PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thương Tiếc Nhạc Sĩ Phạm Duy (1921-2013)

    Đời vẫn luôn đẹp với Phạm Duy

     Thứ Sáu, 08/02/2013 07:29

    (Thethaovanhoa.vn) - Thật sự thì không phải thấy người sang bắt quàng làm họ hoặc chạy theo cơn sốt mới mang tên Phạm Duy khi người nhạc sĩ tài hoa này vừa nằm xuống, nhưng câu chuyện về Phạm Duy lần này sẽ có thêm ít nhiều trải nghiệm của cá nhân người viết với một tên tuổi lớn như vậy, những điều mà hơn 20 năm trước, khi mới biết đến ông và âm nhạc của ông, tôi không bao giờ dám nghĩ đến…

    Những lát cắt nhanh


    Lần gần đây nhất trò chuyện cùng ông là trên chuyến xe từ Cần Thơ về Sài Gòn sau đêm diễn mừng sinh nhật ông bước sang tuổi 92. Rôm rả từ lúc lên xe cho tới khi về tận nhà ông trên đường Lê Đại Hành. “Chủ đề” chính hôm đó là “Đừng tưởng tôi không viết nhạc kiểu Tây Nguyên, tôi còn nhiều bài chờ được hát lại lắm, lúc đó mọi người sẽ biết”. Người nhớ và hát “minh họa” một loạt bài Tây Nguyên trên chuyến xe hôm đó là Duy Minh, con trai thứ hai của ông. Còn chủ đề phụ là… nhạc kịch Broadway, Phạm Duy kể lại chuyện về các nhạc cảnh do ông sáng tác (một kiểu minimusical) và ông già 92 tuổi say sưa hát gần hết nhạc cảnh Mài dao dạy vợ do ông chuyển thể từ truyện dân gian. Một chuyến đi khác chiều ngược lại, Sài Gòn - Cần Thơ, trên xe có thêm ca sĩ Mai Khôi. Mai Khôi đang trong tâm trạng phấn khích vì mấy ngày trước bất ngờ hát xuất thần bài Đừng bỏ em một mình và song ca Cỏ hồng với Đức Tuấn đầy “dục tính” (như lời Phạm Duy nói) làm “nổ tung” sân khấu Đà Lạt. Và Phạm Duy thủng thẳng thông báo: “Tôi đã chuẩn bị đủ các bài nhục - tình - ca của tôi rồi đấy, lúc nào cô rảnh ghé mà lấy về hát nhé!”.

     


    Một lần tôi ngỏ ý muốn làm một album gồm những bài hát của ông có lời Anh. Ông tỏ vẻ thích thú và nói sẽ tìm lại các bài đó. Hai ngày sau, ông gửi mail nhắn qua nhà lấy: 3 CD gồm các bài hát, văn bản, phần giới thiệu chi tiết tình huống ra đời bài hát, người chuyển soạn sang tiếng Anh, người hát… và track nhạc đầu tiên là bài dân ca cải biên Hái hoa, lời Anh do chính ông viết (Don’t Pick The Flowers) với tiếng hát Thái Hiền. Tính “quốc tế” của nhạc Phạm Duy thể hiện rất rõ ở những bài được chuyển ngữ này, có bài thì bình thường nghe rất Việt Nam, bỗng nhiên thành đặc sệt folk Mỹ (Bé bắt dế - Little Child, Giọt mưa trên lá - The Rain on The leaves) hoặc teenpop (Tuổi hồng - The Rosey Years)… Một số bài hát đã được phát hành trong các album của ca sĩ folk Mỹ James Durst (mới tới Việt Nam dịp sinh nhật Phạm Duy tròn 90 tuổi).

    Tính cập nhật trong âm nhạc Phạm Duy là điều không cần phải bàn, vì thế mà nhạc của ông chưa bao giờ cũ, kể cả những bài có tính thời sự hay những bản nhạc kháng chiến, nhạc dân ca mới ra đời từ kháng chiến chống Pháp. Bây giờ làn sóng “dân gian đương đại” đã có vẻ hơi chìm, nhưng hãy nhớ 60 năm trước Phạm Duy đã viết những bài như thế, chất dân gian pha trộn với hiện đại còn sâu sắc hơn nhiều. Cũng hơn 60 năm trước, ở chiến khu và vùng tự do, những bài hát cổ điển phương Tây lời Việt đã ra đời và đến nay vẫn không thể có version nào hay hơn, điển hình như Dòng sông xanh, Ave Maria… Và Đạo ca ra đời năm 1970 (đến nay bản trọn vẹn 10 bài vẫn chỉ có bản thu duy nhất của Thái Thanh từ năm 1971) đủ khiến cho những cái gọi là “tiên phong” sau này phải lùi về phía sau (là mới nói âm nhạc, chưa kể phần lời của Phạm Thiên Thư). Tới những năm 1990, Rong ca (Người tình già trên đầu non) lại làm tiếp nhiệm vụ “tiên phong” tương tự, tạo ra những cái ngưỡng khó vượt cho người đi sau (trừ khi tránh sang đường khác).

    Những câu chuyện âm nhạc với Phạm Duy luôn có cơ kéo dài bất tận, trừ khi ông mệt quá không thể tiếp tục. Mấy năm trước, ông khoe đã hoàn thành các bài “dị khúc” phổ thơ Bích Khê. Mới hơn là tác phẩm tâm đắc tuyệt vời phổ trọn vẹn bài thơ Bên kia sông Đuống thành một khúc trường ca và phải là Mỹ Linh hát. Trong suốt sự nghiệp của mình, Phạm Duy tâm đắc với rất nhiều giọng hát, từ Thái Thanh kinh điển trở đi tới Đức Tuấn, Mỹ Linh rất được sủng ái hiện tại, ông vẫn không quên những giọng ca chỉ đi thoáng qua âm nhạc của ông nhưng đủ tạo dấu ấn không thể quên cho bài hát. Khi Lê Dung qua đời, ông bày tỏ sự thương tiếc “đệ nhất diva” Việt Nam (chữ của ông) và nói chỉ cần một bài Mộ khúc Lê Dung hát đủ để làm nên mối tri âm tri kỷ giữa ông và nữ nghệ sĩ. Chỉ cần Lệ Quyên (ngôi sao của những năm 1980) hát đúng một bài Ngậm ngùi đủ làm ông nhớ lại, tương tư lại khung trời đất Bắc bao năm xa cách. Nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan ngâm mấy câu trong Minh họa Kiều khiến ông vỗ đùi đen đét vì hay quá. Ông hết lời khen ngợi một nhan sắc như Ái Vân làm bừng sáng trở lại nhiều bài ca cũ của ông và khó có ai thích hợp hơn cô để hát vai Kiều trong Minh họa Kiều. Và mới đây nhất ông tâm đắc khi vừa phát hiện ra Tấn Minh: “Anh chàng ấy tôi thích đấy, hát rất tình cảm!”.

    Phạm Duy có một trí nhớ siêu phàm. Ở tuổi này (ngay trước khi qua đời không lâu) ông vẫn có thể nhớ và kể chi tiết tình huống ra đời của một bài hát rất ít phổ biến của mình, ông sẽ nhớ chính xác bài hát đó, phiên bản do ai hát, nằm trong file nhạc nào, ở đâu trong vô số các ổ cứng máy tính của mình, và chỉ trong chốc lát ông truy xuất được ra. Ai đã đọc cả 4 tập hồi ký của ông sẽ thấy điều này được chứng minh rõ thế nào. 4 cuốn sách được viết trong khoảng thập niên 1990, khi ông đã qua tuổi 70, nhưng từng chi tiết nhỏ như đi đâu, với ai, ăn món gì, nghe ai hát câu gì… từ hơn nửa thế kỷ trước được ông kể lại bằng văn phong lôi cuốn hấp dẫn vô cùng. Ông tự nhận mình là tín đồ của IT, những ngày gần đây, khi ông không phải vào viện, ai tới thăm dễ thấy cảnh một ông già tóc trắng như cước nằm an nhàn lướt iPad nhoay nhoáy. Còn đọc trong hồi ký thì sẽ nhớ ra ông là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành album nhạc bằng compact-disc và sau đó là CD-ROM. Ông có bộ sách vẫn lưu hành nội bộ là Ngàn lời ca trong đó tập hợp gần như tất cả lời các bài hát ông đã viết kèm theo vắn tắt nguồn cơn ra đời, kể cả vô số bài nhạc ngoại lời Việt viết theo đơn đặt hàng thời nhạc new wave lên ngôi ở hải ngoại những năm 1980. Ông nhớ hết.

    Cô đơn và cô độc

    Không phải một lần nhiều người yêu mến đi xem các đêm nhạc của ông cảm thấy chạnh lòng khi thấy hết buổi diễn ông già lụi cụi tự bắt taxi đi về. Có người trách sao các con ông lại để chuyện ấy xảy ra, sao các ca sĩ chẳng cho ông quá giang. Nói thế là không hiểu ông. Phạm Duy là một con người đầy kiêu hãnh. Ông không bao giờ cần mọi người tỏ ra thương hại ông, kể cả trong cơn bạo bệnh nguy biến. Ông đủ kiêu hãnh để không muốn người ta thấy mình trong tình trạng bệnh nặng, không cần mọi người phải chăm chăm đón đưa. Còn sức thì ông còn tự lực. Đi diễn tỉnh xa ông không cần đi “ké” xe con trai (ca sĩ Duy Quang) vì không muốn ảnh hưởng tới không gian riêng tư của con. Ông yêu các con, trong mắt ông, các con ông luôn luôn nhỏ bé, luôn luôn đáng yêu và cần được ông lo lắng. Trong suốt hành trình âm nhạc của mình, đã nhiều lần ông chấp nhận thành người nhạc sĩ cô độc với những sáng tạo không phải lúc nào cũng được hiểu, được chấp nhận ngay, thì trong cuộc đời riêng, ông nào ham những ồn ào phù phiếm đón đưa. Ông đã đến với cuộc đời này như một nghệ sĩ đầy hồn nhiên hăm hở, thì giờ ông ra đi lặng lẽ như người đã hoàn thành sứ mệnh của mình cho đời, những bài hát của ông sẽ còn sống mãi, chẳng phải là đời đã đẹp với ông lắm sao.

    Bài: Nguyễn Minh; Ảnh: Việt Cường
    Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

    Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/doi-van-luon-dep-voi-pham-duy-n20130204155358532.htm