Bài 10 - Một Nghệ Thuật Khúc Ðiệu - [1] Màu Sắc Của Toàn Thể
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 2594
(nguyên bản Pháp Văn - Võ Phiến dịch)
Ðiều khiến tôi chú ý trước tiên trong một khúc điệu của Phạm Duy là phương diện âm thể của toàn bộ tác phẩm. Theo chỗ tôi được biết thì trong các bài bình giải về nhạc Phạm Duy người ta chưa bao giờ hay rất ít khi bàn về vấn đề âm thể trong các tác phẩm của nhạc sĩ ấy. Ðó là một vấn đề quan trọng đối với những ai muốn thấu triệt cơ cấu nghệ thuật âm nhạc của một nhạc sĩ có tài và tinh tế. Tại sao bản Về Miền Trung lại thuộc ''Si giảm'' mà không phải ''Do'' hay ''La'' ? Tại sao bài Tình Ca lại là ''Do thứ'' mà không là ''Ré'' hay ''Mi thứ'' ? Tại sao bài Ngày Ðó Chúng Mình lại thuộc âm thể ''Ré trưởng'' mà không phải là ''Mi giảm'' hay ''Si giảm'' ? Tại sao Con Ðường Cái Quan lại có toàn là âm thăng (dièse) và Mẹ Việt Nam toàn là âm giảm (bémol) ? Âm thể một nhạc phẩm của Phạm Duy không phải là một chuyện ngẫu nhiên hay một sự bốc đồng trong chốc lát, nó không phải được đặt ra nhắm làm khó khăn cho những kẻ trình bày bản nhạc. Nó là kết quả của một chọn lựa có lý do và khá rõ ràng, lắm khi lại tương ứng với một màu sắc đặc biệt mà nhạc sĩ muốn gây cho khúc điệu của mình. Âm thể và -- như chúng ta sẽ thấy ở đoạn sau -- hoà điệu đối với nhạc sĩ cũng giống như màu sắc đối với họa sĩ. Tình cảm của một nghệ sĩ vốn tinh vi, và sự phô diễn cảm tình ấy thường cũng tinh vi không kém. Người ta đã biết rằng Phạm Duy lúc trẻ từng theo học về hội họa ở trưởng Cao Ðẳng Mỹ thuật Há Nội, cho nên ông đã sớm biết tầm quan trọng của màu sắc trong một nhạc phẩm.