Chương 19
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3920
Cái đích của chuyến đi theo gánh Đức Huy : Được hát trên Đài RADIO-INDOCHINE vào tháng 11, 1944...
Vở tuồng nòng cốt của gánh ĐỨC HUY là một vở tuồng xã hội nhan đề Ông Già Nhà Ai do Charlot Miều thủ vai chính. Vở này do anh Miều viết và dàn cảnh, đưa ra nhân vật ông già nhà quê, khi ra tỉnh thì bị cám dỗ bởi rượu ngon, gái đẹp rồi sa đoạ. Cuối cùng được cứu vớt. Trong vở tuồng có cảnh ông già dẫn gái đẹp đi ăn cơm tại một tiệm ăn sang trọng, có âm nhạc và khiêu vũ. Đây là lúc phải có một màn phụ diễn, trước là vì nhu cầu của vở tuồng, sau là để cho sân khấu ĐỨC HUY có thêm mới lạ. Màn phụ diễn thường được gọi là màn attractions nghĩa là màn lôi kéo khán giả. Gánh hát ĐỨC HUY đã mời ''vũ sư'' Phúc vào đoàn ngay từ lúc mới thành lập gánh. Dân Bắc Kỳ đã mê lối nhẩy claquettes của Fred Astaire và Ginger Rogers từ lâu qua những phim ca vũ nhạc được chiếu trên màn ảnh ciné. Ngay từ những năm 1936-38, trong gánh ỨNG LẬP BAN đã có màn nhẩy thiết hài của cô đào trẻ Bạch Tường. Trong thời gian tập tuồng tại Hải Phòng tôi đã thấy vũ sư Phúc cầm roi để dạy cho hai em nhỏ, con gái của hai gia đình đào kép trong đoàn, nhẩy tâng tâng trên sân khấu với đôi giầy có gắn miếng sắt ở mũi đế giầy. Tội nghiệp hai đứa bé, được nuôi dưỡng bằng rau muống và gạo hẩm, làm gì có sức để phục vụ một môn vũ thuật phải vận dụng tối đa tất cả những bắp thịt ở tay chân và thân hình. Ngay vị vũ sư Tầu lai này, gầy gò còn hơn tôi lúc đó, mỗi lần nhẩy xong một bài tap dancing là mặt tái mét, mồ hôi ra như tắm, thở hổn hển như anh phu khuân vác vừa đổ một tạ gạo xuống lòng tầu ở Sáu Kho. Tôi thường gọi đùa Phúc là ''anh phải bỏng''. Anh nhẩy claquettes giống như người đang đi trên đường dẫm phải những cục than đỏ cho nên đôi chân phải dẫy dụa và nhẩy lên. Đã có lần không kiểm soát được sự thăng bẵng khi dẫy dụa, Fred Astaire của Gánh ĐỨC HUY ngã quay cu lơ xuống chỗ ban nhạc ngồi ở avant scène, may mà không chết như Charlot trong phim LIMELIGHT...
Rất vui vì được sống trong gánh hát, tôi ca hát tối ngày. Tiếng hát lọt vào lỗ tai mọi người trong gánh hát. Một hôm, trong bữa cơm chiều, khi đã hơi ngà say, anh Miều gạ tôi :
-- Tối nay, chú Cẩn ra làm một phát phụ diễn chơi...
-- Tôi hát ra cái gì mà hát với hỏng !
-- Cứ thử coi.
Kép chính Nhật Thanh tức Quý, anh Dần mặt rỗ, Ân đàn cò nhao nhao lên tiếng :
-- Cẩn hát Bản Đàn Xuân được lắm !
-- Hát đi...
Cô đào chính tên Tình, người đã hiến tình cho tôi ở balcon rạp hát Trần Mỹ Ngọc một đêm mới đây cũng liếc tôi một cái thật dài và nũng nịu :
-- Ứ ư ! Con Thuyền Không Bến hay hơn !
Tôi thấy trong những đêm đầu ra mắt ở Hải Phòng, vì chưa nổi tiếng, gánh ĐỨC HUY không đông khách lắm, nếu mình ra hát thì cũng không đến nỗi sợ khán giả lắm đâu ! Ừ, anh em muốn thì ''moa'' hát. Sợ gì ? !
Tối hôm đó, trong vở tuồng Ông Già Nhà Ai, khi tới màn Charlot Miều đưa cô gái tới ăn cơm tại nhà hàng Quốc Tế, sau màn nhẩy claquettes của Phúc và hai em nhỏ, tôi ôm đàn guitare nhẩy ra sân khấu, không nhìn vào đào kép đang đóng tuồng mà nhìn vào khán giả -- nói cho đúng ra là nhìn vào khoảng trống -- không chào khán giả, không giới thiệu bài hát và cũng không có ai giới thiệu tôi là ai cả. Rồi tôi rú lên :
Đàn xuân tủi lòng
Nẩy cung đợi mong
Reo ai oán trong khuê phòng
Tình tang tang tính tính tình
Tình tang tang tính tính tình
Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng...
Chọn bài Bản Đàn Xuân của Lê Thương để hát trong đêm-đầu tiên ra sân khấu, tôi không ngờ tôi chọn đúng một bài Tân Nhạc không xa lạ với lỗ tai (hay sự thẩm âm) của giới bình dân Việt Nam. Giai điệu của bài này -- cũng như một số những bài Tân Nhạc ra đời vào lúc đó -- nằm trong nhạc ngũ cung, lơ lớ như điệu hát sa mạc rất quen thuộc. Lại có thêm những tiếng đệm tình tang tang tính tính tình làm cho bài hát hết sức gần gũi với nhạc bình dân cổ truyền. Cùng với đào kép trong vở tuồng đang ngồi trên sân khấu, khán giả ngồi dưới kia vỗ tay hoan nghênh anh ca sĩ gầy gò đeo kính cận thị hát một bài hát sa mạc mới ! Nhờ ở bài hát nhiều hơn là nhờ ở giọng hát. Thế là bước đầu tiên đã được trả giá. C'est le premier pas qui coute. Một cái giá không có gì là đắt cả ! Tôi chẳng mất gì, còn được thêm cái vỗ tay ầm ầm làm mình nở mũi. Gánh hát không mất một xu teng nào cho tôi cả mà có thêm một mục attraction mới lạ.
Sau vài buổi ra mắt thành công như vậy, Charlot Miều quyết định tôi sẽ hát Tân Nhạc thường xuyên trên sân khấu, không cứ gì trong vở Ông Già Nhà Ai. Bởi vì có phải đêm nào cũng hát vở này đâu ? Trong những đêm hát với các vở khác trong đó không có cảnh hát phụ diễn ở nhà hàng thì có riêng một màn để tôi hát Tân Nhạc, hát ở ngoài màn nhung (avant scène) trong khi anh Thuận hạ màn để đổi cảnh.
Bây giờ tôi cần có một cái tên để người trong gánh hát giới thiệu sự xuất hiện trên sân khấu của một trong hai người hát Tân Nhạc đầu tiên trong gánh Cải Lương (người khác là Tino Thân tức Canh Thân trong gánh ÁI LIÊN, lúc đó đang lưu diễn ở Thái Bình) cũng như để làm quảng cáo trên biển ngữ hay trong những tờ chương trình bươm bướm. Trong một buổi ngồi uống cà phê trong rạp hát, anh em bàn tàn về cái tên nghệ sĩ của tôi. Charlot Miều đề nghị :
-- Hoàng Đức, được không ? (vì trong đó có chữ ĐỨC và một chữ gần giống như HUY).
Bà Miều góp ý kiến :
-- Bên Ái Liên có Tino Thân thì mình cũng phải có Tino Cẩn chứ ?
-- Hay là Mộng Vân ? Tôi nói. Vì đã tự đặt cho mình cái tên ''cải lương'' này từ lâu rồi !
Ba Hội người Huế, bảo hoàng hơn vua :
-- A lê ! Đặt tên là Bửu Cẩn.
Sau một hồi bàn tán, tôi xin cắt bỏ tên thật, dùng tên họ làm tên nghệ sĩ. Chỉ cần một cái tên hai chữ cho dễ gọi, dễ nhớ. Thế là tên tục (Cẩn) do cha mẹ đặt cho, tên phụ (thằng Tôm, chú Tiểu) do họ hàng gán cho đã biến đi. Cái tên, đúng là phải do mình tạo nên. Tôi chỉ hơi phiền là lúc đó tôi không tiên đoán được những ngày phải sống ở Hoa Kỳ như hiện nay, mỗi lần có ai gọi điện thoại hay có nhân viên hàng không réo tên ở phi trường thì tên mình được gọi là Fem Đai ! ! ! Nghe tức cái lỗ tai quá !
Trên sân khấu ĐỨC HUY, sau khi thấy được ngay bí quyết để thành công với bài Bản Đàn Xuân của Lê Thương, tôi hát bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong. Bài này cũng được soạn trên âm giai ngũ cung. Trong bài hát có câu trôi trên sông Thương nước chẩy đôi dòng tôi bèn thêm hai chữ ai ơi vào sau hai chữ sông Thương. Nghe càng có vẻ Việt Nam hơn nữa trong một bản Tân Nhạc !
Khởi đầu cuộc đời ca hát của mình, tôi chỉ có hai bài đó để trình diễn mỗi đêm. Những bài hát khác, hoặc là của tôi như bài Cô Hái Mơ hay của các nhạc sĩ khác như Tâm Hồn Anh Tìm Em (Dương Thiệu Tước), Cô Lái Thuyền Mơ (Dzoãn Mẫn) không phù hợp với nơi phổ biến là sân khấu và đối tượng là đại chúng. Đó là những bài hát chỉ phù hợp với thứ văn nghệ salon, văn nghệ bỏ túi.
Chẳng ai dạy mà tôi nắm ngay được kỹ thuật hát trên sân khấu. Tôi thấy khi mình đứng hát trên sân khấu, khán thính giả ngồi gần mình nhất cũng từ 4 tới 5 thước. Khán giả ngồi ở giữa rạp hay ở cuối rạp thì còn xa mình tới 20 hay 30 thước là ít. Vậy thì ca sĩ phải cường điệu hoá lối hát của mình. Lúc đó làm gì có micro, ampli và speaker ? Ca sĩ phải mở to miệng ra, phải dùng cặp môi để uốn nắn từng chữ trong mỗi câu hát. Bộ mặt phải diễn tả tính tình của bài hát. Có khi phải dùng cả thân hình và tay chân nữa. Bài hát trên sân khấu phải có những nét tình cảm phóng đại, không thể là thứ tình cảm tế nhị, cao siêu. Hát hai bài Bản Đàn Xuân, Con Thuyền Không Bến thì phải dùng tiểu sảo, nhấn mạnh vào những tiếng đệm tình tang tang tính tính tình và ai ơi...
Đúng vào lúc khởi đầu nghề hát rong của mình, tôi có may mắn được gặp Văn Cao. Trong mấy bài hát anh ta vừa mới soạn ra là Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa và Buồn Tàn Thu, chỉ có bài Buồn Tàn Thu là có đủ yếu tố để dễ dàng thành công trên sân khấu. Bài này là một bài hát buồn, tuy rất ngắn nhưng có đầy đủ những hình ảnh như : mùa Thu chết ( và không phải chỉ chết có một lần), sương rơi, gió thổi, lá vàng bay, người cô phụ ngồi đan áo và thương nhớ người tình đã ra đi hay đã quá cố, bóng chim uyên... Rất lãng mạn, rất hợp thời.
Ngày còn ở Nhã Nam, Yên Thế, khi học hát những bài hát quan họ, tôi đã nhận ra cái hay trong lối ngân giọng và trong lối dùng những âm đệm hư hứ hư hừ hừrất đặc biệt của loại dân ca-tình ca-hát hội này. Tôi lại còn thấy kỹ thuật ngân giọng của Việt Nam khác với kỹ thuật ngân giọng của Tây Phương. Hát Ả Đào thì phải hãm giọng, hát quan họ phải rung đổ hột. Tôi bèn áp dụng lối rung đổ hột và lối dùng âm đệm vào việc hát bài Buồn Tàn Thu :
Đêm hí hi hì mùa Thu chết
Nghe hí hi hì mùa đang rớt
Rơi theo lá há ha hà vàng...
Tôi vẫn cho tiếng Việt là một trong những thứ tiếng có nhiều vần và nhiều âm thanh nhất. Tiếng Nhật, chẳng hạn, không phát âm được vần '' rờ ''. Tuy chỉ có 5 dấu nhưng tiếng Việt có tới 8 thanh khác nhau :
* phù bình thanh, gồm những tiếng không có dấu;
* trầm bình thanh, tiếng có dấu huyền;
* phù thượng thanh, tiếng có dấu ngã
* trầm thượng thanh, tiếng có dấu hỏi
* phù khứ thanh, tiếng có dấu sắc
* trầm khứ thanh, tiếng có dấu nặng
* phù nhập thanh, tiếng có dấu sắc, đằng sau có c, ch; p, t
* trầm nhập thanh, tiếng có dấu nặng, đằng sau có c, ch; p, t...
Bây giờ, tôi thêm âm đệm vào một câu hát là tôi làm cho giai điệu của bài hát phong phú hơn.
Gánh hát từ biệt Hải Phòng vào một buổi sáng tinh mơ. Tôi đã thuê được hai chiếc xe ô tô ca lớn, một chiếc chuyên chở đồ tuồng, phông cảnh, hành lý, một chiếc chuyên chở đào kép rồi sau khi đồ đạc, người và chó (vợ chồng Ân nuôi chó) chồng chất lên nhau, hai chiếc xe ca phành phạch chạy trên đường cái vắng vẻ.
Đoàn hát không ngừng lại trình diễn ở Kiến An, một tỉnh lỵ chỉ cách Hải Phòng trên10 cây số và là nơi tôi đã sống với gia đình ông bà Tổng Đốc trong một thời gian.Tôi hơi tiếc vì tôi vẫn nhớ tới cái thị xã bé nhỏ và buồn thỉu buồn thiu, nơi tôi đã để lại một phần nhỏ của đời sống.
Sau khi qua khỏi Ninh Giang, trên con đường cái đã không còn hiu hắt nữa, xe chạy bon bon giữa những làng xóm của vùng đông dân nhất ở Bắc Việt là Thái Bình. Cũng như những tỉnh nằm ven biển vịnh Bắc Việt, Thái Bình có nhiều sông ngòi và những con rạch. Ba con sông lớn chẩy qua tỉnh này là sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý. Vì nước sông Hồng từ mạn ngược chẩy về tới đây được chia bớt cho những con sông khác nên dòng nước không còn hung hăng nữa, hai bên bờ sông đã không cần phải đắp đê đề phòng lụt nữa.
Thái Bình có vẻ trù phú với những cánh đồng phì nhiêu và là nơi sản xuất nhiều chiếu nhất Bắc Việt. Khung cảnh đồng quê ở đây được tô điểm thêm bẵng mầu sắc lộng lẫy của hàng ngàn mảnh chiếu mà dân chúng phơi nắng hai bên đường. Tỉnh lỵ Thái Bình nẵm ngay cạnh sông Trà Lý. Dân chúng chen vai thích cánh trên đường phố và trong chợ. Trong tỉnh có tới 200 cái chợ. Chợ to nhất là Chợ Bo. Rạp hát ngay cạnh chợ. Những đêm diễn ở đây, gánh ĐỨC HUY có nhiều khách tới coi hơn là lúc diễn ở Hải Phòng. Tuồng tích đã được diễn viên thuộc lầu hơn. Tôi đã hơi quen sân khấu. Rất bận bịu vì phải làm hai công việc hành chánh và trình diễn nhưng tôi thấy sảng khoái vô cùng. Theo lệnh anh Miều, việc tiền đạo giao cho anh Chúc, người cũng có kinh nghiệm về việc này, để tôi luôn luôn có mặt trong những đêm hát. Không có ai để làm bạn trong những ngày Thái Bình nhưng dì ruột tôi lấy chồng làm Tham Tá ở đây, tôi có dịp tới nhận họ và được hưởng phần nào không khí ấm cúng của gia đình.
Sau một tuần lễ trình diễn -- đêm nào cũng diễn chứ không phải chỉ diễn trong những đêm cuối tuần -- gánh hát di chuyển qua Nam Định. Vì không có một cái cầu lớn nào bắc qua con sông Hồng rộng rãi ở giáp giới hai tỉnh Thái Bình Nam Định, xe ca chuyên chở gánh hát phải xuống phà bến Tân Đệ. Cũng như những bến phà khác, ở đây có rất đông hàng quà. Và cũng có rất đông những người ăn mày.
Nam Định là nơi xuất thân của các nhân tài thời trước khi các ngài phải thi lọt qua Trường Thi Hương được thành lập ở đây từ 1845. Trong quá khứ, Nam Định nổi danh là đất văn học. Những người đỗ đạt tới bậc đại khoa thường xuất xứ từ làng Hành Thiện. Đại văn hào như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương đều là những người sinh trưởng ở Nam Định.
Tỉnh lỵ Nam Định là thành phố lớn thứ ba tại Bắc Việt, sau Hà Nội và Hải Phòng nhưng cũng không thua Hải Phòng về mặt kỹ nghệ. Ở đây có nhiều xưởng sản xuất lớn như Nhà Máy Rượu, Nhà Máy Sợi, Nhà Máy Tơ... Việc thương mại cũng phát đạt nhờ sự giao thông rất tiện lợi giữa Nam Định và các tỉnh khác bằng đường bộ hay đường thủy. Đường xe lửa xuyên Việt phải đi qua Nam Định. Đây còn là nơi có rất đông người theo đạo Công Giáo. Nhà thờ mọc lên tại khắp các thị trấn lớn nhỏ và tại các làng xã. Trong tỉnh lỵ có trên 150 cái chợ, chợ lớn nhất là chợ Rồng. Rạp hát cũng ở gần chợ. Tôi lại được hoà mình trong đám đông dù là ban ngày đi dạo phố hay là ban đêm khi tiếng nhạc, tiếng hát nổi lên trong rạp hát chật cứng người coi.
Trong làng Tân Nhạc Việt Nam, một số các nhạc sĩ tiền phong là người Nam Định. Đó là Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ, Đan Thọ, Hoàng Trọng. Khi tôi tới Nam Định cùng gánh ĐỨC HUY, các thanh niên này tìm đến tôi ngay. Vào thời đại đa số các nhạc sĩ amateur đều là những thanh niên thất nghiệp bởi vì, nói theo người Pháp, la musique ne nourrit pas son homme = âm nhạc không nuôi được người đánh nhạc, hơn nữa ai cũng sợ bị mang tiếng xướng ca vô loài nên khi thấy tôi sống được với nghề hát nhạc cải cách ở trên sân khấu thì các nhạc sĩ tài tử đến nghe tôi hát. Bùi Công Kỳ đã có vẻ rất đãng tử. Đan Thọ kéo violon rất mùi. Hoàng Trọng đã soạn ra những bài tango rất hay...
Nghệ sĩ tài hoa mệnh yểu Đặng Thế Phong
Đây cũng là lúc Đặng Thế Phong đã qua đời. Ít người biết tới tiểu sử của anh. Ngay tôi, lúc tới Nam Định, cũng không tò mò hỏi những bạn tôi mới làm quen về tác giả của những bản Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến và Giọt Mưa Thu. Mãi tới năm 1962 mới thấy in ra tiểu sử của Đặng Thế Phong, ở mặt sau của bài Con Thuyền Không Bến do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Thấy thời thơ ấu của anh cũng na ná như của Văn Cao và của tôi :
Đặng Thế Phong sinh năm 1918, thứ nam của cụ Đặng Hiển Thể, thông phán Sở Trước Bạ thành phố Nam Định, là con thứ hai của một gia đình có sáu anh em, hai trai bốn gái. Thân phụ mất sớm, gia đình thiếu thốn, ông phải bỏ dở học vấn khi đang học lớp 2ème année P.S. (bây giờ là lớp Đệ Lục bậc Trung Học Phổ Thông). Ông có lên Hà Nội theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật với tư cách bàng thính viên. Trong một kỳ thi, ông vẽ tranh cho báo HšC SINH (chủ bút là Phạm Cao Củng) như tranh các truyện Hoàng Tử Sọ Dừa, Giặc Cờ Đen để lấy tiền ăn học. Mùa Xuân năm 1941 ông có đi Saigon rồi Nam Vang. — Nam Vang ông có mở một lớp dạy nhạc. Đến mùa Thu 1941 ông lại trở về Hà Nội. Lúc sinh thời Đặng Thế Phong là một nhạc sỹ rất nghèo nên cuộc sống của ông thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, ông còn là một ca sỹ, tuy chưa hẳn được là ténor nhưng giọng hát khá cao, đã nhiều lần ra sân khấu mà lần đầu tiên ông hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da) Hà Nội năm 1940. Đến đầu 1942 thì ông từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng vì bịnh lao. Ông hưởng thọ được 24 tuổi.
Tôi vẫn cho Đặng Thế Phong là người đầu tiên đưa ra những bài hát lãng mạn và Văn Cao là người phát triển đến tột độ loại nhạc lãng mạn đó. Ngay từ lúc đầu mùa của Tân Nhạc, ba hay bốn năm trước Văn Cao, trong khi các nhạc sĩ khác như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên... chỉ làm ta rung động vì những bài hát về thiên nhiên thì Đặng Thế Phong dắt ta đi thẳng vào lòng người.
Thời đại của những năm cuối thập niên 30 là thời đại của bà Tương Phố trong phạm vi thơ (Giọt Mưa Thu) và của Hoàng Ngọc Phách trong phạm vi tiểu thuyết (Tố Tâm) còn rớt lại, đồng thời cũng là thời đại của các thi nhân, văn nhân lãng mạn đang nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương.
Nếu đã có người nói rằng bất cứ một người Việt Nam nào cũng là một thi sĩ thì tôi cũng có thể nói rằng bất cứ một nhạc sĩ nào, vào lúc Tân Nhạc mới thành hình, cũng là nhạc sĩ soạn nhạc lãng mạn cả. Miền Bắc Việt là nơi có đầy đủ bốn mùa và mùa Thu ở đây thì nên thơ không thua gì mùa Thu ở Paris hay ở Đông Kinh, Nam Kinh, Bắc Kinh gì đó...
Trong ba nhạc phẩm của Đặng Thế Phong và cũng là ba bài trong số những bản nhạc tình đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam, ta đều thấy mùa Thu hiển hiện một cách bàng bạc, lung linh, quyến rũ. Bài Đêm Thu được soạn với nhạc thuật Tây Phương dùng nhịp valse chậm để diễn tả lòng người trước cảnh đêm Thu vắng vẻ :
Vườn khuya trăng rãi hoa đứng im như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa.
Cánh hoa vương buồn trong gió
Ánh hương yêu nhẹ nhàng say, gió lay...
Với giọng mineure rất đẹp Đặng Thế Phong dẫn ta vào một vườn trăng để, cũng như Lê Thương trong bản đàn xuân, tình tự với hoa. Nhưng có lẽ Đặng Thế Phong thấy trước được mệnh yểu của mình nên muốn mở lòng ra thật rộng để thâu tóm vào tất cả cảnh vật chung quanh, từ tiếng côn trùng trong gió tới ánh sao trong vũ trụ. Ca khúc có hai phần, một phần theo âm hưởng mineure của Tây Phương, một phần nghiêng hẳn về nhạc ngũ cung Việt Nam :
Đêm lắng buồn tiếng Thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ.
Làn gió lướt tới cuốn đưa hồn ta phiêu diêu
Theo mây trắng trôi lờ lững
Ngàn muôn tiếng réo rắt
Côn trùng như than van
Mơ hồ theo gió lan.
Trăng xuống dần cỏ cây thêm âm thầm
Dâng buồn trong ánh sao
Như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng
Lay hồn ta rồi tan...
Qua tới bài Con Thuyền Không Bến, nhà nghệ sĩ không còn đứng trong khu vườn nhỏ nữa, anh dắt ta ra trước cảnh Thu về trên một dòng sông :
Đêm nay Thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi suôi dòng
Như'nhớ thương ai trùng tơ lòng...
Dường như Đặng Thế Phong đã nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ trong thời đại. Bơ vơ lạc lõng như con thuyền không bến. Nhưng phải là con thuyền trôi trên một dòng sông dân tộc, dòng sông Thương - ai ơi - nước chảy đôi dòng. Quan trọng nhất là phải trôi trong một mùa Thu Việt Nam có gió heo may, có sương lam ở chân mây, có gió van thông ngàn và có ánh trăng mờ chiếu... Nếu là con thuyền trôi trong mùa Hè thì chưa chắc bài hát có thể quyến rũ và ám ảnh chúng ta từ lâu và mãi mãi được :
Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương (ai ôi) nước chẩy đôi dòng.
Biết đâu bờ bến ?
Thuyền ơi thuyền, trôi nơi đâu ?
Trôi trên sông Thương
Nào ai biết nông sâu...
Thật là huyền diệu đối với tôi ! Đã âm ư trong lòng bài hát tuyệt mỹ này khi trôi ngược dòng sông Thương bên đục bên trong, mà tôi biết có khi nông, có khi sâu, trên một con thuyền có bến hẳn hòi, ra đi từ bến Phủ Lạng Thương tới bến Bố Hạ. Rồi chỉ sau đó ít lâu lại được hát bài đó ngay tại quê hương của người soạn ra bài hát và hát công khai trước một cử toạ bình dân chưa chắc đã biết tới tận cùng giá trị của bài hát trong giai đoạn Tân Nhạc hãy còn bụ sữa.
Bài Con Thuyền Không Bến còn có một ưu điểm là được soạn với giai điệu nghe như hát sa mạc hay ngâm Kiều. Nhạc sĩ Pháp Debussy, khi đi tìm chất liệu mới trong nhạc ngũ cung, đã có một câu nhạc tương tự như nét nhạc của câu hát mở đầu ''Đêm nay Thu sang cùng heo may''. Ngoài ra, trong Con Thuyền Không Bến còn có những đoạn hát với ''nhịp chỏi'' (syncope), một thứ nhịp ta thường thấy trong những bản hát Chèo :
Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng.
Biết bao buồn thương
Thuyền (syncope) mơ (syncope) buông suôi dòng
Bến mơ dù thiết tha (syncope)
Thuyền ơi ! Đừng chờ mong !
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu ?
Thuyền mơ tới nơi đâu ? Lạy Chúa ! May mắn hơn anh nhạc sĩ xấu số họ Đặng, ngay từ lúc đó tôi đã biết thuyền mơ của tôi sẽ trôi tới bến nào, khi tôi bất chấp sự khinh rẻ của xã hội đối với những kẻ xướng ca vô loài và cầm đàn đi vào đại chúng. Lại cả gan đứng hát trên một sân khấu Cải Lương khi miệng đời đã có câu nguyền rủa : ba thằng kép hát tới nhà mi. Trong quá khứ, người ta thường cho rằng : ai vô phúc thì mới bị đào kép tới nhà. Sinh hoạt hằng ngày với các bạn trong gánh hát ĐỨC HUY, đôi khi tôi cũng chứng kiến những hành động hơi thấp kém của đào kép Cải Lương, vốn là những người có đời sống rất buông thả. Biết vậy nhưng tôi không dám dạy đời ai cả, chỉ tự khuyên mình không nên giống họ !
Từ khu vườn nhỏ ra tới sông dài, sông rộng, bây giờ Đặng Thế Phong còn đi xa hơn nữa, đi tới cuối cuộc đời của mình qua một ca khúc mà mới đầu anh định đặt tên là Vạn Cổ Sầu. Đó là bài Giọt Mưa Thu :
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ...
Bây giờ mùa Thu đối với anh là một sự chia ly, sự chết chóc, dương thế trong mùa Thu bao la sầu, gió sẽ thổi về, mưa sẽ giăng mù lê thê và chim non trên cành hay vợ chồng Ngâu sẽ mãi mãi khóc vì Thu...
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
Mưa làm chi
Cho cõi đời lâm ly.
Hồn Thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về
Ai nức nở thương, đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu...
Nghe như bản Nhạc Sầu trong thơ Huy Cận :
Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường.
. . . . . . . . . . . . . . . .
Từng tiếng lệ : ấy mộng sầu lá úa
Chim vui đâu ? Cây đã gẫy vài cành.
. . . . . . . . . . . . . . . .
Trong bài Giọt Mưa Thu Đặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa Thu ngoài đời và trong đời mình.
Mùa Thu sẽ còn được xưng tụng nhiều lần trong Nhạc Sử Việt Nam, khi thì làm cho một cuộc Cách Mạng có thêm chất lãng mạn (Nhạc Tuổi Xanh) khi thì nói tới cái chết của một cuộc tình (Mùa Thu Chết) nhưng vào buổi bình minh của Tân Nhạc này, ta đã có một bài hát sâu sắc thâm trầm, tê tái như bài Giọt Mưa Thu, ta chỉ còn biết tiếc thương cho người nghệ sĩ tài hoa bị thần bệnh cướp đi khi tuổi còn thanh xuân.
Về phương diện nhạc ngữ, với Giọt Mưa Thu, Đặng Thế Phong còn cho ta một bài học về sự chuyển thể trong ca nhạc Việt Nam. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở trong nhiều đoạn chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Đông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt SI trầm vói lên tận SOL cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng.
Chưa chắc Đặng Thế Phong đã soạn những bản nhạc mùa Thu của ông tại Nam Định vì thành phố này không có gì là buồn bã âu sầu cả. Tôi thích dạo phố một mình tại nơi đào tạo ra các bậc sĩ tử khi xưa. Thành phố nằm trên đường xe lửa xuyên Việt và có một nhà ga lớn. Từ đây vào tới Saigon, qua từng chặng một, gánh hát của chúng tôi sẽ dùng xe lửa để di chuyển.
Đã tới ngày gánh hát phải tạm biệt thành phố sầm uất này rồi ! Có bao nhiêu khán giả thì họ đã đi coi đủ hết các tuồng của gánh ĐỨC HUY rồi... Anh Chúc tiền đạo đã trở về Nam Định và cho biết :
-- Không hát được ở Ninh Bình. Vì kẹt rạp. Hiện nay đang có gánh ÁI LIÊN hát ở đó. Ta đi vào thẳng Thanh Hoá thôi. Tôi đã thuê được rạp rồi...
Phạm Duy