Chương 27
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3829
Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về...
Ca Dao
Sông, Rạch miền Lục Tỉnh
Hai gánh hát Cải Lương ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU và NAM HỒNG với đào kép toàn gốc gác Bắc Kỳ mà dám đi vào thi thố tài năng ở miền Nam, nơi sinh trưởng của nền ca kịch Cải Lương, thì thật là liều lĩnh. Không phải vì các gánh hát Bắc Kỳ thua kém các gánh hát Nam Kỳ về diễn xuất hay về bất cứ một điạ hạt nào khác như viết vở, đạo diễn, trang trí hay trang phục đâu ! Mà vì một bài hát quan trọng nhất của thế kỷ : bài Vọng Cổ.
Cho tới năm 1944, dù sân khấu Cải Lương đã đạt tới mức cao nhất sau những thời kỳ chuẩn bị (1912-1917), thành lập (1918-1922) với các hình thức CA RA BỘ, HÁT KIM THỜI và phát triển (1923-1944) với hai loại Tuồng Tầu, Tuồng Tây... nhưng sân khấu này đứng vững được trong suốt mấy chục năm trời là nhờ ở một bài hát mà toàn dân yêu thích là bài Vọng Cổ. Sau 1945, sân khấu Cải Lương nói chung sẽ đi tới giai đoạn phân hoá với các loại tuồng thấp kém như Tuồng La Mã, Ấn Độ, Nhật Bản v.v... nhưng bài Vọng Cổ bao giờ cũng vẫn là cột trụ của tuồng hát. Đào kép hát Vọng Cổ hay bao giờ cũng là đào kép chính, ăn lương to nhất và được quần chúng ái mộ nhất.
Tượng Ông Sáu Lầu
Khởi sự là bài Dạ Cổ Hoài Lang (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) do ông Sáu Lầu ở Bến Tre soạn ra vào năm 1920, lấy âm hưởng từ điệu Hành Vân, rồi đổi tên, đổi nhịp, đổi cả hơi nhạc để trở thành bài Vọng Cổ Hoài Lang (Trông mối tình xưa nhớ chồng), âm điệu Vọng Cổ đã hoàn toàn nằm trong hơi oán của điệu Ru Con miền Nam :
...u ơ... Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi...
... với những nốt cảm âm và âm giai lơ lớ mà chỉ người sinh trưởng ở miền Nam mới phát âm đúng. Đào kép Bắc Kỳ không thể hát Vọng Cổ cho thật ''mùi'', thật ''rệu'' được vì trong lỗ tai và cổ họng không có cái âm giai lơ lớ đó.
Đầu tiên, một bài Vọng Cổ hát lên với nhịp hai hay nhịp tư thì không cần nhiều chữ. Bài ca ngắn, có tới 20 câu hát. Lúc tôi ở Saigon vào năm 1944 này, các đào kép đang ăn khách vì hát Vọng Cổ hay là Năm Nghĩa, Tư Út, Năm Cần Thơ, Ba Bến Tre... Lúc đó Vọng Cổ đã được hát với nhịp 8. Nghĩa là mỗi một câu hát đã đòi hỏi phải có nhiều chữ hơn là khi hát với nhịp 2 hay nhịp 4. Tới khi Vọng Cổ phát triển tới nhịp 16 thì bài hát trở nên quá dài nếu hát đủ 20 câu. Do đó, trong làng Cải Lương đã có lề lối chỉ hát 6 câu Vọng Cổ mà thôi.
Thế là trong khi đi du ca ở khắp mọi nơi trong nước và cống hiến cho bình dân một loại nhạc mới, tôi lại có cái may được tiếp thu một bài hát rất bình dân mà càng nghe tôi càng thấy mê mẩn tâm hồn. Vọng Cổ đã không chỉ là vũ khí riêng của đào kép Cải Lương nữa, nó đã trở thành tiếng nói của nhân dân Nam Bộ rồi. Đi bất cứ nơi nào ở miền Lục Tỉnh này, tôi cũng được tham dự những buổi hoà nhạc tài tử tại tư gia để nghe dân chúng vô danh hát Vọng Cổ.
Những người làm chính trị quá khích thường chỉ có một con tim nhỏ bé nên hay kết án Vọng Cổ là bi lụy (sic) ! Tôi không bao giờ thấy Vọng Cổ làm tôi trở thành con người yếu hèn cả. Nghe hát Vọng Cổ, tôi chỉ thấy như tôi được bàn tay của một người chị hay của một người mẹ vuốt ve tôi. Hay nói một cách thành thực hơn, như được vuốt ve bởi một người tình.Tôi cho rằng trong suốt thế kỷ 20 này, dần dà Vọng Cổ không còn là tiếng hát của riêng một miền Nam mà trở thành tiếng lòng của cả một nước. Nó có khả năng an ủi lạ thường. Này bạn đọc thân mến ! Hãy nghe tôi, thử nằm xuống mà nghe Vọng Cổ. Nghe hát xong, đứng dậy, sẽ thấy mình như vừa thoát ra khỏi một gánh nặng. Gánh nặng mà ai đã vào đời là phải gánh vác.
Dù đào kép của gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU hát Vọng Cổ không hay bằng nghệ sĩ gốc Nam nhưng đã tới lúc chúng tôi phải tạm biệt Saigon, leo lên tầu hoả để đi Mỹ Tho. Tuy không thu tiền một cách ghê gớm nhưng gánh hát Bắc Kỳ này cũng có khán giả để có thể đi khắp các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, đi đâu cũng có thêm cái trò âm nhạc cải cách để thu hút thêm khán giả học sinh, sinh viên, công chức, tư chức, thương gia... ngoài khán giả làm ruộng, buôn thúng bán mẹt và làm nghề lao động. Đặc biệt giới cầm dùi khui, đeo súng lục là Cò Cảnh Sát hay đội xếp thì thích nghe tôi hát âm nhạc cải cách lắm. Tôi còn nhớ anh Cò Tây Lai ở Cần Thơ "bắt" tôi về bót Cảnh Sát để nhờ tôi dạy đánh guitare.
Đi lưu diễn ở miền Lục Tỉnh, cái thú vị nhất đối với tôi là gánh hát bây giờ không hoàn toàn đi bằng đường bộ mà còn di chuyển bằng đường sông nữa. Miền Nam là nơi chằng chịt những sông to, sông nhỏ, sông ông trời cho, sông con người làm ra -- tức là sông đào -- mang những cái tên kinh, rạch... rất tiện lợi cho sự giao thông. Một con thuyền lớn chở chúng tôi đi trong vùng Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sadec... Và tôi được thấy một phong cảnh quê hương khác với những miền tôi đã đi qua.
Miền quê ở đây không giống như ngoài Bắc, nhà cửa không thu lại để làm thành làng xóm bao bọc bởi lũy tre xanh, đầu làng cuối làng có cổng và có khi có cả một đường cái đi xuyên qua làng. — đây, nhà cửa được dựng lên rải rác hai bên bờ sông, bờ rạch. Đình, chùa, chợ búa, trường học... đều được cất lên ở ngã ba những dòng nước lớn. Văn minh miệt vườn (nói theo nhà văn Sơn Nam) là văn minh sông nước. Miền Nam là nơi rất phong phú về các điệu hò trên sông. Không thể nào tôi quên được những đêm nằm trên mui thuyền, nghe những câu hò như :
Ghe anh nhỏ mũi trảng lườn
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em...
. . . . . . . . .
Quạ ô lại nói với diều
Ngã ba Bến Lức có nhiều cá tôm...
. . . . . . . .
Chẻ tre bện sáo cho dầy
Ngăn ngang Sông Mỹ có ngày gặp nhau...
. . . . . . . .
Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công...
Tôi lại được học lịch sử nước nhà, học tâm tình của người dân qua những câu ca dao được hát lên. Như tôi đã nói, trường nhạc của tôi là những cuộc hò hát ở sân khấu hay ở trong làng trong xóm, trên rẫy, trên sông. Thầy dạy nhạc của tôi là nghệ sĩ nhân dân.
Đi dưới miệt vườn, tôi bắt gặp thêm những người bạn mới và -- dĩ nhiên -- có thêm được những người tình. Trong làng Cải Lương có những người chuyên làm nghề bao giàn. Họ trả khoán cho gánh hát một số tiền rồi họ khai thác gánh hát. Lời ăn, lỗ chịu. Một cô vợ trẻ của một ông bao giàn ở Trà Vinh yêu tôi hết dạ. Tôi chưa bao giờ gặp một người con gái nào có một thân hình lý tưởng như cô. Tóc mượt, mắt nhung, môi dầy, răng đều, vú to, bụng lẳn, đít bự, chân dài... Đẹp như một người đẹp khác của tôi sau này, tên Hiếu, đẹp hơn tượng Thần Vệ Nữ. Trông cô như một con rắn và ai cũng có thể sẵn sàng cho con rắn đẹp này cuốn chặt mình lại. Vui lòng tắt thở vì rắn.
Một hôm cãi nhau với ông chồng ghen tuông, con rắn đẹp uống rượu thật say, leo lên con thuyền của gánh hát, cười nói ngất ngư, nhìn tôi khiêu khích... rồi ngã tòm xuống sông. Tuy tuổi gà nhưng tôi cũng vội vàng nhẩy xuống cõng rắn lên, không sợ rắn ăn thịt cái con gà ướt là mình. Rắn không ăn thịt tôi nhưng tôi đã ăn thịt rắn. Đây là một cuộc tình vừa tình cờ vừa táo tợn mà tôi không quên.
Chắc chắn trong chuyến đi này tôi có nhiều con rơi con vãi lắm đây. Nhưng ngay lúc gánh hát còn đang ở Saigon, tôi cũng đã có một thằng con nuôi rồi . Số mệnh phải làm bố lũ trẻ con của mình và của người đã tới với tôi từ khi tôi còn rất trẻ. Chẳng cần đợi tới khi lũ trẻ Saigon 1960 đua nhau gọi tôi là ''bố già'' vì tôi có một đám con nổi danh trong làng Nhạc Trẻ. Trong gánh hát, anh Thuận cũng đã kêu tôi là bố rồi ! Kể cả thằng Cõn, đôi khi cũng muốn bắt chước anh Thuận.
Thằng con nuôi mới của tôi tên là Lưu, 13 tuổi, trẻ mồ côi, vô gia cư (homeless), lê la đánh giầy ở khu phố Dakao. Tại rạp VĂN HOA, buổi trưa, chúng tôi thường ngồi xổm uống cà phê trong quán cóc ở trước rạp, thằng Lưu mò tới ''chơi'' với chúng tôi. Rất khéo nịnh mọi người. Có cảm tình đặc biệt với tôi. Rồi trổ tài vặt. Với hai ngón chân, nó quặp cái nút chai bằng sắt và... nhẩy claquettes trên hè phố. Được mọi người trong gánh hát thương, nó tới ở luôn trong rạp, nhận tôi là bố, khuya nào cũng rúc vào chân tôi để ngủ.
Gánh hát lang thang trong Saigon-Chợ Lớn-Gia Định, thằng Lưu được đi theo nhưng tôi đi Lục Tỉnh thì nó ở lại. Khi tôi trở về Saigon và không còn làm cho gánh hát nữa, nó đến ở với tôi tại số 13 đường Paul Bert, Dakao cho tới khi Pháp đánh chiếm Saigon, cuộc kháng chiến Nam Bộ xẩy ra, tôi trở về Bắc thì hai "bố con" xa nhau. Sau này tôi nghe nói nó phục vụ cho cuộc chiến Nam Bộ và trở thành anh hùng kháng chiến.
Chuyến đi về miền Cửu Long Giang này không kích thích sự tò mò của tôi vì ở trong Nam, không có nhiều danh lam thắng cảnh như ở các miền ngoài. Nhưng tôi cũng được sống với cảnh vật của quê hương tôi, sống với những nhánh sông của ''chín con rồng'' để chiều chiều, giống như thi sĩ Huy Cận, nhìn ra mình là củi khô lạc mấy dòng trôi trên sông mênh mông không một chuyến đò ngang...
Để mấy chục năm sau, có một bài hát nhan đề Chiều Về Trên Sông :
Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong, ơi chiều
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.
Buồn tôi, không vì sao bỗng dưng
Theo đò ngang quá giang, thương chiều.
Bởi vì thương nhiều nên nhớ tình yêu...
Soạn bài Chiều Về Trên Sông để vinh danh bài thơ Tràng Giang là bài thơ đã từng ám ảnh tôi từ lâu. Nhưng ngồi bên bờ một con sông quê hương, nếu Huy Cận không có một chuyến đò thì tôi lại muốn có một đò ngang, có lẽ bởi tôi là người luôn luôn sợ ngăn cách.
Sống với quê hương nghĩa là vào xóm dừa, vào vườn chuối la đà, sống với bầu vú sữa tròn và mảnh trái thơm ròn, với hương sầu riêng ngọt ngon... Leo lên rừng chàm lấy ong hay xuống đồng dưa ăn cá nướng thơm ngày mưa... đúng như tôi sẽ diễn tả khi soạn PHẦN III của Trường Ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN.
Sống với con người thì bạn vô danh là những cô gái miền Nam, mái tóc xuề xoà, giọng nói mặn mà. Là những thanh niên miền quê ra tỉnh học, đầu chải bóng, mặc áo chùng, đi guốc mộc, thích âm nhạc. Bạn hữu danh nhưng mình đã quên tên thì có ông chủ điền với hàng ngàn mẫu ruộng thẳng cánh cò bay ở Bạc Liêu, là triệu phú nhưng sống rất giản dị. Có ông giáo ở Châu Đốc mời về nhà ăn chè hột vịt. Có ông bác sĩ coi chỉ tay rất tồi ở Long Xuyên, tiên đoán tôi sẽ giầu. 70 tuổi rồi, bao giờ thì tôi sẽ giầu hả ông bác sĩ thích coi chỉ tay ?
Bạn cùng nghề và sẽ dính líu với mình suốt đời là Lê Thương, đang ở Bến Tre, hớt hơ hớt hải từ một đồn điền nào đó ra nghe tôi hát. Là Trần Văn Khê ở Vĩnh Long, hãy còn là thư sinh nhưng không mình hạc vóc mai mà to béo như ông Hộ Pháp, tới nghe hát rồi chúng tôi kéo nhau ra một nhà thủy tạ ở bờ sông gọi là Cầu Lộ, ngồi nói chuyện huyên thuyên tới 3 giờ sáng vẫn chưa hết chuyện. Tại Vĩnh Long, tôi cho Trần Văn Khê mượn cuốn sách dạy nhạc của Lavignac mà tôi coi như một bảo vật. Yêu bạn nên sẵn sàng trao bảo vật. Trải qua một cuộc chiến dài dòng và khốc liệt, sau hơn 30 năm, khi tôi qua Florida, Hoa Kỳ vào năm 1975, từ Paris Trần Văn Khê gửi trả lại tôi cuốn sách đó, sách vẫn còn y nguyên, không mất một trang nào, không mất một dòng chữ nào của tôi ghi chú trên những trang sách đó.
Gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU không chỉ ngưng lại những châu thành lớn lao như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc... mà còn hát ở những nơi nhỏ như Tân Châu để từ đó vọt qua Cao mên, tới hát ở Kong Pong Cham, Kong Pong Thom và ở thủ đô khờ-me là Nam ''Ziang'', nơi ai cũng nói là đi zễ khó ziề. Đi thì thật dễ nhưng về thì cũng không có gì là khó khăn đâu !
Vì không có diễm phúc đi thăm đền đài Angkor để ngắm nụ cười Champa mà mình đã mê khi coi tranh của Văn Giáo, ngoài ngôi chùa lớn ở Nam Vang trong đó tôi chỉ thấy khoe vàng khoe bạc, tôi không có gì để lưu luyến với đất Chuà Tháp cả. Vả lại tôi cũng đã gặp người Miên sống lẫn lộn với người Việt nhiều nơi trong vùng Sóc Trăng, Long Xuyên rồi. Được nghe họ tấu nhạc kong thom (đàn thuyền) và hát dù kê (Cải Lương Cao Miên) rồi. Cũng như đã biết thêm hương vị giang hồ khi tới hát ở vùng có người Chàm theo đạo Hồi Hồi tại Châu Đốc.
Trở về đất nước Việt Nam thì gánh ĐỨC HUY ghé hát ở Hà Tiên, quê hương của thi sĩ Đông Hồ. Biển ở đây không đẹp lắm. Cũng như ở Rạch Giá, có quá nhiều bùn ở rừng tràm tuôn ra nên biển ở đây thiếu mầu xanh rực rỡ.
Và bây giờ thì sau khi đã có lần đứng ở mảnh đất địa đầu của nước tôi là Lạng Sơn, nơi tôi đi cắm trại hồi tôi 17 tuổi cùng với bạn đồng học ở Trường Kỹ Nghệ... vào mùa Xuân 1945 này, tôi đã tới mảnh đất đằng đuôi của Việt Nam là Cà Mâu. Cũng như các châu thành khác ở miền Nam, tỉnh lỵ Cà Mâu có con sông chẩy qua, có chợ bên sông và có rạp hát bên cạnh chợ. Rạp HUÊ TINH khá rộng, so với một tỉnh lỵ nhỏ. Tuồng Cải Lương được hoan nghênh nhiều hơn Tân Nhạc.
Tất cả mọi người trong gánh hát đều có cảm tưởng như tôi là đã tới cuối con đường phiêu lưu của gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU rồi, dù vẫn còn một nơi chưa tới hát là Rạch Giá. Tất cả đều nhớ xứ Bắc ! Riêng tôi thì muốn được đi xa hơn cái tỉnh lỵ cuối cùng của bán đảo này, đi ra tận Mũi Cà Mâu cơ... Không có ai là bạn đường, tôi bèn ra đi một mình. Tôi đi sâu xuống vùng rừng đước, rừng tràm và thấy cảnh vật ở đây có vẻ tiêu điều quá. Đang thấy nản nhưng chưa muốn về thì, may quá, sau khi đụng độ với muỗi Cà Mâu, tôi vội vàng lui chân về thành phố ngay lập tức. Trước đây, tôi đã nghe tiếng đồn là muỗi Saigon rất ác liệt. Khi ở Bến Tre, tôi đã nghe một câu hò về muỗi :
Xứ nào vui cho bằng xứ cù lao
Tiếng muỗi kêu như ống sáo thổi
Bòng mọc như hàng rào sương ly...
Nếu muỗi Bến Tre bình yên như tiếng sáo thổi thì muỗi Cà Mâu là nỗi kinh hoàng cho người du khách là tôi. Đêm tới, người thì phải rúc vào nóp, trâu thì phải nằm trong mùng. Tôi không thể nào ngủ được vì bị nghẹt thở trong nhà tù tí hon là cái bao làm bằng một thứ cỏ tranh điạ phương.
Gánh hát còn ở lại Cà Mâu vài ngày. Tôi lang thang trong phố xá ồn ào, giữa đám đông xa lạ. Không có bạn, không có nhiều khán thính giả như khi hát tại những tỉnh lỵ khác, tôi cảm thấy cô đơn. Việc ca hát đã trở thành nhàm nhưng chưa tới độ chán. Tôi dùng ngày giờ để ôm ấp cô đào trẻ tên Châu.
Phạm Duy