Chương 4
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3738
Này thanh niên ơi
Đứng lên đáp lời sông núi...
Lưu Hữu Phước
Lính Pháp theo chân Quân Đội Anh trở lại Đông Dương
Qua tới đầu tháng 10 năm 1945 thì tình hình càng ngày càng trở nên xấu xa giữa Ủy Ban Nam Bộ và Quân Đội Anh. Với sự đồng ý của Anh, tướng Leclerc cùng với viện binh Pháp tới Saigon vào ngày mùng 5 -- ngày sinh thứ 24 của tôi.
Ngày hôm sau, ngày mùng 6, các đoàn quân Leclerc đổ bộ tại Vũng Tầu. Ngày mùng 9, Quân Đội Pháp chiếm Tây Ninh. Ngày mùng 10, Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ kêu gọi dân chúng tản cư ra khỏi thành phố. Ngày 11 tháng 10, Tướng Gracey buộc chính quyền cách mạng phải rời khỏi Toà Đô Chính và Dinh Gia Long.
Ngày 12 tháng 10, Quân Anh và quân Ấn Độ thuộc Anh, có lính Pháp đi theo, tới đóng ở Gia Định. Vào lúc bình minh của ngày này, khi tôi vừa ngủ dậy và hé cửa nhìn ra đường thì thấy lính Pháp vác súng đứng đầy ở ngã tư Dakao và ở trên Cầu Bông. Thành phố hằng ngày có tiếng xe chạy ồn ào, tiếng guốc gõ vang trên hè phố và những tiếng rao hàng véo von như tiếng hát, bây giờ thành phố im lặng như tờ... Quân Đội Pháp đã làm chủ Saigon.
Tôi chia tay với Phạm Xuân Thái rồi lẳng lặng mở cửa ra đi, không mang theo bất cứ một hành lý nào cả, lội sông qua vùng Phú Nhuận. Tới đó tôi gia nhập nhóm dân quân và được phát cho cái gậy tầm vông để ra đứng gác ở phía cầu Kiệu. Dân chúng ở đây có vẻ nháo nhác, lo âu. Nhưng ai lo chuyện di tản thì cứ việc di tản. Ai ở trong tổ chức Dân Quân thì đều xuống đường hết.
Dân quân Phú Nhuận lúc bấy giờ là những ai ? Là anh thầu khoán quần áo chỉnh tề, chân đi ghệt và đeo gươm Nhật Bản. Là cậu học sinh mặc quần đùi cầm súng bắn chim. Là anh thợ mộc có cửa hàng ở ngay dốc cầu Kiệu, tay cầm lựu đạn. Là chị phụ nữ cứu thương trước đây là cô đầu Phú Nhuận. Là dân nghèo ở trong ngõ hẻm tay cầm gậy tầm vông... Đám dân quân như thế này thì làm sao mà ngăn được sức tiến của lính Lê Dương ? Cho nên khi xe tăng Pháp vượt qua cầu Kiệu thì chúng tôi lùi dần. Và tan hàng một cách dễ dàng.
Tôi chen chúc trong đám người chạy loạn, ra tới Xóm Gà. Từ đó tôi chạy ra Gò Vấp. Tới lúc này thì không còn ai thấy Ủy Ban Nam Bộ ở đâu cả. Nghe đâu các anh em trong khu vực Tân Bình của tôi đang họp ở Toà Bố thì quân Pháp tới, mạnh ai nấy chạy. Các lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong cũng biến luôn. Tôi mất liên lạc với tất cả những người đã cùng tôi hoạt động trong những ngày qua. Tôi lẳng lặng đi trong đám đông trên con đường quê chật chội người đi bộ và hàng trăm cỗ xe bò đủ kiểu trên đó chất đầy những đồ đạc của người di tản, từ cái chổi cùn tới cái giẻ rách. Khổ tâm hơn nữa là gặp phải hàng ngàn con dê do người Ấn Độ nuôi để bán sữa, bây giờ đang được ông chủ lùa đi trên con đường chạy loạn khiến cho sự giao thông bị kẹt cứng.
Tới Gò Vấp, bước vào chợ để uống ly cà phê, tôi bỗng gặp một người mà tôi quen biết trong thời gian chúng tôi cùng nhau cướp chính quyền (!) ở Saigon. Đó là Phạm Thanh Liêm. Vào năm 89 này, anh ta đã trên 70 tuổi và đang sống ở Santa Ana, California. Lúc tôi gặp Phạm Thanh Liêm ở Gò Vấp thì anh ta đang là Phó Chủ Tịch Hành Chánh kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Gia Định. Sau khi hỏi thăm tình trạng cá nhân của tôi, Phạm Thanh Liêm mời tôi vào làm việc với Ủy Ban Kháng Chiến. Lúc đó tôi cũng hết hăng hái rồi và bỗng nhiên tôi nhớ nhà vô kể. Thấy tôi từ chối và ngỏ ý muốn trở ra Hà Nội thì Phạm Thanh Liêm ký cho tôi một giấy chứng minh thư, chứng nhận tôi là ủy viên liên lạc của Ủy Ban Kháng Chiến Tỉnh Gia Định để tôi ra Bắc mà không bị phiền nhiễu ở dọc đường...
... Giã từ miền Nam nóng bỏng, trên đường ra phía Bắc, tôi đi qua những đồn điền cao su lúc này trở thành vô chủ vì người Pháp bỏ đồn điền ra đi ngay từ khi Cách Mạng nổi lên ở Saigon. Tại Biên Hoà, tôi gặp một cậu em có giọng hát khá hay, tên là Lưu văn Giáp. Cậu này thấy tôi ra Hà Nội thì đòi đi theo. Hai anh em tôi đi bộ ra tới gần Phan Rang thì có xe lửa. Chúng tôi không phải lội bộ nữa rồi. Hai anh em vào nhà ga mua vé đi Nha Trang. Suốt dọc đường trở ra miền Bắc, chúng tôi đều ghé lại các thành phố lớn. Đi tới đâu, tôi cũng thấy có sự đổi mới trong đời sống của nhân dân.
Nha Trang tuy chưa mất hết vẻ thơ mộng của một nơi nghỉ mát nhưng đường phố bây giờ đông người hơn dưới thời Pháp thuộc. Ngoài bãi biển, tại những nơi trước đây chỉ dành riêng cho Tây Đầm tắm, nay có đầy những gánh hàng rong bán đồ nhậu.
Tới Quảng Ngãi, tôi muốn gặp lại một người bạn nhạc sĩ tên là Trình. Hồi gánh hát của tôi ngừng lại tại đây vào năm1943, anh ta tặng tôi một bài tango rất hay của Hoàng Trọng (bài TIẾNG ĐÀN AI (1)) với những câu ca mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ:
Đàn ai xa vắng ?
Hồn ai khóc trong đêm trường.
Đường tơ ai buông ?
Trong đêm rền khóc...
Nhưng nhạc sĩ Trình đã chết rồi. Cùng với cha mẹ và anh chị em, anh ta bị cán bộ ở Quảng Ngãi thủ tiêu chỉ vì gia đình này thuộc thành phần quan lại. Lúc Cách Mạng mới nổi lên, có nhiều người đã bị giết tại nơi nổi tiếng là khát máu này. Ngoài những người ở địa phương ra còn có cả những người từ phương xa đi qua tỉnh này, ví dụ Tạ Thu Thâu, một chính trị gia hoạt động cho đệ tứ quốc tế (troskist), trong chuyến hành trình từ Saigon ra miền Bắc của ông.
Tại Tourane (Đà Nẵng) tôi là khách của Bác Sĩ Trần Đình Nam, người đã tham gia Chính Phủ Trần Trọng Kim. Bác sĩ là người rất am tường về Tuồng Cổ, tức là Hát Bộ. Tôi được nghe bác sĩ giảng cho nghe về cụ Đào Tấn và về sau, khi tôi thực hiện cho Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia dưới thời Ngô Đình Diệm một cuốn phim về Hát Bộ Bình Định, thì tôi liên tưởng tới bác sĩ Trần Đình Nam.
Tại Huế, không khí cách mạng rộn ràng hẳn lên với những cuộc biểu tình liên tiếp, nhưng ở trên dòng sông Hương vẫn còn những con đò đưa khách như thường. Các bạn nhạc sĩ của tôi như Văn Giảng, Ngô Ganh đang hoạt động rất tích cực trong các đoàn thể ở địa phương.
Tới bất cứ tỉnh nào chúng tôi cũng đều được mời tới tham dự những buổi sinh hoạt văn nghệ do thanh niên, sinh viên tổ chức. Lưu văn Giáp cùng tôi hát đôi bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương là bài hát mới nhất lúc bấy giờ. Nhờ vụ hát đôi này, chúng tôi được mời ăn mời uống linh đình. Khoái chí quá, Lưu văn Giáp bèn đổi tên là Phạm Vinh, coi như là em của Phạm Duy. Khi ra tới Hà Nội, tôi có nhiều lần tới ở trong gia đình người mẹ nuôi của Lưu Văn Giáp -- mà Giáp gọi là bầm -- để biết thêm lối sống của một gia đình tiểu thương ở trong thành phố, chuyên say gạo làm bột để bán cho gia đình có trẻ con vừa thôi sữa.
Thế là sau khi lãng đãng đặt chân ở khắp mọi nơi suốt dọc con đường từ Bắc vào Nam với một đoàn hát rong, bây giờ tôi lại được hối hả đi thêm một lần nữa trên con đường cái quan. Lần đi trên con đường xuyên Việt này cũng chưa phải là lần đi cuối cùng. Trước khi vẽ ra vai trò của một lữ khách trong một bản trường ca nói về chiều dài của đất nước và của dân tộc, tôi còn đi qua đi lại trên con đường lịch sử này tối thiểu là năm lần nữa...
Phạm Duy
(1) Sau này, tôi sọan bài TIẾNG ĐÀN TÔI, có lẽ vì trong thâm tâm tôi muốn trả lời câu hỏi của bài TIẾNG ĐÀN AI của Hoàng Trọng