PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Yêu Việt Nam Qua Nhạc Phạm Duy

... Những người Việt Nam sinh ra hoặc lớn lên trong chiến tranh Nam Bắc thế kỷ 20, nhất là những người sống trong miền Nam vĩ tuyến 17, có thể nói đã nhờ nhạc Phạm Duy mà biết yêu thương giống nòi và đất nước Việt Nam nhiều hơn…. " Tôi tin rằng sau đây nhiều thế kỷ, các sử gia người Việt khi ghi lại các sinh hoạt văn hóa của tiền nhân, thế nào cũng viết những câu đại để như trên trong đoạn nhắc tới nhạc sĩ Phạm Duy.

Sau đây vài ba trăm năm, cháu chắt, chút chít của chúng ta khi nhắc tới giai đoạn chiến tranh của hai miền Nam Bắc Việt Nam từ 1954 tới 1975, chắc chắn chúng sẽ không để ý gì tới những chiến trận tương tàn khốc liệt của tổ tiên, những tranh chấp Quốc-Cộng kéo dài mấy thập niên, mà họ sẽ có những cái nhìn và quan điểm bao quát, rộng rãi hơn chúng ta nhiều. Nhắc tới các sinh hoạt văn hóa của tiền nhân, nhiều phần chúng sẽ chú ý tới loại nhạc mang nặng tình tự quê hương của Phạm Duy,hơn là các bản tình ca đôi lứa của ông mà một thời đã được cả nước yêu chuộng. Tình cảm cá nhân thay đổi rất nhanh, nhưng các sinh hoạt văn hóa, những gì liên quan tới tình yêu quê hương, yêu đồng loại sẽ thay đổi chậm rãi hơn nhiều, dù rằng chuyện kinh tế ngày nay đang được "toàn cầu hóa" một cách mạnh mẽ. Vài chục thập niên nữa, biết đâu thế giới sẽ không còn phân chia thành các quốc gia riêng biệt nữa?

Tác giả của hai trường ca bất hủ Con Đường Cái QuanMẹ Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy năm nay đã bát tuần, thường được coi là một biểu tượng rất lớn trong dòng nhạc Việt Nam từ nửa thế kỷ qua (thập niên 1940 tới 1990). Những khán thính giả đã hát và sống với nhạc Phạm Duy, hầu như ai cũng cảm nhận được lòng yêu quê hương dân tộc nồng nàn nơi con người nghệ sĩ đó. Nhiều thế hệ đã biết yêu Việt Nam, yêu nước,yêu người, phần lớn có thể nói là do nhạc ông nuôi dưỡng các loại tình cảm đó. Hơn hai mươi năm sống trên đất tạm dung, nhiều bè bạn thật tình thương cảm cho Phạm Duy, con người nghệ sĩ rất nặng tình với quê hương dân tộc. Khi Phạm Duy khi đi thăm núi non nào trên thế giới ông cũng thấy không đẹp vùng Cao Bắc Lạng. Sông ngòi nào cũng không có sóng bạo như sông Hồng, không mặn mòi như nước sông Cửu Long v.v... Nhìn vào cảnh thiên nhiên nào, trong lòng Phạm Duy cũng khởi lên những tình tự thương nước nhớ nhà.

Nhạc sĩ Của Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam

Quê hương và dân tộc VN trong tâm hồn Phạm Duy đã thể hiện ra trong hàng ngàn lời ca, hàng trăm khúc nhạc diễn tả dùm cho tâm tình và cảnh đời của bao thế hệ người Việt. Gần 6 thập niên qua, từ trước 1940 tới hết 1990, có thể nói ai cũng đã thưởng thức, thuộc lòng và thấm thía nhiều bài hát thuộc các thể điệu đa dạng, phong phú của ông.

Mùa Xuân năm 1947, ông anh tôi 17 tuổi, bỏ trường tòng quân đi kháng chiến chống Pháp, khi về thăm nhà đã dạy cho tôi bài hát đầu đời: Tuổi xanh như lúa mai, đời thanh niên sáng tươi của Phạm Duy. Anh sinh viên lục quân Trần Quốc Tuần bế em -- còn là một cô bé con, đặt cho đứng lên trên cái bàn cao, rồi cầm tay dạy đánh nhịp theo tiếng hát trong sáng của các đồng đội. Đoàn quân của anh tôi đa số là sinh viên Hànội, đã ngồi gần kín hết cái sân lớn trong khu nhà chúng tôi ở miền quê Sơn Tây, một đêm trăng rất sáng…Hình ảnh các anh bộ đội ấy và thanh âm bài hát đó không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi.

Thời trước 1950, khi cùng đại gia đình chạy loạn ở vùng gần quê nội, mỗi lần theo các chị em cùng lứa ra chơi trên bãi cát ven sông thì trong tôi lại vang vọng những lời ca như Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như mơ. Những cánh đồng lúa văng vẳng tiếng hát Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh, những cô thôn nữ quang gánh kĩu kịt trên vai đang, nhịp nhàng như điệu hát gánh, gánh, gánh, gánh thóc về, những chú mục đồng lùa trâu bò về, dục mõ xa xôi hỡi chiều ...

Thập niên 1960, tôi tiếp tục được nhạc của Phạm Duy nuôi dưỡng, được đi theo nhạc sĩ thăm đất nước và lịch sử , biết yêu mến quê hương mình qua 17 ca khúc trong Con Đường Cái Quan : Tôi đi từ ải Nam Quan, qua vài ngàn năm lẻ... Tôi được thăm Đồng Đăng, nàng Tô thị, được ngắm nhà sàn đứng bên đường hoang nắng soi của miền Thượng Du Bắc việt. Tôi qua quê nghèo, ruộng nghèo. . . tôi theo cồn cát vượt đèo Hải Vân... Tôi thấy được cảnh công chúa Huyền Trân gạt lệ trên đường thiên lý: nước non ngàn dặm ra đi... khi nàng hy sinh lấy vua Chiêm để đổi lấy hai vùng đất đai, mở rộng bờ cõi. Rồi tôi lại được theo nhạc sĩ, cùng chàng lữ khách đi tới cuối Con Đường Cái Quan : Vào tới Xóm dừa, vào vườn chuối la đà, ôi là mát lòng ta... của miền Cửu Long bát ngát.

Thời đó, tuy chưa được thực sự cất bước du lịch thăm quê hương lần nào, nhưng với trường ca Con Đường Cái Quan, chúng tôi đã được ngắm và được nghe những tiếng nói thiệt thà, những mái tóc mặn mà ...đôi môi xinh hàm răng xít xa... của những người hiền lành như một giấc mơ trong miền Nam nước Việt, cũng như được ghi nhớ hình ảnh sinh hoạt của miền Bắc Việt xa xôi.

Lòng yêu mẹ, thương người của chúng tôi lại được tưới tẩm thêm bằng những lời ca đầy chất thơ của các ca khúc Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ trong trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy. Thời gian đang hoàn tất trường ca này, nhạc sĩ Phạm Duy thường mang từng đoạn ngắn ra căn nhà số 4 đường Duy Tân (Saigon) trụ sở của Sinh Viên Saigon, để hát và tập cho các bạn trẻ hát chung. Có lẽ ông đã vô tình hun đúc nên những tấm lòng yêu nước nồng nhiệt và thương yêu dân tộc đậm đà của rất nhiều thanh niên thời đó, khi mà chiến cuộc chưa tới hồi tàn khốc. Những bản nhạc tình của ông có lẽ không được giới thanh niên ham hoạt động chiếu cố nhiều như hai trường ca bất hủ của ông.

Trong thập niên 1960, chiến tranh Quốc Cộng lan rộng, các gia đình đều ít nhất một lần khóc con em chết trận vì miền Nam bị Cộng Sản tìm cách xâm lăng… Năm 1964, một ngày tới viếng tang gia đình người bạn thân mới có ông anh chết trận, tôi vừa hát thầm, vừa khóc cho người me già đang khổ đau cùng cực vì mất con trai lớn, như Bà mẹ Gio Linh hồi nào cuốc đất trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào...

Thập niên 1970, khi chiến cuộc gây ra những tàn phá kinh hoàng và tâm trạng người dân tan nát vì chồng hay con bị chết trận, mà hậu phương thì không ổn định.... chúng tôi lại cùng Phạm Duy hát tâm ca:

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời ca êm như giấc ngủ say
Để lại cho em một nước chia lìa
Nhưng em thương anh thương anh cho súng phải thở dài
Nhưng em thương anh thương anh cho lựu đạn im tiếng
Nhưng biết bao giờ, tôi mới được nói thẳng những điều tôi ước mơ

Mười Bài Đạo Ca do Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư cũng thể hiện những ý muốn thoát khổ của quần chúng:

Chắp tay lạy người cho xin nụ cười
Chắp tay lạy trời cho đám mưa rơi
. . . . . .
Muôn loài như sương rơi
Xin làm hoa trắng đỡ
. . . . . .

Lũ chúng tôi cũng khóc cùng nhạc sĩ khi nghe và hát những bài hát phản chiến như :

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime
Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân
. . . . . .

Kể từ thời toàn dân kháng chiến chống Pháp ( 1945- 1948) tới lúc đất nước chia đôi (1954 - 1975) nhạc Phạm Duy gần gụi với người Việt như gạo cơm, như áo ấm. Di tản ra nước ngoài, ông tiếp tục sáng tác, biểu hiện tâm hồn của con người nghệ sĩ nhạy cảm đối với "đất tạm dung", trước những cảnh vượt biển hãi hùng, những chia lìa đau sót và tin tức toàn màu đen từ quê hương. Sau khi 4 người con trai lớn thoát được chế độ Cộng Sản, sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng gia đình, Phạm Duy lại có hứng khởi để viết tiếp và kết thúc tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ (thập niên 1980), trường ca thứ ba sau hai trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của thập niên 1960. Sau đó tới Trường ca Hàn Mặc Tử và ngày nay, ông đang hoàn tất Minh Họa Kiều

Cá Hồi Về Nguồn

Tình yêu quê hương và người dân Việt nơi Phạm Duy đã khiến cho nhạc sĩ quyết định trở về với nguồn cội của ông vào dịp đầu năm 2000, bất chấp những khó khăn của chính phủ Cộng Sản trong nước, và của những người Việt hải ngoại chống Cộng quá khích ngoài nước. Cái chết của người vợ hiền (danh ca Thái Hằng), nguồn cảm hứng của trường ca Mẹ Việt Nam -- đã khiến Phạm Duy suy nghĩ và tỉnh mộng -- giấc mộng dài của con người đóng kịch thành công trên sân khấu cuộc đời. Phạm Duy tâm tình cùng nhà báo: Những công trình của cả cuộc đời tôi đều chỉ như những chiếc áo hóa trang trên sân khấu.....Cuối cùng người vợ mà tôi yêu quí nhất, tôi cũng không giữ được, thì cuộc đời này còn có nghĩa lý gì ?....Sống chết lẽ vô thường, danh vọng như mây khói -- bỗng nhiên tôi ngộ ra…". Con người Chân Thật của nhạc sĩ lộ diện, và ông thấy niềm ao ước tối hậu, quan trọng hơn hết của ông ở tuổi bát thập này là có thể trở về sống những ngày tháng chót nơi quê hương. Trở về với những nụ cười bé thơ, với ánh mắt mẹ già và những đôi môi thôn nữ... Chắc chắn ông cũng muốn trở về với những "tình nhân" không quen biết, và với những ruộng đồng, sông núi đã làm nên con người Phạm Duy. Con người trẻ mãi trong ông chắc hẳn vẫn hy vọng sẽ có một (hay nhiều) nàng tiên ngồi đợi chàng bên bờ suối, để giống như loài cá hồng , Phạm Duy còn "sanh sản" thêm được vài chục ca khúc nữa để lại cho đời. Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông vẫn chưa được ông cho là đủ, vẫn còn muốn làm thêm, thêm mãi...

Như loài cá hồng (còn được gọi là cá hồi) về với ngọn nguồn người nhạc sĩ già nhất định trở về với con đường cái quan và những bà mẹ Việt nam. Phạm Duy muốn sống theo loài cá salmon. Đó là loài cá sống gần hết cuộc đời vùng vẫy ngoài biển lớn, nhưng tới cuối đời tự nhiên là chúng biết tìm đường, quay đầu bơi về với suối nguồn, đúng những nơi mà chúng đã được cá mẹ sanh ra từng chùm trứng nhỏ xíu. Sau khi trứng nở thành cá ít ngày thì lũ cá con rủ nhau xuôi dòng ra sông rồi ra biển. Và sau gần hai năm sống ngoài khơi, nếu không bị lọt vô lưới của ngư dân, loài cá hồng lại trở về nguồn để sanh đẻ và để chết. Đường về quê thì xa vạn dặm nên trên đường về nhiều lần chúng phải lội ngược thác, vượt bao trở ngại....chúng vẫn cố bơi về tới nguồn cũ rồi mới sanh sản và chết.

Ba Trăm Năm Nữa Ai Khóc Phạm Duy?

Cũng như đại thi hào Nguyễn Du, có thể Phạm Duy cũng thắc mắc ba trăm năm sau, có còn ai thương tiếc tới mình. Sống trên dưới 80 năm trong thời kỳ có thể nói nhiều biến động nhất của lịch sử Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã thể hiện được những khía cạnh chân thật nhất của con người nghê sĩ nhạy cảm. Ông hòa nhập, sống hết mình với kháng chiến chống Pháp của toàn dân (1945- 1949). rồi sau đó với trận chiến giữ gìn tự do của phía Quốc Gia (1954 - 1975), đưa ra bao hình ảnh hào hùng và đau thương, bi thảm của hai cuộc chiến tranh đó. Đồng thời Phạm Duy cũng nói lên bằng dòng nhạc phong phú, bao tâm trạng của lứa tuổi thanh niên, tuổi thơ trong sáng, từ tâm tình của người vợ trẻ, bà mẹ già… cho tới tâm trạng của giới thanh niên phản chiến, chán ghét chiến tranh, mơ ước hòa bình hồi đầu thập niên 1970. Cùng với các bản tình ca đôi lứa, các bài dân ca cải biên, những bản nhận thức ca, tâm ca, thiền ca….cho tới tục ca, sự nghiêp âm nhạc của Phạm Duy thật sự là một gia tài văn hóa đồ sộ chung cho tất cả chúng ta trong suốt các thời đại ông đã sống qua.

Mai sau mọi sự rồi sẽ đổi thay. Tình yêu đôi lứa hiện nay cũng đã khác thời xưa nhiều lắm. Nhưng con người của thời đại nào thì cũng vẫn có tình yêu mẹ, yêu quê hương, đất nước và giống nòi.... Một khi có đủ cơ duyên, nhạc Phạm Duy chắc sẽ lại được quần chúng Việt Nam hát dài dài.

Chỉ cần đặt câu hỏi Nếu trong nửa thế kỷ qua không có bản nhạc nào của Phạm Duy thì chúng ta sẽ biết mình thiếu thốn tới đâu ? Và con cháu chúng ta sẽ bị lệch lạc tới đâu, khi chúng chỉ có thể tìm được những bài hát sắt máu của miền Bắc trong thời chiến tranh 1954 - 1975, coi đó là những thể hiện duy nhất của tâm thức dân Việt Nam? Nói riêng về âm nhạc, khi có được một người nhạc sĩ như Phạm Duy trong tám chục năm qua, phải chăng chúng ta nên cảm ơn trời đất đã cho dân tộc chúng ta một tặng phẩm thật đáng quý, đáng trân trọng?

 

Tiểu Quyên