Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy
- Chi tiết
- Thái Kim Lan
- Lượt xem: 2800
Những kỷ niệm nhỏ
Lần đầu tiên tôi thấy được Phạm Duy bằng xương bằng thịt, đó là khoảng năm 1965. Phạm Duy đến Huế trong lúc phong trào sinh viên đô thị ở miền Nam đang ở cao điểm: những cuộc thảo luận về tự do, về phát triển đất nước, về văn học nghệ thuật, về chiến tranh và hòa bình, về phụng sự xã hội và vai trò của thanh niên học sinh trong công cuộc xây dựng đất nước (miền Nam) đang sôi nổi trên các diễn đàn đại học do Tổng hội sinh viên thời bấy giờ tổ chức. Các cuộc thảo luận và những buổi văn nghệ do các ban nhạc nhà trường và đại học tổ chức đều được giới trí thức, nhất là giới sinh viên học sinh trẻ hưởng ứng và tham gia đông đảo, đã trở nên một phong trào. Trên lãnh vực văn học nghệ thuật, những sáng tác mới đang được phổ nhạc, tiêu biểu là các bài thơ của Thầy Nhất Hạnh (dạo ấy ở Huế chúng tôi gọi quý Hòa Thượng Cao Tăng là "Thầy"), Phạm Thế Mỹ, Phạm Duy... và về sau Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng...
Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã
Nơi chiến trường
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?
Giữa lúc ấy Phạm Duy đến Huế! với bài Tâm ca thứ nhất – phổ nhạc bài thơ "Hòa bình" của Thầy Nhất Hạnh mà ông đổi tựa đề là "Tôi ước mơ" và những bài tâm ca khác, "Giọt mưa trên lá", "Để lại cho em"...
Tin Phạm Duy đến Huế hát Tâm Ca, làm Huế như lên cơn sốt, tôi muốn nói giới sinh viên, học sinh của các trường trung học, Quốc Học và Đồng Khánh, sinh viên văn khoa, ngay cả giới tiểu thương và cả giới Phật tử đều như bị nam châm hút. "Đi nghe Phạm Duy hát!" được chuyền nhau nhanh như điện. Chung quanh tôi nghe rộn ràng, những tà áo, những tiếng nói, những ánh mắt, những háo hức gặp Phạm Duy. Và khi ông xuất hiện với cây đàn, thì mọi người như ngưng thở. Không phải mới khi Phạm Duy đứng trên sân khấu, không phải lạ khi Phạm Duy xuất hiện trên màn ảnh. 1965 Phạm Duy đã là một cây đại thụ nền tân nhạc Việt Nam và quen thuộc với chúng tôi từ thời tiểu học cho đến đại học.
Hôm ấy Phạm Duy đứng giữa anh chị em sinh viên, và người nào cũng muốn đứng gần ông nhất, để nghe ông nói về những bản tâm ca ông đang phổ, hay vừa phổ xong, hơn nữa để sống Phạm Duy những khoảnh khắc hiện hữu. Tôi đứng xa khoảng vòng thứ ba, có thể thứ tư hay thứ năm, mặc dù tôi trong ban tổ chức... Phạm Duy thời ấy phong độ lãng tử và hào hoa, phong trần và lịch lãm, như tuồng dáng vóc ông đã được định sẵn là nghệ sĩ từ trứng nước với mái tóc chải ngược, áo khoác pardessus mỏng buông thả không cài, giọng Bắc người Huế gọi là đặc sệt, một profil dễ nhìn, ông có cái mỉm cười mỉm trước và sau khi nói, hóm hỉnh ngạo mà có duyên, có thể quyến rũ... À cái kính đọc viền xa cừ trông "savant" ghê! Hèn gì nhiều cô sinh viên đang vây chung quanh tặng hoa…
Tôi đứng hơi xa, nhón gót nhìn, và nghe. Cảm giác thoạt tiên rất thú vị vì được nhìn trong gang tấc một nhân vật rất đỗi gần gũi với thế hệ chúng tôi. Trên lãnh vực âm nhạc, có thể nói thế hệ chúng tôi đã tận hưởng những sáng tác tân nhạc Việt Nam hay nhất, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong ở đầu thế kỷ, và Phạm Duy xuyên suốt hai thế kỷ không ngừng nghỉ sáng tác, gia tài âm nhạc của ông thật đồ sộ. Và trước mắt tôi, trong khoảnh khắc ấy, một Phạm Duy đang cười nói trong đời thường.
Tôi quen ông? Thật quen đấy! Chương trình văn nghệ từ thời tiểu học cho đến trung học, và cả đại học, những ca khúc của Phạm Duy đã thấm đẫm từng bước chân nhịp nhàng, từng năm ngón tay xòe cánh, từng uốn cong thân thể, từng khóc và từng cười nơi mỗi câu ca: những vũ khúc, những hoạt cảnh, hợp ca, hợp xướng, màn chính của những đêm văn nghệ trường Đồng Khánh và Quốc Học, và các trường khác nữa đều lấy cảm hứng từ nhạc Phạm Duy là nhiều nhất: "Bà mẹ quê", "Gánh lúa", "Ngày trở về", "Nương chiều", "Thuyền viễn xứ", "Hoa Xuân"... Những vũ khúc được biên đạo theo nhạc và lời do Phạm Duy sáng tác hay chuyển lời như Tiếng sáo Thiên Thai (phổ thơ Thế Lữ), Tống Biệt (phổ thơ Tản Đà), Serenata (Chiều tà), Dòng sông xanh (Le Beau Danube Bleu, An der schönen, blauen Donau), Khúc hát thanh xuân... mà chính tôi cùng các bạn đồng niên đã múa hát, biểu diễn nhiều thập niên trên sân khấu của trường học, và hơn 50 năm sau, mới đây, vẫn còn bước theo điệu nhạc "Tiếng sáo Thiên Thai", "Tống biệt"... Dĩ nhiên trong tất cả những bài ca, từ khi ông soạn lần đầu (Cô hái mơ) và vô số những sáng tác về sau, không thể thiếu sót bản nhạc mà có lẽ từ khi chúng tôi còn ở tiểu học đã nghe và nghe mãi mỗi năm mỗi tháng mỗi ngày: Bản Tình ca "Tiếng nước tôi".
Có thể nói từ góc độ văn học nghệ thuật, quãng đời thanh xuân của thế hệ chúng tôi đã được đơm hoa với thơ và nhạc của thế hệ đi trước. Chúng tôi chắt chiu từng bản nhạc mới xuất bản, đã từng thức đêm để chép lời nhạc vào những trang vở học trò. Thơ và nhạc ăn sâu vào lòng trở nên dòng chảy nội tâm. Mỗi tác phẩm là mỗi thể nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về tình tự con người, những trải nghiệm hay cảm hứng được bộc bạch nên lời, nên tiếng nói, tiếng Việt mỹ lệ và với nó cả gian truân về sự lớn lên của từng thế hệ thanh niên, với một phẩm chất văn học tinh hoa. trong đó có Phạm Duy.
Phạm Duy đó, với cây đàn, giữa trùng trùng người nghe, ông đứng gần như thế, mà tôi vẫn e dè không đến gần, hình như khoảng cách ấy đã định sẵn giữa ông và tôi và tôi muốn giữ khoảng cách như thế mãi, đến nỗi giật mình, khi ông không còn nữa... Với tôi nghe nhạc và lời của ông là một thứ hiện hữu thứ hai của những gì thuộc Việt Nam trong giờ phút ấy, là đủ.
Phạm Duy hát "Tâm ca", hát nỗi lòng của con người thời ấy, nhiều ước mơ không dám nói, nhiều xa cách chưa lại gần, nhiều câm nín chưa được tỏ lời. Phổ tâm ca chính là "phổ ấy tay nào" , thơ là chất đậm đặc của lời, nhạc là âm hưởng của tiếng, thơ vốn là tiếng đậm đặc cùng cực mà thành lời, nhạc vốn là lời áo uyển chuyển nên âm giai. Phạm Duy đã bắt được nhạc và lời vừa trực giác vừa uyên áo trong hầu hết các sáng tác của ông.
Hôm ấy ông phát biểu say sưa về cảm hứng dòng nhạc mới Tâm Ca:
"Giống như lối nhìn và ngôn ngữ của những bài hát tình tự quê hương khác hay của trường ca, trong đó cách nhìn một chiều khiến tôi chỉ cúi mặt xưng tụng cái đẹp trong vinh quang hay trong đau khổ của dân tộc tôi, nơi quê hương tôi mà không dám nhìn vào và nói lên bề trái của xã hội. Cách nhận diện lại quê hương, qua những bài tâm ca, rồi đây sẽ ảnh hưởng tới các nhạc sĩ trẻ ở trong hay ở ngoài Phong Trào Du Ca.
Ðó là nói về cách nhìn vào quê hương, nhận diện lại quê hương. Thế còn lối nói trong ca khúc của tôi bây giờ là gì ? Nó cũng phải khác trước, nghĩa là nó mang chút ít ngôn ngữ Thiền mà trong thời gian này, ai cũng đều bị ảnh hưởng cả."
Phạm Duy cất tiếng hát bộc bạch chính tiếng lòng. "Hát" chính là khâu vá tình thương, đem lại tin yêu cho người đồng loại:
"Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Lời tôi ca khâu vá tình thương
Lời hôm qua chắp nối Con Ðường (1)
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn (2)
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn (3).
(Tiếng hát to)
(Saigon - 1965)
Nỗi bồi hồi khi nghe ông hát - ông hát hết cả tâm hồn như muốn ôm hết những người lắng nghe hôm ấy, và họ hát theo - nỗi bồi hồi còn đọng lại dấu chấm nhỏ trong ký ức, nhưng sâu và tỏa sáng mỗi khi nhớ về. Tôi còn nhớ, đã lẳng lặng ra về. Hôm sau và hôm sau nữa còn nghe dư âm của buối Phạm Duy hát Tâm Ca, và còn nghe, có những giọt nước mắt lăn theo, những bạn tôi, nữ sinh trường Đồng Khánh, những giọng hát hay, đã từng hát Phạm Duy hồi còn 13 tuổi, có người đã theo tiễn ông với tình lưu luyến... Đó là Phạm Duy, với nụ cười mỉm trước và sau khi hát... có thể làm đắm lòng người, chọc khuấy thiên hạ…
Phạm Duy đã đến Huế khoảng cuối hè 1965. Tháng 10 -1965 tôi rời Huế đi du học.
Mấy mươi năm Việt Nam xa cách, cả tiếng nói cũng xa, nhưng còn lời hát...
Lời hát làm sống lại, làm nhớ không quên. Phạm Duy trong những thập thập niên kế tiếp, ngót 40 năm đã bỏ nước, đã vùng vẫy giang hồ, bôn ba hải ngoại trong sự nghiệp của ông. Tiếng tăm của ông vang dậy và cả sự ghét bỏ phê bình, người Việt trên thế giới không ai không biết Phạm Duy, bởi vì nhạc của ông đa dạng đa mục, từ dân ca cho đến bác học, từ nhạc dân tộc đến phổ lời nhạc ngoại quốc, ngón tay tài hoa của ông lướt qua, mỗi lần nghe một chút giật mình, một chút sửng sốt thích thú vì hay. Bài mới đã hay mà bài cũ vẫn cứ hay. Trên sân khấu văn nghệ nghiệp dư của các hội sinh viên du học hải ngoại vẫn còn xuất hiện hoạt cảnh "Bà mẹ quê", "Gánh lúa", "Ngày trở về", "Thiên Thai", "Tống biệt", "Trèo lên cây bưởi hái hoa", bên cạnh những đại nhạc hội chuyên nghiệp do chính Ban nhạc hải ngoại của Phạm Duy và những buổi Paris by Night tổ chức huy hoàng, đình đám. Chỉ duy một điều thật quan trọng, với chúng tôi, nhạc Phạm Duy cho chúng tôi, những kẻ xa quê "lại ngày nào, trăng lên trên ngọn cau", cho chúng tôi hoài niệm Việt Nam, xoa dịu nỗi nhớ nhà, nói lại tiếng Việt: "Tiếng nước tôi". Bài hát ấy có lẽ được hát nhiêu hơn là quốc ca. Trong hồi ký của Phạm Duy, ông cũng ghi lại phát biểu của một Việt kiều:
"Một Việt kiều đã đứng tuổi tâm sự: “Tôi vốn không chú ý âm nhạc. Khi ở trong nước, tôi đã nghe đôi lần "Tình Ca" của Phạm Duy nhưng cũng không mấy xúc động. Đến khi đưa chân ra định cư ở hải ngoại, nghe một lần rồi hai lần… "Tình Ca" đã lặng lẽ chiếm trọn tâm hồn tôi, nói giùm tôi nỗi nhớ day dứt về nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhắc nhở hoài niệm về cội nguồn của dân tộc.
Nghe "Tình Ca", chúng tôi cứ ngồi yên lặng mà lòng nao nao đến quặn thắt. Vì sinh kế, chúng tôi phải sống xa nhau. Chúng tôi thèm được gặp nhau để nói đôi ba câu tiếng Việt cho đỡ nhớ nhà. Hơn thế nữa, nó là tiếng thao thiết của người mẹ Tổ Quốc nhắn nhủ, thủ thỉ, tâm tình với những đứa con xa quê”.
Đối với ông, "Tình Ca" đã trở nên số phận người Việt: "Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản "Tình Ca" ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.
Bài "Tình Ca" được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc”.
Thành công của Phạm Duy là ôm trọn cả dải đất hình cong như chữ S ấy, và hơn nữa, nói như Nguyên Sa, như suối ngàn đầu, như sông trăm nhánh, chuyển khắp năm châu.
40 năm sau, có nghĩa đến khi ông chính thức hồi hương năm 2005, gia tài âm nhạc của ông đã thành một khối kim cương kỳ vĩ, tôi thích nhận xét của Nguyên Sa:
"Hôm nay, có những người thích "Rong Ca", có những người mê "Bầy Chim Bỏ Xứ", có những người ngất ngây với "Hoàng Cầm Ca", có những tín đồ của "Thiền Ca". Có những người yêu Phạm Duy của new age, của nhạc giao hưởng, của mini opera và của thánh ca hơn Phạm Duy của Tình ca, Phạm Duy của dân ca, Phạm Duy của Kháng chiến ca, Phạm Duy của thơ phổ nhạc. Và ngược lại, có những người, với họ, chỉ có Phạm Duy của Tình ca mới là Phạm Duy. Chỉ có Phạm Duy Kháng chiến Ca. Chỉ có Phạm Duy thơ phổ nhạc. Chỉ có Phạm Duy, chỉ có Phạm Duỵ... Nhưng đó, bạn thích Phạm Duy nào, tùy bạn. Cũng vậy thôi Viên kim cương có một ngàn mặt. Khác biệt với tấm gương chỉ có một mặt. Cho nên phải chọn lựa, phải bàn cãi, phải bất đồng, phải suối ngàn đầu, sông trăm nhánh chảy về vĩnh viễn một đại dương".
Gặp lại Phạm Duy năm 2009
Viên kim cương ấy, tôi, kẻ vô danh tiểu tốt trong lãnh vực âm nhạc, lại tình cờ được gặp lại vào dịp Giáng sinh 2009 khi từ Đức trở về Việt Nam, ghé thăm anh chị H &ML ở Saigon. Trong buổi tiệc Giáng sinh với một số bạn văn nghệ sĩ tại ngôi nhà đẹp, sang trọng lịch sự, chuyện trò lúc nào cũng đầy ắp tin tức sôi nổi, thấy chị ML bỏ điện thoại - chị vừa có cú điện thoại - tươi cười báo tin, Bác Phạm Duy sắp đến. Phạm Duy! Gần 45 năm từ khi Phạm Duy đến Huế, bỗng nhiên không định trước, hôm ấy, trong phút giây, sắp nghe bước chân của ông đến gần, tim tôi nghe có chút nôn nao. Tôi ngồi trong góc tối phòng khách rộng thênh thang, nhìn ra phía ánh sáng, nơi viên kim cương lấp lánh. Chỉ thấy profil nghệ sĩ của ông vẫn như cũ, duy có mái tóc bạc phơ lóng lánh trong bóng tối căn phòng, hầu như phong sương hơn, từng trải hơn, tài tử thì vẫn rất mực, và điềm đạm hơn. Lòng tôi run nhẹ trước mọi niềm nở dành cho ông, tôi không dám nhúc nhích sợ e làm đứt dây tơ đang nối lại ký ức của mình với Phạm Duy.
Năm ấy Phạm Duy về nước - mà ông gọi "lá rụng về cội“ - nhưng tôi thấy ông như một cây sa la vẫn xanh lá trong giây phút ấy - đã được 4 năm, năm 2005 ồn ào trong và ngoài nước về việc Phạm Duy trở về, - ngày đi bị gán cho hai tiếng "phản bội" ở trong nước, ngày về - cũng bị cho là "phản bội" ở ngoài nước - trải qua bao gian truân của một người bỏ xứ mà tiếng tăm lừng lẫy trên thế giới như ông, bao nhiêu vết thương ở trong lòng, nhưng cách ông trả lời những hỏi han chào đón, vẫn hóm hỉnh trong lịch thiệp, vẫn nụ cười mỉm môi, vẫn bình thường, nhưng ông đang làm chủ, từ khi ông đến, gian phòng bỗng là của ông. Tôi ngồi cách xa không nhúc nhích, muốn làm một kẻ lạ mặt trong không khí ấy, để tự do quan sát. Dĩ nhiên câu chuyện hướng về những sáng tác mới của Phạm Duy từ khi trở về nước. Chừng như ông đã không ngừng một giây sáng tác khi trở lại quê hương, trở về vùng âm thanh quen thuộc từ lúc nằm nôi. Loáng thoáng nghe hai chữ Bích Khê một cách huyền bí, rồi đứt quãng trong đan chen cười nói. Có vài nữ phóng viên đang loay hoay thuyết phục ông trả lời, có vài người trẻ muốn nghe ông hát. Cuối cùng một cây đàn được đặt vào lòng ông. Vẫn dáng điệu cố hữu khi ông cầm cây đàn, thử nhấn vài phím, rồi nhìn mọi người chung quanh, ngần ngừ, rồi cũng nhấn tình tang, tưởng ông cất tiếng hát, ai ngờ ông cười ngỏn nghẻn, ngân nga một câu rất đỗi quen thuộc của bản nhạc hầu như đầu tay của ông: "Cây đàn bỏ quên" một bài ca trữ tình được yêu chuộng từ xưa đến nay: "hôm qua tôi đến nhà em, ra về, ra về mới biết... mới biết rằng quên, - mọi người nín thở thì ông đã cao giọng - ... cái quần!" hết! Ông bỏ cây đàn sang bên, nhét tay vào đũng quần, như chịu tội. Mọi người ngã ngửa, sửng sốt, nhiều tiếng cười bên phía khách nam, nhiều cái háy nguýt bên phía quý bà. Thiệt tình! Bác Phạm! Lỗi lạc không ai bằng mà nghịch tử cũng không kém ai. Tiếng tăm cũng đã quá lắm, mang tiếng cũng quá nhiều! Mà thật ra đó là một câu đáp trả đầy tế nhị. Có thể là một công án Phạm Duy đấy, Phạm Duy với Tục Ca cũng là Phạm Duy của Tình ca, Tâm ca, Đạo ca, Thiền ca, Rong ca...
Một trăm người tục, một chục người thanh.
Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, giữa "một chục người thanh", Phạm Duy đứng về đa số người tục, dân chủ mà! Không, không phải vì dân chủ mà vì "Tôi cứ yêu tôi vẫn yêu" và tôi còn hỏỉ câu hỏi của thuở 19 "yêu tôi hay yêu đàn" ???
70 năm sau Phạm Duy đã nhẹ gánh "yêu tôi" mà vẫn yêu… có lẽ cả thiên hạ và cả đời người!
Tôi nhớ hôm ấy mình đã cười rúc rúc trong cổ và cả trong lòng, không dám cười to. Cái công án Phạm Duy đưa ra hôm ấy đối với riêng tôi, một thứ một công án giữa thanh và tục, va chạm nhiều cung thương giốc chảo vũ, hát vút lên cao hay trầm mình trong tục lụy, đóng mãi vai "thanh" một mình hay vai "tục" một mình làm con người già cỗi, mụ mị, âm giai cần phải vượt trên mọi đối đãi, phải chuyền thành, phải vút lên trên để là "nhạc" xuất thần, siêu việt. Có lẽ Trần Văn Khê là người biết Phạm Duy hơn ai khi gọi ông là Thần nhạc. Phạm Duy vẫn thanh xuân như xuân mới ra đời, hôm ấy!
2010 tháng 11, gần một năm sau, từ khi lần đầu tiên trong võng mô của vị nhạc sĩ lão thành nhận ra sự hiện hữu của một người "khác", một người Huế mà ông gọi là Madame, thì hẳn khi nghe giới thiệu Thái Kim Lan, người Huế ở Đức, cũng vừa mới về thăm quê nhà, ông nhìn lên và ngưng thị giác một giây, có chút ngạc nhiên, vì là người Huế trước mắt ông rất gần, có chút tinh quái! Tôi ghi cho mình tia nhìn ấy (2009) giữ lại đến năm sau.
11/11/2010 như Nguyễn Đắc Xuân ghi, chính anh chị NĐX đã đón vị khách phi thường Phạm Duy đưa về nhà tôi dùng cơm Huế do chính tay chủ nhân nấu và gặp các cựu nữ sinh Đồng Khánh, một chương trình không định trước nhưng tôi vui mà nhận tổ chức, báo tin và mời các anh chị bằng hữu ái mộ nhạc Phạm Duy, những bạn trẻ luôn ngưỡng mộ thiên tài âm nhạc, tôi đặc biệt mời những giọng ca trường Đồng Khánh Quốc Học một thời từng hát những bản nhạc bất hủ của Phạm Duy, những diva một thời tuổi trẻ hát nhạc Phạm Duy và dĩ nhiên không thể thiếu ở những buổi gặp mặt rất Huế ấy, các vị đã được phong thần... Huế, để gọi một cách thân quen, Bửu Ý, Vĩnh Phối, Dương Đình Châu, anh chị Phàm Như Ngân, anh chị Đức Trinh, Nguyễn Đình Niên, Nhân Hoài, những cây nhạc gạo cội của Huế xưa... những giọng ca đẹp ngời ngợi, Hoàng Lan, Túy Như, Bảo Thiều Kim Chi, ... và các mỹ phu nhân đã có cháu Phương Lan, Mừng, các nàng Tôn nữ, các người hâm mộ Phạm Duy ao ước diện kiến ông một lần.
Nhạc sĩ Phạm Duy và GS Thái Kim Lan (đứng bên ông) đang nghe Cựu nữ sinh Đồng Khánh hát nhạc ông tại Huế, 11.11.2010
Thật là một buổi hội ngộ hạnh phúc ngoài tưởng tượng.
Phạm Duy đến, đầu tóc trắng như cước, trong chiếc áo khoác da màu vàng, tự tại và bình an khi bước vào nhà và được chào đón nồng nhiệt bằng ánh mắt rưng rưng của nhóm học trò Đồng Khánh cũ. Một phút xa lạ rồi vỡ òa vui sướng, các cô như trẻ lại, hết e dè, được đến gần ông, mời ông ngồi. Phạm Duy ngồi xuống tự nhiên như chưa một lần xa lạ. Dáng vẻ ông trầm lắng như tuồng ông đang thưởng thức những giây phút ngồi lại, dừng lại, về lại, có lẽ đó là lần đầu tiên ông có giây phút yên tĩnh, - không cuồng nhiệt sân khấu, không show, không diễn vai, - ở tại thành phố nhỏ bé so với địa cầu năm châu mà gót chân lãng tử của ông từng đi qua, và chính ở nơi căn nhà nhỏ nhoi bên cạnh con kênh Hàng Đường phố chợ Đông Ba, ở cố đô nhỏ bé ấy nơi ông đã trải qua lúc tuổi trẻ bôn ba hoạt động kháng chiến, chống Pháp rồi chống Mỹ, chống chiến tranh, vừa hoạt động vừa sáng tác, đam mê yêu và đau đớn trong bể khổ. Nơi ấy trên sông Hương, trên đồng lúa cháy, trên núi Ngự Bình thông xanh, nơi nghèo và giàu san sát, đã gây cảm hứng sáng tác biết bao bản nhạc về miền Trung bất tử.
Ông ngồi đó - vô vi -, miệng luôn mỉm cười, tai thưởng thức, lắng nghe, trước một cử tọa khán giả - họ đang hướng về ông - đáng yêu biết chừng nào -! Điều ngược lại đã xảy ra: hôm ấy ông là khán giả duy nhất và các bạn tôi, đang thi nhau hát cho ông nghe, là những acteurs và actresses chính, đang trình bày nhạc Phạm Duy cho Phạm Duy thưởng thức. Có một cuộc chung cùng hôm ấy mà nhạc sĩ, người hát, người nghe trở nên một người:
Ngồi gần ngồi gần nhau, đây đó chung quanh địa cầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, trong kiếp xưa, trong đời sau
Ngồi gần ngồi thật lâu, cho đến khi hai ngọn đầu
Thành một người trong nhau nguyện cầu
Và Phạm Duy, cây đại thụ âm nhạc, đang chịu ngồi yên không có cây đàn (bỏ quên!) - thưởng thức tận tình. Đôi mắt ông theo dõi những làn môi đang xướng lên những lời ông sáng tác, những đôi môi ấy và có thể triệu triệu đôi môi trên cõi trần về sau – không, không như Phạm Duy một lần năm 2012 đã phát biểu khi được hỏi về cái chết của chính mình:
"Và, mồ của tôi sẽ nằm trên môi những người hát nhạc Phạm Duy".
Không, những đôi môi đang hát nhạc Phạm Duy ấy không phải là mồ chôn mà là chiếc nôi "tình" ru Phạm Duy vào cõi vô sinh bất tử, về sau và mãi thế, ru ông chào đời...
Xin mượn lời nhà thơ Bích Khê – mà Phạm Duy trong buổi gặp gỡ hôm ấy báo tin công trình phổ thơ Bích Khê thành "Dị Khúc Bích Khê", "cột mốc tôi vượt được chính mình..." như ông nói, trước khi người lãng tử lên đường những bước vô định phiêu diêu.
Xin mượn lời Bích Khê nói về nhạc "cung cầm chơi vơi, vần điệu rung động cả không gian...", nhạc của Phạm Duy, - tôi đồng tình với Bích Khê mà Phạm Duy cho là người cùng hội cùng thuyền với ông trong thơ nhạc, "không còn là nhạc nữa".
“...Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi run rẩy hay âm thầm nức nở lanh lảnh như giọng cười mơn man như ân tình đòi hỏi... Đây là cả một trời yêu thương da diết một trời tương tư...” (Bích Khê)
Huế, Tháng Bảy, 2021
GS.TS Thái Kim Lan
Nguồn: https://duyendangvietnam.net.vn/tuong-niem-100-nam-pham-duy.html