến binh.
Nào ai vui thú gia đình
Gửi ra chiến sĩ chút tình nước non.
Những câu chuyện thực phải được đưa vào huyền thoại như chuyện một bà mẹ ở huyện Gio Linh chẳng hạn (xin coi đoạn viết về chuyến đi Bình-Trị-Thiên). Cách mạng đâu có phải chỉ là đánh Tây ? Cách mạng là phải làm mới văn học nghệ thuật. Lúc đó, thi sĩ Tố Hữu có mấy câu thơ mà tôi cho là ca dao mới :
Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang
Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét việc làng em lo...
Em gái Bắc Giang lo chuyện xóm làng thì tôi cũng từ Hà Nội đi ra Sơn Tây, lên Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Kai... qua Bắc Kạn rồi tới Thái Nguyên để theo gió về Bắc Giang để lên Lạng Sơn, Cao Bằng rồi đấy nhé. Đi tới đâu thì cũng đóng góp thêm huyền thoại vào cuộc sống anh hùng của toàn thể dân tộc.
Thế nhưng trong sự hào hùng của cuộc sống tại Việt Bắc, có lúc nào tôi bị mỏi mệt hay chán chường hay không ? Có chứ, nếu nói là không thì là nói dối. Tôi có thể -- hãn hữu -- nói dối người ngoài, nhưng tôi không thể nói dối tôi được.
Tình hình chiến sự ở Cao-Bắc-Lạng đã trở nên vô cùng quan trọng do đó Khu XII bấy giờ được sát nhập và Quân Khu I để tiện cho việc điều quân của Bộ Tổng Tư Lệnh. Đội Văn Nghệ của chúng tôi không còn là của Khu Ủy nữa mà vào nằm trong Bộ Chỉ Huy của một Trung Đoàn mà tôi đã quên mất phiên hiệu rồi - phải chăng là Trung Đoàn 28 ? Hoạt động của chúng tôi bị hạn chế hơn trước. Nhân viên bị giảm bớt. Trong đoàn đã có người có ý định bỏ Đội Văn Nghệ ra đi.
Vào lúc này, cả tôi lẫn Ngọc Bích đều biết sợ cuộc đời sơn lâm. Thèm đồng bằng quá rồi. Đồng ý là nương chiều ở Lạng Sơn rất đẹp khi mình vừa bước tới nơi này. Nhưng sau một thời gian sống ở đây, trong rất nhiều buổi chiều âm u, khi đêm sắp sửa tới, nhìn sương mù và bóng đen dần dần đè xuống những ngôi nhà sàn ọp ẹp đang bị bao vây bởi núi đá chập chùng trong một thung lũng nhỏ nhoi... tôi như bị nghẹt thở.
Chúng tôi gọi nơi đóng quân của chúng tôi là u tì quốc (u tì nói ngược là đi tù). Dù sao thì chúng tôi sinh ra và lớn lên là người dân ở phố xá, quen sống ở nơi có vỉa hè, có xe cộ, có đèn điện, có nước máy. Chúng tôi nghe theo tiếng gọi của kháng chiến, quyết chí về đồng hoang, lại còn vui vẻ trèo đèo lội suối lên sống ở trong hang đá, dưới lều tranh nơi rừng già hay trên nhà sàn ở những nơi đúng là rừng thiêng, nước độc, bị sốt rét lên sốt rét xuống, phải ăn uống kham khổ và luôn luôn thiếu vệ sinh (không có cả thuốc đánh răng). Bị kiết lỵ sau khi bị ngã nước. Bị đau răng là cái chắc. Nạn đau răng này càng làm cho tôi ngán cái Việt Bắc hơn lên, vì ở nơi khỉ ho cò gáy này, đào đâu cho ra một ông hay một bà nha sĩ để mà sửa, mà chữa, mà o bế cái răng sâu ? Răng mà hơi hư một tí là được y tá lấy kìm sửa xe đạp, sắn tay, đè miệng mình ra để nhổ phứt răng đi. Nhổ răng không cần thuốc tê. Nhổ đến nỗi sau khi dinh tê về thành, tôi phải lắp quá nửa hai hàng răng giả. Hơn nữa, sau khi đi theo kháng chiến hai năm, bây giờ tôi muốn biết tin tức về mẹ tôi.
Tôi cũng vừa được tin là người chị thứ hai của tôi và anh Nhượng hiện đang ở Chợ Đại. Tôi bèn rủ thằng Ngọc Bích : Hay là ta về Khu Ba chăng ? Ngọc Bích gật đầu.
Ngày chúng tôi ra đi, cũng chẳng có ai ở trong Trung Đoàn níu ba lô mời ở lại...
Phạm Duy