Chương 12
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3123
Cùng đi đem máu lên đỏ ngọn cờ
Cùng đi đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh...
NHAC TUỔI XANH
Miền Vĩnh Yên
Vào mùa Xuân năm 1947 này, đoàn văn nghệ của chúng tôi đang đóng quân ở Vĩnh Yên, sau khi từ Sơn Tây qua Phúc Yên để tới đây. Đã tới nơi sản xuất ra một loại sơn dầu đặc biệt của nước ta. Ở vùng này, trước khi tổ chức Quân Nhu gửi được người vào vùng Pháp chiếm để mua nylon đem ra làm áo che mưa cho bộ đội, tôi thấy người ta chế ra những tấm vải có sơn dầu không thấm nước, dùng để bọc quần áo và thức ăn khi gặp mưa.
Chúng tôi gặp cái lạnh đầu tiên trong kháng chiến. Lạnh này chưa thấm thía gì so với cái lạnh Bắc Kạn hay Lạng Sơn sau này. Nhưng bây giờ, ngoài thứ vải sơn dầu để che mưa, người đi kháng chiến có thêm cái áo trấn thủ màu xanh cứt ngựa rất giản dị và rất ngộ nghĩnh đối với thanh niên thị thành như chúng tôi. Trong cái Tết kháng chiến đầu tiên này, tôi thấy không còn gì ấm lòng hơn là được đồng bào đem đến tặng cho đoàn văn nghệ những cái bánh chưng còn nóng hổi. Tình gia đình đang thiếu thốn, có tình đồng bào đến để thay thế. Chúng tôi ngồi ăn bánh chưng ở trên ổ rơm để hưởng hương vị ngày Tết. Lúc đó đoàn văn nghệ đi tới đâu cũng thường ăn ở tại những nơi công cộng như trụ sở của Uỷ Ban Hành Chính-Kháng Chiến (gọi tắt là Hành-Kháng) đặt ở trường học hay đình chùa. Riêng tôi vì thích sống tách rời nên tôi thường tới ăn ngủ ngay ở trong nhà đồng bào. Đêm đêm tôi ngồi ở trong màn đốt nến lên để viết nhạc.
Vì luôn luôn được thảo luận với nhà đạo diễn Trung Cộng đang làm cố vấn cho Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng nên tôi được biết những nhạc phẩm của Nhiếp Nhĩ, tác giả của bài quốc ca Trung Cộng. Tôi có soạn lời ca tiếng Việt cho bài quốc ca đó và soạn luôn lời Việt cho bài Đông Phương Hồng là bài hát xưng tụng Mao Trạch Đông. Tôi còn làm lời ca tiếng Việt cho bài Quốc Tế Ca nữa Làm lời ca tiếng Việt nhưng không phổ biến, chỉ muốn tự mình có thể hát lên những bài mình cần biết vào thời điểm đó. Nghe, ngẫm nghĩ và rút kinh nghiệm. Tôi còn tò mò muốn biết thêm về một trường ca nhan đề Hoàng Hà Đại Hợp Xướng cũng của tác giả Nhiếp Nhĩ. Tôi cũng còn muốn hiểu thêm về loại dân ca mới của Trung Cộng được gọi là ương ca. Nhà đạo diễn Trung Cộng giảng giải cho tôi nghe và chính nhờ ở những buổi học tập này mà tôi quyết định tung ra loại dân ca mới của Việt Nam, khởi đầu bằng bài Nhớ Người Thương Binh. Ngay từ lúc đó. tôi cũng nuôi ý định soạn những trường ca giống như bài Hoàng Hà Đại Hợp Xướng.
Miền trung du vào thời điểm mùa Xuân 1947 là nơi có đông đảo đồng bào ở các đô thị di tản lên. Những thành phố nấm (ville champignon = được gọi như vậy là vì mọc lên một cách rất nhanh chóng, do dân tản cư tạo ra) đã có mặt ở nhiều nơi và là những chợ trời với khá đầy đủ những đồ tiêu dùng mà người đi kháng chiến cần đến hằng ngày như sà phòng, thuốc đánh răng, kim chỉ, thuốc men... Nhất là có những quán cà phê với sữa đường và thuốc lá là những thứ mà dân tiểu tư sản thành thị đang làm việc tại các cơ quan Hành-Kháng di động lúc nào cũng thèm. Tôi hay la cà suốt ngày ở những nơi này và chỉ trở về địa điểm trình diễn vào lúc sắp khai diễn. Và tôi gặp một người bạn tên là Lý Ngọc, dân phố Bờ Hồ (sát phố Hàng Dầu của thời tôi còn thơ), đang chống nạng đi trong chợ trời...
Lý Ngọc là lính trong Trung Đoàn Thủ Đô, ở lại Hà Nội để chống cự với lính Pháp cho tới khi bị thương và bị cưa chân. Trung Đoàn Thủ Đô với các anh em thanh niên Tự Vệ giữ được Hà Nội từ đêm 19 tháng 12 năm 1946 cho tới ngày 17 tháng 2 năm 1947 mới chịu rút lui, đem theo rất nhiều dân thành phố và để lại cho Quân Đội Pháp một Hà Nội vắng tanh, đổ nát và buồn thiu.
So với thời tôi kháng chiến ở Nam Bộ, luôn luôn phải đối mặt với súng giặc, với gian lao, với cái chết... thì mấy tháng đầu của cuộc toàn quốc chiến này có vẻ thanh bình quá, nên thơ quá. Tôi thảnh thơi đi hát và soạn ra những thanh niên ca vui tươi cho đám người đang rời bỏ các thành thị ra sống ở đồng quê và đang nhìn cuộc kháng chiến đẹp như trong tiểu thuyết. Gặp Lý Ngọc, tôi có ngay đề tài mới để đưa vào một bài dân ca mới đầu tiên của nhạc Việt Nam hiện đại. Theo tôi, nhân vật điển hình và nổi bật của thời đại không phải là những thanh niên rời bỏ thành thị đi về đồng quê mà phải là anh thương binh. Có lẽ tôi là người đầu tiên đưa nhân vật điển hình này vào âm nhạc. Mấy tháng sau, trong Tuần Lễ Thương Binh, Trung Ương mở cuộc thi soạn bài hát cho thương binh, tôi có gửi dự thi bài dân ca mới của tôi nhưng bài hát bị đánh rớt bởi những ông ngồi chấm giải như Tống Ngọc Hạp hay Lưu Hữu Phước. Tôi nghĩ có lẽ lúc đó người ta còn quan niệm dân ca phải là của vô danh. Tác giả mà soạn dân ca là hỗn. Uả ? Thế loại ương ca (tức là dân ca mới) của Trung Cộng là sai à ?
Tôi không có thì giờ và hơi sức để cãi nhau với họ, cứ lầm lũi soạn thêm những bài dân ca mới khác như Mùa Đông Binh Sĩ, Ru Con, Nhớ Người Ra Đi... với quan niệm là phải làm mới loại dân ca cổ truyền. Phải phát triển giai điệu ngũ cung đang nằm chết trong một hệ thống. Phải chuyển giai điệu qua nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau. Nói cho đúng ra, vào lúc đó, tôi soạn dân ca mới hoàn toàn với bản năng. Tôi chỉ cảm thấy phải dùng lại những điệu dân ca cổ truyền một cách khôn ngoan. Cũng may là trước kia tôi sống ở vùng Bắc Giang Yên Thế và thuộc nhiều điệu hát quan họ. Chưa kể những năm đi theo gánh hát Cải Lương tôi còn biết thêm nhiều điệu hát sân khấu và điệu hát địa phương. Tôi chưa đem lý trí vào việc sáng tác để có thể phát triển giai điệu một cách mạnh mẽ hơn nữa -- ví dụ trong các Trường Ca -- như sau khi đi học về nhạc ngữ trong hai năm ở Pháp. Tôi cũng thấy rõ ràng là 90 phần 100 đồng bào của chúng ta là dân quê cho nên đưa ra hình thức dân ca mới vì tôi cho rằng quân ca hay thanh niên ca chỉ phản ảnh tâm tình của tuổi trẻ thuộc lớp thị dân mà thôi. Dân ca mới phản ánh được tâm tình của dân quê. Tôi đã quyết định ngay từ lúc đó là cùng tiến lên với nhân dân. Nhất định không đưa ra những hình thức âm nhạc xa vời đối với nhân dân.
Tuy nhiên, trong đoàn văn nghệ Giải Phóng, với sự có mặt của những nhạc sĩ như Văn Chung, Phạm Văn Chừng... không phải chúng tôi chỉ chủ trương tung ra những bài hát soạn theo đường hướng dân ca của tôi. Những nhạc phẩm khác, soạn theo lối nhạc chủ thể của Âu Mỹ, dù là cổ điển hay tân kỳ, cũng đều được biểu diễn tối đa. Trước hết là những bài như Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận mang hành điệu của loại nhạc fox trot, rồi tới những bài soạn theo lối hát tự do (aria) như Hồn Việt Nam và Giết Giặc của Nguyễn Xuân Khoát, hai bài này có rất nhiều tính chất bi kịch (operatic). Rồi tới những bản hợp ca dài như một màn tiểu-ca- kịch (micro-opera) của Tây Phương, như Bài Hát Của Người Hà Nội, thơ của Chính Hữu do Lương Ngọc phổ nhạc và Đợi Anh Về, thơ của Simonov do Tố Hữu dịch ra tiếng Việt và do Văn Chung phổ nhạc... Bất cứ một loại nhạc nào cũng đều được tự do đua nở miễn là nó đề cao sức mạnh của dân tộc trong công cuộc kháng chiến đầy thú vị này.
Phạm Duy