PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Hồi Ký Phạm Duy Hồi Ký Phạm Duy

Chương 9

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Đêm đêm người mở lòng ra
Ru ta trong cõi mơ hồ...
Mộng Du

Hoàng Ngọc Phách, tác giả TỐ TÂM, tiểu thuyết lãng mạn

Tôi bắt đầu biết yêu từ năm 12 tuổi khi chơi với hai đứa trẻ Pháp lai mồ côi là Pierre và Emilienne Ducret, nhà ở phố Bờ Hồ, ngay trước mặt phố Hàng Dầu. Một ngày nào đó, không hề đòi hỏi, tự nhiên tôi được con nhỏ Emilenne ôm tôi thật chặt, không hôn vào má nữa mà hôn hẳn vào môi và đó là ''nụ hôn đầu'' thực sự trong đời tôi.

Lúc đó tôi cũng đã được những thằng bạn ở trong khu phố gán tôi vào với con Nguyệt và con Riệu nhưng hai con nhỏ này đã nhát như cáy lại còn hay làm bộ, có bao giờ tôi nắm được tay chúng đâu, nói gì đến chuyện ôm hôn. Còn Emilienne có máu Pháp nên bạo dạn hơn nhiều. Nó cũng xinh đẹp và nở nang hơn con Nguyệt và con Riệu. Nó còn có một mùi da thịt mà có thể hai con nhỏ kia không có. Điều này còn được xác định rõ ràng hơn khi tôi đã trưởng thành và được gần nhiều người tình, tôi thấy rằng bao giờ người đàn bà Âu Mỹ cũng có mùi hơn người đàn bà Á Đông. Hình như những giống dân ăn thịt thường có mùi hăng nồng hơn những giống dân ăn rau. Vì yêu cô bé có cái tên ''em mi liên'' này, đồng thời tôi đang rất mê trò xiếc, với cái thói thích có nhiều tên, tôi bèn tự gọi mình là Emecirque nghĩa là ''em mê xiếc''.

Xem tiếp...

Chương 8

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Hội ca cầm chúc cậu mợ được giầu sang
Giầu sang phú quý, trên ô tô dưới thời ca nô
Nằm giường lèo đắp chăn nệm gấm
Đi giầy Gia Định, ngồi ghế phụng loan
Cậu bịt răng vàng, trên đầu mợ xịt dầu thơm dầu thơm
Điệu Hành Vân

Ca sĩ Josephine Baker

Bên cạnh những truyền thống lâu đời -- có cái bị tiêu vong, có cái còn tồn tại -- và trong tất cả những cái mới vừa tới với thời đại... cái hay nhất đối với tôi là sự chuyển mình của âm nhạc Việt Nam từ Cổ Nhạc qua Tân Nhạc.

Vào những năm đầu của thập niên 30, tôi mới là cậu bé đang bước vào tuổi lên mười. Không như những thiếu nhi, thiếu niên trong các thập niên sau này, sẽ có hàng chục hay hàng trăm bài hát cho tuổi của các em, lúc đó, tôi không có tới dăm ba bài ca để hát một mình, hát chung với bạn bè hay là hát biểu diễn cho ai nghe cả.

Xem tiếp...

Chương 7

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Lui đôi chân, tiến đôi thân
Sàn gỗ trơn, chập chờn như biển gió ...
MỜI SAY -- Vũ Hoàng Chương


Chị tôi, một thiếu nữ ''tân thời'' hồi 1930

Trong cái xã hội xinh xinh là Hà Nội vào những năm 1930 đó, ngoài biến động lớn như sự vùng lên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cũng có những biến động nhỏ có tính chất cải cách phong hoá mà tôi được chứng kiến.

Thực ra, cuộc cải cách đã bắt đầu từ khi người Pháp mới tới nước ta. Nền luân lý cổ đã khởi sự bị từ chối bởi một giai cấp trung lưu thị thành được tạo nên do sự có mặt của người Pháp. Lớp người này được tiếp xúc với văn minh Tây Phương nên có lề thói và tâm lý khác hẳn với quần chúng nông thôn. Họ muốn biến đổi thứ văn hoá cũ có tính chất nho phong và thôn ấp mà họ cho là lạc hậu. Trước hết là trong phạm vi thẩm mỹ. Một tổ chức yêu nước như ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC, tuy chống Pháp nhưng cũng vận động cắt tóc, bỏ nhuộm răng, mặc âu phục... Như đã kể ra trong Chương Một, việc bố tôi cắt búi tó là một thảm kịch trong gia đình tôi.

Xem tiếp...

Chương 6

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Bà tú từ bi
Ta ở bờ bể ...
QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ

Tay cầm mũ nồi - Lớp Nhất - Trường Amiral Courbet tức Trường Nguyễn Du, tức Trường Hàng Vôi (1935)

Tôi học vỡ lòng ở trường Hàng Thùng. Rồi học Tiểu Học ở trường Hàng Vôi (1), trường nào cũng chỉ cách nhà tôi khoảng 200 thước. Mỗi sáng được mẹ cho hai xu để ăn bánh mì chấm dấm.

Chúng tôi là thế hệ đầu tiên đi vào nhà trường không phải với cái bút lông ở trong tay như thế hệ cha ông, mà là với ngòi viết bằng sắt có tên hiệu Mallart. Việc học đánh vần cũng chưa có tí gì là thi vị như vào thời có phong trào Bình Dân Học Vụ sau này. Lúc đó là : A Bê Xê dắt dê đi ỉa... Đó chỉ là lối học chữ mà học trò mất dạy như tôi đã học được ở lũ bạn lếu láo. Thực ra, lối dạy trẻ em tập đọc của Nha Học Chính Đông Pháp cũng nên thơ lắm. Bài tập đọc thứ 15 của lớp Đồng Ấu với những câu ba ba, lá to, tủ bé, bí bỏ bị, bê bú bò... đã giúp chúng tôi soạn ra những tác phẩm như bà ba bán bánh bèo bên bãi bể bị bắt bỏ bóp ba bốn buổi...

Xem tiếp...

Chương 5

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng mật, hàng đường, hàng muối trắng tinh...
CA DAO


Trước khi đề cập về sự học của tôi trong thời thơ ấu, hãy nói tới cái chơi của tôi lúc đó :

Hàng Ngang sang Hàng Đào
Hàng Đào vào Hàng Bạc
Hàng Bạc tạt sang Hàng Mắm
Hàng Mắm ngắm xuống Hàng Bè
Hàng Bè về Hàng Dầu
Hàng Dầu trông ra đầu Lò Xũ
Lò Xũ có một lũ bờ sông
Bờ sông trông thấy cầu
Trên cầu có tầu chạy...

Xem tiếp...

Chương 4

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Tôi mồ côi cha năm lên hai tuổi
Mẹ tôi thương con nên không lấy chồng......
Lời Mẹ Dặn -- Phùng Quán

Mẹ, ngày còn trẻ

Bố tôi chết đi để lại một gánh nặng cho mẹ tôi. Ngoại trừ Anh Khiêm vì học giỏi nên có học bổng của Pháp cho đi Tây học và không cần đến ai lo lắng, mẹ tôi phải lo liệu để nuôi sống lũ chúng tôi lúc đó hãy còn thơ dại. Con gái một ông đồ và vợ goá của một nhà văn thì làm gì có sẵn nghề nghiệp chuyên môn trong tay.

Nhưng rồi cũng giống như hầu hết các bà mẹ Việt Nam trong xã hội Hà Nội trí thức tiểu tư sản ấy, mẹ tôi đã khéo xoay xở để nuôi chúng tôi lớn lên. Khi thì mẹ đi các tỉnh miền thượng du để mua sừng nai, xương cọp đem về nấu thành cao ban long, cao hổ cốt, bán thẳng cho người mua. Khi thì mẹ mua cả dăm bẩy chục gánh hoa sen rồi cả nhà ngồi bóc cánh sen lấy nhụy hoa ướp trà, cũng để bán trực tiếp cho khách hàng. Không hề có một cửa hàng bán cao hay bán trà sen. Việc bóc cánh hoa sen làm cho anh em chúng tôi rất thú vị vì được nhẩy nhót hay ngã lăn quay trên đống cánh sen vừa thơm vừa mát. Việc phụ giúp cho mẹ và các chị nấu cao thì cực lắm. Nấu cao vào buổi trưa mùa hè ở trong một ngôi nhà thấp lè tè là một cực hình. Cho nên phải nấu vào ban đêm. Có một lần ai cũng buồn ngủ cả, lửa bén lên mái bếp, xuýt cháy cả phố.

Xem tiếp...

Chương 3

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Con cóc nhẩy ra
Con cóc nhẩy vô
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhẩy đi...
Thọ An Phạm Duy Tốn
ghi lại trong TIẾU LÂM AN NAM


Tôi không có một kỷ niệm nào với bố tôi cả. Ông chết đi khi tôi mới lên hai. Theo lời mẹ tôi nói thì bố tôi có hình vóc hao gầy, mặt rỗ hoa, rất vui tính, hay nói đùa và chọc ghẹo bạn bè, vợ con. Tôi rất giống bố tôi ở điểm này.

Ông làm nhiều nghề ngoài nghề viết văn, viết báo. Sau khi tốt nghiệp ở trường Thông Ngôn, ông làm thông dịch viên ở một vài toà công sứ tỉnh nhỏ. Rồi bỏ đi làm thư ký cho một chi nhánh của Banque de L'Indochine ở tỉnh Mông Tự bên Tầu. Rồi mở nhà hàng cao lâu ở phố Cầu Gỗ, mở tiệm vàng ở phố Hàng Đào. Sau đó, đi tìm mỏ than hay mỏ vàng gì đó ở Quảng Yên... Trong đời, tôi cũng hay đổi nghề như bố. Vào với nghề viết văn, bố tôi chọn con đường tả chân và phê bình xã hội, khi thì viết những truyện ngắn rất đứng đắn khiến cho truyện của ông về sau được đưa vào giáo trình của Bộ Giáo Dục, khi thì sưu tập và phóng tác những chuyện tiếu lâm (dưới bút hiệu Thọ An). Những lúc tôi soạn loại bài hát phê bình xã hội như tâm ca hay tục ca tôi đều liên tưởng tới việc làm của một người bố tuy không gần gũi mà hoá ra thân thiết. Sau khi làm báo và cũng đã là một người khá nổi danh trong xã hội rồi, cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, bố tôi được bầu làm Hội Viên Thành Phố Hà Nội và được cử đi dự Đấu Xảo Marseille vào năm 1922. Trở về nhà, ông lâm bệnh và tới năm 1924 thì ông qua đời vì bệnh ho lao. May mắn cho tôi là anh chị tôi còn giữ được một số tài liệu về bố tôi. Chẳng hạn những lá thư hay những bưu ảnh bố tôi gửi về khi ông đi Nam Kỳ hay đi Pháp. Chẳng hạn những mẩu báo Trung Bắc Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Khai Hoá Nhật Báo... đăng tin ông mất vào năm 1924 trong đó có phần tiểu sử của bố tôi. Những tài liệu này được anh chị tôi đem qua Pháp từ lâu và gửi cho bản sao trước năm 1975. Do đó, tôi được ''gặp'' lại bố tôi trong những kỷ vật này.

Xem tiếp...

Chương 2

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54, đứng đầu... du côn...
Phạm Duy Cẩn


Phố Mã Mây - Rue Des Pavillons Noirs - circa 1920

Ít lâu sau khi tôi ra đời, gia đình họ Phạm dọn từ phố Mã Mây (Rue Des Pavillons Noirs -- phố Cờ Đen, lại một cái tên có liên hệ tới gia đình tôi) xuống phố Hàng Dầu (rue Fellonneau), một con phố có chưa tới 30 căn nhà thấp bé nằm ôm lấy nhau.

Bên phải phố Hàng Dầu là phố Bờ Hồ nằm đối diện với một khu đất trên đó có Đền Bà Kiệu và rạp chiếu bóng Pathé. Hồ Gươm không xa nhà tôi mấy. Đứng trước cửa nhà, tôi có thể nhìn thấy mặt hồ lúc nào cũng lặng lẽ và xanh đục. Và thấy xe điện leng keng lọc cọc đi ngang. Trong 17 năm sống với thủ đô, tôi có tới 14 năm sống chung quanh hồ Gươm cho nên Hà Nội đối với tôi chỉ là Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, đền Bà Kiệu và khu vườn nhỏ bên bờ hồ là nơi tôi hay ra leo lên cây đa hoặc lúi húi hái hoa bắt dế. Trong 3 năm còn lại, tôi theo gia đình lên ở bên cạnh Hồ Trúc Bạch trước khi rời xa Hà Nội đi sinh sống ở Moncay, Hưng Yên, Kiến An, Bắc Giang. Thỉnh thoảng ghé về thăm mẹ, tôi không có đủ thời gian để yêu được tất cả Hà Nội 36 phố phường.

Xem tiếp...

Chương 1

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về...
XUÂN CA 

Lên một, trong lòng mẹ

Tôi ra đời tại nhà hộ sinh ở số 40 Rue Takou (phố Hàng Cót) Hà Nội vào lúc 1 giờ 15 sáng ngày 05 tháng 10 năm 1921, theo âm lịch là ngày mùng 5 tháng 9 (nhuận) năm Tân Dậu. Trước đó vài giờ, mẹ tôi còn đang ôm bụng ngồi đánh tổ tôm với mấy bà bạn và với Bác Hàn Làng Vẽ (1).

Mẹ tôi vừa ù xong ván bài tổ tôm thì dở dạ và người nhà vội vàng đưa vào nhà đẻ. Do đó, khi tôi lớn lên, mỗi lần gặp Bác Hàn là bác nhắc tới chuyện ván bài tổ tôm và gọi tôi là thằng Tôm. Ai ngờ bây giờ về già, tôi cũng trở thành một thứ Uncle Tom.

Tuy luôn luôn đắc ý cho rằng mình ra đời trong một canh bạc thắng của mẹ, nhưng khi lớn lên thằng Tôm này lại khoái với cái tên tự do chính mình đặt ra là Mộng Vân. Vì sao ? Vì trong một lúc quá yêu Tôm, mẹ buột miệng nói rằng đã nằm mơ thấy những đám mây trong thời kỳ có mang... Lại cũng là một cái tên tiền định. Thằng Tôm sẽ như mây, lang thang suốt đời. Và khi du nhập vào nghề hát rong thì đụng ngay một đoàn hát Cải Lương mang tên Gánh Mộng Vân.

Xem tiếp...

Mấy Lời Nói Đầu

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời

Kể lại chuyện mình xẩy ra từ sáu, bẩy mươi năm về trước là một việc làm không dễ. Tuy nghề nghiệp bắt buộc người nhạc sĩ phải có trí nhớ tốt để thuộc lầu hàng trăm, hàng ngàn bản nhạc, nhưng khi ngồi đào sâu ký ức để tìm về quá khứ thì tôi thấy những dữ kiện quá ư phức tạp, quá ư hỗn độn. Tôi lại không còn ở trong nước để kiểm chứng hàng chục, hàng trăm những nghi vấn về địa chí, về danh xưng và cũng không có trong tay những bản đồ với tên tỉnh, tên huyện, tên phố đã được thay đổi tới 4, 5 lần dưới nhiều chính thể... Do đó HỒI KÝ THỜI THƠ ẤU-VÀO ĐỜI này có những khuyết điểm tuy không quan trọng nhưng tác giả cũng xin một sự độ lượng nào đó của người đọc.

Là con mồ côi cha quá sớm, tôi muốn dâng cuốn HỜI KÝ này lên người bố mà tôi không được gần gũi, vì tôi tin ở huyết thống. Tôi mường tượng bố tôi sinh ra đã có người Pháp cai trị dân Việt Nam rồi. Bên cạnh những hành động của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cùng với các bạn ''đồng chí hướng'' như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim... bố tôi đem uẩn ức của dân nô lệ vào đời và hoạt động trong nhiều địa hạt, khi làm công tác trong một Nghĩa Thục, khi dùng ngòi bút tả chân trong văn chương và báo chí, khi tranh thương với Hoa Kiều v.v... Tất cả cho mục đích thay đổi xã hội, thay đổi cuộc đời.

Xem tiếp...