Canh Khuya Tôi Khóc Bầy Chim Bỏ Xứ
- Chi tiết
- Băng Tâm
- Lượt xem: 3043
Tiếng nhạc của anh nhiệm mầu thế đó. Có ai biết thế không nhỉ ? Tiếng nhạc bắt đầu tự bao giờ tôi chẳng biết. Nhưng có lẽ đã từ lâu lắm rồi. Từ cái thuở tôi chưa được thành hình, từ cái thuở xa xôi mẹ kể rằng mẹ đã hát véo von những bài hát của anh để nuôi nấng cái bào thai mẹ cưu mang; mẹ đã hát để dỗ tôi vào giấc ngủ nào là Nhạc Tuổi Xanh, Em Bé Quê, Bà Mẹ Quê, nào là Ru Con, Tình Nghèo, nào là Bà Mẹ Gio Linh, Con Ðường Cái Quan, Tình Hoài Hương, và Giọt Mưa Trên Lá. Mẹ cũng đã ngất ngây trong Mùa Ðông Chiến Sĩ, Xuất Quân, Nhớ Người Thương Binh, Nhớ Người Ra Ði, Nương Chiều, Tiếng Hát Trên Sông Lô trong những đêm đông lạnh, tay thoăn thoắt những mảnh áo đan buông sõng bên lòng. Nhạc đã ăn sâu vào tim óc anh, vào máu, vào hơi thở. Anh sáng tác nhiều và nhiều lắm, nhiều để ru tôi, ru tôi vào đời, ru những mảnh hồn người qua những mệnh nước nổi trôi, qua những lênh đênh đổi đời. Những tình khúc của anh đã nhẹ nhàng dìu tôi vào thế giới của người lớn, dễ thương như Cô Hái Mơ, réo rắt như Khối Tình Trương Chi, não nề như Phố Buồn, ray rứt như Nghìn Trùng Xa Cách, và diễm tình như Tiếng Ðàn Tôi. Nhạc anh sáng tác nhiều như những sợi tóc trắng bạc bồng bềnh trên mái đầu anh.
Trong một chiều họp mặt rất tình cờ, tại San Jose tôi được hân hạnh nhìn thấy. Tôi đã được nhìn thấy rõ, nhìn thấy anh vẫn say sưa, mắt nhắm nghiền, trán cau lại, miệng lẩm nhẩm đọc lời, tay dịu dàng đánh nhịp, hồn thoát nhập vào những cung bậc bay bổng... Vâng, hôm ấy tôi đã được đối diện với anh, chuyện trò với anh, một người nhạc sĩ mà tôi đã từng khâm phục và thân kính, một người nhạc sĩ đã tạo cho gia tài âm nhạc của Việt Nam mỗi ngày một phong phú, một người nhạc sĩ đã dâng cả đời mình để ca tụng những nét đẹp Quê Hương, những êm đềm của thuở thái bình an lạc, những đau thương của bao độ đổi thay, những tình người trong chiến tranh, những khốn cùng của một dân tộc nghèo khó, một người nhạc sĩ đã sống âm thầm khiêm nhường trong những ngày tháng cuối đời, kêu gọi những người đồng hương còn lại một chút tình người gìn giữ hộ anh những công trình anh gói ghém nung đúc bao năm qua.
Hôm ấy tôi muốn bật khóc, hôm ấy tôi thấy lòng mình thực sự ấm hẳn lại, muốn ôm chặt tất cả những người da vàng cùng quê hương xung quanh tạo những thân tình để được chia sẻ những kỷ niệm, những niềm đau chung, để cùng gởi nhau những hứa hẹn ngày cùng vỗ cánh trở về vun những mầm lúa xanh trên đất nâu cằn cỗi quê xưa, để cho nỗi ước mơ của anh thành sự thật. Tôi nắm chặt lấy tay mình để hồn dìu dặt thưởng thức.
Bầy Chim Bỏ Xứ... Anh đã sáng tác trong bao năm trời ròng rã. Anh đã nâng niu trong những ngày tháng lận đận ngơ ngác nơi đất người, anh đã ôm ấp trong những đêm ray rứt nỗi nhớ thương quê hương. Bầy Chim Bỏ Xứnhư đứa con út của cuộc đời trong kiếp sống long đong, đứa con chất chứa những hình ảnh xót xa của cuộc đổi đời, đứa con nhân chứng của những khắc khoải, của những bẽ bàng sau những đột ngột đổi thay. Anh đã ví tất cả chúng ta là những con chim của Mẹ Việt Nam khốn khổ. Từ những con chim Quyên ngơ ngác khi phải ngượng ngùng vỗ cánh bay đi. Hãy nghe lời nhạc của anh:
Chim Quyên phải từ bỏ quê mình
Bay về miền tuyết phủ buồn tênh
Thổ máu tươi, một đêm chim chết
Tái sinh thành lần nữa Ðỗ Quyên
Nơi mùa đông vắng lạnh
Kêu gào: Ôi Tổ Quốc linh thiêng...
Thật tuyệt vời và vĩ đại qua những ví von ý nghĩa của anh. Anh bảo chim Quyên là hồn Thục Ðế tái sinh nhiều kiếp, nhiều lần để khóc nhớ nước, thương non cũng như những người dân Việt đã lũ lượt bỏ lại sau lưng quê nhà yêu dấu mười lăm năm về trước. Sống ở đất tạm dung anh mường tượng đến miền quê vắng vẻ, miền quê đìu hiu, những miền quê không còn nồng nàn thương yêu, và chỉ còn lại một lũ kên kên, một lũ ác điểu, một lũ thần đanh, đỏ mỏ. Những con vẹt lơ láo lúc bình minh, những cú vọ xục xạo lúc đêm về, chuyên tác yêu tác quái những người còn ở lại. Những giọng nhạc ai oán, lồng vào những tiếng chim nỉ non tha thiết, gợi nơi tôi tình thương đồng loại, xót xa cho những ngăn cách chia lìa:
Bầy chim buồn bã
Rủ nhau trốn quê hương
Vì đâu bỏ xứ
Ðể lê kiếp tha hương...
Tôi hình dung lại đêm trốn chạy. Lòng ngậm ngùi như chú chim chích chòe vượt biển sâu, giữa trùng trùng sông nước hôm nào. Cũng như anh, làm sao ai có thể quên được những hãi hùng biển cả. Tay ôm đứa con thơ, mắt mở trừng trừng nhìn lên khoảng trời đêm tối mịt không tương lai, không bến đợi. Lũ da vàng khốn khổ lủi thủi ngơ ngáo, líu lưỡi ngọng câm vì chưa quen nói tiếng nước ngoài, để xin cho con miếng cơm, ngụm sữa của người. Anh đã ghi vào tổ khúc buồn những câu thương tâm như cho chính tôi:
Con chào mào líu lưỡi ngọng câm
Chim hãi hùng cuộc đời mênh mông
Nhưng vẫn vỗ cánh
Chim nhớn nhác bay về muôn phương...
Những tâm hồn cô đơn nơi xứ người lạnh căm, những tâm hồn khắc khoải phải chấp nhận một cuộc sống tạm bợ đã lạnh lùng chết lặng giữa xa lạ xứ người như đôi phượng quý đứng chết căm trên sông tuyết phủ. Phạm Duy cũng sống trong nỗi nhớ nhung dằn vặt ấy. Những bài hát Tiếng Thời Xưa, Xin Anh Giữ Dùm Em, Thương Nhớ Saigon, Rồi Ðây Anh Sẽ Ðưa Em Về Nhà đã nói lên được tâm trạng của kẻ ly hương nuối tiếc những kỷ niệm yêu dấu xa vời. Trong Bầy Chim Bỏ Xứ anh đã viết điệu nhạc buồn tênh:
Tuyết rơi lả tả là là
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ...
Ai oán thay! Ðau thương thay! Cuộc sống tạm bợ như một bản án chung thân hành hạ những người da vàng. Người nhạc sĩ đã sống tâm trạng ấy như gắng gượng để cho qua một kiếp sống nợ nần, sống mà trong tâm vẫn nuối tiếc một dĩ vãng xa xưa. Những bản nhạc như Ở Bên Nhà Em Không Còn Ðứng Ðợi Anh, Hát Cho Người Ở Lại hay Giờ Thì Em Yêu và Hát Cho Người Vượt Biển anh đã khóc cho những thân phận con người dưới gông cùm ác thú, khóc cho những thuyền nhân lênh đênh trên những dòng sông định mệnh, theo những sóng dữ không bến, không bờ. Trong Bầy Chim Bỏ Xứ anh diễn tả con chim Hoàng Khuyên ngừng giọng ca tiếc nuối, trông theo những áng mây vời vợi lòng nhung nhớ, ước ao một nối tiếp chiêm bao ngày nào mà Hoàng Khuyên đã tuyệt vời trong tiếng hót, mà bây giờ quá khổ đau, chim ngừng tiếng hót, cắn cổ tự vẫn cho qua một kiếp. Anh đã nói lên được những đau thương tận cùng của kiếp tạm dung, của tâm trạng người nghệ sĩ đã cay đắng chán ngán cuộc sống tạm bợ đến mức độ bỏ quên cả cung đàn điệu nhạc:
Ta đứng đâu đâu đàn mốc trên tay
Nghe đất lung lay, đàn đứt tung dây.
Nỗi đau cho bên này chưa đủ, anh còn ái ngại cho những người còn kẹt lại. Anh thương xót cho những người sống đày đọa thiếu thốn. Trong những con chim bị ở lại, anh đã không quên nhắc đến một loài chim quý với tiếng hót vượt thời gian, tiếng hót đã một thời làm đẹp cho cuộc sống con người, làm đẹp cho những cuộc tình. Ðó là tiếng hót chim Thanh, con chim ở lại nhà mà vẫn im hơi, chẳng buồn cất tiếng. Anh cho rằng chim Thanh đã nhịn nhục trong lặng câm như để giữ gìn tiếng hót quý báu, đợi chờ thời cơ chim lên tiếng hót tuyệt vời. Cũng như bao trăm ngàn người dân vô tội phải sống trong giả dối, ngờ vực ước ao một chiều nào đó thanh bình, sẽ có những cánh chim lạc hướng quyện cánh tìm về...
Ôi những cánh chim như nhạn xanh, như én xanh, như chào mào, như chích chòe, như uyên, như phượng. Ôi tất cả ba mươi sáu thứ chim hiền hòa, từ rừng hoang, từ phố núi, từ thung lũng xa xôi... Xin hãy xóa bỏ hận thù, chia rẽ để trở về xây đắp lại quê hương... Xin hãy kết bầy rủ nhau về chốn cũ yêu thương... Cho vườn thơm, cho nắng rọi, cho sưởi ấm nóc rơm. Mỗi lời nhạc là mỗi tình tự dân tộc. Ðiệu nhạc như tỏa ngập không gian ngấm vào những tâm hồn chân chính, xoa dịu những bâng khuâng khắc khoải của kẻ nước mất nhà tan.
Xin cánh chim ngoan
Xây đắp quê hương
Câu hót hân hoan
Cho mãi xuân sang...
Bầy Chim Bỏ Xứ... Bầy chim của dòng giống chim Việt oai hùng. Những cánh chim thuộc huyền sử Tiên Rồng... Những cánh chim trời anh dũng của Lê, Lý, Trần ngàn đời hãy tung cánh cùng nhau trở về mở hội Diên Hồng, hãy cùng nhau tạo thanh bình để cùng vui cảnh Tao Ðàn... Lời nhạc như réo gọi, như van xin, như nhắc nhở, như thức tỉnh, những người dân tỵ nạn da vàng... Ôi tha thiết, ôi xúc động vô cùng. Người nhạc sĩ đã khao khát tự do đã thèm muốn thanh thản cho những ngày tháng còn lại... không phải chỉ riêng cho mình, mà cho cả một dân tộc, cả một giống nòi. Sự khao khát đã xóa đi sự hận thù, đã đánh tan đi nỗi ngấm ngầm dồn nén trong mấy chục năm trời chinh chiến. Hãy cùng tôi nghe những lời mời gọi của một kẻ cả, một kẻ sĩ vì đại cuộc mà đại lượng, quên hết nhỏ nhoi. Không phải anh chỉ là một nhạc sĩ tài ba, mà anh còn là một chiến sĩ tự biết sức mình. Người chiến sĩ đã mỏi mệt sau nhiều tháng năm dài chiến đấu đã ghê tởm cho một cuộc chiến đầy máu và nước mắt. Ðã không còn muốn nhìn thấy những cảnh chết chóc của những con chim hiền lành vô tội, hoặc những con chim chỉ biết đánh thuê giết mướn trong những trò chơi chiến tranh được vẽ sẵn theo khuôn thước ngoại lai. Một ý tưởng ôi vô cùng vĩ đại, tiếng nhạc đã chuyển đến lúc thật cao cả bao dung:
Vì hung tợn quá
Và không biết yêu thương
Diều hâu bao dữ
Mời đi giữ biên cương.
Chim đi rồi một buổi chim về
Cho tình yêu nở khắp miền quê
Vì đã không làm nên mùa xuân thắm
Thì một ngày chim dữ cũng lui chân
Ðể thấy giang sơn là không riêng rẽ
Của lũ chim nào, là chốn vui chung.
Bầy Chim Bỏ Xứ đã dìu tôi từng đêm về quê hương đau khổ... Tôi vẫn là cánh chim Quyên mượn hồn, mượn xác khắc khoải bay đi bay về để thương nhớ nước non. Tôi vẫn đợi chờ được cùng chắp cánh với muôn loài chim Việt từ muôn phương, từ trăm hướng để trở thành bầy chim về xứ như mơ ước qua tiếng nhạc của Anh.
Hãy nghe Bầy Chim Bỏ Xứ để biết cội nguồn mình, để thương lấy quê hương mình, để biết rõ thân phận mình. Hãy để từng lời nhạc, hãy để từng cung bậc, hãy để những tiếng chim thánh thót rót vào hồn trong những đêm khuya thanh vắng để được thấy tình nhân loại mở rộng, để thấy tình người được xoa dịu ấm nồng và tâm hồn hướng thượng :
Chim ngoan về đậu ngọn tre già
Ta và chim khâu vá đời sau
Chim và ta âu yếm gọi nhau
Ta còn nhiều phen hát tình yêu...
Thực sự tôi đã không đủ tư cách để phê bình những nhạc phẩm vĩ đại của Phạm Duy. Bút nghiên tôi đã không đủ văn tự để diễn tả thực sự những gì tôi đã nghĩ sau khi thưởng thức Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi chỉ biết tôi vô cùng xúc động đến độ bật khóc nhiều lần trong những đêm vắng khi nghe từng chữ, từng câu, từng âm điệu của Bầy Chim Bỏ Xứ. Có người bảo đây là tác phẩm cuối cùng của đời anh nên tuyệt tác thế đó. Tôi không tin thế vì mỗi tác phẩm của anh là một tuyệt tác hiếm lạ nhưng tôi vô cùng lo sợ. Lo sợ cho Việt Nam về sau không còn ai có thể thay thế được anh, một Phạm Duy bất hủ, một Phạm Duy thiên tài, quý báu, hiếm lạ, một Phạm Duy đã ghi chép những thăng trầm của vận nước nổi trôi rồi chuyển thành những sóng nhạc để đời cho người, cho tôi... Cám ơn anh đã làm cho tâm hồn tôi khoan dung hơn với đồng bào của tôi... Cám ơn anh đã thân mật cho phép tôi xem anh như một người anh cả đáng kính...
Băng Tâm
San Jose - Ðầu Thu 90