Chương 9
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4463
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng...
CHIẾN SĨ VÔ DANH
Quân Pháp hành quân, muốn chiếm lại Đông Dương
Trong khoảng thời gian mấy tháng ở trong chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu này, tôi có được đầy đủ những niềm vui, nỗi buồn của một thanh niên tự nguyện tham gia vào một cuộc chiến đấu chung. Lúc đó, không cứ gì Mặt Trận Việt Minh hay ông Hồ Chí Minh, bất cứ một Mặt Trận nào, bất cứ một lãnh tụ nào cũng có thể đẩy chúng tôi vào cuộc chiến. Còn có thể nói hơi ngoa là chúng tôi đòi được đi đánh Tây. Và riêng tôi thì chắc chắn là tôi không bị kích thích bởi bất cứ một chủ nghĩa hay bất cứ một tham vọng nào cả. Không nhân danh một giai cấp, không ham muốn địa vị chỉ huy như đội trưởng hay chính trị viên, tôi chỉ có một tình yêu nước được nuôi dưỡng từ khi còn bé và bây giờ được dịp thể hiện mối tình đó ra một cách rất cụ thể. Không phải chỉ hô to : Đi là đi chiến đấu. Đi là đi chiến thắng... mà muốn đem thân xác, đem tính mạng của mình ra để tỏ tình. Chỉ muốn làm một người tuổi trẻ vô danh trong một cuộc chiến đấu chỉ có một danh nghĩa rất giản dị : đánh Tây, cứu nước. Trong ý nghĩ đó, tôi soạn bài Chiến Sĩ Vô Danh :
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông
. . . . . . . .
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình...
Tham gia cuộc kháng chiến Nam Bộ này, tôi còn được biết thế nào là sự gian khổ của một người tay không đi chiến đấu. So với vũ khí của lính viễn chinh Pháp, chúng tôi chẳng có gì để có thể thắng họ được. Pháp chiếm đóng hầu hết các tỉnh ở miền Hậu Giang và mạnh mẽ tiến ra miền Đông. Áp dụng du kích chiến, chúng tôi làm chậm bước tiến của quân Pháp. Tôi tham dự hai cuộc phục kích, trong tay chỉ có khẩu mousqueton. Có lần chúng tôi bắt được một tù binh Pháp rất trẻ. Tôi ái ngại nhìn anh ta khi được dẫn đi, nói rằng đem về giam tại một nơi an toàn khu nào đó. Chắc bị thủ tiêu quá.
Quân Pháp nắm được các con lộ thì tiến vào rừng làm những cuộc tảo thanh. Chúng tôi lùi dần từ Đất Đỏ, Xuyên Mộc lùi tới biên giới của ba tỉnh Biên Hoà-Bà Rịa-Phan Thiết và lên đóng quân ở trên núi Mây Tào. Bây giờ, chúng tôi lại từ đó lùi ra Mũi Né và theo dọc bờ biển lùi ra tới Phan Rang. Đội viên cứ chết dần mà quân số thì không được bổ xung gì cả.
Tôi chứng kiến những cái chết âm thầm và thảm khốc của các đồng đội. Những xác bạn, có những xác đã mất đầu vì lính Pháp (chắc gốc Phi Châu) chặt cổ mang đi hay vì thú rừng tha đi, chỉ được vội vàng vùi nông trong một khu rừng không tên không tuổi. Để không ai quên được những xác không đầu đó, tôi đã soạn bài Nợ Xương Máu :
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Đi lang thang tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia ?...
Lúc đó, tôi cũng ý thức được vũ khí để đánh Tây còn có thể là văn nghệ. Là thơ, là văn, là họa, là nhạc, là kịch. Trong trường hợp ở cái chiến khu cứ bị co dần là chiến khu miền Đông của tôi lúc này, làm gì có được nhà văn, nhà thơ, họa sĩ hay đội kịch đi theo ? Chỉ có tôi để trang bị vũ khí tinh thần cho anh em bằng những bài hát yêu nước. Hơn thế nữa, tôi làm luôn công việc dân vận bằng âm nhạc nữa. Ngoài nhiệm vụ thông tin, liên lạc, tiếp vận, tôi là cán bộ văn nghệ độc nhất của chiến khu.
Làm sao quên được những đêm trong khu rừng miền Đông, có ngọn lửa chập chờn soi những khuôn mặt trẻ măng, có tôi hát những bài Nhớ Chiến Khu, Côn Đảo... những bài hát trước đây tôi chỉ hát để mua vui cho thính giả tại những phòng trà Hà Nội và bây giờ bài hát mới thực sự có sự sống.
Nhớ tới bãi biển đêm trăng khi tôi hát bài Chiến Sĩ Hải Quân cho dân chài ở Mũi Né nghe. Thật là chuyện khôi hài vì bài hát lính thủy hào hoa này nói tới chuyện ra đi không vương thê nhi đâu có phù hợp với hoàn cảnh thực tế ? Vậy mà dân chài Mũi Né vẫn khoái những câu :
Toán chiến sĩ Hải Quân ra khơi hôm nay
Bờ nước Nam...
Cũng ở trên một bãi biển, lần này là bãi biển ở gần Phan Rang, sống tại nhà của đồng bào có cô con gái rất xinh, bởi vì bây giờ -- than ôi -- tôi cần phải giữ đạo đức cách mạng (!) cho nên tôi chỉ soạn ra một bài hát rất dụt dè là bài Cây Đàn Bỏ Quên bịa ra chuyện tôi đến chơi tại nhà cô em rồi ra về mới nhớ rằng quên cây đàn :
Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi ?
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh.
Rồi tôi còn thắc mắc không biết cô gái -- hay người đời -- yêu tôi hay chỉ yêu nhạc của tôi mà thôi ? Câu hỏi còn theo tôi tới già :
Người ơi tôi thường hay muốn biết
Yêu tôi hay yêu đàn ?
Mới đây gặp lại Hoàng Xuân Yên tức Hoàng Xuyên, hiện nay là Hội Trưởng Hội Cao Niên ở San Jose, California. Anh này nhắc tới cái buổi gặp tôi ở Đất Đỏ thuộc chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu. Vào lúc Cách Mạng thành công ở Saigon Hoàng Xuân Yên làm Ủy Viên Cảnh Sát trong Ủy Ban Hành Chánh Tỉnh Gia Định. Cũng bị Pháp đánh bật ra khỏi Nam Bộ, trên đường trở ra Bắc, anh ta gặp tôi đang công tác ở Đất Đỏ. Lúc đó không hiểu tại sao mà chúng tôi lại hát cho Hoàng Xuân Yên nghe lời ca nhại bài Tiến Quân Ca như sau :
Đoàn quân Việt gian (?) đi sao mà chướng thế
Bước không đều nghênh ngang trên đường vào Nam
Cờ không có lấy áo treo đầu súng...
Phải công nhận lúc đó chúng tôi rất tếu. Có lẽ lúc đó chúng tôi không thần thánh hoá vấn đề đánh Tây lắm đâu. Vẫn trưởng thành trong khói lửa, vẫn học hỏi để trở thành con người mới trong xã hội mới nhưng vẫn vui nhộn. Chúng tôi mới có 25 tuổi thôi mà.
Hội Nghị Fontainebleau tan rã. Phái Đoàn Việt Nam bỏ ra về. Ban đêm Hồ Chí Minh tới nhà riêng của Bộ Trưởng Marius Moutet để ký bản Tạm Ước. Ở Hà Nội, Quốc Hội để nghe thuyết trình về Tạm Ước này. Lệnh ngưng bắn được ban hành ở Nam Bộ.
Cho tới đầu mùa Thu năm 46, đúng vào lúc có lệnh ngưng bắn, tôi bị thương nhẹ ở cánh tay và được phép đi Nha Trang để lên xe lửa về Bắc. Tôi ngừng chân ở Huế và ngồi chép ra 2 bài hát mà tôi đã có ở trong đầu khi còn ở trong chiến khu Nam Bộ. Một là Chinh Phụ Ca, nói tới ngày trở về của một chinh nhân :
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Đem theo biết bao nhiêu ngày vàng.
Hai là Thu Chiến Trường. Bài này được soạn ra trong mùa Thu chinh chiến đầu tiên của đời mình, tôi đi chơi trong khu rừng Đất Đỏ miền Đông. Chân tôi đạp trên những xác lá vàng khô và bỗng nhiên tôi chú ý lắng tai nghe tiếng lá sột soạt dưới chân mình. Thấy được sự sống và sự chết, thấy được chiến tranh và hoà bình, thấy được tình yêu và hận thù :
Thu ơi Thu, ta vỗ súng ca
Ca cho đời cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta.
Phạm Duy