PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Hoài Cảm Bầy Chim Bỏ Xứ

Trên đường về sau buổi tiệc sinh nhật Phạm Duy tại Trung Tâm Sinh Hoạt Thế Kỷ, Little Saigon, trong chiếc xe nhỏ bé, lạc loài chạy trên xa lộ 5 dài thăm thẳm vào lúc nửa đêm, tôi đã nghe Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi cẩn thận lên kính xe thật kỹ để hoàn toàn tránh tiếng động bên ngoài và để chỉ có mình tôi sống với bản nhạc, sống với Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi đã bỏ cái thế giới Mỹ Quốc bên ngoài đang chập chờn khi ẩn khi hiện qua những khối ánh sáng mờ đục vô hồn hai bên đường xa lộ trong đêm sương mù.

Chính trong khung cảnh nhỏ bé của chiếc xe và trong không gian vĩ đại của Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đã cảm được một cách thấm thía thân phận của tôi, một con chim bỏ xứ lẻ loi và sự nhọc nhằn của những con chim ở lại.


Qua Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đã nhìn được cả một cuốn phim vĩ đại của lịch sử Việt Nam với cả triệu người hối hả ra đi và cả triệu người rộn rịp hồi xứ, trở về. Là một người điện ảnh, tôi luôn luôn nghe nhạc bằng cái não bộ ảnh tượng. Bầy Chim Bỏ Xứ đối với tôi là một hình ảnh kinh hoàng. Tôi đã nhìn lại được, thật rõ ràng, thật sống động, cảnh Saigon nhốn nháo ngày gần mất nước, trong nhà, ngoài đường, bến phà, bến xe, dinh Ðộc Lập quằn quại, con đường Tự Do hấp hối nằm im lìm dưới những tảng ánh sáng ngậm ngùi, những đoàn xe có còi rú, trái bom nổ, những nét mặt tái xanh hãi hùng, bối rối nửa đi nửa ở. Cảnh tượng của một lồng chim khổng lồ trong đó hàng triệu con chim đang rối loạn vẫy vùng tìm lối thoát.

Tiếng hát Vũ Anh dài rộng mở đầu cho cuộc di tản '' Exodus '' :


Trời đang rực rỡ
Chợt đâu kéo mây đen
Bầy chim buồn bã
Rủ nhau vút bay lên
Chim hỡi chim ơi !
Chim hỡi chim ơi !

Tim tôi nhức nhối như đang rớm máu hoà theo giọng Vũ Anh gào lên cao vút :


Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong
. . . . . . . . .
Chim Quyên phải từ bỏ quê mình
Bay về miền tuyết phủ buồn tênh
Thổ máu tươi, một đêm chim chết...

...Và tôi lịm đi với Kim Tước :


Chết khi đêm về, xác chưa tan, thì...

Kim Tước, tôi vẫn yêu tiếng hát Kim Tước và bây giờ lại thêm giọng Vũ Anh, hai tiếng hát tuyệt vời ấy quyện lấy nhau ngấm vào da thịt tôi.


Chim xa bầy thương cây nhớ cội
Người xa người, tội lắm chim ơi !
Ôi người xa người, tội lắm ai ơi !
Tội lắm ai ơi ! Tội lắm chim ơi ! Tội lắm tôi ơi !

Rồi tiếng sáo... ôi tiếng sáo não nùng làm tôi lạnh người, tiếng sáo rên rỉ đứt đoạn như tiếng khóc than của những oan hồn lôi kéo tôi về nơi âm phủ hãi hùng. Lòng tôi ray rứt như mang trong mình một thứ tội lỗi của người sống sót. Tại sao lại là tôi, người sống sót ?

Nếu những khúc nhạc đầu vọng lên ray rứt não nùng qua tiếng sáo '' âm phủ '', thì những khúc cuối cùng : Bầy Chim Tỉnh Giấc, Bầy Chim Huyền Sử với những tiếng kèn đồng, thúc giục đã tạo ra một cảnh tượng rầm rộ, rộn rịp khác thường, một cảnh hùng ca vĩ đại của đoàn người hàng triệu trở về. Giọng Vũ Anh lực lưỡng càng về cuối càng trở thành mãnh liệt nổi lên cao vút giữa những tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống hùng hồn dứt điểm báo hiệu ngày '' xuất quân '' :


Hỡi những cánh chim huyền sử xa vời.
Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc !
Hỡi những cánh chim của Tiên với Rồng
. . . . . . . . . . .
Từ nơi huyền bí
Nổi lên tiếng chim Tiên
Chim đã vươn lên
Như gió thiên niên
Tôi đã nghe vang
Cơn bão không gian...

Lồng ngực tôi như muốn vỡ ra từng mảnh vụn theo âm thanh cao độ bay vào cơn bão không gian... Tôi hình dung cảnh tượng bầy chim huyền sử bay về cố quốc, đã kéo tôi ra khỏi cảnh âm phủ hãi hùng và đẩy tôi lên tận trời cao bát ngát với những cánh chim anh hùng.


Vỗ cánh theo Cha về miền suôi
Vỗ cánh bay theo Mẹ lên núi
Những cánh chim bay từ Mê linh
Bát ngát trời Phù Ðổng oai linh
Những cánh chim khơi động Hoa Lư
Những cánh chim Lê, Lý, Trần xưa
Lặng nghe đây con chim Hùng đây con chim Việt
Hỡi những cánh chim mở hội Diên Hồng

Tới đây tôi hoàn toàn bị tràn ngập bởi hàng ngàn hình ảnh. Không còn là những hình ảnh tôi đã từng bắt gặp hàng ngày mà là những hình ảnh biểu tượng, mơ màng, huyền diệu đã đan kết lại thành những tế bào trong tôi từ những ngày thơ ấu với tiếng ru của mẹ, tiếng giảng của thầy và những câu chuyện cổ bên ngọn đèn dầu do cha kể vào những đêm tĩnh mịch.

Tôi đã nín thở, ru mình vào trong một không gian không còn biên giới, không còn bên này bên kia chiến tuyến, không còn dưới đất hay trên trời, không còn dĩ vãng hay hiện tại, cũng không còn hiện tại hay tương lai.

Xe đã đậu bên cổng nhà lúc nào không hay. Tôi tắt máy, ngồi lặng trong bóng tối thật lâu. Ðêm đã khuya, sương lạnh trở vào '' cõi tôi '' thực tại. Trong căn nhà nhỏ bé, nơi tôi đang sinh sống, nhiều giờ sau đó tôi vẫn trằn trọc không ngủ được. Những ảnh tượng Bầy Chim Bỏ Xứ rồi Bầy Chim Hồi Xứ vẫn tiếp tục ám ảnh tâm hồn tôi, như một cuốn phim tuyệt vời và âm thanh vĩ đại. Bầy Chim Bỏ Xứ vang lên tràn ngập '' cõi riêng '' trong đêm đen cô tịch. Cuối cùng, tôi đã chìm vào giấc ngủ với :


Ta và chim khâu vá đời sau
Chim và ta âu yếm gọi nhau...

Phạm Duy, anh là Việt Nam trọn vẹn. Nhạc anh là trọn vẹn hình hài xương máu Việt, là trọn vẹn tâm thức lẫn ước mơ của người nông phu mình đông da sắt, của cô lái đò giặt yếm bên sông, của người lao động ốm yếu hom hen nơi thành phố, của người lính cụt chân và bây giờ là của đàn chim bỏ xứ. Xin cám ơn anh Phạm Duy đã trọn đời thay chúng tôi '' khóc cười theo mệnh nước ''.

Tôi thoáng nghĩ Phạm Duy với tuổi bẩy mươi vẫn còn ở đâu đây gần chúng ta nên chúng ta chưa lo mất anh. Nếu ngày nào anh nằm xuống, có lẽ lúc dó ta mới thấy được thiếu anh, ta sẽ trống vắng, mất mát đến mức nào.

Tôi thấy không cần chúc anh thượng thọ. '' Hình hài '' anh theo luật trời sẽ có ngày nằm xuống. Nhưng nhạc của anh sẽ '' nguyên vẹn '' sống mãi trong lòng người dân Việt của trước đây, bây giờ hay trong lòng của những thế hệ về sau.


Kiều Chinh
Studio City, Thu 90