Ðêm Nghe Nhạc Phạm Duy
- Chi tiết
- Hoàng Nguyên Nhuận
- Lượt xem: 3861
Chỉ có tôn giáo và nghệ thuật mới cứu vãn dân tộc ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Nhạc sĩ lão thành và tài hoa Phạm Duy đã quả quyết như thế trong buổi trình bày Trường Ca Con Ðường Cái Quan của ông do Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Ðại Lợi - Tân Tây Lan tổ chức tối 11-4-1992 tại chùa Phước Huệ, NSW.
Phạm Duy cũng tâm sự rằng với tư cách một chứng nhân của 50 năm lịch sử đau thương và trong cương vị của một người Việt Nam yêu nước, ông nghĩ là người Việt -- và riêng ông, phải trở về để giúp phần xây dựng lại quê hương. Bao giờ về, và về như thế nào, tôi không biết, nhưng chúng ta phải về ! Phạm Duy đã nói rõ như thế. Và những gì ông đang làm bằng âm nhạc là để chuẩn bị cho sự trở về ấy.
Tôi giờ đã 72 tuổi, ngày nào đây tôi sẽ ra đi, tôi ước mong là được một cái gì, để lại một cái gì cho lớp người đến sau. Ðiều mà Phạm Duy muốn để lại đó là ba bản trường ca Con Ðường Cái Quan, Bầy Chim Bỏ Xứ và Mẹ Việt Nam vậy. Nghe Phạm Duy nói, tôi không khỏi có cảm tưởng đang đọc đoạn mở đầu Ngục Trung Thư của Phan Bội Châu. Con chim sắp chết, tiếng kêu đau thương, người ta sắp chết, lời nói ngay thẳng. Những lời tôi nói ra đây có ngay thẳng hay chăng, tôi đâu có biết. Nhưng chỉ biết là lời nói của một người sắp chết thì có Phan Bội Châu, NGỤC TRUNG THƯ -- Ðào Trinh Nhất dịch, VÌ NƯỚC tái bản 1983, trang 9.
Tôi không tin Phạm Duy sắp chết,bởi sau gần 25 năm nhìn thấy mặt ông lại, tôi thấy ông vẫn quắc thước, linh hoạt, sắc bén và đầy sinh động. Không, Phạm Duy vẫn còn trẻ, quá trẻ nữa là khác để có thể thành thật nghĩ rằng ''thất thập cổ lai hy''. Nhưng tôi tin và tôi hy vọng, tối hôm nay Phạm Duy đã nói những lời ngay thẳng. Là chứng nhân của nửa thế kỷ lịch sử khổ đau, Phạm Duy không cần phải nói khác sự thật nữa. Bởi nói khác đi là phủ nhận cái vốn đẹp nhất và quý nhất mà một người nghệ sĩ có thể thu góp được bằng chính mồ hôi nước mắt của mình: kinh nghiệm khổ đau. Khổ đau đã đánh gục, đã loại bỏ nhiều người khỏi vòng chiến. Ðã làm cho nhiều người ngã quỵ, bỏ cuộc, thoái hóa. Phạm Duy thì không, và hình như Phạm Duy đang cố đánh gục đau khổ nữa, bằng Con Ðường Cái Quan mà tôi được nghe, được thấy ông minh diễn hôm nay.
Tôi quả không biết Con Ðường Cái Quan được sáng tác năm nào, nhưng lần đầu tiên tôi được thưởng thức kiệt tác này là năm 1964 ở Huế, và lần chót nghe lại là hai ngày trước khi dự buổi nói chuyện của Phạm Duy tại chùa Phước Huệ. Buổi nói chuyện được dự định dành cho nhạc Thiền và nhạc Ðạo, nhưng vì khung cảnh không cho phép, và mức hưởng ứng của người ái mộ quá cao nên Phạm Duy không đặc biệt nói về nhạc Thiền, nhạc Ðạo nữa, mà nói đến nhạc đạo vào đời, đến với đời. Cũng dễ hiểu thôi. Bởi đạo lìa xa đời, đạo không phải phục vụ đời thì đạo không còn chân đứng. Ðời là điểm từ đó đạo bỏ đi, đời cũng là điểm nơi đó đạo quay về. Cho nên, với kẻ đã đạt đến ''bất hoặc'', ''thuận nhi'' thì nhạc nào cũng là nhạc thiền, ngay cả những bản nhạc hô hào chém giết khơi sâu hận thù, khích động chia rẽ... tương tự như những công án vốn bị xem là báng bổ, phạm thượng nhất.
Có lẽ vì vậy mà Phạm Duy đã chuyển một cách tự nhiên từ đề tài nhạc thiền, nhạc đạo qua nhạc yêu nước Con Ðường Cái Quan. Miền Nam từng có hai thiên tài xuất chúng về ca nhạc. Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn, lời thường phải chở nhạc, cõng nhạc chạy theo, bồng bế nhạc đuổi kịp ý nghĩa của ngôn từ. Cho nên, lời nhạc của Trịnh Công Sơn rất dễ nhớ, dễ thuộc lòng. Phạm Duy thì hình như trái lại, nhạc thường phải đèo lời, mở đường cho lời đi vào lòng người. Nơi nhạc Trịnh Công Sơn, lời làm cho bản nhạc trở thành bất tử, nơi nhạc Phạm Duy, nhạc giúp cho lời vang danh. Tài dùng nhạc chở lời đó ai cũng có thể thấy được qua Ngày Xưa Hoàng Thị, Kỷ Vật Cho Em, Thà Như Giọt Mưa, Trả Lại Em Yêu, Màu Tím Hoa Sim...
Phạm Duy đã thú nhận với nhạc không lời nhiều khi ông đã nói được nhiều hơn là nhạc có lời. Cho nên, khi không thể viết nhạc không lời, khi không nói được thì Phạm Duy đã mượn lời của kẻ khác và làm cho những lời đó trở thành bất hủ. Con Ðường Cái Quan là một cố gắng nói bằng nhạc trước tiên đó. Cho nên, trường ca Con Ðường Cái Quan trở thành một bản nhạc giao hưởng thay thơ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Và Phạm Duy quả không lộng ngôn khi cho rằng nhạc không lời nhiều khi đã giúp ông nói được nhiều hơn.
Nhạc giao hưởng thì cũng như một bức tranh lập thể hoặc tân ấn tượng. Ý nghĩa của bức tranh tùy thuộc mức cảm nhận của người thưởng ngoạn hơn là ý nghĩa tiên khởi mà tác giả đã cố gởi vào bức tranh. Hiểu theo nghĩa đó thì cái hay của bản nhạc giao hưởng Con Ðường Cái Quan đã phong phú gấp nhiều lần hơn cái hay của trường ca cùng tên vậy. Ít nữa đó là kinh nghiệm của riêng tôi khi nghe cuộn băng một mình và khi nghe Phạm Duy phơi bày những ý nghĩa khả hữu ông đã mượn âm thanh để diễn đạt. Phạm Duy đã cho tôi ''thấy'' gió, thấy trăng, thấy cánh diều bay, thấy núi cao, thác đổ, thấy tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương, thấy nỗi niềm thất vọng đắng cay của Huyền Trân, thấy đàn nai thấp thoáng trên đồng bằng Nam Bộ, thấy tình nghĩa chân chất giữa người với người, giữa người với vật nơi miền đất màu mỡ cực Nam, thấy những con rồng uốn khúc nghịch nước phù sa...
Nghe Phạm Duy minh giải và rồi nghe thấy những điều Phạm Duy muốn diễn đạt bằng âm thanh, tôi không khỏi có cảm tưởng rất bất công là lời ca của Thái Thanh, Duy Khánh và các ca sĩ tài hoa khác trong trường ca Con Ðường Cái Quan thật chẳng khác gì những lời phụ đề bất lực cho một cuốn phim tuyệt tác. Cuộc nói chuyện để giới thiệu trường ca Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy quả đã nâng cao mức thưởng ngoạn nghệ thuật của riêng tôi. Bởi không được giáo dục để thưởng thức -- và rồi cũng không có điều kiện để thưởng thức nhạc giao hưởng, nên mức độ thưởng ngoạn của tôi thường chỉ giới hạn vào kỹ thuật trình tấu hơn là cái tài dùng nhạc để diễn đạt của của chính tác giả.
Nhờ Phạm Duy qua buổi nói chuyện nầy mà tôi thưởng thức được cái tài dùng nhạc của chính ông. Và nhờ đó mà tôi nghĩ rằng tôi ''thấy'' Phạm Duy rõ hơn... Viễn khách trên Con Ðường Cái Quan đó đã thấy hết những điều đáng thấy chưa? Sông rộng, đèo cao, núi thẳm đã giúp người dân Việt ngăn giặc và rồi cũng làm cho người Việt ngăn cách nhau. Bởi những núi thẳm kinh tế, những đèo cao chính trị, những sông rộng hận thù oan khiên nghiệp chướng nhiều khi mạnh hơn chính người Việt Nam. Khổ đau chồng chất từ đó...
Và cũng từ đó Phạm Duy trở thành một chứng nhân cay đắng để rồi đến bây giờ khi những người cùng trạc tuổi đã rửa tay gác kiếm nghĩ chuyện trở về với chu luân vĩnh cửu thì Phạm Duy vẫn phải lận đận ''ôm đàn tới giữa đời'' chuẩn bị cho ngày về cố quận trả xong cái nợ yêu nước, cái tình yêu nhà của những kẻ sinh lầm thế kỷ của thế hệ trước như ông và thế hệ sau như chúng tôi.
Tôi không quen biết Phạm Duy, và chỉ thấy mặt ông một lần vào tháng 6 năm 1967, khi ông được mời đến Trung Tâm Thanh Niên tham dự lễ tưởng niệm Hòa Thượng Quảng Ðức do sinh viên Phật tử Sài Gòn tổ chức. Nhưng Phạm Duy là người tôi nghĩ đến nhiều những lần cảm thấy đắng cay chua xót vì thế sự... Quả vậy, văn thơ, lịch sử, tưởng tượng... đã tạo nên tình yêu Hà Nội trong tôi. Tôi muốn nhìn Hà Nội một lần cho biết, tận mắt, Nhà đồng ý cho tôi đi Hà Nội vào dịp nghỉ hè. Nhưng niên học tàn, hè đến và giấc mộng Hà Nội của tôi cũng tàn theo. Chiến tranh chấm dứt, đất nước chia đôi. Hà Nội trở thành xa vời như sao Kim, sao Hỏa.
Ðất nước trở thành hai miền cách xa, lặng yên xung khắc. Tôi chưa đủ trí khôn để nhìn thấy rõ những ngõ ngách hận thù nên ngây thơ hy vọng những xung khắc đó bất quá cũng như hoàn cảnh của hai nhạc sĩ tôi mến chuộng, Văn Cao và Phạm Duy... Cả hai cùng tham gia kháng chiến. Rồi Phạm Duy rời bỏ kháng chiến, cùng Nguyễn Ðức Quỳnh, Mai Lân vào Huế tìm đất sống trước khi xuôi Nam. Biên giới quốc cộng giữa Văn Cao và Phạm Duy hình thành từ đó.
. . . . . . .
Cũng năm 1954, khi bỏ Bắc xuôi Nam ấy, Phạm Duy làm bản Tình Ca khiến cho nhiều người rơi lệ. Tôi nhớ rõ một câu trong bài hát: ''Người yêu thế giới đại đồng, Còn tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam.''
Khi bài hát được in ra dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, câu đó hình như đã bị kiểm duyệt thành ''người yêu thế giới mịt mùng''. Thế giới mịt mùng thì có gì đáng yêu! Nhưng ý thức hệ là ý thức hệ. Và ý thức hệ của chính quyền miền Nam lúc đó thì chỉ muốn nhìn thấy những người cộng sản tay sai của đế quốc đỏ chứ không phải những người cộng sản yêu thế giới đại đồng. Dù ý thức được hố sâu ý thức hệ đó, Phạm Duy vẫn mong ''làm sao chắp cánh chim ngàn, nhìn Trung Nam Bắc kết đoàn mến nhau...''
Tất cả những người Việt sinh ra trong tiếng đạn bom, lớn lên trong tiếng bom đạn, đã làm mồi cho đạn bom ăn một phần hay toàn thân cốt nhục, đã thoát nạn sống còn cho đến hôm nay nhờ bom đạn tha... tất cả đều có câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Nhưng trả lời cách nào cho Con Ðường Cái Quan không còn là ''con phố buồn hiu'' của những bà mẹ Gio Linh tương lai, trả lời cách nào cho Con Ðường Cái Quan không còn là ''đại lộ kinh hoàng'' cho những cô những cậu bé con ra đời khi đất nước đã im tiếng đạn bom nhưng hòa bình an lạc vẫn mờ xa như đường chân trời...?
Không hiểu Phạm Duy có ưu tư về điều đó không khi ông bảo chỉ có tôn giáo và nghệ thuật là đủ khả năng hàn gắn lại lòng người và đất nước? Không hiểu Phạm Duy ưu tư đến mức nào về điều đó khi ông phăng tay gạt hết 997 (?) bài ca ông đã làm trong hơn 50 năm làm kiếp nhân chứng khổ đau của lịch sử, gạt hết để chỉ giữ lại ba bài trường ca Con Ðường Cái Quan, Bầy Chim Bỏ Xứ và Mẹ Việt Nam? Phản ứng thái quá của những nạn nhân của lịch sử là hăm hở biến lịch sử thành nạn nhân.
Một số không ít những bản nhạc của Phạm Duy đã có một chỗ đứng vững vàng trong lịch sử văn học nghệ thuật của dân tộc. Tình Ca, Về Miền Trung, Chiều Về Trên Sông, Nghìn Trùng Xa Cách... là những ví dụ. Phạm Duy đã bị lịch sử lợi dụng. Một sự bất công nghiệp chướng. Lịch sử mù lòa nhưng lịch sử cũng sàng sẩy những sạn cát, những tấm vụn, những mạt trấu để giữ lại những hạt gạo tròn làm bữa cơm ngon lành đủ nuôi con người, đủ nuôi dân tộc qua những cơn ngặt nghèo, tao loạn, đói kém, khủng hoảng, bế tắc... Cái sàng gạo đã lọt vào tay những phù thủy ý thức hệ và các đồ đệ của họ nên đất nước mới ra cơ sự hôm nay. Marx đã hăm he đóng cửa lịch sử khi triệt hạ xong tư bản, Nakayama cũng lơn tơn hạ màn lịch sử khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Cả hai đã quên rằng lịch sử không chỉ là lịch sử ý thức hệ và cuồng vọng của cả hai cũng chính là lịch sử nữa.
Tôn giáo và nghệ thuật không cướp quyền lịch sử. Tôn giáo và nghệ thuật chỉ hóa giải những cuồng vọng lịch sử, tạo những nhịp cầu chuyển hóa cho hận thù thành yêu thương, ngộ nhận thành thông cảm, tác hại thành xây dựng, xa cách thành cận kề. Tôn giáo có thể là khởi điểm nguy hại của lịch sử, cũng như nghệ thuật có thể là đồng lõa tồi tệ của ý thức hệ. Nhưng tôn giáo cũng có thể là cái thắng của lịch sử, cũng như nghệ thuật cũng có thể là kẻ thức tỉnh những mê mờ cuồng vọng của ý thức hệ bất cứ màu sắc nào. Phải chăng với ý nghĩa đó mà Phạm Duy đã nghĩ rằng tôn giáo và nghệ thuật phải giữ vai trò tích cực trong việc tái dựng quê hương đổ nát cùng quẫn?
Sydney, 1992
Hoàng Nguyên Nhuận
(báo PHẬT GIÁO VIỆT NAM số 80, tháng 4-1992)