Phạm Thiên Thư ‘bất ngờ được giới thiệu với Phạm Duy’
- Chi tiết
- Du Tử Lê
- Lượt xem: 3242
28/1/2018
Nhà thơ Phạm Thiên Thư (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy
Giống như trường hợp của Linh Phương, trước khi được nhạc sĩ Phạm Duy chọn và chuyển thành ca khúc, một số thơ của mình, nhà thơ Phạm Thiên Thư, lúc đó chưa có nhiều người biết đến. Lý do, thơ của ông gần như không xuất hiện trên một số tạp chí văn chương, tương đối phổ cập thời đó, như Văn hay Văn Học…
Do đó, khi mấy ca khúc đầu tiên, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Phạm Thiên Thư, sớm trở thành những “điểm nóng của dư luận,” thì một số câu hỏi cũng đã mau chóng hiện ra trong thắc mắc của số người quan tâm, như họ biết nhau trong trường hợp nào? Hoặc ai là người giới thiệu Phạm Thiên Thư cho Phạm Duy?
Thời trước Tháng Tư, 1975, một vài người biết chuyện đã đề cập tới vai trò của cố nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh – người chủ trương “Đàm Trường Viễn Kiến” sau năm 1954 ở Sài Gòn, tại nhà riêng của họ Nguyễn, bên cạnh chùa Từ Quang của Thượng Tọa Thích Tâm Châu.
Tưởng cũng nên nói thêm, đó là nơi lui tới thường xuyên của một số người làm văn nghệ, chính trị. Ai cũng có thể đến và để lại tác phẩm, bản thảo, ý kiến… của mình, như một cách tự giới thiệu với chủ nhân “Đàm Trường” và với mọi người. Trong số những văn nghệ sĩ thường lui tới, để lại thơ của mình, có nhà thơ Phạm Thiên Thư. (3)
Tuy nhiên, phải đợi cho đến ngày tác giả “Ngày Xưa Hoàng Thị,” dành cho ký giả Hồng Hạc, báo Thanh Niên, cuộc phỏng vấn vào cuối Tháng Giêng, 2013 (mấy năm sau khi nhạc sĩ Phạm Duy từ trần), bạn đọc mới chính thức được biết khởi đầu của mối duyên văn nghệ đẹp đẽ ấy.
Trong cuộc phỏng vấn vừa kể, nhà thơ Phạm Thiên Thư cho biết, qua môi giới của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, nhiều chục năm trước, ông bất ngờ được giới thiệu với nhạc sĩ Phạm Duy, để phổ nhạc một số thơ có tính “thiền vị” của mình.
Dù vậy, thoạt tiên, tác giả bài thơ “Em Lễ Chùa Này” đã khá ngần ngại vì, theo ghi nhận của ông, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ quen phổ nhạc những bài thơ lãng mạn mà thôi. Ông không biết cảm quan của nhạc sĩ Phạm Duy trước những bài thơ “Đạo Ca” của ông, thế nào?
Ông nói với Hồng Hạc: “Tôi không biết anh (Phạm Duy) có thích những bài thơ ngoài đời nhưng về đạo của tôi không?”
Cho đến một ngày, vẫn theo lời kể của nhà thơ Phạm Thiên Thư thì ông nhận được tin nhắn của Phạm Duy (qua nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh) rằng, tác giả ca khúc “Bên Cầu Biên Giới” thấy những bài thơ “Đạo Ca” của Phạm Thiên Thư gần với đời, nên ông đã soạn thành ca khúc 10 bài Đạo Ca ấy.
Trước khi phổ nhạc loạt thơ Đạo Ca của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy cũng hỏi tác giả “Đạo Ca” về ý nghĩa của 10 bài thơ này. Ông trả lời: “‘Đạo’ là con đường dẫn đến giải thoát. Còn ‘Ca’ là nghiệp dĩ mà anh Duy đã chọn…”
Cũng trong cuộc nói chuyện kể trên, với nhà báo Hồng Hạc, nhà thơ Phạm Thiên Thư cho biết, ngoài 10 bài Đạo Ca, nhạc sĩ Phạm Duy trước sau cũng đã phổ nhạc 15 bài thơ tình, lãng mạn của ông, như các bài “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng,” “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu,” hay “Em Lễ Chùa Này”…
***
Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng, quan niệm phổ nhạc một bài thơ của ông, không giống với quan niệm của nhiều nhạc sĩ khác.Ông nói, đa số các nhạc sĩ, khi phổ nhạc một bài thơ, thường có xu hướng cố gắng giữ nguyên bản bài thơ; để chứng tỏ tài năng, hay sự tôn trọng của nhạc sĩ đối với tác giả những bài thơ ấy?
Nhưng, với riêng ông thì, ngược lại: “Một bài thơ quá… ‘đầy’ là bài thơ không còn chỗ, dành cho sự tham gia của người nhạc sĩ vào bài thơ nữa.”
Ông nói thêm: “Kinh nghiệm riêng của tôi cho thấy, với những bài thơ tôi chọn để phổ nhạc mà phần cá nhân tôi không thể thêm thắt, đóng góp được gì, hoặc phần tôi tham dự vào, nó quá ít thì đó là bài thơ khó có hy vọng phổ biến rộng rãi được!”
Mặt khác, nhạc sĩ Phạm Duy, người dường có trong tay “chiếc đũa thần” dùng cho thơ phổ nhạc, cũng nhấn mạnh, một bài thơ có tính kể chuyện, hoặc thấp thoáng một chuyện kể, bao giờ cũng dễ được quần chúng mau chóng đón nhận…
Quan niệm phổ một bài thơ có vóc dáng, hơi hướm của một chuyện kể, nhiều phần sẽ đem thành công tới cho một ca khúc, hơn bất cứ một nội dung nào khác của bài thơ. Quan niệm này của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng được một số nhạc sĩ nổi tiếng, biểu đồng tình. Tiêu biểu cho sự đồng tình này, là cố nhạc sĩ Anh Bằng, chủ nhân của cả một “kho tàng” những bài thơ phổ nhạc được rất nhiều người yêu thích. (4)
Khởi từ quan niệm về thơ phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, nhìn lại ca khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị,” người ta thấy, dù bài thơ rất dài, có tới trên 10 phân khúc, nhưng khi đưa vào ca khúc, thì duy nhất một phân khúc bốn câu, được họ Phạm chọn để dùng cho bản nhạc. Đó là phân đoạn:
“Em tan trường về
đường mưa nho nhỏ
trao vội chùm hoa
ép vào cuối vở.”
Nhưng khi vào ca khúc, nó cũng không hoàn toàn theo đúng nguyên bản và, bốn câu thơ trên, đã trở thành sáu câu:
“Em tan trường về
Mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở
Muôn thuở còn thương còn thương.”
Ở những phân khúc còn lại của phần ca từ, họ Phạm cũng trích, dùng một số câu thơ có trong nguyên bản, sau khi đã sửa chút ít từ ngữ để thích hợp với nốt nhạc. Nhưng những câu thơ đó, được lập đi, lập lại nhiều lần, để nhấn mạnh? Để đánh vào cảm quan người thưởng ngoạn, hầu lưu dấu khó quên cho người nghe? Ngay cả khi họ đã ra khỏi âm hưởng, khí hậu của bản nhạc.
Kỹ thuật này, được dùng thường xuyên, trong nhiều ca khúc của nền tân nhạc Việt; dù đó có là một bài thơ phổ nhạc, hay không.
Du Tử Lê
Chú thích:
(3) Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh (1909-1974), nổi tiếng từ thời Tiền Chiến, ở Hà Nội. Ông là tác giả của những tác phẩm được nhiều người biết đến như “Thằng Cu So,” “Thằng Phượng,” “Thằng Kình”… Đồng thời, ông cũng là người đứng đầu nhóm và nhà xuất bản Hàn Thuyên, quy tụ những tên tuổi nổi tiếng thời đó, như Đặng Thai Mai, (tác giả “Khái niệm văn học”), Trương Tửu (tác giả “Kinh thi Việt Nam”), Nguyễn Đình Lạp (tác giả “Ngoại ô,” “Ngõ hẻm,” tiểu thuyết)…
(4) Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật Trần An Bường. Ông sinh ngày 5 Tháng Năm, 1926, tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (cùng quê với cố thi sĩ Hữu Loan). Ông mất ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, tại Orange County, miền Nam California. Ông để lại cho đời khoảng 650 ca khúc đủ loại. (Nguồn Wikipedia)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/pham-thien-thu-bat-ngo-duoc-gioi-thieu-voi-pham-duy/