Chương 6
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4019
Thiên Thai, chúng em xin dâng chàng
Hai ''trái đào thơm''...
nhại Văn Cao
Đặng Trần Vận, chủ phòng trà Thiên Thai và Phạm Duy tại Paris, 1954
Lúc đó, tôi rất nhớ sân khấu. May thay ở Hà Nội đang có phong trào đi nghe nhạc ở phòng trà. Những phòng trà đầu tiên của thời đại là : Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển. Có nam ca sĩ Mai Khanh thường tới hát bài Bên Hồ Liễu. Nữ ca sĩ Bùi Thị Thái, người vợ tương lai của ông Quản Liên, Trưởng ban Quân Nhạc Lính Khố Xanh thì chuyên hát bài Con Chim Lạc Bạn. Thỉnh thoảng có Dương Thiệu Tước tới đánh guitare hawaienne và có Thẩm Oánh tới để làm xướng ngôn viên.
Ở phố Hàng Bông, có Phòng Trà Thăng Long với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường. Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo. Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn Tàn Thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng.
Một thằng bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở ra ở phố Hàng Gai một phòng trà lấy tên là THIÊNTHAI, cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao. Đây là nơi tôi được các nhạc sĩ Trần Quang Trường được đặt tên là ''Schubert giả'', Đỗ Lệnh Tâm được gọi là Tâm '' Xì '' vì da đen như củ súng, và em là Đỗ Lệnh Kiên... đệm đàn cho tôi hát. Cũng tại phòng trà này, tôi lăng xê giọng hát phái nữ hay nhất của lúc đó là Thương Huyền.
Nàng là người tình chớp nhoáng mới đây của tôi. Tên thật của Nàng là Thường. Tôi đặt tên cho Nàng một cách rất giản dị, theo lối đánh vần thương huyền thường. Tôi dạy cho Thương Huyền hát bài Trào Lòng, một bài ca nhờ ở giọng hát trong trẻo của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng. Thương Huyền có nụ cười và hàm răng như hoa nở. Tính tình thuộc loại bạt mạng, bất cần đời. Trong buổi tiếp tân các văn nghệ sĩ tham dự Đại Hội Văn Hoá tổ chức tại nhà của hoạ sĩ Phạm Văn Đôn trên đường Halais, ở dưới nhà, trong không khí cách mạng, người ta ngâm thơ và ca hát, ở trên lầu, bất cần mọi người, tôi và Thương Huyền yêu nhau thắm thiết. Về sau chúng tôi còn gặp lại nhau nhiều lần trong kháng chiến.
Đồng thời, tôi cũng có một cuộc sống tạm bợ với một người tình khác đang làm nghề vũ nữ ở nhà hàng khiêu vũ Tabarin tên là Định. Hà Nội lúc đó có hai vũ nữ đẹp là Định và Thơm. Cả hai đều mê nhạc sĩ. Nàng Định ở với tôi còn nàng Thơm, lai Pháp thì lấy Đỗ Thiều, nhạc sĩ chuyên về clarinette. Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành. Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý. Cô vũ nữ có đôi bàn tay rất mọng này lại là con người có tính đồng bóng. Vừa mới ngủ với người tình trong đêm, sáng ra lại trợn mắt hỏi : Anh là ai ? Tôi soạn cho cô vũ nữ tàng tàng này một bài hát lấy tên là Tình Kỹ Nữ :
Đêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước...
Cũng vì đêm đêm tôi phải đưa đón nàng kỵ nữ (người Hà Nội gọi vũ nữ dancing là cavalière) cho nên tôi soạn ra một bài ca xã hội đầu tiên của thời đại là bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya trong đó tôi mô tả những người sống về đêm và có một đoạn nhạc không lời nhái lại tiếng kêu đường của người hành khất :
Con lạy ông con lạy bà làm ơn cứu giúp.
Con lạy ông con lạy bà cứu vớt thân con.
Khốn nạn thân con.
Khốn nạn thân con...
Mỗi lần nghe lại bài này, tôi nhớ Hà Nội ban đêm vô kể. Nàng vũ nữ Định sau này không có một tương lai êm đềm hay sáng lạn như tôi tưởng. Nàng chết trong cảnh nghèo nàn tại một thành phố rất hoa lệ là Saigon vào thời thịnh nhất của nền Cộng Hoà thứ nhất, tức là vào năm 1960. Chết vì bệnh ho lao.
Trong chuyến trở ra Bắc này, ngoại trừ khi phải chứng kiến cuộc tranh chấp giữa các đảng phái, tôi chỉ thấy vui và vui. Vui vì thấy giới văn nghệ sĩ bắt đầu được trọng vọng. Vui vì gặp lại thành đô yêu dấu, gặp lại bạn cũ. Vui vì có những người tình mới mẻ. Nhưng vui nhất là gặp mẹ. Bây giờ mẹ tôi không còn ở với anh Nhượng đang làm nghề thầy giáo ở Thái Nguyên nữa và về ở với anh Khiêm và người chị lớn của tôi, lấy chồng là Tham Tá Đinh Mạnh Triết, ở đường Carreau Hà Nội. Dù tôi rất xung khắc với anh ruột và anh rể -- đã từng là nguyên nhân để tôi bỏ nhà ra đi từ năm tôi 17 tuổi -- nhưng vì tôi muốn ở gần mẹ cho nên tôi cũng vui vẻ đến ở chung với hai ông anh, lúc này bớt kiêu ngạo vì bị Cách Mạng lật nhào xuống rồi. Tôi rất mừng khi thấy mẹ tôi còn mạnh khoẻ và không còn phải lo lắng cho tôi nữa. Lúc đó tôi nổi danh rồi, đi hát ra tiền rồi, không còn bị mang tiếng là xướng ca vô loài nữa.
Nhưng mãi tới bây giờ tôi mới được biết rằng người chị dâu của tôi, vợ của anh Nhượng đã chết vì bệnh thương hàn khi chị ấy còn rất trẻ. Chị ấy chết trong lúc tôi đang sống loanh quanh ở miền Nam và cũng chẳng có ai trong gia đình biết tôi ở đâu để mà báo tin buồn. Trước khi lấy anh tôi, người con gái Hưng Yên có một vẻ đẹp rất thùy mị tên là Sâm này cũng quen biết tôi và cũng có vài ba lần nhận được ở tôi dăm ba lá thư tình cho tới khi nàng về làm dâu của gia đình thì tôi chấm dứt mơ mộng.
Phạm Duy