Chương 2
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 6204
Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm...
Bàng Bá Lân
Sau trên nửa thế kỷ, kể từ ngày mới quen nhau ở Saigon, 1944, Phạm Xuân Thái, Phạm Duy gặp lại nhau tại Paris, 1995...
Sau một thời gian đi hát tại vài tỉnh ở Cao Miên và ở Hậu Giang, khi gánh hát trở về đóng đô tại rạp Aristo ở Saigon vào giữa năm 1945, tôi bị sưng phổi và phải vào nằm nhà thương để điều trị. Khi đã bình phục, tôi quyết định từ giã gánh hát Đức Huy-Charlot Miều, gánh hát rong đã cho tôi cơ hội đi khắp mọi nơi trên đất nước và quan trọng nhất, đã cho tôi một thí điểm để đưa ra những bài Tân Nhạc đầu tiên của Việt Nam. Tôi nổi tiếng là nhờ gánh hát. Cám ơn vô cùng, ôi Đức Huy-Charlot Miều !
Tôi xách chiếc valy nhỏ bé và cây đàn guitare cũ kỹ tới ở nhờ nhà một người bạn là Phạm Xuân Thái ở số 13 đường Paul Bert trong khu Dakao (Tân Định). Phạm Xuân Thái là người Bắc vào sinh sống ở Saigon từ lâu, dáng người mảnh khảnh, ăn nói hoà nhã, tính tình dễ dãi và thích văn nghệ lắm. Anh lấy vợ làm nghề bán vải ở khu phố chung quanh Chợ Bến Thành, được vợ nuôi để... chẳng làm gì cả, dù đã có thời anh tấp tểnh làm một mục sư của đạo Tin Lành do đó anh nói tiếng Anh rất giỏi. Tôi quen với Phạm Xuân Thái từ ngày mới theo gánh hát vào Nam và sau một thời gian khá lâu, bây giờ chúng tôi mới gặp lại nhau.
Phạm Xuân Thái ngay từ lúc này đã nuôi nhiều mộng làm chính trị và 10 năm sau, anh sẽ làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin trong Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Lúc đó, anh lấy thêm một người vợ bé. Người này tên là Nguyễn Thị Thạnh và có thời là người tình của Tướng Nguyễn Bình trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ.
Saigon sau ngày Nhật đảo chính không còn nhiều bóng dáng kiêu kỳ của những ông Tây bà Đầm đi lượn phố nữa nhưng bộ mặt của thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông này cũng không thay đổi gì mấy. Lúc đó Saigon chưa dính liền với Chợ Lớn và Gia Định. Ngồi trên xe điện đi từ Chợ Bến Thành vào tới bến Nancy, nhìn ra hai bên đường, thỉnh thoảng ta thấy có những khoảng đất trống với ít nhiều rác rưởi. Nhưng từ bến Nancy vào cho tới Chợ Lớn thì có khi là cả một cánh đồng hoang với bùn lầy nước đọng, ruồi muỗi bay đầy. Giữa Saigon và Gia Định còn có những ruộng lúa hay có những khu đất được dùng để đổ rác của Đô Thành.
Dân số Saigon lúc đó chắc chưa tới một triệu người. Người Pháp vắng mặt ở phố phường nhưng lính Nhật đóng ở Saigon đông hơn lúc trước. Họ chiếm một vài khu trong thành phố, ngăn không cho ai qua lại, chiều chiều họ ra giữa đường chơi baseball là môn thể thao mà chúng tôi không thông thạo như môn đá bóng. Dân chúng còn được nếm mùi công lý tàn bạo của lính Nhật là kẻ cắp nào mà bị bắt quả tang là bị chặt tay ngay, khỏi cần phải đưa ra toà.
Thế Chiến 2 gần tới hồi kết thúc nhưng tầu bay Mỹ vẫn tới thả bom. Hai phi cơ B.24 của Mỹ bị bắn rơi ở Đức Hoà, gần Saigon. Đời sống có vẻ khó khăn. Các bà nội trợ rên lên vì nhu yếu phẩm không những đã khan, còn lên giá đùng đùng. Tôi lấy lại được sức khoẻ sau những ngày nằm dưỡng bệnh.
Sau khi nếm mùi ''chính trị'' ở Cà Mâu rồi, bây giờ tôi chú ý tới tình hình nước mình sau ngày mùng 9 tháng 3. Đọc báo có bài tuyên bố của đảng trưởng Đảng Việt Nam Ái Quốc là Hồ Nhựt Tân, tôi thấy háo hức trong lòng vì những câu viết đầy hi vọng : Trong vùng Đại-Đông-Á mông mênh bát ngát, dưới ánh sáng lãnh đạo rực rỡ chói lọi của nước Đại-Nippon, dân tộc Việt Nam gồm có năng lực đầy đủ hi vọng sẽ kiến thiết một quốc gia đúng theo qui tắc công bằng và tự do...
Tôi cũng thấy vui vui khi người cha đỡ đầu của tôi là thầy Trần Trọng Kim từ Singapore trở về nước để làm vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên tôi không thấy trong dân chúng có một sự phấn khởi nào trước cái gọi là độc lập-tự do trong Khối Đại Đông Á này. Tôi còn thấy dường như chẳng có gì là thay đổi cả. Vua Bảo Đại được người Nhật đem món quà độc lập đến tận miệng nhưng ở Huế, Đại Sứ Nhật Yokohama giữ chức quyền Khâm Sứ thay thế cho Khâm Sứ Pháp.
Ở miền Nam, qua viên quyền Thống Đốc Minoda, người Nhật thay thế Pháp, dùng người Việt làm tay sai. Do đó, khi có một anh bạn người Huế tên là Hoài rủ rê tôi vào làm việc trong một cơ quan mật vụ của người Nhật, tôi từ chối ngay. Chắc ông thầy đỡ đầu cũ của tôi là Trần Trọng Kim cũng sớm nhìn ra sự thực nên thầy sẽ rút lui ra khỏi chính trường một cách dễ dàng như lúc thầy nhận chức vụ Thủ Tướng sau ngày Nhật đảo chính.
Trần Trọng Kim, nhà học giả, người cha đỡ đầu của tôi, Vị Thủ Tướng đầu tiên của Nước Việt Nam - Ảnh chụp ít lâu trước khi cụ qua đời
Ở chung với Bộ Trưởng Thông Tin tương lai là Phạm Xuân Thái, nhờ ở những cuộc đàm đạo với anh ta, tôi được hiểu biết hơn về chính trị. Hiểu nhưng không mê. Tôi bắt đầu nghe đài Radio New Delhi và rất thích nhạc hiệu của Đài này.
Đây là lần đầu tiên tôi có cái nhìn ra thế giới. Từ khi Thế Chiến 2 xẩy ra, dù có những biến chuyển chính trị rất lớn như Pháp bị thua trận, Nhật tiến vào Đông Dương, máy bay Mỹ thả bom ở Hải Phòng ngay khi tôi vừa gia nhập gánh hát Đức Huy-Charlot Miều ở hải cảng này... nhưng tôi vẫn sống dửng dưng trước thời cuộc. Bây giờ thì khác. Tôi theo rõi những sự việc xẩy ra ở trên thế giới và ở trong nước.
Tôi vẫn tiếp tục đi hát trên Đài Phát Thanh và một vài nơi khác. Nhờ được mời tham gia một buổi hát lấy tiền giúp nạn đói ở ngoài Bắc, tôi biết rõ hơn về cái chết của hai triệu đồng bào. Vào đầu năm đó, vì đi hát ở những miền rất hẻo lánh ở Hậu Giang, tôi không biết gì về nạn đói năm Ất Dậu cả.
Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy ở nhiều nơi mà tôi tới hát, trước ngày Nhật đảo chính, tụi ''Tây nhà đèn'' cho đốt những lò máy biến điện bằng thóc chứ không phải bằng than. Khi mới trở về Saigon, có nhiều chuyện ở ngay trước mắt làm cho chuyện chết đói ở xa xôi bị nhạt mờ đi. Nhưng tới nay thì tôi biết là do âm mưu của Pháp trong năm 1944, bắt nông dân miền Bắc có bao nhiêu thóc là phải bán hết cho chính phủ để Pháp cung cấp gạo cho Nhật nuôi quân. Do đó mà nông dân miền Bắc không còn gạo dự trữ để ăn và hai triệu dân chết đói. Trong Nam thì thừa thóc gạo đến nỗi phải đốt đi nhưng Pháp không chở gạo ra tiếp tế cho dân ngoài Bắc.
Người chết đói trong năm Ất Dậu
Tôi không được nhìn thấy tận mắt đồng bào của tôi chết đói nhưng nghe kể lại cũng thấy rùng mình : ở một số tỉnh, trên đường quê cũng như trên hè phố -- và ngay ở Hà Nội -- cứ đi quá dăm ba chục thước là có vài ba cái xác nằm chồng chất lên nhau. Có người ngắc ngoải rồi còn cố ghé miệng ngoạm vào xác chết nằm bên ở cạnh để nhay miếng thịt. Nhay được rồi thì phát điên. Điều chua sót là trong khi cả Pháp lẫn Nhật gần như toa rập với nhau để cho hai triệu người mình chết đói thì người Tầu mại bản tích trữ gạo để bán cho người có tiền. Cho nên đã có câu ca dao của thời đó ghi lại chuyện này như sau :
Mấy năm thiếu gạo vì ai
Làm dân ta chết mất hai triệu người
Tầu cười (tích trữ gạo) Tây khóc (bị đảo chính) Nhật no
Việt Nam hết gạo, chết co đầy đường.
Hình ảnh trong bài thơ của Văn Cao : ''Chiếc Xe Xác Trên Phường Dạ Lạc''
Tôi càng thêm căm thù cả Pháp lẫn Nhật, dù đã có lúc tôi mang ơn tiểu đội lính Nhật đã tới cứu tôi vào ngày 10 tháng 3 năm 1945. Tôi sẽ dễ dàng đón nhận những khẩu hiệu như chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, Tối thiểu thì tôi cũng thấy rằng một cuộc khởi nghĩa đánh cả Tây lẫn Nhật là một sự rửa hận cho hai triệu người chết đói.
Tuy không còn đi hát rong và đã ở một chỗ nhất định nhưng tôi cũng không có một liên lạc nào với gia đình của tôi ở ngoài Bắc trong đó tôi chỉ nhìn thấy một sự lạnh nhạt nơi mọi người, ngoài tình thương -- tôi nghĩ vậy -- rất câm nín của mẹ tôi.
Từ khi bỏ nhà ra đi cho tới mùa Thu năm 1945 này, tôi chưa hề nhận được một lá thư nào của mẹ. Bây giờ, vào tuổi 24, sống tại một thành phố lớn nhất của một nước Việt Nam trên danh nghĩa đã được độc lập, tôi nóng lòng muốn làm một cái gì cho đất nước. Nhưng có lẽ cái chính phủ do người Nhật dựng lên với một thành phần toàn các nhà chính khách hơn là cách mạng và cái chính quyền của vị Khâm Sai ở miền Nam lúc đó là Nguyễn Văn Sâm không có một chính sách nào để vận động thanh niên tham gia vào việc nước.
Nếu có một chương trình nào đó cho thanh niên thì chỉ là vài ba cuộc biểu tình để... cám ơn nước Nhật Bản đã giúp cho Việt Nam lật đổ Pháp. Thấy chính phủ Trần Trọng Kim đưa ra một chương trình gọi là hưng quốc, nhưng khi nhìn lá cờ quẻ ly và nghe bản quốc ca Đăng Đàn Cung, tôi chẳng thấy rung động gì cả. Có lẽ vì lúc đó chưa có một người nào chết cho lá cờ và bài hát đó chăng ?
Tôi sống rất cô đơn cho tới khi, cũng như mọi thanh niên cùng lớp tuổi, tôi bị lôi cuốn vào một cơn cuồng phong mà dường như tôi cũng đã chờ đợi từ lâu. Đó là một cuộc cách mạng thường được gọi tên là Cách Mạng Tháng Tám...
Phạm Duy