Phạm Duy: Ngày xưa… Dân ca
- Chi tiết
- Đỗ Trung Quân
- Lượt xem: 6837
Nhà sử học Lê Văn Lan kể rằng trong một lần đi công tác ở huyện Thanh Trì - Hà Nội, ông tình cờ gặp được một cụ bà là bà mẹ Việt Nam anh hùng, có con là liệt sĩ. Cụ bà đã hơn trăm tuổi tuy không biết chữ nhưng vẫn thuộc và hát gần như trọn vẹn ca khúc Nhớ Người Ra Đi của Phạm Duy. Ai có nghe tiếng hát hành quân xa… mà không nhớ thương người mẹ già… chờ con lúc đêm khuya, người con đã ra đi vì nước… nhớ thương con, oán thù loại thực dân… lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng… bóng dáng người hùng anh, về ấm lũy tre xanh…
Cũng một chiều bên bờ sông xứ Huế, có người đàn ông bán vé số dạo. Khi biết người vừa mua cho mình mấy tấm vé số là nhạc sĩ Phạm Duy, ông sẵn sàng hát luôn mấy ca khúc thời kháng chiến ca cho Phạm Duy nghe. Trong đời mình Phạm Duy hẳn từng đã nghe nhiều thế hệ ca sĩ, danh ca hát nhạc của mình nhưng bà mẹ trăm tuổi, người bán vé số dạo có lẽ là trường hợp bất ngờ, gần gũi và giản dị nhất đủ làm xúc động tâm hồn ông, một nghệ sĩ.
Lịch sử đã trôi qua, cuộc kháng chiến chống Pháp gian nan nhưng đồng thời cũng lãng mạn nhất đối với một thế hệ trong ấy có Phạm Duy. Lãng mạn bởi ai cũng đã lên đường vào cuộc chiến đấu với nhiệt huyết và lý tưởng đẹp nhất của tuổi trẻ mình. Ai có súng cầm súng, người nghệ sĩ ngoài cây súng còn có thêm cây đàn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí nay cũng đã bát tuần, người từ thời trai trẻ đến tận hôm nay vẫn giữ nguyên nhận định về Phạm Duy, người mà ông xem là anh, là bạn và là thầy trong âm nhạc của riêng minh. Ông nói rằng thời ấy ít ai sử dụng, phát triển dân ca tài tình như Phạm Duy. Số lượng ca khúc thời kháng chiến của Phạm Duy cũng rất phong phú và hầu hết đều đặc sắc. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng tự sắp xếp mảng ca khúc thời kỳ này của mình theo tên gọi "nhạc xã hội" bao gồm kháng chiến ca (hành khúc), (Nhạc tuổi xanh, Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Chiến sĩ vô danh, Thu chiến trường, Dân quân du kích, Đường ra biên ải, Bông lau rừng xanh pha máu, Ao anh sứt chỉ đường tà…) và kháng chiến (Dân ca) (Nhớ người thương binh, Mùa đông chiến sĩ, Ru con, Nhớ người ra đi, Nương chiều, Về miền Trung, Quê nghèo, Tiếng hát trên sông Lô, Ngày trở về, Bà mẹ Gio Linh…). Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí kể rằng Phạm Duy rất nhạy bén đề tài, ông làm nhạc rất nhanh tưởng như rất dễ dàng. Những mảng đời mà đối tượng của ca khúc đều gần gũi ngay tự trong đời sống: Bà mẹ quê, người chiến sĩ vệ quốc, người vợ, trẻ chăn trâu… Những người con áo nâu, áo vải, áo chàm "chiều ơi! Ao chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi… ới chiều (Nương chiều)… Tâm thức Việt của Phạm Duy gắn chặt với đất đai, ruộng đồng, rơm rạ, bờ đê, lũy tre, đường làng, ngọn khói. Kháng chiến ca mà vẫn thấp thoáng lời tự tình non nước, của những làng quê Việt Nam nghèo nhưng vốn thanh bình nay lại phải buông cày cầm súng chống ngoại xâm như thuở cha ông dựng nước thuở nào.
Quá khứ đã thành lịch sữ, những ca khúc của Phạm Duy trong thời kỳ ấy dù thăng trầm theo số phận của chính người làm ra nó thì dẫu thế nào cũng đã gắn với lịch sử, một giai đoạn bi tráng lẫn hào hùng để dành độc lập.
Có người góp phần không nhỏ vào việc thừa kế, đặt nền móng phát triển dân ca Việt Nam. Thế kỷ cũ đã trôi qua, thế kỷ mới đang khởi đầu. Nhìn lại lịch sử chung, nhìn lại lịch sử riêng của nền âm nhạc Việt Nam, hẳn sẽ có ai đó cũng nhớ lại những giọt lệ một thời đã từng rơi xuống khi nghe câu hát nghẹn ngào: Mẹ già cuốc đất trồng khoai nuôi con đánh giặc đêm ngày, cho dù áo rách sờn vai cơm ăn bát vơi bát đầy… Mẹ già tưới nước trồng rau nghe tin xóm làng kêu gào, quân thù đã bắt được con đem ra giữa chợ cắt đầu… Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy, mẹ nhìn đầu con tóc trắng phất phơ bay, ta yêu con ta môi thắm bết máu cờ, nụ cười hồn nhiên đôi mắt ngó trông ta… (Bà mẹ Gio Linh).
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng phát biểu đại ý: Quảng Trị nợ Phạm Duy ca khúc Bà mẹ Gio Linh. Là nhà văn danh tiếng của một dòng họ danh tiếng đã lập ra "Nghĩa Trũng Đàn" nơi quy tập hàng nghìn hài cốt của liệt sĩ Tây Sơn trên đất Quảng Trị, đầu thế kỷ 19, Hoàng Phủ Ngọc Tường có lý riêng của mình. Nhưng nếu được nhìn thấy hình ảnh Phạm Duy tóc đã bạc phơ trầm tư trước những cánh đồng lau trắng nơi cổ thành, có thấy Phạm Duy trầm mặc nhìn ánh nắng chiều Quảng Trị thắp sáng những ngọn lau, tưởng như mỗi linh hồn đang lập lòe trên từng ngọn lau, ngọn cỏ mới cảm được rằng trong thâm tâm người nhạc sĩ ấy - chính ông mới là "kẻ nợ" và đã trả phần nào món nợ với Quảng Trị bằng "Bà mẹ Gio Linh" bất hủ.
Và rồi, ai cũng sẽ bước theo con đường mây trắng nhẹ nhàng…
Đỗ Trung Quân