Chương 14
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3166
Một đoàn người trai hiên ngang
Đeo trên vai nợ máu xương
Vui ra đi không buồn, nhớ, thương...
KHỞI HÀNH
Sau trên 60 năm, kể từ ngày đi kháng chiến, Ngọc Bích đến chơi nhà Phạm Duy tại Midway City...
Ngọc Bích là một nhạc sĩ đi theo tôi trên rất nhiều chặng đường kháng chiến. Không có nó trong chặng thứ nhất là chặng Nam Bộ Kháng Chiến. Trong chặng thứ nhì, khi tôi cùng Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng đi từ Sơn Tây theo dọc đường sắt lên tới Lào Kai thì thằng này đã là một đoàn viên không chính thức của đoàn rồi. Nghiã là nó có lộ trình riêng của nó, nhưng cũng vẫn chỉ là con đường bộ như của chúng tôi, ven theo dòng Sông Hồng từ miền trung du lên tới thượng du. Nó sống độc lập và thỉnh thoảng mới tới hát chung với đoàn Giải Phóng. Nhưng khi tôi ở lại Lào Kai với Văn Cao thì thằng Ngọc Bích cũng ở lại đó luôn. Và nó đã hát cùng với tôi tại cái quán có cái tên đích thực là quán BIÊN THÙY này. Nó cũng soạn ra những bài hát kháng chiến hay những bản nhạc tình và nhờ tôi giúp nó trong việc sửa lời hay soạn lời, ví dụ những bài như Bà Già Giết Giặc, Giấc Mơ Ngàn... Thêm vào các loại nhạc ra đời tại vùng kháng chiến như dân ca mới, hành khúc, nhạc cảnh, tiểu nhạc kịch... bây giờ với Ngọc Bích, nhạc kháng chiến có những bài soạn theo nhạc jazz của Hoa Kỳ. Thế mới là vui.
Tôi ở lại Lào Kai với Văn Cao trong ít lâu rồi lại vác ba lô ra đi. Thằng Ngọc Bích cũng đi theo tôi ngay. Nó còn đi với tôi trên chặng đường kháng chiến thứ ba từ Lào Kai qua Bắc Kạn, đi chặng thứ tư từ Bắc Kạn xuống Thái Nguyên rồi qua Cao-Bắc-Lạng, đi chặng thứ năm từ Lạng Sơn về Chợ Đại Cống Thần và đi chặng thứ sáu từ Khu III vào Thanh-Nghệ-Tĩnh. Trong chặng đi thứ bẩy là chặng Bình-Trị-Thiên thì không có thằng Ngọc Bích nhưng lại có em gái của nó tên là Ngọc Khanh cùng đi với tôi. Trong kháng chiến, tôi còn phải đi thêm hai chặng đường nữa, những chặng đường thứ tám, thứ chín có nhiều vinh quang và tủi nhục hơn những chặng đường trước. Rồi cuối cùng là chặng đường dinh tê thứ mười đầy nước mắt.
Trong ba bốn năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, những văn nghệ sĩ rời thị thành đi ra thôn quê đều là những người tự động tham gia cuộc chiến đấu chung và dù có gia nhập vào một tổ chức văn nghệ nào của chính quyền thì cũng được tự do đi lại, tự do sáng tác hay biểu diễn. Chỉ tới khi có Đại Hội Văn Hoá lần thứ hai được tổ chức tại Bắc Kạn vào năm 1950 thì mới có những đường lối về văn nghệ được Ban Chấp Hành đưa ra để văn nghệ sĩ học hỏi. Trong tình trạng như hiện nay, chưa có lúc nào chúng tôi phải học tập chính trị hay bị chính trị chỉ huy. Ngay cả trong thời gian văn nghệ sĩ kéo nhau về làng Quần Tín thuộc tỉnh Thanh Hoá vì bị hấp dẫn bởi tài năng văn võ song toàn của tướng Nguyễn Sơn, mọi người cũng chỉ được nghe vị Khu Trưởng Liên Khu IV này kể lại câu chuyện ông đi theo Mao Trạch Đông trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh như thế nào, nghệ sĩ ở Trung Cộng đã dựng kịch Lôi Vũ của Tào Ngu ra sao... hoặc nghe nhà văn hoá Mác Xít chính cống Đặng Thái Mai nói chuyện văn hoá chung chung. Cũng có những lớp văn hoá được mở ra ở làng Quần Tín này nhưng nặng về văn nghệ hơn là về chính trị. Vào lúc mà mọi người mới chỉ nghe thoáng khẩu hiệu dân tộc-khoa học-đại chúng và chưa có ai được học tập về một chính sách văn nghệ nào đó để thực hiện phương châm này, trong phạm vi âm nhạc, tôi đem ý kiến đó ra để thử thách trong loại dân ca mới. Khoa học hoá nghĩa là phát triển dân ca cổ truyền, nhất định không cố chấp trong việc bảo tồn vốn liếng dân tộc. Làm nhạc cho dân quê có thể hát được, đó là đại chúng hoá.
Khi còn ở trong Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, tôi cũng nuôi ý định đưa ra thêm một loại ca nữa mà tôi gọi là quân ca, tiếp tục dòng nhạc hùng mở đầu bằng bài Xuất Quân soạn ra trong cuộc Kháng Chiến Nam Bộ. Trong chuyến đi về xuôi và vòng lên Đông Bắc này, tôi và Ngọc Bích nhận làm việc cho Cục Chính Trị với tư cách là cán bộ văn nghệ được đồng hoá với cấp đại úy. Được cấp giấy công tác, được lĩnh lương, tôi không nhớ là bao nhiêu, chỉ biết là vào lúc đó tôi không bị thiếu thốn trong việc ăn uống, chi tiêu lặt vặt. Đi tới đâu cũng là khách quý của Bộ Chỉ Huy và được sống chung với bộ đội, lúc đó được gọi là Vệ Quốc Quân. Nhiều khi còn được đi hành quân với bộ đội, do đó tôi có cảm hứng để soạn ra những quân ca mà họ có thể vừa đi vừa hát, ví dụ những bài như Đoàn Quân Việt Nam hay Khởi Hành trong đó không phải chỉ có tiếng nói của người thanh niên biệt ly đời gấm hoa, vui đời áo nâu mà thôi. Bây giờ là:
Quân đi chung một lòng thương
Quân đi với tình yêu nước.
hay là:
Một viên đạn là một quân thù
Súng cầm tay xây đời ấm no.
Là nghệ sĩ sáng tác nhiều hơn là trình diễn, tôi và thằng Ngọc Bích không ở lâu trong bất cứ một đơn vị nào cả. Lịch trình đi hay ở là hoàn toàn do chúng tôi định đoạt. Khi đó, không hiểu vì sao mà hai thằng lại muốn đi qua Bắc Kạn ? À, nhớ ra rồi, chúng tôi nghe đồn Bắc Kạn bây giờ là Thủ Đô Kháng Chiến, vui lắm. Vậy thì ta đi...
Phạm Duy